Đại dịch Coivd-19: Cuộc chiến chưa có hồi kết

18/09/2020 - 10:42 AM
Thống kê 6 tháng đầu năm 2020, thế giới ghi nhận hơn 10 triệu ca lây nhiễm và trên nửa triệu ca tử vong do virus SARS-CoV-2 (Covid-19), dịch bệnh được cho là có nguồn gốc từ một khu chợ ở thành phố Vũ Hán thuộc miền trung Trung Quốc khởi phát từ tháng 12 năm 2019. Riêng trong tháng 6, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 nghìn người trên khắp thế giới thiệt mạng vì Covid-19. Đặc biệt, làn sóng Covid thứ 2 đang diễn ra cho thấy, các quốc gia trên thế giới tuy đã nỗ lực cải thiện tình hình nhưng cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu của sự kết thúc.
 
Đại dịch Covid được ví như 1 trận đại hồng thủy đổ bộ vào 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, để lại những thiệt hại lớn với mối nguy về một cuộc đại suy thoái mà mỗi quốc gia đều phải gồng mình chống đỡ. Con số cụ thể ghi nhận từ thống kê của Worldometers.info cho thấy, tính đến 9h ngày 01/7/2020, toàn thế giới có gần 10,6 triệu người mắc bệnh, trong đó có 513.148 người đã tử vong vì Covid-19 kể từ khi dịch bệnh này bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc. Dấu mốc này được xác định nhằm đánh giá tình trạng dịch bệnh của thế giới trong nửa đầu năm 2020. Thế giới đã dành cho dịch Covid-19 cái tên làn sóng Covid để thể hiện sức tấn công mạnh mẽ của dịch bệnh này, thậm chí có lúc dịch bệnh còn được gọi với tên sóng thần Covid, cho thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp của nó đối với thế giới và một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng.
 
Đại dịch Coivd-19 Cuộc chiến chưa có hồi kết
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Không may mắn như Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải đứng trước những khó khăn nhất định trong việc ngăn chặn tình trạng lây nhiễm cộng đồng, đặc biệt là cơn lốc tái bùng phát dịch bệnh khiến việc kiểm soát dịch bệch Covid-19 gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Chỉ trong nửa đầu tháng 7, nhiều kỷ lục mới về số lượng người mắc Covid-19 được ghi nhận trên thế giới, nhiều quốc gia bất kể là nền kinh tế lớn hay nhỏ đều rơi vào tình trạng chật vật đối phó. Trong mọi nỗ lực cứu vãn tình hình, nhiều quốc gia đã thực hiện phong tỏa, cấm biên để ngăn chặn làn sóng Covid-19 từ bên ngoài xâm nhập, nhưng trong nước, việc kiểm soát tình trạng lây lan cũng không phải là điều dễ dàng, điển hình như tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ và rất nhiều quốc gia khác số bệnh nhân tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt…
 
Theo Reuters, kể từ khi các ca bệnh COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, mất 3 tháng để số ca nhiễm trên toàn cầu lên tới 1 triệu. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tháng 7, chỉ mất khoảng 5 ngày để số ca nhiễm toàn cầu tăng từ 12 triệu lên 13 triệu. Tính từ đầu tháng đến giữa tháng 7, số người nhiễm bệnh đã tiến đến con số 13,4 triệu ca, trong đó ghi nhận 581,1 nghìn trường hợp tử vong vì Covid-19 (số liệu tính đến 9h ngày 15/7/2020 của trang thống kê Worldometer.info), một mức tăng được cho là có tốc độ nhanh chưa từng có trong những tháng trước đó kể từ khi dịch bệnh khởi phát khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ phải áp đặt lại các biện pháp phong tỏa. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ ra trong số 230 nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 12-7, có 80% số ca nhiễm đến từ 10 quốc gia. Nghiêm trọng hơn, 50% số ca nhiễm đó đến từ hai quốc gia là Mỹ và Brazil - hai nước có số ca nhiễm cao nhất nhì thế giới.
 
Tại Mỹ, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, với số dân trên 331 triệu người đang là tâm chấn của đại dịch dù dịch bùng phát mới chỉ mạnh từ nửa cuối tháng 3 đến nay. Theo Worldometer.info, tại thời điểm 6h sáng ngày 01/7/2020, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19, với trên 2,7 triệu ca nhiễm bệnh trong đó có trên 130 nghìn ca tử vong. Đồng thời Mỹ cũng xác lập dấu mốc trên 50 nghìn ca nhiễm trong ngày đầu tiên của tháng 7. Các bang New York, California, Florida, Texas, New Jersey, Illinois, Arizona, Georgia, Massachusetts là những bang có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất với con số lên tới hàng trăm nghìn ca lây nhiễm. Kỷ lục về số ca nhiễm trong ngày của Mỹ cũng nhanh chóng bị phá vỡ, khi hãng tin Reuters xác nhận con số gần 69 nghìn ca nhiễm trong ngày 10/7. Trong vòng nửa đầu tháng 7, số ca lây nhiễm của Mỹ đã tăng lên ngưỡng 3,5 triệu ca và có thêm hơn 9 nghìn người phải bỏ mạng, riêng trong ngày 14/7, tại Mỹ có 935 nguời tử vong. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 bùng phát mạnh được cho là từ khi các bang của Mỹ dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5 mà không thực hiện các biện pháp phòng ngừa y tế nghiêm ngặt. Đặc biệt là khi các quán bar, nhà hàng được mở của trở lại cũng như việc thực hiện tổ chức các sự kiện kỷ niệm tại các địa điểm lớn trong khi những địa điểm này được coi là một trong những nguồn lây nhiễm lớn. Thậm chí các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu trong chính phủ Mỹ đã đưa ra cảnh báo rằng con số có thể sớm tăng lên 100 nghìn trường hợp mỗi ngày nếu người dân toàn nước Mỹ không cùng nhau thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus, như đeo mặt nạ, khẩu trang khi không thể thực hiện giãn cách xã hội. Do lo ngại việc mất kiểm soát, các bang của Mỹ đã tạm hoãn kế hoạch mở cửa kinh tế; bang California cũng đã ra lệnh đóng cửa các quán bar và nhà hàng, rạp chiếu phim, vườn thú và bảo tàng trên khắp tiểu bang đông dân nhất nước này.
 
Trước Mỹ, Brazil đã từng dẫn đầu về tốc độ lây nhiễm khi là quốc gia đầu tiên cán mốc 50 nghìn ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày. Giữa tháng 5, Brazil là vùng dịch lớn thứ 6 trên thế giới nhưng đã nhanh chóng vụt lên vị trí thứ 2 chỉ sau đó 10 ngày với 370 nghìn ca nhiễm, trong đó có hơn 23 nghìn người tử vong trên toàn quốc. Sau 40 ngày tính đến 9h ngày 15/7/2020, nền kinh tế đứng đầu châu Mỹ Latinh này vẫn giữ vị trí thứ 2 nhưng số người nhiễm Covid-19 đã tăng gấp nhiều lần với trên 1,9 triệu người, trong đó có trên 74,2 nghìn người đã tử vong. Riêng trong ngày 14/7, Worldometer.info đã đưa ra con số thống kê 1.341 trường hợp tử vong vì Covid-19 tại Brazil, gấp đôi số ca tử vong ngày hôm trước và là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ ngày 24/6. Các khu dân cư nghèo và đông đúc là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hệ thống y tế công của nước này cũng quá tải và do không đủ khả năng tới cơ sở tư nhân, nhiều người dân chỉ tới gặp bác sĩ khi bệnh đã quá nặng. Virus SARS-CoV-2 thậm chí đã len lỏi tới nhiều thị trấn, bộ tộc xa xôi hẻo lánh ở Brazil.
 
Nguyên nhân dẫn đến làn sóng Covid-19 bủa vây Brazil là do quốc gia này đã không quán triệt thưc hiện các biện pháp phòng tránh y tế cần thiết, các hoạt động, địa điểm đông người vẫn diễn ra khi chưa kiểm soát hết nguồn lây trong cộng đồng và bất chấp sự bùng phát mạnh của dịch bệnh. Điều này cũng xuất phát từ những mâu thuẫn nội bộ khi quan điểm của các nhà cầm quyền ở các cấp lớn nhỏ không đạt được sự thống nhất trong công tác phòng chống đại dịch. Điều đáng nói là, cuộc khủng hoảng do Covid-19 hiện nay Brazil đang phải đối mặt hoàn toàn trái ngược với các ghi nhận về các biện pháp phản ứng đột phá và nhanh nhẹn trước những thách thức y tế vốn từng khiến Brazil trở thành điển hình quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh trong nhiều thập kỷ qua.
 
Anh là một trong số những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19 với gần 45 nghìn người tử vong trong tổng số 291,3 ca mắc tại thời điểm 15/7/2020. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Y học của Anh đã đưa ra kịch bản xấu nhất về tình hình dịch bệnh của quốc gia này, trong đó cảnh báo Anh có thể sẽ ghi nhận cả trăm nghìn ca tử vong khi làn sóng dịch lần thứ 2 có thể ập đến trong giai đoạn từ tháng 9 năm nay đến tháng 6 năm tới. Chính phủ Anh cũng rất nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch trong đó có có bằng chứng về việc đeo khẩu trang giúp bảo vệ mỗi người dân và những người xung quanh khỏi nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu trong đó có Pháp cũng tiến hành các biện pháp bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng nhằm kiểm soát tình trạng lây lan. Một số quốc gia tiến hành thực hiện song song nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa khôi phục nền kinh tế trong tình hình mới.
 
Tại châu Á, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới với 1,38 tỷ người đang đứng vị trí thứ 3 về số ca nhiễm bệnh tính đến thời điểm 9h sáng ngày 15/7/2020 là 937,4 nghìn ca nhiễm, trong đó có 24,3 nghìn ca tử vong. Để đối phó với dịch bệnh, từ cuối tháng 3/2020, Ấn Độ đã áp đặt một trong những lệnh phong tỏa được coi là nghiêm ngặt nhất thế giới. Nhưng sau đó, để hạn chế bớt tác động của đại dịch đến nền kinh tế, Ấn Độ đã nới lỏng dần các biện pháp hạn chế khiến cho số ca lây nhiễm mới và số người tử vong không ngừng tăng lên. Trước tình hình đó, một số bang và thành phố tại quốc gia này đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa, trong đó có thành phố Bangalore - trung tâm công nghệ của Ấn Độ, các bang Uttar Pradesh, Tamil Nadu, Asam cũng tăng cường các biện pháp hạn chế mới. Ấn Độ thực sự rơi vào khó khăn khi phải đối phó với thảm họa kép dịch bệnh và thiên tai mưa lũ cùng lúc.
 
Trong khi đó, thế giới cũng ghi nhận kết quả chống dịch tại một số quốc gia mà ngay từ đầu đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm. Tại thời điểm 01/7/2020, Việt Nam có 355 ca mắc, không có ca tử vong; đứng thứ 156/215 quốc gia và vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; thứ 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng được kiểm soát tích cực đã khiến Việt Nam trở thành hình mẫu về mô hình chống dịch hiệu quả, được WHO, nhiều quốc gia, tổ chức và truyền thông thế giới đề cao, ca ngợi nhờ tinh thần đoàn kết, toàn dân chấp hành, tin tưởng thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch Chính phủ đề ra.
 
Điều đáng lo ngại là trong khi việc kiểm soát số lượng ca nhiễm và tử vong ở nhiều quốc gia tăng lên mỗi ngày còn đang gặp nhiều khó khăn, thế giới vẫn chưa tìm được một phác đồ chính thức hay loại thuốc nào đem lại hiệu quả cao nhất và triệt để để điều trị căn bệnh viêm đường hô hấp so SARS-CoV-2 này. Phương án chung hầu như nằm trong những cố gắng điều trị cắt giảm từng triệu chứng cụ thể do virus gây ra.
Phương án sử dụng huyết tương của người bệnh nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu, các chuyên gia y tế trên thế giới ứng dụng vào các liệu pháp điều trị. Tại một số nơi như Mỹ, Quatar… các chuyên gia y tế đã ghi nhận việc sử dụng huyết tương của những bệnh nhân khỏi Covid-19 để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng đã giúp họ có khả năng ổn định hoặc giảm lượng oxy hỗ trợ.
 
Cho đến giữa tháng 7, các chuyên gia y tế đã cho thấy sự lạc quan về việc sử dụng Remdesivir, một loại thuốc kháng virus được phát triển bởi Công ty dược phẩm Gilead Science có trụ sở tại California, Mỹ. Các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt đã chứng minh Remdesivir có thể làm giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân Covid-19 khoảng một phần ba…; đây cũng là loại thuốc chống Covid-19 đầu tiên được Ủy ban châu Âu (EC) cấp phép sử dụng.
 
Điều đáng lo ngại là, mặc dù đã có những tín hiệu khả quan trong điều trị song cuộc chiến giữa loài người với Covid 19 vẫn chưa phân thắng bại. Bên cạnh cuộc khủng hoảng toàn cầu, đại dịch Covid-19 còn để lại hậu quả về mỗi đe dọa suy thoái kinh tế, bất ổn xã hội và mối lo an ninh lương thực khiến nạn đói có thể xảy ra. Thế giới đang trông chờ vào việc thử nghiệm và chế tạo thành công vaccine để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch hoàn toàn. Tuy nhiên, kể cả khi vaccine được thử nghiệm thành công và đưa vào sản xuất, việc đáp ứng đủ, đóng gói, vận chuyển hàng tỷ liều vaccine cho công dân toàn cầu cùng lúc là điều không hề đơn giản. Nếu thành công, đây có thể coi là kỳ tích sản xuất y tế lớn nhất trong lịch sử loài người. Bên cạnh đó, thế giới cũng cần chuẩn bị đối mặt với hậu cảnh thu dọn chất thải tiềm tàng sau đại dịch.
 
Đến thời điểm hiện tại có thể nói, thế giới cần xác định việc xóa sổ đại dịch Covid-19 sẽ là một cuộc chiến dài hơi, do đó mỗi quốc gia cần phải có phương án lâu dài, chuẩn bị nguồn lực, chính sách đối phó toàn diện với dịch bệnh và các vấn đề liên quan. Để khống chế đại dịch, việc kiểm soát tình trạng lây nhiễm thuộc về trách nhiệm của mỗi quốc gia và để loại bỏ đại dịch hoàn toàn, thế giới cần sự chung tay chia sẻ các phương thức điều trị Covid-19, chia sẻ công bằng vacine đến từng cá nhân của từng quốc gia nhằm tránh những nguy cơ bùng phát làn sóng tái lây nhiễm ra cộng đồng./.

 
ThS. Phạm Thị Mỹ Nhung
Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top