Hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long Thực trạng và giải pháp

17/04/2020 - 10:33 AM

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất trù phú chiếm tới 90% sản lượng lúa gạo, 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống và sản xuất của người dân ĐBSCL.

Thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng chảy qua Myamar, Lào, Thái Lan, Campuchia và chia làm hai nhánh khi đổ vào Việt Nam (Sông Tiền và Sông Hậu). Sông Mekong có chiều dài 4.909 km là con sông dài thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 10 về tổng lượng dòng chảy (hàng năm đạt khoảng 475 tỷ m3, lưu lượng trung bình khoảng 15,000 m³/s).
 

Hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long  Thực trạng và giải pháp
                                                                    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

ĐBSCL là phần hạ du của lưu vực sông Mekong. Cuộc sống của trên 22 triệu người dân ĐBSCL phụ thuộc vào chế độ dòng chảy của Sông Tiền và Sông Hậu. Tài nguyên nước ở ĐBSCL dồi dào nhưng phân bố không đều theo mùa, vào mùa khô lưu lượng bình quân khoảng 2.500m3/s có những thời điểm thấp hơn 1,500m3/s. Ngoài ra, ĐBSCL chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thủy triều theo ba hướng (biển Đông, biển Tây và vùng giáp biển Đông và Tây) thông qua hệ thống sông rạch chằng chịt của đồng bằng.

Từ nhiều năm nay, các nước thượng nguồn sông Mekong có kế hoạch tăng cường cho sản xuất nông nghiệp, thủy điện và các hoạt động kinh tế khác nên dẫn tới sự suy giảm lưu lượng nước từ thượng nguồn và thiếu nước vào mùa khô. Ngoài ra, dưới tác động của biến đổi khí hậu mực nước biển ngày càng dâng cao, nhiệt độ tăng, khai thác nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển đang làm tăng nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL.

Lượng nước ngọt từ thượng lưu chảy về có tác dụng pha loãng nước mặn và đẩy lùi mặn ra phía cửa sông. Vì vậy, những năm mặn xâm nhập sâu vào trong hệ thống sông, kênh rạch nội đồng ở ĐBSCL là những năm lượng nước sông Mekong chảy vào ĐBSCL giảm đáng kể. Hiện lượng nước ngọt sông Mekong chảy vào ĐBSCL thường nhỏ nhất vào tháng 3 hay tháng 4, nên độ mặn lớn nhất cũng thường xuất hiện vào giai đoạn này.

Nếu như đợt hạn mặn năm 2015-2016 được xem là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới lặp lại thì đợt hạn mặn năm 2019 -2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập. Mùa khô năm 2019-2020, hạn mặn bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 12/2019, sớm hơn gần 1 tháng so với mùa khô của năm 2015-2016 và sớm hơn 3 tháng so với trung bình các năm. Theo các chuyên gia của Viện khoa học thủy lợi miền Nam, so với đợt hạn hán và xâm nhập mặn năm 2015-2016 thì hạn hán và xâm nhập mặn năm 2019-2020 nghiêm trọng và gay gắt hơn nhiều. Cụ thể, đến nay, hạn mặn năm 2019-2020 đã kéo dài được gần 2/3 mùa khô nhưng vẫn chưa có được một đợt sả nước tăng cường đáng kể từ thượng lưu, do đó tình trạng hạn mặn vẫn duy trì ở mức cao trong các sông và kênh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thời gian lấy nước ngọt của vùng ĐBSCL sẽ ngắn hơn so với năm 2015-2016. Nếu năm 2016, vào lúc cao điểm vùng cách biển 25km vẫn có thể lấy được nước ngọt thì năm nay vùng lấy nước ngọt phải từ 40 km trở vào. Cá biệt trên sông Hàm Luông cách biển đến 75km vẫn chưa lấy được nước ngọt. Hiện, trên sông Vàm Cỏ nước có độ mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 100km; trên sông Hậu, sông Cổ Chiên vào sâu gần 70km; trên các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cái Lớn vào sâu gần 60km. Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông này đã vào sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3 - 11km.

Hiện 5 tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán và xâm nhập mặn. Các địa phương đã rút kinh nghiệm từ những đợt hạn, mặn trước đây nhưng vẫn không tránh được thiệt hại. Đến thời điểm này, thiệt hại được giảm thiểu đến mức tối đa. Theo thống kê của Cục Trồng trọt văn phòng phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 20/3/2020, Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng ĐBSCL xuống giống được 1.538.270 ha/1.550.000 ha, đạt 99,24% kế hoạch xuống giống toàn vùng. Vụ lúa Hè Thu cũng đã xuống giống được 303.189ha/ 1.562.340ha. Tổng diện tích lúa vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do hạn mặn làm thiệt hại năng suất là 41.207 ha; trong đó vụ Thu Đông, Mùa và lúa Tôm là 16.959 ha; lúa Đông Xuân 2019-2020 là 39.066 ha, trong đó, diện tích bị thiệt hại ngoài kế hoạch khuyến cáo xuống giống của Cục Trồng trọt và các tỉnh là 11.850 ha (Bến Tre 5.287 ha; Kiên Giang 2.844 ha; Sóc Trăng 3.719 ha), diện tích còn lại xuống giống trong kế hoạch bị thiệt hại là 27.216 ha.

Về thiệt hại trên các loại cây trồng khác tính đến ngày 20/3/2020, tỉnh Sóc Trăng đã có 12,2 ha cây ăn trái bị thiệt hại, giảm năng suất, trong đó tại huyện Kế Sách có 0,98 ha cây ăn trái bị thiệt hại trên 70%; 6,52 ha cây ăn trái bị thiệt hại từ 30-70% và huyện Châu Thành có 4,7 ha bị thiệt hại dưới 30% (chủ yếu là cây bưởi, cam, sầu riêng, đu đủ, mít). Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng còn có 44 ha rau màu bị thiệt hại, trong đó có 20,6 ha mất trắng ở huyên Châu Thành và 2 ha ở huyện Kế Sách; 21 ha bị thiệt hại từ 30-70% (gồm: 17 ha ở huyên Châu Thành và 4 ha ở Kế Sách) tại huyện Trần Văn Thời. Tỉnh Cà Mau có 22,25ha rau màu bị thiệt hại, trong đó có 3,6 ha bị thiệt hại trên 70% và 19 ha bị thiệt hại từ 30-70%. Tỉnh Trà Vinh tại huyện Tiểu Cần có 1,2 ha rau màu bị thiệt hại trên 70%. Bến Tre có 25 ha rau màu bị thiệt hại từ 30-70% và 0,2 ha cây ăn trái bị thiệt hại trên 70%.

Để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, các dự án điều tiết nước đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả. Từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020 đã có 5 dự án đưa vào vận hành tạm thời như: Cống Âu Ninh Quới (hệ thống thủy lợi Quản Lộ-Phụng Hiệp); Trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1; Nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu... Các công trình này đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83 nghìn ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn cho 300 nghìn ha.

Bên cạnh đó, xuống giống vụ Đông Xuân năm 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm trước từ 10 đến 20 ngày để đảm bảo tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao; chuyển đổi 50 nghìn ha diện tích cây trồng trên đất lúa có hạn mặn. Tiến hành khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng.

Trong thời gian tới, các chuyên gia dự báo, sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn hạn mặn có khả năng duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4 trong đó đỉnh mặn rơi vào đầu tháng 4. Còn trên sông Cửu Long đã qua thời điểm đỉnh mặn và từ tháng 3 trở đi mặn sẽ giảm dần tuy theo mức độ phụ thuộc vào lượng nước thượng nguồn. Trường hợp thượng nguồn không có mưa hoặc không có nước từ các hồ chứa nước thủy điện xả về như mọi năm thì hạn hán và xâm nhập mặn sẽ còn kéo dài đến tháng 4.

Giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn, thay đổi thất thường. Để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới vùng ĐBSCL cần tập trung vào các giải pháp như:

Một  là,  các  tỉnh  ĐBSCL  theo  dõi  sát  tình  hình,  cập  nhật  hàng  ngày  diễn  biến  thời  tiết,  nguồn  nước  ở thượng nguồn sông Mekong; tổ chức đo đạc, theo dõi độ mặn ở các vùng cửa sông, cửa lấy nước vào công trình thủy lợi, trong công trình thủy lợi để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện lấy nước phù hợp; nạo vét hệ thống kênh mương tăng khả năng trữ ngọt vào mùa khô; duy tu, nâng cấp hệ thống cống, bọng để chủ động khắc phục, hạn chế rò rỉ, xâm nhập mặn; xây dựng đập thép, trạm bơm... tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc điều tiết, sử dụng nước phù hợp cho cây trồng.

Hai là, đẩy nhanh các công trình điều tiết nước, đảm bảo nước cho phát triển; đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm để xây dựng các công trình khai thác lâu dài; tiếp tục thử nghiệm mô hình xây dựng nhà máy nước khai thác kết hợp giữa nước mặt, nước ngầm để xem xét nhân rộng nhằm chủ động ứng phó với tình trạng hạn mặn ở vùng ÐBSCL.

Ba là, tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn kịp thời, hiệu quả kể cả trước mắt và lâu dài.

Bốn là, thực hiện Nghị quyết 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thich ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo “3 chuyển dịch”: Dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa; tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, hạ tầng thủy lợi, giao thông.

        Năm là, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các nước thượng nguồn sông Mekong thu thập thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ dự báo xâm nhập mặn; đề xuất tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho ĐBSCL trong trường hợp cần thiết.

Sáu là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư./.

Ngân An


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top