Nông nghiệp Việt Nam năm 2022 - Những điểm sáng nổi bật

29/12/2022 - 04:50 PM
Năm 2022, bất chấp mọi khó khăn do ảnh hưởng của hậu dịch Covid-19, xung đột Nga và Ukraina làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu; nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất như xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn,… nhưng sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt khá. Kết quả hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định

 Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính năm 2022 tăng 3,36% so với năm 2021, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27% điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 6,13% do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Ngành trồng trọt: Tiếp tục triển khai nhiều mô hình trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có  hiệu quả kinh tế hơn. Năm 2022, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có tốc độ tăng trưởng khá như: Sản lượng lúa chất lượng cao ước tính tăng khoảng 4,7% so với năm 2021; cà phê đạt 1.896,8 nghìn tấn, tăng 51,8 nghìn tấn (tăng 2,8%); cao su đạt 1.291,5 nghìn tấn, tăng 19,6 nghìn tấn (tăng 1,5%); sầu riêng đạt 849,1 nghìn tấn, tăng 174,7 nghìn tấn (tăng 25%); mít đạt 845,3 nghìn tấn, tăng 119,5 nghìn tấn (tăng 16%); cam đạt 1,7 triệu tấn, tăng 129,8 nghìn tấn (tăng 8,2%).

Trong chăn nuôi: Nhờ chuyển đổi tổ chức sản xuất, đầu tư trang trại hiện đại, giống năng suất cao nên năng suất và chi phí sản xuất chăn nuôi được cải thiện đáng kể. Ngành chăn nuôi có những bước chuyển đổi mạnh mẽ từ số lượng sang chất lượng, từ nông hộ quy mô nhỏ sang chăn nuôi gia trại, trang trại theo hình thức công nghiệp quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; khuyến khích chăn nuôi theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn để kiểm soát dịch bệnh; chế biến sâu và phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi công nghiệp. Đồng thời, chú trọng chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng để liên kết doanh nghiệp với các hộ chăn nuôi và tổ chức sản xuất nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Theo kết quả điều tra thời điểm 1/10/2022, số hộ chăn nuôi lợn trên phạm vi cả nước quy mô từ 30 con trở lên đạt khoảng hơn 70 nghìn hộ, tăng 3,26% so với thời điểm 01/01/2022.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định. Đàn bò ước tính tăng 3,1% so với năm 2021; đàn trâu ước tính giảm 2%; đàn lợn ước tính tăng 11,4%; đàn gia cầm ước tính tăng 4,8%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính đạt 122,8 nghìn tấn, tăng 1,6% so với năm 2021; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 474,3 nghìn tấn, tăng 3,5%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 4.425,1 nghìn tấn, tăng 5,9%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 2.028,4 nghìn tấn, tăng 4,5%.

Để đạt được những kết quả như trên, ngành chăn nuôi đã tập trung triển khai chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tiếp tục xác định cơ cấu vật nuôi và thứ tự ưu tiên; phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn đã phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi lợn, gia cầm. Các mô hình chăn nuôi công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến tập trung, công nghiệp và phân phối sản phẩm được nhân rộng; thực hiện chuyển giao nhanh cho sản xuất các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ về giống, thức ăn, quản lý, môi trường; phổ biến và nhân rộng các mô hình liên kết trong sản xuất và các chuỗi sản xuất khép kín đang có hiệu quả; hỗ trợ và khuyến khích việc đầu tư các vùng, địa bàn chăn nuôi sạch, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản xuất lâm nghiệp hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững cộng với chủ trương cơ cấu lại lâm nghiệp đã được thực hiện hiệu quả, rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn, rừng trồng chuyển theo hướng đa chức năng và phát triển trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ, năng suất, chất lượng và giá trị từng loại rừng đã được nâng cao; độ che phủ rừng liên tục tăng và hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao. Diện tích rừng trồng mới tập trung năm 2022 ước tính đạt 300,1 nghìn ha, tăng 3,4% so với năm 2021; sản lượng gỗ khai thác đạt 19, 7 triệu ste, tăng 7,2%.

Trọng tâm của ngành thủy sản trong năm qua vẫn là phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản kết hợp với khai thác, hỗ trợ ngư dân. Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hệ thống cảng cá khai thác thủy sản và neo đậu tránh bão cho tàu cá khai thác thủy sản tiếp tục được quan tâm. Khai thác thủy sản biển đang giảm dần hoạt động khai thác ven bờ, kém hiệu quả nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản biển. Với mục tiêu phát triển thuỷ sản toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, gia tăng giá trị và bền vững, năm 2022, ngành thủy sản đã có những đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Sản lượng thủy sản ước tính đạt 9.026,3 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm 2021, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 5.163,7 nghìn tấn, tăng 6,3%; sản lượng khai thác ước tính đạt 3.862,6 nghìn tấn, giảm 1,8%.

Nuôi trồng thủy sản chuyển dịch rõ rệt theo hướng tăng các sản phẩm có khả năng xuất khẩu hoặc có giá trị kinh tế cao như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Năm 2022, sản lượng cá tra ước tính đạt 1.607,9 nghìn tấn, tăng 10,2% so với năm 2021; sản lượng tôm ước đạt 1.080,6 nghìn tấn, tăng 8,5%. Hiện nay các tỉnh có sản lượng cá tra lớn nhất là Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre.

Đạt được những kết quả này, ngành Nông nghiệp đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tạo bước đột phá mạnh mẽ với sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất.

Tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển biến rõ rệt

Ngành trồng trọt tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành, chuyển đổi theo kế hoạch diện tích đất lúa kém hiệu quả và chủ động chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa hằng năm không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được nhân rộng, phát triển. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã rút ngắn được quá trình sản xuất, giảm chi phí trung gian, nâng cao chất lượng và tăng giá thành sản phẩm.

Sản lượng sản phẩm chất lượng cao tiếp tục nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu của nhóm sản phẩm. Một số sản phẩm chủ yếu như thóc chất lượng cao, thóc nếp tăng tỷ trọng trong nhóm thóc từ 23% năm 2020 lên 28,6% năm 2022; xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc tăng từ 56,8% lên 58,1%; chôm chôm Thái, chôm chôm đường tăng từ 22,2% lên 32,6%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giá trị kinh tế cao cũng được nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành như: Hoa từ chiếm 3,2% ngành trồng trọt năm 2020 đã tăng lên 3,6% vào năm 2022; cây ăn quả từ 14,9% lên 16,9%; tôm thẻ chân trắng chiếm 15,4% năm 2020 lên 18,7% năm 2022 tổng giá trị thủy sản.

Cơ cấu giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự dịch chuyển, tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng giảm xuống, tỷ trọng giá trị sản phẩm chăn nuôi tăng lên và thủy sản giữ ổn định. Năm 2022, tỷ trọng sản phẩm trồng trọt giảm 1,3 điểm phần trăm so với năm 2020 (từ 49,1% năm 2020 xuống 47,1% năm 2022). Nguyên nhân chủ yếu do giảm tỷ trọng giá trị sản phẩm lúa từ 17,1% xuống 15,9%. Đây là hiệu quả của chính sách giảm diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản. Tỷ trọng sản phẩm cây lâu năm năm 2022 tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2020, nuôi trồng thủy sản nội địa tăng 0,7 điểm phần trăm. Giá trị sản phẩm chăn nuôi tăng từ 21,6% năm 2020 lên 22,9% năm 2022, trong khi đó giá trị sản phẩm thủy sản luôn giữ ở mức ổn định 23,5%, tuy nhiên nuôi trồng thủy sản tăng từ 15% lên 15,6%.

Hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích không ngừng tăng lên qua các năm

Năm 2016, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt đạt 85,4 triệu đồng/ha tăng lên 102,8 triệu đồng/ha năm 2020; 103,6 triệu đồng/ha năm 2021 và đạt 104,8 triệu đồng/ha năm 2022 (tăng 1,2% so với năm 2021).

Hiệu quả sản xuất tăng cao ở những vùng chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang nuôi trồng thủy sản, phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình kết hợp lúa - cá, nhân rộng mô hình ao nổi nhằm tăng sản lượng thủy sản. Cơ cấu giống nuôi thủy sản thay đổi theo hướng giảm tỷ lệ giống nuôi truyền thống, tăng giống nuôi chất lượng cao tăng giá trị kinh tế và xuất khẩu. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản từ 184,3 triệu đồng/ha năm 2016 lên 237,3 triệu đồng/ha năm 2020, 241,2 triệu đồng/ha năm 2021 và 247,5 triệu đồng/ha năm 2022 (tăng 2,6% so với năm 2021).

Xuất khẩu nông sản đạt nhiều kỉ lục mới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu

Không chỉ gặt hái thành công trong sản xuất nông nghiệp mà xuất khẩu nông sản Việt Nam còn đạt nhiều dấu ấn ấn tượng. Chất lượng nhiều sản phẩm chủ lực không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài, chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Ôt-xtrây-lia, Niu-di-lân, Hàn Quốc ...

Kim ngạch xuất khẩu nông sản, lâm sản năm 2022 ước tính đạt 24,73 tỷ USD, chiếm 6,7% cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tăng 3,9% so với năm trước. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước, như: Cà phê 3,9 tỷ USD (tăng 28,3% so với năm 2021); cao su 3,3 tỷ USD (tăng 1,1%); gạo 3,5 tỷ USD (tăng 7%); hồ tiêu 963 triệu USD (tăng 2,7%); sắn và sản phẩm sắn 1,4 tỷ USD (tăng 17,1%). Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên đạt mốc 10,9 tỷ USD, chiếm 2,9% cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tăng 23,1% so với năm 2021; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,9 tỷ USD, tăng 7,1%. Đây là 2 trong 8 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 10 tỷ USD trong năm 2022.

Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Á vẫn đứng vị trí số 1 với gần 45% thị phần, châu Mỹ chiếm 27% thị phần và châu Âu chiếm 11% thị phần. Năm 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD. Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ khoảng 6,2 tỷ USD; thứ 3 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD; thứ 4 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD.

Kết quả xuất khẩu ấn tượng trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều khó khăn là nhờ các ngành chức năng đã nỗ lực cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ nông sản. Năng lực sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của hơn 99,6 triệu dân Việt Nam mà còn khẳng định vị trí quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Việc tự chủ sản xuất nông nghiệp đã giúp Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững đất nước và có những đóng góp rất quan trọng vào các nỗ lực chung trong giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

Mặc dù đạt được nhiều thành tích nổi bật nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu.

Để nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, có một số nhiệm vụ và giải pháp cần được lưu ý:

- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tiếp tục chỉ đạo sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.

- Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn; từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

- Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng cường hợp tác quốc tế./.
 
Dương Mạnh Hùng
Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản - TCTK
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top