Suy thoái dân số tại một số quốc gia trên thế giới

15/04/2020 - 03:49 PM
Báo cáo Triển vọng Dân số thế giới 2019 của Liên hợp quốc cho biết dân số thế giới đang tiếp tục tăng và dự kiến đạt đến con số 9,7 tỷ người vào năm 2050. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng thế giới đang đối mặt với tình trạng suy thoái dân số do sự già hóa và tỷ lệ sinh ngày càng giảm dần dẫn đến sự mất cân bằng dân số và tình trạng thiếu hụt lao động. Đặc biệt, tại một số quốc gia suy thoái dân số đã và đang trở thành bài toán hóc búa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Dân số được coi là yếu tố đầu tiên cấu thành nên một quốc gia và có vai trò trọng yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Vào thế kỷ XX, các nhà khoa học đã từng quan ngại và cảnh báo về các nguy cơ có thể xảy ra với tình trạng bùng nổ dân số mà thế giới phải đối mặt. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, thay vì mối lo bùng nổ dân số, mối quan tâm của nhiều quốc gia lại chính là tình trạng suy thoái. Các vấn đề xoay quanh sự suy thoái dân số thường tập trung vào tình trạng dân số già hóa, giảm tỷ lệ sinh, lựa chọn giới tính khi sinh, di cư…

Già hóa dân số là tình trạng mà sự thay đổi phân bố dân số một nước theo hướng tăng cao tỷ lệ người cao tuổi. Điều này được phản ảnh qua việc tăng độ tuổi bình quân và độ tuổi trung vị của dân số, giảm tỷ lệ trẻ nhỏ, gia tăng tỷ lệ dân số trung niên. Hiện tượng này đã sớm diễn ra ở các nước có trình độ phát triển cao nhất do các chính sách phúc lợi, y tế, an sinh xã hội đảm bảo khiến tuổi thọ được kéo dài, nhưng đến nay lại có xu hướng tăng nhanh hơn ở các nước ít phát triển hoặc đang phát triển. Theo Viện Lão hóa Dân số Oxford, già hóa dân số có sự giảm thiểu đáng kể ở châu Âu và sẽ có những tác động lớn hơn trong tương lai ở các quốc gia châu Á. Báo cáo Triển vọng dân số thế giới 2019 cũng nhấn mạnh: Dân số thế giới đang già đi, với nhóm 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất; dự báo đến năm 2050, 1/6dân số thế giới sẽ trên 65 tuổi (khoảng 16%) và 1/4 dân số sống ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể từ 65 tuổi trở lên tức là cứ 4 người sống ở châu Âu và Bắc Mỹ thì có 1 người trên 65 tuổi. Cũng theo báo cáo, năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những người từ 65 tuổi trở lên có số lượng đông hơn trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới. Những người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên dự kiến có thể tăng gấp gần 3 lần, từ 143 triệu người năm 2019 lên 426 triệu người vào năm 2050.

Song hành và tác động đến sự già hóa dân số, góp phần làm suy thoái dân số là tình trạng giảm tỷ lệ sinh đáng kể ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu của các chuyên gia khi quan sát xu hướng tỷ lệ sinh ở hầu hết các quốc gia từ năm 1950 đến 2017 cho thấy, vào năm 1950, 1 người phụ nữ sinh trung bình 4,7 trẻ em trong cuộc đời họ; nhưng đến năm 2017, tỷ lệ này đã giảm khoảng một nửa xuống còn 2,4 trẻ em trên 1 phụ nữ. Tỷ lệ này cũng có sự khác biệt rất lớn tại các quốc gia: Với tỷ lệ sinh 7,1 trẻ, Niger là quốc gia có dân số trẻ với gần 50% dân số nước này nằm trong độ tuổi dưới 15 trở xuống, cao nhất thế giới. Ngược lại, tại đảo Síp, Đài Loan bình quân mỗi phụ nữ các nước này chỉ sinh 1 con; các nước có tỷ lệ thấp 1,2-1,3 trẻ có Hàn Quốc, Nga, Ba Lan, Moldove, Nhật Bản…; và tại nước Anh, tỷ lệ sinh là 1,7 trẻ, tương tự như nhiều nước Tây Âu khác (theo Global Burden of Disease, 2017), trong khi mức sinh tối thiểu để duy trì ổn định là 2,1 trẻ.

Ngoài ra, mất cân bằng giới tính cũng góp phần khiến dân số suy thoái do quan niệm trọng nam kinh nữ tại một số quốc gia vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng dẫn đến việc lựa chọn giới tính khi sinh và khiến cho nhiều trẻ em không được sinh ra. Đặc biệt tại một số quốc gia mà nạn phân biệt giới tính, cụ thể là trọng nam khinh nữ đã khiến cho tỷ lệ tử vong ở bé gái cao hơn các bé trai rất nhiều.

Các tác nhân gây ra suy thoái dân số không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tăng hay giảm về số lượng, chất lượng dân số mà còn hệ lụy đến mọi mặt kinh tế - xã hội của quốc gia đó, như: Chính sách phát triển, lực lượng lao động, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống xã hội… Do đó, bên cạnh việc tháo gỡ các vấn đề phát sinh do suy thoái dân số gây ra, các quốc gia này còn phải nỗ lực để đẩy lùi tình trạng suy thoái.

Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng từ nhiều năm trở lại đây, suy giảm dân số và già hóa dân số là cụm từ thường xuyên được nhắc khi nói đến quốc gia này và đã trở thành vấn đề đáng quan ngại với Chính phủ. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), số lượng trẻ em ở Nhật Bản đã giảm liên tiếp kể từ năm 1982 và hiện chỉ chiếm 12,1% do tỷ lệ sinh đã xuống thấp đến mức kỷ lục (1,3 trẻ em/phụ nữ sinh). Dân số nước này đã giảm xuống còn gần 124,8 triệu người (tính đến 1/1/2019), mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi việc thống kê dân số bắt đầu. Trong khi đó, số người già từ 65 tuổi tại Nhật Bản năm 2019 đã chiếm tới 28,4% dân số, mức cao nhất từ trước đến nay. Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, với tỷ lệ người già từ 65 tuổi trở lên dự báo chiếm khoảng 30% dân số nước này vào năm 2025 và 35,3% dân số vào năm 2040 (Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội quốc gia - Nhật Bản).

 
Suy thoái dân số tại một số quốc gia trên thế giới
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hệ lụy nhãn tiền có thể thấy do suy thoái dân số gây ra tại Nhật Bản là tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động sản xuất tại nhiều địa phương. Đáng chú ý là những người già có độ tuổi từ 65 trở lên vẫn tham gia lao động đã lên tới 8,62 triệu người, chiếm tới 12,9% lực lượng lao động của nước này, trong đó có 3,5 triệu phụ nữ. Hai ngành bán buôn, bán lẻ và nông nghiệp, ngư nghiệp thu hút sự tham gia của nhiều người lao động nhất. Dù vậy, Nhật Bản vẫn thiếu hàng triệu lao động tính đến năm 2030. Các vấn đề về dân số già đã đặt cho Chính phủ Nhật Bản gánh nặng đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc người già; đồng thời phải đưa ra hàng loạt các biện pháp như nới lỏng chính sách thị thực để thu hút thêm lao động nước ngoài. Về dài hạn, Nhật Bản đang nỗ lực triển khai các biện pháp khuyến khích sinh đẻ, cải thiện chăm sóc trẻ nhỏ, khuyến khích phụ nữ tham gia thị trường lao động; thậm chí cân nhắc nâng tuổi nghỉ hưu từ 65 tuổi hiện nay lên 70 hoặc 75 tuổi.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là nền kinh tế mới nổi lớn thứ tư tại châu Á với dân số trên 51 triệu người, đứng thứ 27 thế giới. Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề suy thoái dân số với những khuyến cáo đáng lo ngại. Nằm trong số những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, năm 2018, tỷ lệ sinh của phụ nữ Hàn Quốc đã tụt xuống mức thấp kỷ lục còn 0,98 trẻ; chưa bằng một nửa so với tổng tỷ suất sinh cần thiết để duy trì dân số thế giới là 2,1 trẻ trên 1 phụ nữ sinh. Hàn Quốc đứng cuối cùng trong số các nước thành viên thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tổng tỷ suất sinh. Từ năm 2017, dân số Hàn Quốc trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) bắt đầu suy giảm đáng kể. Trong khi đó, số người hết tuổi lao động từ 65 tuổi trở lên vẫn ngày càng tăng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp tại Hàn Quốc là do ngày càng nhiều phụ nữ tại quốc gia này lựa chọn xu hướng không kết hôn, không sinh con, thậm chí không hẹn hò do e ngại việc phải gánh vác hoàn toàn trách nhiệm chăm lo gia đình, chăm sóc con cái sau khi kết hôn dù vẫn phải đi làm hoặc phải chọn một trong hai, gia đình hoặc sự nghiệp. Cùng với đó là các vấn đề về nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí giáo dục cao… Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, khi chỉ có 5,5/1.000 người kết hôn, so với 9,2/1.000 người năm 1970 và số trẻ ngoài giá thú sinh ra cũng rất thấp. Trước tình trạng đó, Hàn Quốc có thể phải đối mặt với vòng luẩn quẩn do tỷ lệ sinh thấp, dân số giảm, nhu cầu trong nước không tăng trưởng, kinh tế bị thu hẹp, ít việc làm…

Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề suy thoái dân số, từ hơn chục năm trước, Chính phủ Hàn Quốc đã chi hàng nghìn tỷ won nhằm hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính cho những cặp vợ chồng có con cùng các khoản ưu đãi, trợ cấp chăm sóc trẻ em mỗi tháng cho các gia đình trẻ. Nhiều biện pháp mới đã được thực hiện như kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho người cha với mức đảm bảo 80% tiền lương… Tuy nhiên, đó vẫn là một bài toán dài hơi Hàn Quốc cần phải nỗ lực giải quyết nhiều năm nữa.

Nga

Tình trạng sụt giảm dân số đang là một trong những mối nguy đe dọa lớn đối với nước Nga. Theo số liệu của Liên hợp quốc, năm 2019, dân số nước Nga đạt khoảng 145,86 triệu người, với tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên được ghi nhận ở mức âm do số trẻ được sinh ra ít hơn số người chết gần 44,2 nghìn người và số người di cư cũng gia tăng (gần 106,4 nghìn). Cơ quan Thống kê Nga cũng chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm, dân số nước này lại sụt giảm 0,5% và nếu cứ tiếp nối đà giảm thì đến cuối thế kỷ XXI, dân số Nga chỉ còn lại một nửa. Trên thực tế, nước Nga đang phải chấp nhận thực tại không còn nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong số các công dân nước này, không tính những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ di cư đến Nga. Một trong các yếu tố tác động đến tình hình sụt giảm dân số người Nga là tỷ lệ nam giới tỷ vong ở nước này đang ngày càng cao và tình trạng lạm dụng rượu bia, ma túy được coi là nguyên nhân hàng đầu. Ngoài ra, nam giới nước này còn gặp phải vấn đề toàn cầu khác nữa là sự “suy giảm tinh trùng”. Theo Hiệp hội Y khoa Andrology, Mỹ, lượng tinh trùng ở nam giới phía Bắc nước Nga đã giảm trên 50% trong khoảng 40 năm qua và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai của họ. Thậm chí, chỉ số này về sức khỏe nam giới còn được đưa vào danh sách các tiêu chí để đánh giá chất lượng công việc của chính quyền khu vực, cũng như được đưa ra thảo luận tại một số cuộc họp của chính phủ và chỉ số. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, bất ổn chính trị đã khiến số người tử vong ở Nga chiếm tỷ lệ cao so với các quốc gia châu Âu.

Cũng như 2 quốc gia kể trên, Chính phủ Nga đã khẩn thiết thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn viễn cảnh dân số sụt giảm ngày càng tồi tệ trong tương lai. Các gia đình sinh con ngay từ đứa trẻ đầu tiên được Chính phủ hỗ trợ nguồn lực tối đa. Cùng với đó, Chính phủ triển khai dự luật mới đối với gia đình đông con nhằm kích thích tăng trưởng dân số như các khoản trợ cấp được tăng lên gấp nhiều lần đối với những đứa trẻ thứ 2, 3… được sinh ra.

Một số quốc gia Đông Âu

Các số liệu về dân số của Liên hợp quốc cho thấy, nhiều nước Đông Âu và một số nước thuộc Liên Xô cũ cũng đang đối mặt với nguy cơ cao vì dân số liên tục giảm. Dựa vào số liệu về tốc độ tăng dân số và tỷ lệ sinh thay thế của cơ sở dữ liệu Triển vọng dân số thế giới, Liên hợp quốc đã ước lượng và dự đoán sự biến động của dân số thế giới giai đoạn 2020-2100. Theo đó, dân số Ucraina đang ở ngưỡng 43,8 triệu dân tính đến ngày 31/12/2020, đồng thời trong năm 2019, số người chết tại Ucraina nhiều hơn số trẻ sinh ra 254,6 nghìn người nên tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên tại quốc gia này đang ở mức âm 0,58% so với năm trước. Cùng với tình trạng di dân ra khỏi đất nước đang có dấu hiệu tăng lên, Ucraina đang trên đà biến mất khi dự báo năm 2050 chỉ còn khoảng 40,7 triệu người và còn 37,6 triệu người vào năm 2100.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Moldova, Bulgaria, Litva, Croatia, Gruzia. Đặc biệt ở các quốc gia có dân số ít ỏi chưa tới 100 triệu người như: Dominica, Grenada, Quần đảo Marshall, Samoa (thuộc Hoa kỳ) sẽ có nguy cơ nhân khẩu học bị biến mất hoàn toàn nếu không kịp thời có các biện pháp khắc phục./.

 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top