10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

06/12/2019 - 03:31 PM
Năm 2009, để xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt và thúc đẩy sản xuất cho những sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu , hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước, Bộ Công Thương đã phát động cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong suốt 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người dân trong cả nước và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả Cuộc vận động trong những năm tiếp theo.
 
Một trong những hoạt động đầu tiên được Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp thực hiện trong quá trình triển khai Cuộc vận động là tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước, nhằm đẩy mạnh phát triển thương hiệu Việt. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Bộ Công Thương đã phê duyệt 946 đề án xúc tiến thương mại nội địa với tổng kinh phí gần 238 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào việc tổ chức hội chợ hàng Việt, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và đào tạo tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ. Các hội chợ, phiên chợ đã thu hút trên 32 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia với giá trị hợp đồng đạt hơn 340 tỷ đồng, doanh thu bán hàng tại hội chợ và các phiên chợ là hơn 1.422 tỷ đồng. Các hội chợ tại địa phương đã hỗ trợ tích cực giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ và tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước.

Đáng chú ý là các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo được tổ chức thường xuyên và trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng của Cuộc vận động, với quy mô trung bình 10-20 doanh nghiệp/phiên, doanh số bán hàng đạt 20-50 tỷ/phiên, không chỉ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tạo lập kênh phân phối, hệ thống bán lẻ ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn và thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia… mà còn tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa (gắn với Chương trình bình ổn thị trường). Theo thống kê, kể từ khi Cuộc vận động bắt đầu được triển khai, các đợt bán hàng Việt về nông thôn tăng lên cả về số lượng và quy mô, nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của nhiều tổ chức, doanh nghiệp như: Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty cổ phần Intimex, Công ty TNHH Ba Huân, Sài Gòn Satra...

 
10 năm thực hiện cuộc vận động
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Chương trình bình ổn thị trường cũng là một trong chuỗi những hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động được hầu hết các địa phương trên cả nước triển khai trong những năm gần đây. Hiện trên toàn quốc có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, có tỷ lệ hàng Việt lên tới gần 90%, chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu. Mô hình này đã góp phần phát triển hệ thống phân phối, giúp người dân tiếp cận được hàng Việt chất lượng bảo đảm, giá hợp lý, đặc biệt chú trọng cho các đối tượng có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp và khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối cung cầu được thực hiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân tìm kiếm, mở rộng thị trường và nâng cao vị thế, giá trị sản phẩm nội địa. Từ năm 2010, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng 02 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản (lúa, cá tra, dưa chuột bao tử…) và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp); bao gồm mô hình Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán. Không dừng lại ở việc triển khai mô hình, Bộ Công Thương đồng thời tổ chức kết nối doanh nghiệp tham gia mô hình với các siêu thị (CoopMart, Hapro, Intimex...), để tạo cầu nối tiêu thụ trực tiếp nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân.

Ngoài ra, Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương với sự đồng hành của không ít doanh 
nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức các tuần hàng, giúp nông sản Việt có thị trường tiêu thụ ổn định trên “sân nhà” và từng bước xây dựng thương hiệu. Có thể kể đến như Hội chợ đặc sản vùng miền Hà Nội tổ chức định kỳ hàng năm từ năm 2014 đến nay; Tuần lễ Cá sông Đà - Đặc sản tỉnh Hòa Bình, Sơn La quảng bá 12 loại cá đặc sản Sông Đà tại 15 siêu thị Big C khu vực miền Bắc; Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La với các sản phẩm nông sản an toàn đạt Chứng nhận VietGAP, GobalGAP (xoài, bơ sáp, thanh long ruột đỏ…) được bày bán cả trong và ngoài siêu thị; Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang… Các chương trình trên đã hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ một số mặt hàng đặc sản tại các vùng, miền, địa phương có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP)… tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các địa phương…
 
Tại các tỉnh, thành phố, hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, góp phần phát triển kinh tế thương mại địa phương còn được thực hiện khá phong phú với nhiều hình thức khác nhau. Theo báo cáo của 56 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 10 năm qua, các Sở Công Thương đã tổ chức được hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu các cấp, từ đó đẩy mạnh kết nối hàng hóa giữa các tỉnh thành, vùng, miền trong cả nước. Điển hình là thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện trên 80 cuộc giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp trên địa bàn với các doanh nghiệp hoạt động tại các tỉnh, thành phố khác; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 20 tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội nhằm quảng sản phẩm đến người tiêu dùng (Vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang, Vải thiều Thanh Hà - Hải Dương, Na Chi Lăng - Lạng Sơn, nông sản Lâm Đồng, Yên Bái...); kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm tại các thời điểm người nông dân đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thừa hay câu chuyện “được mùa mất giá” (Hành tím Sóc Trăng, Dưa hấu Quảng Nam, Củ cải Mê Linh, Khoai lang Gia Lai...); Hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa (chè, cà phê, gia vị, trái cây: chanh leo, thanh long, dừa, bơ…) vào các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon - Nhật, Central Group - Thái Lan, Lotte - Hàn Quốc, chợ đầu mối Rungis - Pháp...
 
Cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành phố tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ; hỗ trợ các địa phương phương thức đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar...

Có thể nói, hoạt động kết nối cung - cầu đã tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương tại thị trường trong nước.

Ngoài đẩy mạnh tiêu thụ hàng trong nước, các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp nội địa tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài cũng được thực hiện thông qua việc tổ chức tuần hàng trưng bày sản phẩm và kết nối với các chuỗi phân phối nước ngoài tại Nhật Bản, Thái Lan, Philippinnes, Pháp, Ý, Hoa Kỳ..., qua đó góp phần tăng giá trị xuất khẩu hàng Việt. Ví dụ như, tại Hệ thống siêu thị Big C (trước kia thuộc sự quản lý của Tập đoàn Casino - Pháp và nay thuộc Tập đoàn Central Group - Thái Lan), kim ngạch xuất khẩu hàng Việt có xu hướng tăng đều qua các năm với chủng loại tương đối phong phú cho hàng chục đối tác tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam qua hệ thống phân phối này là 21 triệu USD và đến năm 2016 và 2017 đều đạt trên 46 triệu USD.

Hay như Aeon (Nhật Bản) cũng là một trong những đối tác tích cực nhất trong việc xuất khẩu hàng Việt vào các hệ thống của Tập đoàn tại nước ngoài. Tính chung cả năm 2016, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản qua hệ thống của Tập đoàn này đạt tới 200 triệu USD, trong đó hàng may mặc chiếm 69%, thực phẩm 20% và đồ gia dụng là 11%. Năm 2018, con số này là khoảng 250 triệu USD.

Một điểm nhấn quan trọng trong quá trình thực hiện Cuộc vận động là Bộ Công Thương đã hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các đề án khuyến công hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng sản xuất trong nước như: Chú trọng đào tạo nghề, hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phát triển sản phẩm mới tại các địa bàn nông thôn... Trong giai đoạn 2009 - 2018, tổng kinh phí thực hiện công tác khuyến công của cả nước là trên 2.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện khoảng 800 tỷ đồng; kinh phí khuyến công địa phương thực hiện 1.200 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, lồng ghép vào trong các nội dung thực hiện cuộc vận động là các hoạt động tăng cường công tác cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt, cũng như có những hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp cả nước tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước.

Sau 10 năm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ liên tục tăng trưởng trong 10 năm qua. Nếu như năm 2008 (thời điểm trước khi thực hiện cuộc vận động), tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ của cả nước chỉ đạt 1007,2 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2018 là 4416,6 nghìn tỷ đồng (gấp 4 lần sau 10 năm). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng giảm mạnh từ mức lạm phát phi mã 22,97% của năm 2008 xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây, đặc biệt năm 2018 chỉ số CPI chỉ ở mức 3,54%. Cùng với đó, cán cân thương mại Việt Nam đổi chiều từ nhập siêu sang xuất siêu. Năm 2008, Việt Nam nhập siêu là 18 tỷ USD song đến năm 2018 đã xuất siêu gần 6,52 tỷ USD. Hơn nữa, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực, thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong những năm gần đây (năm 2016: 7,5%; năm 2017: 9,4%; năm 2018: 10,2%).

                   Biểu 1: Một số chỉ tiêu đạt khi thực hiện Cuộc vận động
10 năm thực hiện cuộc vận động
                                                                                                                                           Nguồn: Số liệu Tổng cục Thống kê
 
Báo cáo 10 năm thực hiện cuộc vận động của Ban Chỉ đạo Trung ương cũng cho biết, một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Điển hình là ngành dệt may có tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu chiếm khoảng 50%, ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%... Đáng lưu ý là tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước hiện duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Theo báo cáo năm 2018 của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%, cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), Auchan (65% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng)... Còn đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Có thể nói, qua 10 năm qua, thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động của nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng; nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam và đã vươn xa trên thị trường quốc tế.

Mặc dù trong thời gian tới, Cuộc vận động sẽ phải đối mặt với không ít thách thức như: Hạ tầng thương mại chưa phát triển; Kết nối cung cầu giữa các chủ thể về sản xuất kinh doanh còn chưa mạnh, nhất là kết nối hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, tại khu vực nông thôn và hệ thống phân phối hiện đại còn khó khăn; Sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu ngay tại thị trường sân nhà trong bối cảnh mở rộng thị trường quốc tế; Phương thức, thủ đoạn vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng trong khi chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe... Song, những kết quả trên là mốc quan trọng đánh dấu thành công của Cuộc vận động sau chặng đường gần 10 năm triển khai và là động lực để Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong những năm tiếp theo./.

 
Bích Ngọc
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top