15 năm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

06/12/2019 - 03:59 PM
Kinh tế tập thể (KTTT) với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng và đang dần từng bước trở thành nền tảng vững chắc trong nền kinh tế quốc dân. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, khu vực KTTT đã đạt được những kết quả tích cực, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài, có nhiều tín hiệu phục hồi và phát triển ổn định.
 
Hiệu quả từ việc chuyển đổi HTX cũ 2003 sang Luật HTX 2012

Luật HTX năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX với hạt nhân là 
“hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Theo đó, các quy định của Luật HTX 2012 phù hợp với điều kiện phát triển HTX tại Việt Nam và tương đồng với quy định về HTX của Liên minh Hợp tác xã quốc tế.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ bản đã được Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành để hướng dẫn thi hành Luật. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 29 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 Quyết định và 03 Chỉ thị thi hành pháp luật đối với KTTT, HTX; tổ chức Sơ kết 5 năm thực hiện Luật HTX 2012; các Bộ, ngành đã ban hành 35 Thông tư, 19 Quyết định, 4 Chỉ thị và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật HTX, các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực KTTT, HTX. Các địa phương cũng ban hành nhiều văn bản triển khai thi hành Luật và bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển KTTT, HTX tại địa phương. Điều đó cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc đẩy mạnh công tác thực thi Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn, góp phần khuyến khích khu vực KTTT, HTX phát triển.
 
15 năm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Luật HTX 2012 được triển khai thực hiện đã ảnh hưởng tích cực đến sự thành lập và phát triển của HTX, thể hiện rõ rệt ở việc số lượng HTX tăng lên, doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện, từng bước hoạt động ổn định, qua đó, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên (hiện nay số hộ nông dân tham gia HTX và hưởng lợi từ hợp tác xã chiếm khoảng 50% tổng số hộ nông dân), góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng. Hiện nay, số hộ nông dân tham gia HTX và hưởng lợi từ HTX chiếm khoảng 50% tổng số hộ nông dân.

Hoạt động khu vực KTTT, HTX có chuyển biến tích cực về quy mô, công nghệ và thị trường. Quy mô của HTX được thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động của HTX. Tuy số lượng thành viên của các HTX giảm đi so với giai đoạn trước nhưng chất lượng thành viên thì cải thiện đáng kể. Nếu giai đoạn trước, thành viên tham gia HTX theo mệnh lệnh hành chính, không góp vốn thì giờ đây người dân tham gia HTX trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của HTX. Nhiều HTX có phạm vi hoạt động toàn xã, thậm chí toàn huyện. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu. Một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu hàng trăm tỷ đồng đã xuất hiện tại các địa phương như: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), HTX Evergrowth (Sóc Trăng), HTX bò sữa Tân Thông Hội (Tp. Hồ Chí Minh)...

Đây là những dấu hiệu tích cực, cho thấy KTTT, HTX đang phục hồi và phát triển đúng hướng, chứng minh việc ban hành Luật HTX 2012 thay thế luật HTX năm 2003 là hoàn toàn đúng đắn. Mô hình HTX kiểu mới rất phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ra, vừa khuyến khích kinh tế cộng đồng thành viên HTX, vừa tôn trọng và nâng cao vị thế kinh tế hộ thành viên, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường.
KTTT - Từng bước khởi sắc sau 15 năm
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Trung ương khóa IX nêu rõ quan điểm cơ bản cho phát triển mô hình tổ chức hợp tác xã ở nước ta là: “KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn”. Mục tiêu là “đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế”.

Đến nay, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, KTTT có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có 22.861 HTX (13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng 8.513 HTX (khoảng 59%) so với năm 2003.
Từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm. Nếu như ở năm 2003 chỉ có 969 HTX thành lập mới thì đến 2018 cả nước đã có 2.521 HTX thành lập mới (tăng gấp 2,6 lần so với năm 2003). Trong giai đoạn 2003-2018, số lượng HTX thành lập mới là 20.841 HTX, trong đó, giai đoạn 2002- 2012 có 9.650 HTX, giai đoạn 2013-2018 có 11.191 HTX. Số HTX thành lập mới chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (giai đoạn 2003-2018, số HTX nông nghiệp thành lập mới là 9.391 HTX, chiếm 84% so với tổng số HTX thành lập mới của cả nước). Điều này thể hiện tính ưu việt của Luật HTX năm 2012 so với Luật HTX năm 2003, qua đó khẳng định vị trí, vai trò của HTX trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
 
Các HTX đang từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoăc việc làm cho các thành viên. Tính đến hết năm 2018, số lao động làm việc trong HTX là 1,2 triệu người, tăng 157 nghìn người (khoảng 14,8%) so với năm 2003.

Hiệu quả hoạt động của các HTX những năm gần đây ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của HTX năm 2018 tăng so với thời điểm năm 2003. Doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 đạt 4,4 tỷ đồng/HTX, tăng 3,6 tỷ đồng (gấp khoảng 4,2 lần) so với năm 2003, trong đó doanh thu bình quân của HTX với thành viên cũng tăng từ 698,6 triệu đồng/năm năm 2003 lên 3,3 tỷ đồng/ năm năm 2018, tăng 2,6 tỷ đồng (gấp khoảng 3,7 lần) so với năm 2003; chiếm khoảng 73% trong doanh thu bình quân của 1 HTX.

Cùng với doanh thu, lãi bình quân của một HTX tăng từ 74 triệu đồng/HTX năm 2003 lên 240,5 triệu đồng/ HTX năm 2018 (tăng 166,5 triệu đồng/HTX năm, khoảng 225%). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng được tăng lên từ 15,7 triệu đồng năm 2003 lên 36,6 triệu đồng năm 2018 (tăng 20,9 triệu đồng, khoảng 133%). Thông qua HTX, đời sống của thành viên và lao động trong HTX được tăng lên đáng kể, từng bước cải thiện kinh tế hộ thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại cộng đồng. Số lượng các HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX.

Bên cạnh sự phát triển của HTX, các Tổ hợp tác (THT) cũng phát triển tương đối ổn định về số lượng, cũng như đa dạng hình thức hoạt động, không chỉ ở những nơi chưa có tổ chức HTX mà còn ở cả những địa bàn HTX khá phát triển, rộng khắp mọi miền cả nước. Mô hình THT phù hợp với nhu cầu của người nông dân, lao động nghèo, đặc biệt là người nông dân, lao động nghèo ở vùng nông thôn và miền núi, mang tính chất thời vụ hoặc vụ việc, hợp tác với nhau theo hợp đồng hợp tác.

Nhìn chung, xuất phát từ nhu cầu phát triển của kinh tế hộ và điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi địa bàn, THT được thành lập với hình thức tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động khá đa dạng. Tính đến 31/12/2018, cả nước có 101.405 THT (trong đó, 58.467 THT trong lĩnh vực nông nghiệp và 42.938 THT phi nông nghiệp), tăng 587 THT (khoảng 0,58%) so với 31/12/2003, thu hút 1,3 triệu thành viên tham gia (bình quân một THT có trên 13 thành viên), tăng khoảng 57,3% so với năm 2003. Số lao động thường xuyên trong THT khoảng 1,1 triệu lao động, tăng 11,2% so với năm 2003. Doanh thu bình quân của 1 THT là 408 triệu đồng, tăng 75,7% so với năm 2003. Lãi bình quân của 1 THT là 61,2 triệu đồng/năm, tăng 127,5% so với năm 2003. Thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong THT là 26 triệu đồng/năm, tăng 21% so với năm 2003.

Trong tổng số THT cả nước, có 58.467 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 39.354 THT có chứng thực hợp đồng hợp tác (bao gồm các lĩnh vực: Trồng trọt 21.715 THT, chăn nuôi 2.431 THT, lâm nghiệp 176 THT, thủy sản 2.360 THT, diêm nghiệp 73 THT, nước sạch nông thôn 360 THT, 12.239 THT hoạt động tổng hợp). Tổng số tổ viên THT nông nghiệp là 638.237 người, bình quân 16 tổ viên/THT. Số THT nông nghiệp hoạt động hiệu quả chiếm 46,48%.

Hoạt động của THT chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống, như: Trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống mới, kỹ thuật mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm; động viên và cùng nhau xây dựng kênh mương, bờ bao chống lũ; tổ chức bơm nước, làm đất; xây dựng quỹ tương trợ giúp nhau vốn sản xuất. THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; giúp kinh tế tổ viên tăng sức cạnh tranh thị trường và nâng cao năng lực hoạt động kinh tế; giúp các hộ tổ viên sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn; tiếp nhận những thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ. Đồng thời, THT đã phát huy giá trị tinh thần về xã hội, văn hóa, như khuyến khích tinh thần tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với người nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Liên hiệp HTX (LH HTX) cũng là một trong những yếu tố góp phần đưa KTTT phát triển. Tính đến 31/12/2018, cả nước có 74 LH HTX (39 LH HTX nông nghiệp và 35 LH HTX phi nông nghiệp), tăng gấp 2,8 lần so với năm 2003. Số LH HTX được thành lập mới tăng nhanh từ năm 2013 trở lại đây (48 LH HTX được thành lập). Các LH HTX thành lập chủ yếu ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… Các LH HTX thu hút 555 HTX thành viên, tạo việc làm cho 25.871 lao động với thu nhập bình quân khoảng 60-80 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân 1 liên hiệp là 8,3 tỷ đồng/năm và lãi bình quân 01 LH HTX khoảng 648 triệu đồng/năm. Riêng LH HTX thương mại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2017 doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng (tăng gần 300% so với năm 2003).

Cả nước hiện đang có 18 LH HTX hoạt động thực sự hiệu quả, có lãi, tạo việc làm ổn định cho người lao động, an sinh xã hội và làm tốt vai trò đầu mối kết nối các thành viên với các đối tác để cung ứng các 
sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của thành viên và thị trường như: LH HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (SaigonCoop); LH HTX nông sản an toàn tỉnh Sơn La, LH HTX tiêu thụ an toàn nông sản Việt Nam, LH HTX dịch vụ - nông nghiệp - tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop); liên hiệp HTX chế biến- xuất khẩu thanh long Bình Thuận (TP. Đà Nẵng); Liên hiệp HTX Artemia (tỉnh Sóc Trăng), LH HTX số 1 (tỉnh Lâm Đồng)…
 
Các LH HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chịu trách nhiệm thu gom, tiêu thụ nông sản cho thành viên của các HTX thành viên thông qua các hợp đồng ký kết với các đối tác. Các liên hiệp được thành lập đều gắn với sản phẩm chủ lực của từng tỉnh như: Lúa gạo, cà phê, cây dược liệu, cây ăn trái…Chính vì vậy, vai trò của LH HTX nông nghiệp hiện nay là rất lớn trong việc cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật cho HTX thành viên.
Để KTTT đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế
Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Một số HTX còn thụ động, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của kinh tế thị trường. Đóng góp vào GDP của khu vực này có xu hướng giảm sút, từ trung bình khoảng 6% trong năm 2003 đến gần 4% năm 2018. Khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển chưa đạt được mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết.

Mục tiêu phát triển KTTT trong thời gian tới là sớm khắc phục các yếu kém, hạn chế hiện nay, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT. Xây dựng và phát triển mô hình KTTT, nòng cốt là HTX bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện công bằng xã hội; Nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực KTTT trong xã hội.

Để Luật HTX năm 2012 cùng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai hiệu quả và thực sự phát huy trong thực tiễn, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để KTHT, HTX tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trước tiên, cần tiếp tục nâng cao, thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị và xã hội về phát triển kinh tế hợp tác theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật, vai trò và các mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền, tập huấn cho các tầng lớp nhân dân, thành viên HTX hiểu rõ, hiểu đúng bản chất, nguyên tắc và pháp luật về HTX, cơ chế quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của HTX.

Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng rà soát chính sách hiện đang được ban hành phân tán tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, còn thiếu tính khả thi để sửa đổi, bổ sung, đồng bộ hóa và cụ thể hóa trong Luật HTX, nhằm cải thiện hiệu lực của Luật và các chính sách hỗ trợ phát triển KTHT khi sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012.

Thứ ba, bố trí nguồn ngân sách nhất định hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX, đặc biệt hỗ trợ phát triển HTX tham gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Nguồn kinh phí hỗ trợ HTX được ghi thành dòng riêng trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm và trung hạn để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế hợp tác.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác. Kiện toàn bộ máy, tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT từ Trung ương đến địa phương, từ tỉnh đến huyện, thị xã và cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với HTX, Liên hiệp HTX, cá nhân và tổ chức có liên quan; tăng cường giám sát thực thi pháp luật về HTX.

Thứ năm, các cấp uỷ, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt để thống nhất nhận thức về bản chất, nguyên tắc, pháp luật, vị trí, vai trò kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường trách nhiệm và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Củng cố hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tăng cường vai trò nòng cốt, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong việc phát triển kinh tế hợp tác và thống nhất, liên kết chặt chẽ hệ thống về tổ chức bộ máy hoạt động từ Trung ương đến địa phương.

Nhìn ra bối cảnh chung, Việt Nam ngày càng phát triển không ngừng, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang ngày càng sâu rộng, với sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đã tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi các khu vực kinh tế, trong đó có khu vực HTX phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Khu vực HTX cần năng động hơn, kết nối hơn với các chủ thể khác trong nền kinh tế, mở rộng lĩnh vực hoạt động theo nhu cầu phát triển, trước hết là phát huy vai trò tích cực trong thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, kết nối và mở rộng hợp tác, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ và các chủ thể khác nhằm nâng cấp chuỗi giá trị, dịch vụ cho hộ gia đình, nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ ruộng đất, sản xuất quy 
mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
 
Trước mắt, cần tập trung xây dựng một số mô hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, thu hút được số đông người dân tham gia theo cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có quy mô lớn, có sức lan tỏa tại các vùng, miền trên địa bàn cả nước; các HTX dịch vụ cộng đồng theo địa bàn xã thực hiện một số tiêu chí của nông thôn mới. Từ đó, phổ biến, nhân rộng các mô hình HTX điển hình để củng cố niềm tin của người dân về HTX.

Về con người, cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp về kinh tế tập thể, HTX để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX; đổi mới và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, phát triển KTTT, HTX.

Các cơ quan quản lý cần có đánh giá, phân loại HTX hoạt động hiệu quả, trung bình, yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể từng HTX thực hiện tái cơ cấu; giải thể dứt điểm các HTX yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập HTX mới. Phát triển tổ hợp tác để tổ chức sản xuất theo mô hình KTHT, chuyển dần thành HTX, thành lập và hỗ trợ Liên hiệp HTX hoạt động, làm “đầu kéo” cho các HTX huy động nguồn lực phát triển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa./.

 
Tiến Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top