25 năm quan hệ thương mại Việt - Mỹ

10/09/2020 - 02:21 PM

Sau 25 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995-12/7/2020), hoạt động, thương mại Việt Nam - Mỹ tăng trưởng vượt bậc và là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ.

Thương mại - điểm sáng trong quan hệ hai nước

Kể từ năm 1995 đến nay, sau 25 năm hai nước Việt Nam - Mỹ bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang Mỹ có tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Nếu năm 1995, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ mới đạt 169,7 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 130,4 triệu USD thì sang năm 2019, con số này đã tăng hàng trăm lần (xuất khẩu đạt 60,7 tỷ USD; nhập khẩu đạt 14,3 tỷ USD). Cán cân thương mại năm 2019 giữa Việt Nam và Mỹ luôn duy trì mức thượng dư với hàng hóa xuất siêu sang thị trường Mỹ đạt 46,4 tỷ USD.

 25 năm quan hệ thương mại Việt - Mỹ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

                                                                                                 (Nguồn: Interrnet)

Tiếp đà tăng trưởng, 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn có sự tăng trưởng lạc quan. Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2020, thương mại hai chiều đạt 46,2 tỷ USD, tăng 12,5% (5,1 tỷ USD) so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% (4,9 tỷ USD), nhập khẩu 8,3 tỷ USD, tăng 2,5% (200 triệu USD). Xuất siêu sang thị trường Mỹ đạt giá trị cao nhất với 29,6 tỷ USD. Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng và tạo đà tăng trưởng bền vững. Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ được ký kết vào năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Nếu trước đây,

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào Mỹ là các nhóm hàng như: Dệt may, da giày… thì nay đã có thêm nhóm hàng nông - thủy - hải sản tham gia vào danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng. Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2020, có một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt giá trị tăng cao như: Máy vi tính và linh kiện 82,2% (2,4 tỷ USD); Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 87,1% (2,2 tỷ USD). Đặc biệt, dệt may là mặt hàng tiếp cận thị trường Mỹ từ rất sớm và hiện đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Mỹ. Năm 2019, dệt may xuất khẩu vào Mỹ tăng xấp xỉ 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, hiện chưa có sự thay đổi nhiều, Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng mà Mỹ có nguồn cung dồi dào như: Các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu…

Những kỳ vọng trong tương lai

Thương mại hàng hóa song phương Việt Nam-Mỹ có tính bổ trợ cho nhau. Cụ thể, Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử... Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, thương mại hàng hóa giữa hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Ngoài các mặt hàng đã được xuất khẩu, Việt Nam hiện còn nhiều mặt hàng có thế mạnh, thích ứng tốt khi xâm nhập vào thị trường Mỹ. Đơn cử như mặt hàng Cá tra Việt Nam có thể cạnh tranh ngang bằng với nhóm hàng đầu về đáp ứng quy trình sản xuất, quy định khắt khe của Hoa Kỳ. Hay xuất khẩu mặt hàng tôm, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội, con tôm của Việt Nam có thể vươn lên trên các đối thủ khác và giành được ưu thế gia tăng thị phần tại Hoa Kỳ. Ngoài ra. Việt Nam còn có nhiều tiềm năng trong đẩy mạnh xuất khẩu hàng tiêu dùng và các loại nông sản.

Có thể thấy, tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ còn nhiều. Tuy nhiên, Mỹ là thị trường lớn với khách hàng khó tính và đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Do đó, để hàng Việt chinh phục và ngày càng mở rộng xuất khẩu vào thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể yếu tố thị hiếu khách hàng, tính phù hợp, giá cả và khả năng cạnh tranh với các đối thủ để từ đó có kế hoạch khai thác các phân khúc sản phẩm phù hợp với lợi thế của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc, xác định chính xác mã hàng hóa, xây dựng kho trung chuyển, lưu trữ để đáp ứng đơn hàng kéo dài thay vì phải sản xuất theo thời vụ để giảm thiểu các rủi ro không đáng có.

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ hiện đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối bạn hàng, tiếp cận thị trường, không chỉ ở những nhóm ngành hàng truyền thống, mà còn mở ra những lĩnh vực hợp tác mới như: Cơ khí, chế tạo phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, thông qua các kênh trao đổi truyền thống và các công cụ giao dịch điện tử Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ thời gian qua đã tiếp nhận và kết nối cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ với các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Dệt may, thủy sản, gạo, sản phẩm dừa, đồ gỗ, hàng cơ khí, chế tạo, hóa chất, hóa mỹ phẩm, dây cáp điện, thiết bị điện tử, bán dẫn...

Bộ Công Thương với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam- Hoa Kỳ (TIFA) cũng đang tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Hiện, ngoài các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kĩ thuật, Bộ Công Thương có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến.

Trong quan hệ thương mại song phương, Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho việc trao đổi, thảo luận tìm kiếm các giải pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại đáp ứng cao nhất lợi ích của cả hai nước. Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn về dịch vụ công nghệ, quảng bá, quảng cáo, thương mại dịch vụ; giới thiệu, mở rộng các cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận hàng hóa Hoa Kỳ. Hai nước đang tích cực trao đổi, rà soát vướng mắc và thúc đẩy giải quyết các quan tâm của Hoa Kỳ, trong đó có triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, giảm thâm hụt thương mại. Với những hành động thiết thực tin tưởng rằng quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới./.

Minh An

 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top