Qua 5 năm triển khai, Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa dược quan sát (NOE) là định hướng đúng giúp các Bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân hiểu và nhận dạng rõ hơn, cụ thể hơn về sự tồn tại, nguyên nhân hình thành và tác động của các hoạt động thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát tới nền kinh tế cả nước.
Đề án NOE khó nhưng việc thực hiện là rất cần thiết
Qua 5 năm (2019 - 2023) triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (Đè án NOE), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai theo kế hoạch và đạt được một số kết quả nhất định.
Năm 2019 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án NOE, lại là Đề án khó, chưa nghiên cứu, xây dựng được các khái niệm và hoạt động thống kê về khu vực NOE; các văn bản pháp luật về quản lý hoạt động thuộc khu vực NOE. Tuy nhiên, về cơ bản các công việc trong năm 2019 đã được thực hiện đúng theo Kế hoạch triển khai Đề án NOE kèm theo Công văn số 5258/BKHĐT-TCTK, tập trung vào nghiên cứu khái niệm, xây dựng danh mục hoạt động, hệ thống nguồn thông tin đầu vào và rà soát các văn bản quản lý đang triển khai chưa hiệu quả hoặc còn thiếu để bổ sung, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, làm nền tảng, cơ sở cho các năm tiếp theo triển khai công việc hiệu quả.
Trong năm thứ hai triển khai thực hiện Đề án (năm 2020), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã: (i) Hoàn thành nhiệm vụ đo lường và cập nhật kết quả biên soạn tài khoản quốc gia, trong đó bước đầu tính toán thử nghiệm khu vực phi chính thức và khu vực tự sản tự tiêu của hộ gia đình; (ii) Đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành cũng tích cực triển khai rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh.
Tiếp đến, năm 2021 là năm thứ ba triển khai thực hiện, có ý nghĩa quan trọng nhưng do dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước đã khiến nhiều ngành quản lý gặp khó khăn trong triển khai các công việc của Đề án. Ngành Y tế phải tập trung tối đa, phát huy cao nhất năng lực để khống chế dịch bệnh. Trong thời gian giãn cách, đã phát sinh một số hoạt động sản xuất, tiêu thụ khẩu trang, vật tư y tế vi phạm quy định để trục lợi; phát sinh hoạt động buôn bán trái quy định khi đang thực hiện giãn cách xã hội, gây khó khăn thêm cho các cơ quan quản lý. Ngành Giáo dục phải hoãn hoạt động đến trường trong thời gian dài để giảm sự lây lan đặc biệt đối với học sinh, sinh viên là những đối tượng cần được giữ gìn và chăm sóc sức khỏe tốt; nhiều Bộ, ngành khác bị chậm tiến độ triển khai công việc do dịch bệnh.
Về phía khu vực sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành dịch vụ thị trường bị ngưng trệ, gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất, lao động thôi việc, trở về địa phương; sinh hoạt hàng ngày của người dân bị ảnh hưởng do phải thích nghi với giãn cách, hạn chế tiếp xúc gần. Sau khi dỡ bỏ giãn cách, các hoạt động sản xuất kinh doanh cần thời gian để điều chỉnh phù hợp với bối cảnh bình thường đã ảnh hưởng tới rõ rệt tới hiệu quả hoạt động của các cơ sở.
Năm tiếp theo, năm 2022, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng lại có thêm khó khăn mới từ bên ngoài xuất hiện như các vấn đề căng thẳng do xung đột Nga - Ukraina, lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng tốc độ tăng chậm lại; một số ngành chịu tác động trực tiếp như: Vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng rất khó khăn. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng do khách hàng quốc tế đặt hàng dè dặt do lo ngại nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn đến lao động rơi vào cảnh thiếu việc làm và thu nhập giảm sút... Khu vực phi chính thức cung cấp nhiều hoạt động phụ trợ cho khu vực chính thức cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Năm 2023 là năm thứ năm thực hiện Đề án, về cơ bản nhiều công việc của Đề án đã được triển khai thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã: (i) Hoàn thành nhiệm vụ đo lường và cập nhật kết quả biên soạn tài khoản quốc gia, trong đó đã thực hiện biên soạn giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức và khu vực tự sản tự tiêu của hộ gia đình; tiếp tục nghiên cứu phương pháp đo lường khu vực kinh tế ngầm và khu vực kinh tế bất hợp pháp phù hợp phương pháp luận của quốc tế; (ii) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của các Tổ chức quốc tế để theo sát các chuẩn mực và khuyến nghị, đồng thời phù hợp phương pháp luận biên soạn tài khoản quốc gia của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải… đã tích cực triển khai rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh để trình Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành ban hành nhiều Luật, các Nghị định, Thông tư,... nhằm khuyến khích chính thức hóa hoạt động phi chính thức và quản lý, thu hẹp quy mô và tầm ảnh hưởng của khu vực kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp còn tồn tại trong nền kinh tế nước ta.
Đánh giá chung, qua 5 năm triển khai, Đề án NOE là đề án khó nhưng việc thực hiện Đề án là rất cần thiết và là định hướng đúng giúp các Bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân hiểu và nhận dạng rõ hơn, cụ thể hơn về sự tồn tại, nguyên nhân hình thành và tác động của các hoạt động thuộc khu vực NOE tới nền kinh tế.
Đề án góp phần đổi mới hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng; cung cấp thêm căn cứ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chỉ đạo điều hành nền kinh tế; đồng thời nâng cao ý thức kỷ cương, chấp hành pháp luật của cộng đồng. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành được tăng cường khi thực hiện các công việc được phân công trong Đề án.
Qua 5 năm thực hiện, công tác rà soát hoạt động kinh tế chưa được quan sát để đưa vào xây dựng và ban hành trong các văn bản quản lý ngày càng được mở rộng ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đến nay, các bộ, ngành đã nhận thức rõ ràng hơn về sự tồn tại của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát. Nhiều văn bản do các Bộ, ngành ban hành đã tích hợp, lồng ghép nhiều hoạt động kinh tế chưa được quan sát để quản lý. Đây là bước tiến tích cực khi thực hiện triển khai Đề án NOE.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng khi đối chiếu với dự thảo Danh mục các hoạt động NOE do cơ quan Thống kê xây dựng, nhiều hoạt động được các Bộ, ngành rà soát, bổ sung và ban hành các văn bản pháp luật để quản lý nhưng quá trình thực thi chính sách, quản lý hành chính chưa triệt để, nên vẫn tồn tại nhiều hoạt động kinh tế ngầm và bất hợp pháp như: Hoạt động sản xuất hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, các hoạt động không kê khai, đăng ký, kê khai không đúng quy định, hoạt động sai mục đích khi đăng ký…, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế chính thức của nước ta. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế chưa được quan sát vẫn chưa được thu thập một cách hệ thống, mới chỉ dừng ở mức độ thống kê theo vụ việc vi phạm, bị phát hiện và xử lý.
Các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân hiểu và nhận dạng rõ hơn, cụ thể hơn về sự tồn tại,
nguyên nhân hình thành và tác động của các hoạt động thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát
tới nền kinh tế
Một số khó khăn, hạn chế
Về công tác thống kê, gặp khó khăn khi xác định ranh giới sắp xếp các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo các thành tố. Việc xây dựng giải thích nội dung cho các chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phải huy động nguồn lực lớn để rà soát, đối chiếu nhiều quy định quản lý về các hoạt động NOE trong hệ thống văn bản Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản khác của nhiều Bộ, ngành, từ đó mới đảm bảo đưa ra khái niệm về hoạt động một cách nhất quán, thống nhất và phù hợp với các quy định. Hằng năm, các hoạt động NOE liên tục được rà soát, cập nhật bám sát theo sự thay đổi, phát triển và mở cửa của nền kinh tế nhưng cũng không thể rà soát hết được toàn bộ hoạt động NOE mới xuất hiện.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin đầu vào đo lường các ngành, lĩnh vực chưa được quan sát còn rời rạc, không đầy đủ, thậm chí không có sẵn. Một số thông tin đầu vào phục vụ biên soạn các thành tố phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình cần phải được rà soát, điều tra, từ đó công tác biên soạn các thành tố này mới đảm bảo phản ánh sát thực hơn. Các hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp rất phức tạp và khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận chủ thể để khai thác thông tin theo cách trực tiếp, nên rất khó để thu thập thông tin đầy đủ về các thành tố này. Ngoài ra, số liệu thống kê phục vụ đo lường qua mô hình định lượng của Việt Nam hạn chế cả về số lượng và chất lượng; đến nay, vẫn chưa thể xây dựng được chuỗi số liệu đảm bảo tin cậy để sử dụng và công bố kết quả ước lượng.
Về ban hành văn bản pháp lý, hiện nay, vẫn có sự chồng chéo trong thực thi chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước; thậm chí giữa cơ quan phụ trách quản lý hành chính và xử phạt hành chính, khiến việc rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách, văn bản pháp lý nhằm giảm ảnh hưởng của khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp và chính thức hóa hoạt động phi chính thức còn gặp nhiều khó khăn, gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng thẩm lậu vẫn diễn biến phức tạp; các chính sách còn nhiều hạn chế; quản lý còn lỏng lẻo trong khi mức lợi nhuận từ hoạt động này lớn dẫn đến một bộ phận cơ sở sản xuất kinh doanh đã bất chấp pháp luật thực hiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đăng ký, sản phẩm kém chất lượng; các chế tài hiện nay chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm… nên chưa thực sự tạo ra chuyển biến.
Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử có tính ẩn danh cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân, lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội; không phân biệt ranh giới, khu vực. Đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác...
Doanh nghiệp, cá nhân chưa sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước khi có yêu cầu thực hiện kiểm tra, giám sát, quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Nguồn lực triển khai công tác rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung của các bộ, ngành còn hạn chế. Đối với các văn bản quản lý khu vực NOE, còn thiếu các nghiên cứu chuyên sâu để có thể đưa vào áp dụng cụ thể theo ngành, lĩnh vực.
Đã qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án NOE nhưng vẫn chưa thực hiện thống kê được hết các thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát, đồng thời sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai và kết nối các hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, sắp xếp các hoạt động kinh tế chưa được quan sát gặp khó khăn do có sự chồng lấn, đan xen, điều này đã được nhận định ngay từ khi triển khai thực hiện Đề án năm 2019. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế luôn đa dạng và đan xen lẫn nhau, đặc biệt trong bối cảnh số hóa nền kinh tế, xuất hiện thêm các hoạt động mới tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ hai, do nguồn thông tin để đo lường khu vực NOE, đặc biệt là hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp không đầy đủ, khó khăn khi phân định phạm vi và thu thập, tính toán thành các chỉ tiêu thống kê.
Thứ ba, ranh giới nhiệm vụ quản lý giữa các bộ, ngành còn chồng chéo cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Đề án NOE hàng năm.
Thứ tư, do nguồn lực con người bố trí thực hiện các công việc của Đề án NOE còn mỏng, đồng thời chưa có nhiều kinh nghiệm để nắm bắt sâu về thực tế các hoạt động kinh tế thuộc khu vực NOE vì đây là hoạt động mới và khó.
Tiếp tục tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án NOE trong thời gian tới
Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án NOE, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì thực hiện các công việc về nghiệp vụ chuyên môn thống kê và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp lý tăng cường quản lý nhằm chính thức hóa các hoạt động kinh tế phi chính thức một cách hiệu quả hơn, tập trung vào các công việc chủ yếu: (i) Rà soát, cập nhật dự thảo Danh mục hoạt động kinh tế và Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực NOE. (ii) Nghiên cứu, xây dựng và ban hành hướng dẫn về Danh mục hoạt động và nguồn thông tin phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. (iii) Đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê. (iv) Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về thống kê khu vực NOE. (v) Chủ động xây dựng Kế hoạch tổng kết Đề án NOE. (vi) Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. (vii) Tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp lý tăng cường quản lý nhằm chính thức hóa các hoạt động kinh tế phi chính thức một cách hiệu quả hơn.
Đối với các Bộ, ngành, cơ quan, tiếp tục chủ trì thực hiện các nội dung được phân công cụ thể trong Kế hoạch triển khai Đề án; tiếp tục thực hiện Chương trình hành động về rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh. Chủ trì thực hiện các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác này./.
P.V