Ấn phẩm: Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2021

22/02/2023 - 10:57 AM
“Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2021” là ấn phẩm được Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố với sự hỗ trợ và giúp đỡ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Đây là những thông tin phân tích và đánh giá được tổng hợp bởi các chuyên gia thống kê từ kết quả cuộc Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021 do Tổng cục Thống kê tiến hành. Cuộc điều tra này được thực hiện theo Quyết định số 1903/QĐ-TCTK ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu được tiến hành hàng năm nhằm thu thập các thông tin về dân số, tình hình biến động dân số (sinh, chết và di cư) cũng như thông tin cơ bản về tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai và nạo, phá thai.

Trong lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình, ngoài nguồn thông tin cơ bản từ:

Tổng điều tra dân số và nhà ở định kỳ 10 năm 1 lần và Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ định kỳ 5 năm 1 lần, Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình còn được tổ chức hàng năm để phục vụ việc tính toán các chỉ tiêu thống kê trong lĩnh vực dân số và thực hiện kế hoạch hóa gia đình trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, đáp ứng nhu cầu của người dùng tin trong và ngoài nước, thực hiện tính so sánh quốc tế.

Nội dung ấn phẩm “Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2021” gồm 4 phần, bao gồm:

Phần I: Kết quả chủ yếu: Trình bày kết quả chủ yếu của cuộc điều tra cùng với các phân tích về quy mô và cơ cấu dân số, tình trạng hôn nhân, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, mức sinh, mức chết, di cư và các đặc trưng cơ bản của người di cư;

Phần II: Các biểu số liệu tổng hợp: Cung cấp cho người sử dụng các biểu số liệu tổng hợp cơ bản nhất;

Phần III: Thiết kế và tổ chức điều tra: Mô tả quá trình tổ chức cuộc điều tra; thiết kế và ước lượng mẫu điều tra: dàn chọn mẫu, xác định cỡ mẫu và phân bổ mẫu, ước tính quyền số suy rộng mẫu; một số khái niệm, định nghĩa của các chỉ tiêu biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình; Phần IV: Các phụ lục: Bao gồm các phụ lục về những nội dung cần thiết bổ trợ thêm cho nội dung chính của sách.


Kết quả từ cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2021 cho biết, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2021 là 98,3 triệu người. Trong đó, dân số nam là 48,7 triệu người, chiếm 49,6%; dân số nữ là 49,5 triệu người, chiếm 50,4%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) và thứ 15 trên thế giới. Tỷ lệ tăng dân số năm 2021 so với năm 2020 là 1,11%, tương đương khoảng 1 triệu người, duy trì mức tăng bình quân trong nhiều năm qua. Mật độ dân số của Việt Nam là 297 người/km2, tăng 4 người/km2 so với năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Phi-li-pin (365,3 người/km2) và Xin-ga-po (7.908 người/km2).

Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.084 người/km2  và 795người/km2. Đây là những vùng bao gồm hai địa phương đông dân nhất cả nước, trong đó Hà Nội thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng với mật độ dân số là 2.483 người/km2 và thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ với mật độ dân số là 4.497 người/km2.

Vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2021, cả nước có gần 27,2 triệu hộ dân cư, 10,5 triệu hộ sinh sống ở khu vực thành thị (chiếm 38,7%) và 16,7 triệu hộ ở khu vực nông thôn (chiếm 61,3%). Quy mô hộ bình quân cả nước là 3,5 người/hộ. Khu vực nông thôn có quy mô bình quân hộ là 3,6 người/hộ, cao hơn khu vực thành thị 0,2 người/hộ.

Các phân tích tại Ấn phẩm cho biết, năm 2021 chỉ số già hóa của nước ta đạt 53,1%, tức là cứ 100 trẻ em dưới 15 tuổi thì có khoảng 53 người già từ 60 tuổi trở lên. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi khá cao (chiếm 67,6% tổng dân số cả nước). Tuy nhiên, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Tỷ trọng nhóm dân số trẻ từ 0-14 tuổi liên tục giảm từ 24,5% năm 2009 xuống 24,3% năm 2019 và 24,1% năm 2021; trong khi nhóm dân số già từ 65 tuổi trở lên liên tục tăng từ 6,4% năm 2009, lên 7,7% năm 2019 và 8,3% năm 2021. Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng" mang lại cơ hội lớn để tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước. Tuy vậy, nếu không có sự quan tâm và có các chính sách phát triển phù hợp, cơ cấu “dân số vàng” không những sẽ không đem lại tác động tích cực cho phát triển đất nước mà sẽ là áp lực về việc làm, trật tự, an ninh xã hội… Do đó, để tận dụng cơ cấu “dân số vàng” đòi hỏi Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tăng năng suất lao động, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, bảo đảm an sinh xã hội cho người già và người dễ bị tổn thương, bảo đảm bình đẳng giới…

Có thể thấy, với những thông tin, tổng hợp, phân tích và đánh giá về dân số tại Ấn phẩm “Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2021” đã phản ánh bức tranh tổng thể về dân số Việt Nam thời điểm 01/4/2021 với nhiều thông tin phong phú về dân số, biến động dân số, những phân tích đánh giá tổng hợp về quy mô và cơ cấu dân số, tình trạng hôn nhân, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, mức sinh, mức chết, di cư và các đặc trưng cơ bản của người di cư...

Tổng cục Thống kê hy vọng, ấn phẩm sẽ đáp ứng được những yêu cầu thông tin cơ bản của những người làm công tác hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, đặc biệt là những người làm công tác liên quan đến dân số và kế hoạch hoá gia đình./.
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top