Am Tiên Chốn linh thiêng - Huyệt đạo quốc gia

12/02/2020 - 02:54 PM
Theo các nhà phong thủy, Việt Nam là nơi sinh ra nhiều hiền tài, có địa thế phong thủy Rồng cuộn Hổ chầu, núi sau sông trước. Đặc biệt, trên lãnh thổ nước Việt có khá nhiều huyệt đạo linh thiêng, được cho là nơi giao hòa đất trời, đem lại vượng khí cho quốc gia, trấn quốc phục hưng, mang lại sự thanh bình cho đời sống tâm linh người Việt. Trong đó có vùng đất địa linh Am Tiên - một trong những huyệt đạo linh thiêng bậc nhất Việt Nam.

Vùng đất địa linh trong truyền thuyết

Quần thể di tích Am Tiên gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi Ngàn Nưa, cách mặt nước biển hơn 500m, thuộc địa phận huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Quần thể bao gồm “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên”, với tổng diện tích 100 ha, riêng khu vực đền Am Tiên rộng 4 ha.
Theo sử tích, năm 248, Bà Triệu cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp nghĩa sĩ, rèn luyện nghĩa quân, đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đông Ngô, giành lại giang sơn, xã tắc. Bà chọn Ngàn Nưa là nơi hiệu triệu nghĩa quân, bởi theo lời sấm truyền: Dãy Ngàn Nưa được tạo thành từ bảy ngọn núi xếp liền kề tạo thế rồng cuốn, đầu nhô cao như đầu hổ vươn mình về biển Đông - nơi đặt Am Tiên, đứng ở nơi đây hét lớn tứ phía đều nghe rõ.

 
Am Tiên Chốn linh thiêng - Huyệt đạo quốc gia
Quần thể Am Tiên thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nguồn Internet

Trên đỉnh núi Ngàn Nưa, có động Am Tiên, Giếng Tiên, Bàn cờ Tiên, Vườn Thuốc Tiên và Vườn Đào Tiên mà sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một chốn tu tiên đắc đạo. Giếng Tiên nằm trên đỉnh núi cao 580 m so với mực nước biển, gắn với nhiều huyền thoại kỳ bí; nước trong giếng từ núi chảy ra nên rất tinh khiết, nguồn nước chảy vào giếng được gọi là Long mạch. Tương truyền rằng, các tiên nữ xưa kia thường xuống đây hái đào và tắm nước giếng, vì vậy được gọi là Giếng Tiên. Đây cũng chính là giếng dành riêng để Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận, nước trong giếng rất trong mát và không bao giờ cạn, cứ múc bao nhiêu lại đầy bấy nhiêu. Ngoài ra còn có ngôi chùa cổ gọi là chùa Am Tiên (được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí), đền chúa Thượng Ngàn (dân gian cho rằng đó là Bà Triệu hoá thân) và miếu Tu Nưa (thờ vị đạo sĩ thời Trần - Hồ). Ở đây còn có cả một ban thờ lộ thiên thờ thần núi Tản Viên. Năm 2009, thắng cảnh này được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Nơi giao hòa linh khí đất - trời

Từ cổng đền Am Tiên đi vào sâu bên trong khoảng hơn 100 m, du khách hành hương sẽ thấy một khoảng đất rộng, được rào chắn kỹ lưỡng, bán kính khoảng 21 m, đây chính là huyệt thiêng, hay gọi là huyệt khí dương. Theo các nhà phong thủy, đây là điểm hội tụ giao hòa của đất - trời, hay còn gọi là nơi mở cửa trời, tất cả những tinh hoa và linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Bốn hướng huyệt đạo đều có bốn bát hương, ở giữa có một bát hương của thổ thần ứng với Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Tại huyệt đạo Am Tiên, có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ và có những câu chuyện huyền bí đã xảy ra mà cho đến giờ vẫn chưa thể lý giải được. Đứng trên huyệt đạo có thể nhìn thấy 4 phương 8 hướng đất trời. Khi thả lỏng cơ thể, tập trung mọi suy nghĩ lên đôi mắt, ít nhiều sẽ cảm nhận được luồng ánh sáng thoáng qua. Ban đầu ánh sáng có màu đỏ, dần chuyển sang màu cam, rồi chuyển dần sang màu trắng xanh và cuối cùng là hình ảnh các hạt bụi lẫn trong màu trắng xanh đó. Bên huyệt đạo, con người như được tiếp thêm năng lượng, sinh khí của đất trời, tâm thái nhẹ nhõm lạ kỳ.

Sau bao nhiêu năm, Ngàn Nưa vẫn thăm thẳm bí hiểm và phong kín bao huyền thoại về vị nữ thủ lĩnh anh hùng của cuộc khởi nghĩa năm xưa. Nhiều người đã lấy núi Nưa làm đề tài sáng tác, ngâm vịnh, mà hiện nay vẫn còn những bài thơ đặc sắc về núi Nưa như: “Na Sơn ca”; “Bài ca thích ngủ” và “Bài ca thích cờ” của Nguyễn Dữ thế kỷ thứ XVI... Sự thiêng liêng trên đỉnh Ngàn Nưa và động Am Tiên trên đỉnh núi còn được ghi chép cụ thể trong sách Đại Nam Nhất thống chí và còn lưu truyền trong câu chữ dân gian:

“Na Sơn nhất phiến, nhất hộ thiên hạ biến dịch:
Một tiếng hô ở núi Nưa chuyển cả thiên hạ”.

Hàng năm, Lễ hội đền Nưa - Am Tiên được tổ chức kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng. Ngay từ những ngày đầu năm, du khách đã hành hương đến huyệt đạo linh thiêng này để cầu mong những điều tốt lành cho năm mới và chờ đón ngày “mở cửa trời” vào mùng 9 tháng Giêng để đón linh khí trời đất. Trong ngày hội chính, từ sáng sớm lễ hội đã bắt đầu với màn rước cỗ dâng lễ vật bằng kiệu bát cống với những sản vật là hoa quả và bánh dầy - một đặc sản của địa phương được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng… để làm lễ tế thiên địa, thần linh và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi./.
 
Minh Hà

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top