Thời gian qua, gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu nhận được sự quan tâm đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị và các diễn biến khác đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia. Chính vì vậy, việc tăng giảm kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ - nguồn cung gạo lớn nhất thế giới có tác động đáng kể tới các quốc gia xuất khẩu gạo khác, trong đó có Việt Nam.
Ấn Độ bãi bỏ lệnh xuất khẩu gạo sau loạt chính sách nới lỏng hạn chế
Thông tin đáng quan tâm đối với ngành gạo những ngày gần đây chính là việc Ấn Độ mở cửa tiếp cho mặt hàng chủ lực là gạo trắng không phải Basmati sau hàng loạt lệnh nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Cụ thể, theo chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News (có trụ sở tại Singapore) thông tin, trước khi có quyết định trên, Ấn Độ đã giảm thuế xuất khẩu gạo đồ, gạo lứt và gạo nguyên liệu xuống còn 10%, có hiệu lực từ ngày 27-9.
Sau đó một ngày, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới ban hành quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng Non-basmati. Tuy nhiên, kèm theo quyết định bỏ lệnh cấm, Ấn Độ đặt điều kiện giá sàn để xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn, có hiệu lực áp dụng từ ngày 28/9/2024.
Trước đó, Ấn Độ giảm và sau đó bỏ chính sách giá sàn đối với gạo Basmati để tạo thuận lợi cho dòng gạo cao cấp này tiếp cận với các thị trường sinh lợi như: Châu Âu, Trung Đông và Mỹ.
Theo Reuters, dự trữ gạo tại Tổng công ty Lương thực Ấn Độ vào đầu tháng Chín ở mức 32,3 triệu tấn, cao hơn 38,6% so với năm ngoái. Như vậy, sản lượng gạo dự trữ của quốc gia này đã bảo đảm an ninh lương thực trong nước và sẵn sàng tham gia xuất khẩu gạo trở lại. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo trong thời gian sắp tới của Ấn Độ cũng được đảm bảo khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới trong năm với dự báo trúng mùa do thời tiết thuận lợi và diện tích canh tác tăng lên.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng Non-basmati của Ấn Độ được đưa ra từ tháng 7-2023 nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước sau do khô hạn, mất mùa. Trước khi hạn chế tham gia thị trường xuất khẩu gạo, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chiếm đến 40% thị phần nên các chính sách điều hành của quốc gia này này ảnh hưởng lớn đến thương mại gạo toàn cầu và giá gạo của các nước xuất khẩu chính trên thế giới như: Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan...
Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 dự báo vẫn tăng trưởng tốt
Động thái của Ấn Độ cũng được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam theo dõi sát sao, bởi việc Ấn Độ tham gia thị trường xuất khẩu gạo trở lại khiến nguồn cung dồi dào, gây áp lực lớn với hầu hết quốc gia xuất khẩu trong việc giảm giá gạo, đặc biệt là phân khúc gạo trắng thông dụng.
Theo Bộ Công Thương, sản lượng lúa gạo hằng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu (khoảng 6 - 6,5 triệu tấn/năm). Từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái nên không lo ngại về tồn kho. Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 9/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 353,417 ngàn tấn gạo, trị giá 215,311 triệu USD, so với nửa đầu tháng 9/2023 tăng 14,72% về lượng và tăng 13,05% về trị giá.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,497 triệu tấn gạo, mang về 4,06 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,14% về lượng và tăng 21,12% về kim ngạch. Trong 8 tháng năm 2024, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 625,9 USD/tấn, tăng 15% về giá so với bình quân của 8 tháng năm 2023.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam còn 562 USD/tấn, tuy giảm khoảng 10 USD so với đầu tháng, nhưng vẫn cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan đang ở mức 556 USD/tấn và Pakistan là 532 USD/tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho rằng ít nhất trong năm 2024, ngành gạo Việt Nam không ảnh hưởng lớn do nguồn cung phân khúc gạo trắng non mà Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm không có nhiều. Tuy nhiên, việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo 5% và 25% tấm. Vì vậy, doanh nghiệp và người nông dân sản xuất lúa gạo cần có sự phối hợp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung để giữ thế chủ động trong bối cảnh thị trường gạo thế giới có thể có biến động do nguồn cung tăng./.
T.H