Ấn phẩm KIẾN THỨC THỐNG KÊ THÔNG DỤNG, cẩm nang hữu ích cho người dùng tin

22/02/2025 - 09:42 AM
Thống kê là môn khoa học về dữ liệu, có lịch sử hình thành từ rất lâu và đã trở thành kiến thức không thể thiếu trong xã hội loài người, như HG Wells đã viết “Kiến thức và tư duy thống kê sẽ trở thành yếu tố không thể thiếu trong học vấn của mỗi công dân, giống như khả năng biết đọc, biết viết vậy” (1920)[1]

Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển đa dạng, mạnh mẽ của nền kinh tế, xã hội; sự bùng nổ của “kỷ nguyên số” và trước nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng cao của người dùng tin thì rất cần những “chỉ dẫn chính thống, kịp thời” về cách khai thác và sử dụng số liệu thống kê. Để đáp ứng nhu cầu xã hội, Tổng cục Thống kê tái bản lần 3 ( có sửa chữa, bổ sung) cuốn sách “Kiến thức thống kê thông dụng”, đây cũng là ấn phẩm được thực hiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sách “Kiến thức thống kê thông dụng” tái bản lần này được cập nhật và bổ sung hơn 50 trang nội dung so với lần xuất bản trước. Nội dung sách được kết cấu thành 3 phần:

Phần A: sách tập trung giới thiệu, làm rõ vai trò của thống kê. Phần này cung cấp những thông tin cơ bản về lịch sử phát triển của khoa học thống kê, vai trò của thống kê đối với sự phát triển của xã hội và kiến thức thống kê cần thiết đối với mọi người. Đặc biệt, đối với các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật.

Cuốn sách cho biết: Thống kê là một trong những môn khoa học có lịch sử lâu đời nhất. Ngay từ Thời kỳ Chiếm hữu nô lệ, giới Chủ nô đã thực hiện việc ghi chép, tính toán những tài sản thuộc quyền chiếm hữu của mình, mặc dù những ghi chép và tính toán này còn đơn giản, phạm vi hẹp, song đây có thể coi là cơ sở ban đầu hình thành nên thống kê học.

Trải qua thời kỳ phong kiến và tư bản chủ nghĩa, Thống kê học hình thành rõ nét dần và đến cuối Thế kỷ 17, một số tài liệu về thống kê đã được xuất bản, lý thuyết thống kê được giảng ở một số trường học. Đến Thế kỷ 19, thống kê học đã đo lường được trí tuệ, tình cảm và hành vi của con người; Thế kỷ 20, các ý tưởng, kỹ thuật từ việc thu thập các dữ liệu của Chính phủ, nghiên cứu thiên văn, đo đạc sinh học… tạo nên một “khoa học của dữ liệu”. Bước sang Thế kỷ 21, thống kê học tiếp tục phát triển để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu và đo lường ảnh hưởng của nó, phát triển bền vững, dữ liệu lớn, chuỗi giá trị toàn cầu…

Nhằm khẳng định sự tồn tại và phát triển của Thống kê, năm 2010, Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 20 tháng 10 hàng năm làm Ngày Thống kê Thế giới.


Đối với nước ta, ngay sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), ngày 6/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ Quốc dân kinh tế, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam, tiền thân của Tổng cục Thống kê ngày nay. Năm 1948, Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910-1986) đã viết cuốn sách đầu tiên về thống kê có tựa đề: “Thống kê thường thức”. Trong suốt chặng đường gần 80 năm hình thành và phát triển, Thống kê Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được coi “là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước” và ngày càng khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của mình.

Tuy nhiên, thống kê ở nước ta chưa phát triển so với nhiều nước trong khu vực và quốc tế, năng lực thống kê nước ta ở mức trung bình. Nhằm thoát khỏi tình trạng này, ngày 18 tháng 10 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê, năng lực Thống kê Việt Nam đạt 82,2/100 điểm (tăng 17,2 điểm so với năm 2010), đứng thứ 26/144 quốc gia được xếp hạng, đứng thứ 3/22 nước khu vực Đông Á Thái Bình Dương, và thứ 3/9 nước Đông Nam Á.

Trong phần này, cuốn sách cũng tập trung làm rõ khái niệm về thống kê: “ Thống kê là khoa học về dữ liệu, bao gồm việc tạo ra dữ liệu và sử dụng các dữ liệu đó cho việc giải quyết các vấn đề của cá nhân, tổ chức, quốc gia, khu vực và quốc tế”. Đồng thời làm rõ đối tượng nghiên cứu của thống kê: Thống kê nghiên cứu mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất của các hiện tượng số lớn, trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể.

Trên cơ sở những dẫn chứng mang tính lịch sử, cuốn sách đã khẳng định vai trò quan trọng của thống kê trong hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, nhất là đối với việc hoạch định chính sách và giám sát, đánh giá quá trình thực thi chính sách, và tiến tới xã hội dân chủ thông qua bằng chứng là thông tin thống kê.

Cộng đồng quốc tế đã thống nhất rằng thống kê là công cụ cung cấp thông tin cho các quá trình hoạch định chính sách nhằm nâng cao sự phù hợp, tính hiệu quả và hiệu suất của các chính sách. Chính phủ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang chuyển từ “chính sách dựa trên ý kiến” để hướng đến “chính sách dựa trên bằng chứng”[2]. Chưa bao giờ tầm quan trọng và chất lượng thông tin thống kê lại thu hút được sự quan tâm nhiều như hiện nay.

Sau các phần dẫn giải, cuốn sách đi tới vấn đề mấu chốt, lý do để tái bản cuốn sách: Sự cần thiết phải có kiến thức thống kêThống kê có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó, muốn phát huy được vai trò của thống kê, trước hết cần phải có kiến thức và tư duy thống kê. Đúng như nhà văn HG Wells (1920) đã viết “Kiến thức và tư duy thống kê sẽ trở thành yếu tố không thể thiếu trong học vấn của mỗi công dân, giống như khả năng biết đọc, biết viết vậy”[3].

Đối với nước ta, sau vài năm giành được độc lập, Giáo sư Tạ Quang Bửu (1948) đã yêu cầu đội ngũ cán bộ từ trung cấp đến cao cấp phải có kiến thức thống kê, Ông viết “Các cán bộ cao cấp phải biết dùng thống kê, các cán bộ trung cấp phải biết làm thống kê”[4].  

Đối với người sử dụng thông tin thống kê nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng, nắm vững kiến thức thống kê không chỉ giúp họ dễ dàng trong việc lựa chọn thông tin, phân loại, sắp xếp và trình bày chúng theo mục đích nghiên cứu của mình, mà còn nhìn nhận ra các vấn đề chứa đựng đằng sau các con số thống kê.

Đối với các nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, thông tin thống kê là một trong những “nguyên liệu” cơ bản nhất để thực hiện nhiệm vụ của mình trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia.

Như vậy, có kiến thức và tư duy thống kê, chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời tránh được những lỗi về lạm dụng số liệu thống kê.

Tiếp theo, ở Phần B, cuốn sách đi vào diễn giải nội hàm một số thuật ngữ thống kê thông dụng. Phần này bao gồm 70 thuật ngữ thống kê thông dụng, giúp người đọc có được kiến thức cơ bản nhất về thống kê: Hoạt động thống kê nhà nước; Hoạt động thống kê ngoài nhà nước;  Quy trình sản xuất thông tin thống kê; Chương trình thống kê; Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê; Luật thống kê, tiêu chuẩn thống kê; Phổ biến thông tin thống kê nhà nước; Lịch phổ biến thông tin thống kê nhà nước; điều tra toàn bộ, điều tra chọn mẫu; Hệ thống chỉ tiêu quốc gia, hệ thống chỉ tiêu Bộ, ngành... Bên cạnh đó, nhiều thuật ngữ mới được đưa vào như Kinh tế số, Tăng trưởng xanh, Việc làm xanh,...đã vẽ nên bức tranh tương đối rõ nét, mô tả sinh động về thống kê hiện đại.

Đặc biệt, bên cạnh việc giải thích các thuật ngữ, cuốn sách  giới thiệu phương pháp, công thức tính các chỉ số thống kê cơ bản như: Số bình quân, tốc độ tăng trưởng; Số tuyệt đối, số tương đối trong thống kê và điều kiện vận dụng; Tỷ lệ, tỷ trọng, tỷ suất, tỷ số;... đi kèm ví dụ cụ thể, gần gũi khiến người đọc dễ hiểu, dễ nhớ.

Phần C, cuốn sách dành giới thiệu Một số chỉ tiêu thống kê chủ yếu: Phần này giới thiệu hơn 152 chỉ tiêu thống kê được sắp xếp theo 22 nhóm, trong đó có 132 chỉ tiêu (có mã số) thuộc Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Các nhóm chỉ tiêu  phản ánh đầy đủ các lĩnh vực kinh tế - xã hội: Công nghiệp; nông nghiệp; đầu tư; tài khoản quốc gia; khoa học công nghệ; giáo dục, y tế; trật tự, an toàn xã hội; tư pháp,... Bên cạnh việc giải thích, diễn giải kỹ lưỡng khái niệm, nội hàm chỉ tiêu, cuốn sách còn đưa các ví dụ cụ thể về phương pháp tính, trích dẫn nguồn số liệu, giúp độc giả hiểu được ý nghĩa, khái niệm, phương pháp tính và cách sử dụng từng chỉ tiêu; ...

Cuối cùng, cuốn sách dành hơn 10 trang phụ lục cho các biểu số liệu thống kê kinh tế, xã hội, đây là nguồn trích dẫn thực tế giúp bạn đọc có thể áp dụng trong việc tìm hiểu khái niệm và thực hành các phương pháp tính.

Có thể nói, với độ dày trên 250 trang, trình bày đẹp, rõ ràng, nội dung phong phú, bố cục logic, khoa học,... ấn phẩm “Kiến thức thống kê thông dụng” có ý nghĩa như một giáo trình “quốc dân” giúp người dùng tin tự học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực thống kê một cách nhẹ nhàng, thú vị.

Đây đồng thời cũng là cuốn cẩm nang cần thiết giúp các nhà hoạch định chính sách, những người thực hiện chính sách và đông đảo công chúng dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin thống kê; nắm rõ vai trò, tầm quan trọng của thông tin thống kê; hiểu số liệu thống kê được thu thập, tính toán theo phương pháp nào;... từ đó biết cách tiếp cận, khai thác, đánh giá, phản biện và sử dụng số liệu thống kê một cách hữu ích: “Thống kê kinh tế - xã hội là một trong những công cụ mạnh nhất để nhận thức xã hội”. V.I. Lenin. /.
 
 P.V 
 


[1] HG Wells: Herbert George Wells (1866-1946) là Nhà văn và nhà Khoa học viễn tưởng người Anh nổi tiếng với những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
[2] Marco Segone and Nicolas Pron “Role of Statistics in policy making”.
[3] Xem chú thích 1.
[4] Tạ Quang Bửu, 1948: Thống kê thường thức.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top