ASEAN-Nhật Bản: Quan hệ hợp tác bền chặt, từ trái tim đến trái tim

18/10/2021 - 10:36 AM
Trải qua gần 5 thập kỷ, ASEAN và Nhật Bản đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực và trở thành những đối tác tin cậy của nhau. Cơ sở để tạo dựng niềm tin cho mối quan hệ hợp tác này là việc hai bên luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược của nhau. Đối với Nhật Bản, luôn ủng hộ đoàn kết ASEAN và coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, tôn trọng và luôn đóng góp rất trách nhiệm vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như: Cơ chế hợp tác giữa ASEAN và ba quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (ASEAN+3); Cơ chế cấp cao Đông Á (EAS); Cơ chế đối thoại an ninh hàng đầu giữa các nước ASEAN và các đối tác quan trọng ở châu Á- Thái Bình Dương (ARF); Cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức giữa ASEAN và các nước đối tác - đối thoại quan trọng của ASEAN (ADMM+),… Xác định một tình bạn lâu dài, Nhật Bản mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện với ASEAN trên cả 4 trụ cột: Đối tác vì hoà bình và ổn định, Đối tác vì sự thịnh vượng, Đối tác vì chất lượng cuộc sống và Đối tác từ trái tim đến trái tim. Ngược lại, Nhật Bản là một đối tác tích cực của ASEAN, đóng góp tích cực cho đối thoại, hợp tác vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.

Trong những năm qua, hai bên đã cùng nhau thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung của Lãnh đạo Cấp cao như: Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 45 năm Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản (năm 2018) và Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 22 về Kết nối (năm 2019)... cũng như phối hợp triển khai Tuyên bố chung Hợp tác ASEAN-Nhật Bản về quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP). Theo đó, ASEAN và Nhật Bản ưu tiên tăng cường hợp tác về kết nối, phát triển hạ tầng, thông qua thực hiện Đối tác Giao thông ASEAN-Nhật Bản (AJTP); đàm phán Hiệp định Dịch vụ Hàng không ASEAN-Nhật Bản; gắn kết giữa việc triển khai Sáng kiến của Nhật Bản về Đối tác mở rộng về hạ tầng chất lượng cao với Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025)… Hai bên cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong triển khai các dòng hành động trong Kế hoạch sửa đổi 2017 thực hiện Tuyên bố tầm nhìn ASEAN-Nhật Bản; Kế hoạch hành động 2018-2022 thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn Quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản. Đặc biệt, các nước ASEAN ghi nhận sự hỗ trợ hiệu quả của Nhật Bản thông qua Quỹ Liên kết ASEAN-Nhật Bản (JAIF).
 
ASEAN-Nhật Bản: Quan hệ hợp tác bền chặt, từ trái tim đến trái tim
Ảnh minh họa

Trong quan hệ thương mại, một trong những dấu ấn quan trọng là ASEAN và Nhật Bản cùng nhau ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP) vào tháng 4/2008 trên cơ sở Hiệp định khung về đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản đã được ký năm 2003. Hiệp định AJCEP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/12/2008. Hiệp định AJCEP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do toàn diện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các cam kết về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế. Những nỗ lực trong hợp tác thương mại đã đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn của ASEAN. Theo thống kê, năm 2018, thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nhật Bản đạt 231,7 tỷ USD. Báo cáo hội nhập ASEAN năm 2019 của Ban Thư ký SEAN cũng cho thấy, Nhật Bản là một trong 4 thị trường xuất khẩu lớn của ASEAN với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sang thị trường này chiếm 7,9% trong tổng xuất khẩu của ASEAN. Đối với nhập khẩu, năm 2018, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của khối ASEAN với kim ngạch nhập khẩu chiếm tỷ trọng là 8,4% tổng nhập khẩu của ASEAN, đứng sau Trung Quốc (20,5%) và EU 28 (9,2%). Ở chiều ngược lại, ASEAN cũng là thị trường thương mại quan trọng của Nhật Bản. Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này, sau Trung Quốc và Mỹ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này sang ASEAN đạt 11.580 tỷ yen (khoảng 110 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu đứng ở mức 11.760 tỷ Yen (khoảng 111,7 tỷ USD).

Bên cạnh đó, ASEAN còn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đa dạng hoá thị trường cũng như điểm đến đầu tư trong xu thế chuyển dịch các chuỗi cung ứng tại khu vực. Trong 5 năm qua, các nhà đầu tư Nhật Bản đã “rót” trung bình 20 tỷ USD mỗi năm vào khu vực ASEAN. Tính đến năm 2019, có hơn 13.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Đông Nam Á. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) vào năm 2019 còn cho thấy hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cách mở rộng kinh doanh ở các nước ASEAN trong những năm tới, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Năm 2019, chính phủ Nhật Bản và 5 nước thành viên ASEAN là Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã ký Nghị định thư đầu tiên sửa đổi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) để bổ sung các nội dung về thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân. Có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, Nghị định được kỳ vọng là tác nhân quan trọng, tiếp thêm động lực mới, tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư hơn nữa giữa Nhật Bản và các quốc gia ASEAN trong thời gian tới.

Không những tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, Nhật Bản còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật các nước ASEANtrongthuhẹpkhoảngcáchpháttriển, pháttriểnnguồnnhânlực, đàotạovềcôngnghệthôngtin, ytếsức khỏe; thúc đẩy giao lưu hiểu biết giữa người dân hai khu vực thông qua nhiều dự án, chương trình như: Chương trình trao đổi học sinh, sinh viên được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản (JENESYS), hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho các nước trong khu vực hay các khóa đào tạo về tăng cường năng lực an ninh mạng, phát triển hệ thống liên vận bền vững khu vực, quản lý cảng biển chiến lược và xử lý rác thải biển… Bên cạnh đó, Nhật Bản còn hỗ trợ ASEAN phát triển thành phố thông minh, kinh tế số, nông nghiệp chất lượng cao và hỗ trợ thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, năng lượng, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu…

Trong bối cảnh quốc gia các nước khu vực ASEAN phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh Covid-19, Nhật Bản sát cánh cùng các nước ASEAN nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh; phối hợp bảo đảm cung ứng, phân phối vaccine đồng đều, hiệu quả và đảm bảo chất lượng cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này thể hiện qua việc Nhật Bản đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và hỗ trợ 50 triệu USD giúp ASEAN thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED), góp phần nâng cao năng lực y tế, tăng cường khả năng điều phối quốc gia và khu vực, ứng phó với dịch bệnh trong tương lai. Trong thời gian tới, các nước ASEAN và Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong ứng phó, kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh Covid-19, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh, từng bước phục hồi và ổn định đời sống kinh tế-xã hội, duy trì chuỗi sản xuất - cung ứng khu vực… để cùng nhau vượt qua đại dịch với tư cách là những người bạn lâu đời và những đối tác bình đẳng.

Bằng những cam kết và hành động thiết thực, chắc chắn rằng quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng, dựa trên các giá trị chung của liên kết kinh tế mở và hai bên sẽ là những người bạn tốt, chân thành của nhau./.
 
Bích Ngọc

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top