Bảo hiểm xã hội Việt Nam – Tích cực triển khai tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19

22/12/2021 - 02:53 PM
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với đời sống, an sinh xã hội của người dân trên mọi miền đất nước. Đồng hành cùng Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã không ngừng triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên, tổ chức chương trình, hoạt động thiết thực, qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người tham gia, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 06/9/2021, cả nước có trên 14,84 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) (chiếm 29,82% lực lượng lao động) và đạt 83,89% kế hoạch BHXH Việt Nam. Trong đó, BHXH bắt buộc có 13,66 triệu người tham gia; BHXH tự nguyện có 1,18 triệu người tham gia và có trên 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt 87,33% dân số tham gia BHYT.

Đáng chú ý, có 16 BHXH tỉnh có số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng so với cuối năm 2020; 33 BHXH tỉnh có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng; 11 BHXH tỉnh có số người tham gia BHYT tỉnh tăng so với cuối năm 2020; đặc biệt có 9 tỉnh số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng so với năm 2020: Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình và Thanh Hoá. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tỷ lệ người lao động (NLĐ) thất nghiệp gia tăng, thì chính sách BHTN đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận NLĐ thất nghiệp, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết cho trên 483 nghìn người hưởng BHTN. Toàn quốc có trên 84 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; trên 9.000 người lao động được hỗ trợ học nghề; giải quyết 4,7 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau; 1,2 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản; 258 nghìn lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe;… Cùng với đó, ngành BHXH đã phối hợp, thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN giai đoạn 2021- 2025. Tham gia, phối hợp với Bộ Y tế tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1167/QĐ-TTg và đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời, tham gia với Ủy ban Dân tộc báo cáo, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục hỗ trợ từ NSNN để đóng BHYT cho 2,6 triệu đồng bào DTTS (không còn thuộc đối tượng được NSNN hỗ trợ đóng sau khi triển khai Quyết định 861/QĐ-TTg)…

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia; phương án tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN những tháng cuối năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các địa phương rà soát, điều tra, khai thác dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp theo các quy định mới của BHXH Việt Nam; hướng dẫn, hỗ trợ người dân đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong thời gian dịch bệnh Covid-19…

 
Bảo hiểm xã hội Việt Nam – Tích cực triển khai tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh covid-19

Ảnh minh họa
 
Trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội; để các chế độ BHXH, BHYT, BHTN và các chính sách hỗ trợ kịp thời đến người với người dân, NLĐ, doanh nghiệp, BHXH Việt Nam đã linh hoạt, sáng tạo các phương thức chi trả, hỗ trợ nhằm mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia. Theo đó, BHXH Việt Nam đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; đẩy mạnh chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng, thực hiện chi trả gộp thời gian, chi trả tại nhà; khuyến khích người tham gia sử dụng ứng dụng "VssID-Bảo hiểm xã hội số" trên điện thoại thông minh để sử dụng trong khám chữa bệnh BHYT, trong thực hiện các dịch vụ công với cơ quan BHXH, trong tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT;… để giúp người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN hạn chế đi lại, tiếp xúc trực tiếp, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, kết nối, tích hợp cung cấp 5/7 dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, gồm: Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; Hỗ trợ NLĐ ngừng việc; Hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất.

Song song với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên, BHXH Việt Nam luôn bám sát, triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và NLĐ cùng vượt qua đại dịch Covid-19. Trong đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và NSDLĐ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng kịp thời việc triển khai các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Kết quả, sau hơn 1 tuần triển khai thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành, ngày 16/7/2021, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Cụ thể, BHXH các tỉnh, thành phố đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo đến trên 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,2 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng. Theo nhận định, việc giảm mức đóng BHXH này vừa là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, vừa vẫn đảm bảo việc giải quyết quyền lợi hợp pháp của NLĐ khi không may bị TNLĐ-BNN, góp phần bảo đảm đời sống, sức khỏe của NLĐ, nhất là giữa bối cảnh vốn đã có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây nên.

Cùng với đó, tính đến hết ngày 01/9/2021, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho 403 đơn vị tại 44 tỉnh, thành phố, với trên 68 nghìn lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 473,3 tỷ đồng. Xác nhận danh sách của 651,4 nghìn lao động của 26,5 nghìn đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 61 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, mới đây trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, để tiếp tục hỗ trợ NLĐ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; hỗ trợ NSDLĐ giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho NLĐ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN.

BHXH Việt Nam cho biết, gói hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ đang tham gia BHTN lần này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đời sống của NLĐ đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHTN. Chính sách hỗ trợ này cũng cho thấy việc đảm bảo nguyên tắc về chia sẻ rủi ro, nguyên tắc đóng - hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng.

Ngay sau khi Nghị quyết số 116 của Chính phủ được ban hành, với quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ có liên quan, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng có phương án triển khai thực hiện và dự kiến các quy trình thủ tục để triển khai gói hỗ trợ trên tinh thần đảm bảo triển khai các bước hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp một cách đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất.

Theo rà soát, đối tượng được thụ hưởng trợ cấp theo tinh thần của Nghị quyết 116 có gần 13 triệu NLĐ và 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động. Trong đó, đối với 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN trong thời gian 12 tháng (từ 01/10/21 đến 30/9/22) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng để in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó, BHXH sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào Quỹ BHTN của doanh nghiệp.

Đối với gần 13 triệu NLĐ, cơ quan BHXH sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia BHTN và xác định thời gian tham gia BHTN. Tất cả các thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam cũng cho biết, hiện các đơn vị nghiệp vụ, cũng như BHXH các địa phương đã sẵn sàng các nội dung: Nguồn dữ liệu để xác định các đối tượng và mức hưởng; lực lượng, con người, nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ. Trong đó, về phương hướng chi trả, đối với NLĐ đang tham gia BHTN tại doanh nghiệp, BHXH sẽ chi trả qua tài khoản cá nhân.

Theo cơ quan BHXH Việt Nam, đối với một chính sách hỗ trợ mà diện người được hưởng lớn (gần 13 triệu NLĐ, 386 nghìn doanh nghiệp), nếu không có nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin thì sẽ rất khó đảm bảo về tiến độ và chất lượng. Tuy nhiên, với nền tảng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam hiện nay sẽ là một công cụ hữu hiệu để đảm bảo tiến độ, chất lượng, tính công khai, minh bạch trong việc chi trả các chính sách hỗ trợ này. Mặc dù vậy, hiện ngành BHXH cũng đang đứng trước khó khăn với khoảng 2,5 triệu lao động đang bảo lưu BHTN phân tán rải rác ở các địa phương. Do vậy, để đảm bảo tiến độ triển khai rất cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, các cấp uỷ, chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho NLĐ thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ chủ động, phối hợp với cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện… để việc triển khai gói hỗ trợ được diễn ra đảm bảo tiến độ, chính xác và mang lại hiệu quả thiết thực.

Có thể thấy, với hàng loạt các giải pháp chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như việc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả các Nghị quyết, chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHXH, BHYT; kịp thời hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19; đặc biệt góp phần giảm việc đi lại, tiếp xúc của người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH trong việc giải quyết chế độ, chính sách, nhằm hạn chế khả năng lây lan dịch ngoài cộng đồng. Đồng thời, phát huy vai trò của chính sách BHXH, BHYT, BHTN là chỗ dựa cho NLĐ và NSDLĐ, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước./.

 
 
Thu Hòa 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top