Bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng internet

20/07/2020 - 09:36 AM
Trong xã hội ngày nay không thể phủ nhận vai trò và lợi ích của mạng internet với đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong giáo dục, mạng internet cũng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em trong việc cung cấp kiến thức, phương thức học tập, giải trí, tăng cường tương tác xã hội… Tuy nhiên, mặt trái của mạng internet cũng đặt ra không ít những thách thức trong việc bảo vệ trẻ em, bởi môi trường không gian mạng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, mất an toàn đối với trẻ. Chính vì vậy, việc làm thế nào để mạng internet trở thành công cụ học tập, giải trí tích cực đối với trẻ em đang là câu hỏi lớn không chỉ với các bậc phụ huynh, mà còn của cả xã hội.

Nguy cơ, rủi ro đối với trẻ em và một số hạn chế trong công tác quản lý bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường không gian mạng

Năm 1997, Việt Nam bắt đầu cung cấp dịch vụ internet và cũng tại thời điểm này mạng internet Việt Nam chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu. Mặc dù sự xuất hiện của internet ở Việt Nam chậm hơn so với khởi đầu của thế giới khoảng 7-8 năm và chậm hơn so với một số nước trong khu vực khoảng 3-4 năm, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới. Hiện, Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu. Hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-24...

Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của internet thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó, trẻ em Việt Nam đã từng bước được tiếp cận và hội nhập với nền tảng internet ngày càng phát triển. Trẻ em có được cơ hội học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội trên môi trường mạng internet. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đã cho thấy có không ít tác động tiêu cực, thậm chí trên môi trường mạng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro với trẻ em.

 
Bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng internet

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mạng internet dễ dàng tạo ra chứng nghiện mạng nếu như người sử dụng không biết cách sử dụng phù hợp. Các phân tích cho thấy, người truy cập mạng thường xuyên ở giới hạn nào đó sẽ trở thành người nghiện mạng và rất dễ mắc chứng sang chấn tâm lý, giống như những biểu hiện bất ổn về mặt tâm thần. Điều này sẽ càng nguy hiểm hơn khi người sử dụng mạng internet là trẻ em. Bởi khi sử dụng mạng internet trẻ em thường chưa biết giới hạn về thời gian và không gian sử dụng phù hợp, chưa biết tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể gặp phải.

Với vô vàn thông tin có trên môi trường không gian mạng, khi sử dụng trẻ em cũng hay gặp thông tin không phù hợp, thông tin tiêu cực. Những thông tin xuất hiện hoàn toàn ngoài ý muốn của trẻ em, hoặc ngay cả những thông tin trẻ em cố tình tìm kiếm nhưng mang lại những kết quả tiêu cực.

Ngoài ra, bên cạnh những mặt tích cực, mạng internet còn đưa đến môi trường sống ảo, khiến nhiều trẻ em lựa chọn cuộc sống ảo, trở nên cá nhân hơn, riêng tư hơn và ít bị giám sát, khiến cha mẹ gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình định hướng, bảo vệ con em mình. Tiếp xúc với mạng internet khi không có sự kiểm soát của người lớn, các em còn dễ bị lôi kéo “chạy” theo các thần tượng ảo, tham gia các trào lưu xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Cùng với đó là nạn mua bán - bắt cóc trẻ em trên môi trường mạng cũng là một trong những vấn đề tiêu cực thường thấy hiện nay. Nhiều trẻ em đã bị dụ dỗ và trở thành nạn nhân của những vụ buôn bán, bắt cóc.

Song, điều tệ hại nhất hiện nay đối với trẻ em là thông qua môi trường mạng, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục (hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi, quay, chụp lại, dùng để đe dọa phát tán hoặc livestream khiến trẻ bị ép buộc, trở thành nô lệ tình dục); tiếp xúc với nội dung bạo lực, nhạy cảm; tiếp xúc nội dung và hành vi tiêu cực khác; gặp những hành vi tiếp xúc và ứng xử không phù hợp; thông tin cá nhân bị thu thập, quảng cáo các sản phẩm không phù hợp… Không chỉ vậy, nhiều em bị hội chứng nghiện điện thoại thông minh, nghiện chơi game online... dẫn đến bị ảo giác, gây ra tổn hại về cả thể chất và tinh thần, khó hồi phục.

Theo số liệu thống kê từ UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc), mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em được đưa lên mạng Internet. Các chuyên gia cho rằng, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thường có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi xâm hại trong đời thực. Bên cạnh tác động đến sức khỏe, còn ảnh hưởng đến tâm lý, nhân sinh quan, thậm chí trong một số trường hợp còn tạo sang chấn tâm lý.

Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại trên môi trường không gian mạng internet. Trong khi đó, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của nước ta hiện còn thiếu và chưa đồng bộ. Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa cụ thể, rõ ràng. Còn thiếu các văn bản quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, vai trò, hiệu quả trong việc xử lý, can thiệp của cơ quan quản lý về truyền thông; cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em; các cơ quan truyền thông; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng, của gia đình, nhà trường chưa cao. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chưa chú trọng triển khai các giải pháp công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp trong nước hầu như chưa có phương án tiếp nhận, cảnh báo về các nội dung không phù hợp với trẻ em, chưa dán nhãn các nội dung dành cho trẻ em. Các gia đình cũng chưa thật sự quan tâm, chưa có giải pháp bảo vệ hoặc hướng dẫn, định hướng cho trẻ em các cách tiếp cận và sử dụng mạng internet một cách an toàn và hiệu quả.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, tuy nhiên thực tế cho thấy, không ít trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Bộ Công an cho biết, trong 3 năm (2017-2019), lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, số lượng này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng. Do đó, việc tìm kiếm các biện pháp nhằm đảm bảo trẻ em được thực sự an toàn trên internet đang được Chính phủ, các cấp, ngành và các phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet và đề xuất một số giải pháp Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực và chính phủ các quốc gia đã và đang đưa ra nhiều quy định, khuyến nghị, hướng dẫn, các biện pháp để toàn xã hội cùng chung tay trong bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng. Với việc luôn đặt trẻ em là trung tâm của sự phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em từ rất sớm (tháng 2/1990). Theo đó, để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ rủi ro trên môi trường mạng, đã có nhiều văn bản pháp lý với những mục quy định cụ thể như: Luật trẻ em năm 2016, Luật tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018. Cùng với đó Chính phủ, các bộ ngành cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ cũng quy định chi tiết về Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em (Điều 33); Truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 34); Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng (Điều 35); Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng (Điều 36); Các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (Điều 37).

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư số 09/2017 quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên Đài phát thanh, Đài truyền hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Bên cạnh ban hành quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các bộ ngành, tổ chức đoàn thể và từng đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng internet.

Trong năm 2019, Việt Nam đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12 năm 2019, Việt Nam đã khai trương App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 và Diễn đàn trẻ em các cấp đã được tổ chức trong đó có chủ đề Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngoài ra, nhiều hội thảo với mục đích định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được tổ chức và nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực trong công tác đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đặc biệt, tháng 3/2020 nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) xây dựng kế hoạch phối hợp phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin trên không gian mạng với cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm quyền trẻ em. Theo kế hoạch, các đơn vị liên quan sẽ tập trung khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; Triển khai xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường internet.

Việc triển khai kế hoạch phối hợp còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cơ quan quản lý, đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước sẵn sàng cùng đồng hành để bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật về quyền trẻ em và về an ninh mạng, trong bối cảnh xu hướng xâm hại trẻ em trên không gian mạng ngày càng diễn biến tinh vi và phức tạp.

Tuy nhiên, để trẻ em ngày càng được bảo đảm an toàn trên môi trường mạng, một số giải pháp được đề xuất như sau:

- Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em. Cụ thể: xây dựng quy trình phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; nghiên cứu, xây dựng chiến lược/đề án về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của trẻ em (bắt buộc sử dụng cài đặt riêng tư mặc định và công nghệ xác thực độ tuổi trong việc thu thập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ các dữ liệu cá nhân thu thập từ trẻ em; thiết lập một cơ chế dễ tiếp cận để yêu cầu xóa bỏ các dữ liệu cá nhân mà một người cung cấp khi còn là trẻ em…).

- Có biện pháp ngăn chặn những thông tin trên mạng tác động xấu, dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại bằng các hình thức và các cấp độ khác nhau như chặn một số website, lọc các nội dung xấu, độc hại đối với trẻ em…

- Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm kết nối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng hoạt động vì trẻ em. Tạo thành quy trình hài hòa để phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.

- Thông qua mạng lưới này, trẻ em sẽ dễ dàng lên tiếng, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, được bảo vệ an toàn khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng, tương tự quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại trong đời thực.

- Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em.

- Nâng cao hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn để trẻ em tự bảo vệ mình, kịp thời tố giác hành vi xâm hại trên môi trường mạng.

- Về mặt truyền thông, tập trung truyền thông tới các đối tượng: Trẻ em, gia đình và nhà trường, trong đó nhấn mạnh đến nội dung đồng hành cùng trẻ em sử dụng internet thông minh và an toàn.

- Cần xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các Bộ, ngành hoàn thiện khung luật pháp, chính sách; phát triển các dịch vụ phát hiện, phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ bảo vệ trẻ em; Xây dựng các đơn vị thí điểm mô hình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
 
Với sự quyết tâm đẩy lùi những nguy cơ rủi ro đối với trẻ em trên môi trường không gian mạng và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh của áp dụng công nghệ tiên tiến với kiến thức, kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước tiến mới giúp trẻ em Việt Nam được bảo vệ an toàn và phát triển lành mạnh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ môi trường mạng./.
 
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top