Hiệu quả từ nguồn vốn tính dụng chính sách đối với phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo ở Bắc Giang

20/02/2022 - 08:56 PM

Xuyên suốt chặng đường 19 năm xây dựng và phát triển, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách ngay từ thuở ban đầu thành lập, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và Đảng bộ, chính quyền địa phương, tìm mọi giải pháp huy động nhiều nguồn lực tài chính và tổ chức tốt các Chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ. Công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhờ đó đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Ông Hà Quốc Quân, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bắc Giang

 
Điểm nổi bật trong hoạt động của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bắc Giang là phương thức “Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã” qua mạng lưới 3.124 Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng mạng lưới 209 Điểm giao dịch. Phương thức này đã phủ kín xuống tận các xã, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận đầy đủ, thuận lợi tới nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Cùng với đó, việc phối hợp giữa NHCSXH với các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, góp phần thực hiện tốt công tác bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn chính sách.

Năm 2021, mặc dù đại dịch COVID – 19 vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên bên cạnh sự hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang cũng mở cửa đón tiếp các khách hàng truyền thống là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác từ miền núi cao Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế đến vùng “tâm dịch” Việt Yên, Lục Nam. Mạng lưới hoạt động bao gồm 10 Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, gần 150 cán bộ cùng hơn 1.000 nhân viên của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.

Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022
 

Bởi thế, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bắc Giang được tin tưởng nhận thêm nhiều vốn hoạt động. Minh chứng hiện rõ đến nay tổng nguồn vốn chính sách ở Bắc Giang đạt xấp xỉ 5.200 tỷ đồng, tăng 407 tỷ đồng so với năm 2020. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã phát huy có hiệu quả, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi… để tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, tạo việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Chia sẻ về vai trò và tác động của Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách tại Bắc Giang thời gian qua, ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang cho biết: “Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được nâng lên. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong Đảng bộ tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội và thu được nhiều kết quả quan trọng.

Gia đình anh Hoàng Văn Mạnh ở thôn Mỵ To, xã Trù Hựu (huyện Lục Ngạn) sử dụng nguồn vốn NHCSXH hiệu quả
đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Ảnh: Tư liệu


 
Nhiều địa phương đã đưa công tác tín dụng chính sách xã hội thành nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, phải nói đến sự quan tâm bố trí, cân đối chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH tỉnh, huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến 31/12/2021 đạt 173,2 tỷ đồng, tăng 99,5 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng 140,7%, hằng năm đều hoàn thành kế hoạch Trung ương giao cho tỉnh Bắc Giang.

Từ năm 2016 đến 2021, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho 196.782 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác được vay vốn với tổng số tiền vay là 7.411 tỷ đồng. Trong đó: hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 92.781 hộ, 21.955 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, 64.395 hộ vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tạo 10.450 việc làm cho người lao động, cho vay hộ dân tộc miền núi là 1.164 hộ, cho vay xây nhà ở cho hộ nghèo là 2.131 hộ, cho vay 507 người có thu nhập thấp để xây nhà ở, mua nhà ở xã hội. Trong giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Bắc Giang đạt đồng đều tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm 2,23%, riêng các xã đặc biệt khó khăn và huyện nghèo 30a giảm đến 4 - 5%, vượt cao hơn kết quả cả nước.

Ngân hàng CSXH huyện Lục Nam Ký kết hợp đồng tín dụng cho vay để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất
theo Nghị quyết số 68/NQ – CP của Chính phủ


 
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tốt giải ngân hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Đến nay đã có 64 doanh nghiệp được vay hơn 200 tỷ đồng vốn ưu đãi, lãi suất 0% để trả lương cho gần 59 nghìn lượt lao động. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang cũng là đơn vị hiện dư nợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cao nhất nước. Tổng dư nợ tín dụng đạt 5.390 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2020. Trong đó, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 8,4%, dư nợ bình quân 50,1 triệu đồng/hộ. Dư nợ phân theo các chương trình tín dụng như: hộ nghèo 899 tỷ đồng, hộ cận nghèo 916 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 950 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường 805 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 762 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 332 tỷ đồng, cho vay người sử dụng lao động 379 tỷ đồng và cho vay nhà ở xã hội 172,8 tỷ đồng.

Có thể thấy, tín dụng chính sách của Chính phủ được Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang thực hiện đã và đang trở thành công cụ hữu hiện giúp tỉnh Bắc Giang thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, vượt qua khó khăn, ngăn ngừa được tác hại của thiên nhiên, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Có được kết quả trong công tác huy động nguồn lực dồi dào phải kể đến vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã của Bắc Giang luôn xác định công tác tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, để từ đó quan tâm, tạo điều kiện cho NHCSXH tập trung huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn từ trong nước, ngoài nước, và tích cực khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn.

Đại diện lãnh đạo NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bắc Giang thăm hỏi, tặng quà Trung tâm Điều dưỡng thương binh
Lạng Giang

 

Thời gian tới, những cán bộ làm tín dụng vùng trung du miền núi Bắc Giang xác định rõ nhiệm vụ: phấn đấu tăng trưởng tín dụng chính sách xã hội đạt từ 7 - 10%; Tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương theo chuẩn nghèo mới để làm căn cứ rà soát nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh./.

                                                                                                  Trọng Nghĩa

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top