Bắc Giang với khát vọng bứt phá

26/01/2021 - 10:52 AM

5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang đã vượt qua khó khăn và đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra đều hoàn thành xuất sắc, nhiều chỉ tiêu vượt xa so kế hoạch, giữ vị trí nhóm dẫn đầu khu vực và cả nước.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2015 -2020

Trong 5 năm qua, nhờ huy động hiệu quả các nguồn lực và có những cơ chế chính sách hợp lý, phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang có sự bứt phá mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân trên địa bàn đạt 13,9%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước, vượt xa so với mục tiêu Đại hội (10-11%/năm). Quy mô GRDP năm 2020 ước đạt gần 123 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2015 (đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố). Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng cao, trong đó công nghiệp ngày càng khẳng định là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 23,8%/năm. Toàn tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp và 40 cụm công nghiệp, cơ bản đã lấp đầy diện tích.

 Bắc Giang với khát vọng bứt phá

ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Nhiệm kỳ qua tiếp tục chứng kiến sự phát triển ngoạn mục của nông nghiệp Bắc Giang, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tập trung quy mô lớn. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục duy trì vùng trồng cây ăn quả Lục Ngạn là một trong những vùng có quy mô lớn nhất cả nước. Bình quân giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang đạt 120 triệu đồng. Chăn nuôi phát triển đa dạng cả chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổng đàn lợn và đàn gà đều đứng thứ 4 toàn quốc. Trồng rừng kinh tế phát triển mạnh, nhiều hộ đã làm giàu từ kinh tế rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38%, tăng 0,9% so với năm 2015. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có cả những thị trường khó tính và được đánh giá cao.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành dịch vụ bình quân đạt 6,2%/năm. Hệ thống bán lẻ phát triển rộng khắp đến các thôn, bản; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 đạt gần 29,8 tỷ đồng. Xuất khẩu tăng trưởng cao, năm 2020 giá trị xuất khẩu đạt 11,12 tỷ USD. Dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải tiếp tục phát triển nhanh. Thương mại điện tử và các giao dịch, thanh toán điện tử ngày càng phát triển.

Bắc Giang được xem là điểm sáng của cả nước trong phát triển doanh nghiệp, bình quân mỗi năm thành lập mới trên 1.200 doanh nghiệp; đến nay, toàn tỉnh có 10.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 447 doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong 5 năm, diện mạo đô thị đã có sự thay đổi rõ nét, ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Tỉnh đã triển khai thực hiện 36 dự án khu đô thị, khu dân cư với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Hiện, tỉnh Bắc Giang có 16 đô thị, trong đó TP. Bắc Giang là đô thị loại II, thị trấn Thắng và thị trấn Chũ là đô thị loại IV, 13 đô thị loại V.

Đầu tư trên địa bàn tăng khá với tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 230 nghìn tỷ đồng. Trong đầu tư, tỉnh Bắc Giang tập trung ưu tiên cho xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực như: Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đường vành đai IV Hà Nội, ĐT293 và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu... Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống đường huyện, đường xã, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn.

 Bắc Giang với khát vọng bứt phá 1

ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Để bắt nhịp xu thế hội nhập của Việt Nam với thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong điều hành hoạt động, Bắc Giang chú trọng chỉ đạo triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực, qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, nhiều sáng kiến, giải pháp công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân trên địa bàn.

Ngoài ra, các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bắc Giang tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhiều lĩnh vực duy trì thứ hạng tốp đầu khu vực và cả nước. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,4% tổng số xã trong tỉnh, vượt xa so với mục tiêu Đại hội (35-40%), có 3 huyện là Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên đạt huyện nông thôn mới trước kế hoạch. Hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực đến đời sống người dân và diện mạo của vùng nông thôn. An sinh xã hội được nâng cao, đời sống nhân dân có sự thay đổi rõ rệt và thực chất, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đến nay chỉ còn 3,5%, giảm 10,43% so với năm 2015, bình quân giảm trên 2%/năm. Kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số tiếp tục có bước phát triển, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân trên 7%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh giảm bình quân 4,5%/năm.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bắc Giang vẫn còn những tồn tại như: Tăng trưởng kinh tế chủ yếu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp nhưng còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài; công nghiệp phát triển về quy mô nhưng chưa thu hút được nhiều dự án lớn, công nghệ cao; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; dịch vụ phát triển chậm, chưa theo kịp sự phát triển của công nghiệp; thu ngân sách từ đất còn chiếm tỉ trọng khá lớn; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và công nhân tại các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn.

Khát vọng bứt phá

Với khát vọng bứt phá, đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, tỉnh Bắc Giang phấn đấu năm 2025 nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước về quy mô GRDP, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện thuộc nhóm tiên tiến của cả nước. Cụ thể, đến năm 2025, Bắc Giang phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 14,0-15,0%. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 11%; công nghiệp - xây dựng 68,4%; dịch vụ 20,6%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 5.500-6.000 USD; tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 14-16%/năm; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 35-36% GRDP/năm (huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 470 nghìn tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm ít nhất là 1-1,5%.

Để tiếp tục phát huy lợi thế, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, trong thời gian tới Đảng bộ tỉnh Bắc Giang cần tập trung rà soát, xây dựng Quy hoạch tổng thể tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, bảo đảm khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản; có quy hoạch cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng, làm cơ sở định hướng phát triển. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ như:

Một là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và tình hình thực tế của địa phương để tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch.

Hai là, phát triển đồng bộ cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó công nghiệp được xác định là động lực, nông nghiệp là nền tảng bảo đảm ổn định, phát triển nhanh, bền vững; dịch vụ đảm bảo cho quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng bền vững. Phát triển công nghiệp trên cơ sở thu hút, lựa chọn các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, quan tâm thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước. Có chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường nội lực tạo sự chủ động của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm môi trường, tăng cường khâu chế biến, bảo quản sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Đẩy mạnh việc trồng và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng gắn với sinh kế của nhân dân, tăng dần tỷ lệ che phủ rừng. Phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, tập trung vào các loại hình dịch vụ là tiềm năng như vận tải, kho bãi, logistic, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí đưa Bắc Giang trở thành trung tâm, đầu mối về thương mại vận tải kho bãi của vùng và là điểm du lịch nghỉ dưỡng cho vùng Thủ đô Hà Nội.

Ba là, quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội mới phát sinh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Làm tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, nhân dân miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến các xã, huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp.

Bốn là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng thủy lợi trọng yếu, hạ tầng đô thị và du lịch, hạ tầng giáo dục và y tế thiết yếu, hạ tầng công nghệ thông tin - công nghệ số, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số.

Năm là, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, tập trung đào tạo lao động có tay nghề, kỹ thuật, chất lượng cao, góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư.

Sáu là, quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền vận động, công tác thi đua khen thưởng tạo đồng thuận xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước để tạo động lực cho sự phát triển, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu./.

Phạm Bá Dũng

Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top