Bắc Hà: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

28/12/2023 - 05:25 PM

Bắc Hà: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch 1
Bắc Hà: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch 2

Bắc Hà có khí hậu quanh năm ôn hòa, với nhiều lễ hội đặc sắc và những sinh hoạt văn hoá đậm bản sắc dân tộc, đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.



Có thể kể đến Lễ hội đua ngựa truyền thống. Lễ hội này từ lâu đã trở thành thương hiệu gắn liền với địa danh "cao nguyên trắng."

Được tổ chức vào tháng Sáu hằng năm, lễ hội lồng ghép với các hoạt động văn hóa, du lịch khác của địa phương. Đặc biệt, từ khi trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, lễ hội thu hút ngày một nhiều hơn du khách đến với Bắc Hà.

Không mang tính chất thương mại, không phải giải đua chuyên nghiệp, đua ngựa ở Bắc Hà là cuộc đua của những người nông dân và ngựa đua là những con ngựa thồ.

Bắc Hà: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch 4
Đặc biệt, đua ngựa ở Bắc Hà là “đua mộc,” không có yên cương, không bàn đạp giữ chân mà chỉ có đai buộc ngựa, hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển.

Lễ hội Gầu Tào không được nhiều du khách biết đến như Lễ hội đua ngựa truyền thống, nhưng là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân tộc Mông ở cao nguyên trắng Bắc Hà.

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức mỗi năm một lần, là lễ hội lớn nhất có quy mô cộng động duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông. Lễ hội Gầu Tào là điểm đến hấp dẫn của nhiều khách du lịch tham quan, khám phá, tìm hiểu những nét đẹp truyền thống nguyên sơ của người dân trên cao nguyên trắng Bắc Hà, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch mũi nhọn cho nơi đây.

Lễ hội Gầu Tào diễn ra với 2 phần: mở đầu với lễ cúng có sự góp mặt của thầy mo, các gia làng, trưởng bản có uy tín và phần kết thúc với các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, thể thao dân tộc.

Ngoài ra, các lễ hội diễn ra ở Bắc Hà tạo nên sự hấp dẫn riêng với du khách như: Lễ hội xuống đồng của người Tày với làn điệu xòe được công nhận là Di sản Phi vật thể Quốc gia; Lễ hội cấp sắc người Dao; Lễ cúng rừng của người Mông, Tày, Nùng, Phù Lá...

Bên cạnh các lễ hội đặc sắc, hấp dẫn, "Cao nguyên trắng" Bắc Hà được biết đến với nền văn hóa với văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng, các nông sản đặc trưng, đặc hữu. Đến với Bắc Hà, đồng bào các DTTS ở đây thường đãi khách bằng sản vật địa phương như xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, bánh dày, thắng cố, khẩu nhục, lợn cắp nách, gà bản, phở... đã tạo ấn tượng sâu đậm, sự hài lòng của du khách.

Bắc Hà: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch 5

Ngoài ra, Bắc Hà còn được biết đến với nhiều đặc sản mới như gạo khẩu Nậm Xít, chè Shan tuyết Bản Liền là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Lào Cai; rượu ngô đặc sản Bản Phố - sản phẩm OCOP 4 sao, lạc đỏ địa phương. Các loại hoa quả đặc sản ngoài mận tam hoa, mận Tả Van, lê Tai Nung, lê xanh, Bắc Hà còn có trái hồng, trái bơ thơm ngon, các loại rau sạch đặc sản xứ lạnh như cải xoăn, cải làn, su hào, rau đương quy tươi và các loại cây dược liệu quý đặc trưng vùng có khí hậu mang tính chất ôn đới như sâm Ngọc Linh, Atisô…

Trong năm 2023 này, nhằm tạo điểm nhấn quan trọng kích cầu du lịch Bắc Hà, Festival cao nguyên trắng Bắc Hà mùa Hè đã được tổ chức từ 3-11/6/2023. Tại Festival, đến với Bắc Hà, cùng với việc tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, du khách còn được trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc và thưởng thức đặc sản của vùng đất này.

Festival cao nguyên trắng Bắc Hà mùa Hè năm 2023 với chủ đề “Vũ điệu cao nguyên” đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm…Theo thống kê của Phòng Văn hóa huyện, trong 9 ngày diễn ra Festival, Bắc Hà đón 63 nghìn lượt du khách, ước đạt khoảng 12% lượng khách đến địa phương trong năm 2023. Riêng tuần diễn ra vòng chung kết đua ngựa, Bắc Hà đón 45 nghìn lượt khách.

Với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch to lớn, cùng với cảnh sắc thiên nhiên 4 mùa tươi đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng của 14 dân tộc anh em cùng sự thân thiện, mến khách, Bắc Hà đang trở thành điểm đến du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Bắc Hà: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch 6
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhằm khai thác những tiềm năng trở thành những sản phẩm, điểm hẹn hấp dẫn, ngành du lịch Bắc Hà đã và đang có những giải pháp cụ thể. Trước hết, huyện xác định rõ tài nguyên thiên nhiên và văn hoá giàu bản sắc truyền thống là yếu tố hấp dẫn của du lịch Bắc Hà. Trên cơ sở đó, huyện tiến hành rà soát các tài nguyên du lịch văn hoá nổi trội (trong đó có các lễ hội) mang đặc thù riêng của từng địa phương để bảo tồn những nét đặc sắc, thu hút du khách.



Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà cho biết, chợ văn hóa Bắc Hà với những nét nguyên sơ của chợ văn hóa vùng cao được Tạp chí Serendib (Sri Lanka) đánh giá là một trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á; Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng - Trung tâm duy nhất trên thế giới diễn giải về nghệ thuật kiến trúc của hai nền văn hóa Á - Âu. Bên cạnh đó, Bắc Hà còn sở hữu hàng trăm di tích, di sản, trong đó có 01 di sản của nhân loại (nghi lễ kéo co của người Tày, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai), 4 di sản cấp quốc gia (cây nghiến 1.000 tuổi ở xã Cốc Ly; nghệ thuật múa xòe Tà Chải; nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Mông hoa; lễ hội đua ngựa truyền thống); 4 di tích cấp quốc gia (đền Bắc Hà, đền Trung Đô, động Thiên Long, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng), 1 di tích cấp tỉnh (đồn Bắc Hà)…

Bắc Hà hiện đang xây dựng 10 nhóm sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với thương hiệu “cao nguyên trắng". Đó là xây dựng không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng theo hướng đặc sắc, bền vững, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư; đảm bảo lợi ích của cộng đồng, người dân bản địa góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời, huyện có phương án bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.

Bắc Hà: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch 8

Để bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa của người dân Bắc Hà, UBND huyện đã đưa ra kế hoạch về việc triển khai thực hiện Dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, Kế hoạch gồm 6 nội dung: Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số (Lễ hội Xuống đồng người Tày xã Tà Chải, tết tháng Bảy của người La Chí xã Nậm Khánh); hỗ trợ nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận (trong đó có 2 nghệ nhân là Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Lù và các nghệ nhân trợ giảng truyền dạy nghệ thuật xòe dân tộc Tày tại xã Tà Chải; truyền dạy tri thức văn hóa dân gian dân tộc Dao đỏ và Nghi lễ nhảy lửa của người Dao của Nghệ nhân Ưu tú Bàn A Ton, xã Nậm Đét); xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân ca, dân vũ của dân tộc Phù Lá tại xã Lùng Phình; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các xã Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Nậm Mòn, Lùng Phình, Cốc Ly...

Bên cạnh đó, Bắc Hà cũng lên kế hoạch tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; thuê chuyên gia tư vấn xây dựng các chương trình truyền thông; quay video quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện Bắc Hà và đăng tải trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông. Đồng thời, kết hợp nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch.

Đến nay, Bắc Hà đã thực hiện một số hoạt động nhằm bảo tồn và gìn giữ nét đẹp của người dân Bắc Hà như: Phối hợp với UBND xã Nậm Khánh tổ chức tái hiện ngày tết Khu Cù Tê của người La Chí, hát giao duyên; thi đấu các môn thể thao truyền thống (kéo co, đẩy gậy) và các trò chơi dân gian (đu quay, đi cà kheo), thi thêu thổ cẩm, hát dân ca; mở lớp tập huấn, mời nghệ nhân am hiểu sâu sắc về văn hóa người La Chí từ Hà Giang sang hướng dẫn, khôi phục lại một số phong tục, tập quán đã bị thất lạc; tổ chức lớp truyền dạy nghi lễ nhảy lửa của người Dao đỏ tại xã Nậm Đét; mời các chuyên gia của Sở Văn hóa và Thể thao truyền đạt kỹ năng bảo vệ di sản văn hóa; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị, di sản văn hóa....

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết, Bắc Hà đã và đang triển khai khôi phục, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Huyện Bắc Hà kỳ vọng biến di sản, văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành tài sản, góp phần thu hút du khách và hướng tới trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh Lào Cai./.

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top