Bắc Ninh: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế

12/02/2023 - 12:43 PM
Với vị trí địa lý thuận lợi, gần Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển và cận kề hai hành lang kinh tế lớn: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Ninh có nhiều lợi thế trong việc thu hút đầu tư. Đồng thời với vị trí, vai trò quan trọng trong 7 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Bắc Ninh đã và đang nỗ lực  khai thác, phát huy lợi thế so sánh; đồng thời tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trên tất cả các lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.
 
Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội
 
Những năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết, dưới sự lãnh chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát huy lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, xây dựng các yếu tố nền tảng đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương... nhờ đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh có những bước phát triển năng động, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
 

Bắc Ninh tập trung phát triển hạ tầng giao thông để sẵn sàng tâm thế vì sự phát triển chung của Vùng Thủ đô
 
Quy mô nền kinh tế được mở rộng, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 8,06%/năm. Năm 2020, GRDP (giá hiện hành) gấp 1,6 lần năm 2015 và chiếm 3,25% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 147,4 triệu đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2015 và gấp 2,1 lần bình quân cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 79,9 triệu đồng/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015. Năng suất lao động bình quân tăng 7,5%/năm (cao hơn mức 5,8%/năm bình quân chung cả nước). Đến năm 2021, GRDP (giá hiện hành) đạt 228 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 6.738 USD, đứng thứ 4 cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 71,8 triệu đồng, đứng thứ 5 cả nước. Thu ngân sách Nhà nước tăng nhanh, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,03 lần năm 2015, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 15,6%/năm; năm 2021 đạt 33,2 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước.
 

Bắc Ninh tập trung rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo việc triển khai,
thực hiện các dự án đầu tư theo chương trình đã đề ra và sử dụng đất có hiệu quả

 
Về phát triển kinh tế: Lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Công nghiệp điện tử chiếm trên 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp), khẳng định vững chắc vai trò “đầu tầu” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 1.128 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 12,5%/năm. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 1.504 nghìn tỷ đồng, đứng đầu cả nước.
 

Thành phố Bắc Ninh ngày càng khang trang, hiện đại, xứng tầm đô thị loại I
 
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, thu hẹp khoảng cách giữa thị trường khu vực thành thị và nông thôn. Năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 65,6 nghìn tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2015; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 12,3%/năm. Hoạt động ngoại thương đóng góp lớn cho kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước; năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 39,1 tỷ USD, gấp 1,8 lần năm 2015 và đứng thứ 2 cả nước; bình quân cả giai đoạn 2016-2020 tăng 11,1%/năm; nhập khẩu đạt 33,4 tỷ USD, gấp 1,7 lần năm 2015, tăng bình quân 11,3%/năm. Năm 2021, xuất khẩu đạt 44,9 tỷ USD, tiếp tục đứng thứ 2 cả nước; nhập khẩu đạt 38,8 tỷ USD. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Bắc Ninh ước đạt 91,7 tỷ USD, tăng 10,2%; trong đó, xuất khẩu ước 48,4 tỷ USD, tăng 7,9%; nhập khẩu ước 43,3 tỷ USD, tăng 13%, giá trị xuất siêu đạt 5,1 tỷ USD.
 

Hệ thống hạ tầng Bắc Ninh hoàn thiện đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài
 
Lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng công nghệ cao; tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, tích tụ ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hình thành 552 vùng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao. Tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản; chuyển từ số lượng sang tập trung vào chất lượng, giá trị. Năng suất lao động bình quân của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 14,5%/năm. Chương trình MTQG về XDNTM được triển khai tích cực gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp theo phương châm xã hội hóa, Nhà nước và Nhân dân cùng làm, hướng tới tiêu chuẩn đô thị. Năm 2020, 100% số xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được công nhận đạt chuẩn NTM và tiếp tục tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đẩy mạnh xây dựng chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (sản phẩm OCOP).
 

Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) rót mạnh nguồn vốn vào Bắc Ninh. Ảnh: LINH THANH 
 
Lĩnh vực văn hóa- xã hội phát triển toàn diện, giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực, là tỉnh đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục – xóa mù chữ ở mức độ cao nhất. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được chú trọng, phát triển toàn diện gắn với bản sắc văn hóa Kinh Bắc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội, nhiều chính sách  được mở rộng đối tượng và có mức trợ cấp cao hơn so với quy định chung của cả nước. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo đạt nhiều kết quả; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, còn 1,15%. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
 
Đột phá về thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển
 
Có thể nói, để phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững và hiệu quả, song song với tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước;.. Tỉnh đã  năng động, sáng tạo trong nắm bắt thời cơ, vận hội, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý; đẩy mạnh liên kết vùng và cả nước, mở rộng môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy bản sắc văn hóa Kinh Bắc... Theo đó, hoạt động xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp được tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh gắn với phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp. Đảm bảo nhất quán trong chính sách thu hút, hỗ trợ, cam kết mạnh mẽ và sát cánh đồng hành cùng các nhà đầu tư, tổ chức nhiều cuộc đối thoại, giải quyết kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tôn vinh nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển với tổng diện tích 6.397,68 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 15/16 KCN đã có Quyết định thành lập (trong đó, 10 KCN đang hoạt động, 02 KCN đang triển khai và 04 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN được thành lập mới) với diện tích đất quy hoạch KCN 5.567,89 ha. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch của các KCN được thành lập đạt 54,23%. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh của các dự án hạ tầng KCN là 2.118,45 triệu USD, trong đó: 03 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh 263,91 triệu USD; 21 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 1.854,54 triệu USD.

 

Khu Công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh
 
Các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã khẳng định vị trí, thương hiệu thông qua thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng của Việt Nam về thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI. Lũy kế đến 30/9/2022: Bắc Ninh có 1.782 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký và điều chỉnh là 23.159,59 triệu USD (trong đó dự án nước ngoài là 1.215 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 20.057,37 triệu USD, dự án trong nước là 567 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.102,22 triệu USD).
 

Công ty TNHH Điện tử Foster (Nhật Bản) chuyên sản xuất các loại loa
tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

 
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh đang được ví như thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư phát triển như: Samsung, Display, Goertek, Canon, Foxconn,… Đến nay có khoảng 1.175 dự án đi vào hoạt động ổn định, tạo ra giá trị về doanh thu, kim ngạch XNK lớn, chiếm khoảng 90%-95% giá trị của toàn tỉnh. Mặt khác, các doanh nghiệp KCN hoạt động hiệu quả đã đóng vai trò đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động trong và ngoài tỉnh, gián tiếp thúc đẩy lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển.
 

Công nhân lao động làm việc tại Công ty TNHH Deli Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
(Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

 
Hoạt động của các doanh nghiệp KCN giúp tạo ra động lực để hình thành và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa nông thôn và thành thị, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa khu vực. Thông qua sự phát triển của các doanh nghiệp KCN, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được hình thành, ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và có chất lượng, tạo đà cho các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là hệ thống các tuyến đường giao thông huyết mạch, mạng lưới điện, mạng lưới thông tin, viễn thông… thúc đẩy phát triển nông thôn mới, đa dạng hóa ngành nghề, giảm lao động thủ công trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp.
 
Đồng thời, Bắc Ninh luôn chú trọng đến các động lực tăng trưởng mới, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh thông qua công tác quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị tỉnh Bắc Ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  Bắc Ninh cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ số năng lực điều hành của chính quyền các cấp: Năm 2021, chỉ số PCI Bắc Ninh đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 69,45 điểm, tăng 03 bậc và tăng 2,71 điểm so với năm 2020, nằm trong nhóm 10 tỉnh có chất lượng tốt.
 

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng 7,39% so với năm 2021, đứng thứ 9 toàn quốc.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng cao

 
Với phương châm “thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Tỉnh” và “Tỉnh luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp”, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ chú trọng và tập trung cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nhất quán với quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng “2 ít, 3 cao, 5 sẵn sàng” để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa./.
Nguyễn Đình Xuân
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh
 
 
 
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top