Bắc Ninh: Kinh tế tư nhân khẳng định vai trò động lực Trong phát triển kinh tế - xã hội

04/03/2020 - 10:32 AM
Kinh tế tư nhân khẳng định vai trò động lực quan trọng

Góp phần quan trọng trong thu hút vốn nhàn rỗi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh

Việc đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế ngoài nhà nước (trong đó có KTTN) được coi là phương thức hiệu quả trong việc huy động vốn trong dân, do việc thành lập các doanh nghiệp thuộc KTTN không đòi hỏi quá nhiều vốn, nhất là với doanh nghiệp quy mô nhỏ. Mặt khác, trong quá trình hoạt động các loại hình DNTN có thể dễ dàng huy động vốn vay dựa trên nhiều mối quan hệ. Bên cạnh đó, các DN thuộc khu vực KTTN thường phân tán ở khắp địa bàn tỉnh, nên có khả năng sử dụng các tiềm năng về nguyên vật liệu, lao động và kinh nghiệm sản xuất các ngành nghề truyền thống của địa phương. Theo số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2015-2018, vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành từ 57,5 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 84,1 nghìn tỷ đồng năm 2018, trong đó vốn đầu tư trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước mà chủ yếu là khu vực KTTN tăng mạnh. Nếu như năm 2015 vốn đầu tư của khu vực này là 18,4 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2018 đã tăng lên 25,2 nghìn tỷ đồng, lớn hơn vốn đầu tư của kinh tế nhà nước là 4,8 nghìn đồng.

Khu vực KTTN ngày càng lớn mạnh về quy mô thể hiện ở vốn sản xuất - kinh doanh bình quân hàng năm đã tăng lên đáng kể và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2015, toàn tỉnh có tổng vốn sản xuất - kinh doanh bình quân của các doanh nghiệp là 351,4 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước là gần 94 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2018, các con số trên tương ứng là 731,4 nghìn tỷ đồng và 192,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so năm 2015.

Sự phát triển của khu vực KTTN đã góp phần quan trọng trong tăng trưởng GRDP của toàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2018. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Bắc Ninh tăng dần qua các năm và có tốc độ tăng bình quân là 11,3%/năm. Cụ thể, năm 2015 GRDP trên địa bàn theo giá hiện hành đạt gần 127,1 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực ngoài nhà nước đạt 33,2 nghìn tỷ đồng (riêng KTTN là 14,9 nghìn tỷ đồng 
chiếm 44,8% trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước), thì đến năm 2018 GDP của tỉnh đạt 187,3 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực ngoài nhà nước đạt 44,4 nghìn tỷ đồng (riêng KTTN là 21,2 nghìn tỷ đồng chiếm 47,7%).
 
Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại

Cùng với xu hướng chung của kinh tế cả nước, cơ cấu kinh tế Bắc Ninh có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực kinh tế nông nghiệp - thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng  và khu vực thương mại - dịch vụ. Năm 2015, khu vực nông nghiệp - thủy sản chiếm tỷ trọng 3,82% trong GRDP, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 18,36%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 72,29% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 5,53%. Đến năm 2018, tỷ trọng của các khu vực này lần lượt là 2,72%; 16,59%; 76,55% và 4,15%. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế ngành theo hướng hiện đại của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua có vai trò đóng góp rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân.

Xét về thành phần kinh tế, có chuyển biến tích cực theo hướng phát huy ngày càng hiệu quả sự đóng góp của các loại hình kinh tế trong các thành phần kinh tế. Các loại hình kinh tế cá thể phát triển nhanh. Trong các loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân chiếm số lượng chủ yếu, sau đó đến công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Việc chuyển đổi cơ cấu của các loại hình doanh nghiệp đã tạo điều kiện để thu hút lực lượng lao động, phát triển các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh nhỏ và vừa... phù hợp với xu hướng phát triển chung của kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân còn có khả năng tạo nguồn lực tổng hợp từ các loại hình kinh tế với mọi khả năng về vốn, khoa học - công nghệ, năng lực tổ chức sản xuất... phù hợp với mọi điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng loại hình để tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Điểm nổi bật nhất của khu vực kinh tế tư nhân trong cơ cấu sản xuất - kinh doanh chính là tính tự điều chỉnh cao, sự nhanh nhạy trong mọi tình huống để thích nghi với kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có sự lựa chọn đúng hướng các loại hình doanh nghiệp trong kinh doanh, phù hợp với tiềm lực, lợi thế đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường.

Tạo việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào giải quyết vấn đề thất nghiệp trên địa bàn

Giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những mục tiêu kinh tế vĩ mô của Nhà nước, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các loại hình sản xuất - kinh doanh (từ các chủ thể tiểu chủ, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn)... đã thu hút một lực lượng lao động lớn của xã hội, góp phần giảm bớt áp lực cung - cầu lao động trong nền kinh tế của tỉnh.

Số liệu thống kê tại thời điểm 01/7 hằng năm cho thấy, nếu năm 2015, trong tổng số 646 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh từ 16 tuổi trở lên đang làm việc thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước thu hút tới 457 nghìn lao động. Năm 2018 với gần 663 nghìn lao động, thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn sở hữu 401 nghìn lao động, cao hơn số lao động trong khu vực kinh tế nhà nước là 47 nghìn lao động. Chỉ riêng kinh tế cá thể tiểu thủ đã giải quyết việc làm cho gần 277 nghìn lao động của Tỉnh. Hơn nữa, lực lượng lao động của khu vực kinh tế tư nhân khá đa dạng, phong phú, ở mọi trình độ khác nhau, từ lao động phổ thông cho đến lao động có trình độ chuyên môn cao ở tất cả các tầng lớp dân cư. Có thể nói kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp, nhất là ở khu vực nông thôn; làm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh.

Góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản lý

Bắc Ninh là một trong 7 tỉnh có GRDP cao nhất nước, do đó việc đổi mới công nghệ, nhập thiết bị công nghệ trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực của nền kinh tế. Không phải chỉ có nhà nước mới thực hiện công việc này, cũng như không phải công việc riêng của từng địa phương, doanh nghiệp, của từng thành phần kinh tế mà đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của khu vực KTTN. Hiện khu vực KTTN trên địa bàn đang thực hiện rất hiệu quả việc lựa chọn công nghệ, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường. Trên thực tế, khu vực KTTN có nhiều khả năng và lợi thế về việc lựa chọn và đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ trong các lĩnh vực: Chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ, kể cả một số ngành công nghệ cao như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ phần mềm… Đồng thời, việc mở rộng chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, 
liên doanh, liên kết và chuyển giao công nghệ đã tạo thuận lợi cho việc học hỏi và đào tạo đội ngũ quản và cán bộ kinh doanh, công nhân trong khu vực KTTN có trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế.
 
Những hạn chế, yếu kém

Mặc dù khu vực KTTN ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của Tỉnh, song cũng thẳng thắn nhìn nhận khu vực này chưa phát huy hết thế mạnh và chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng của mình và còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu đều là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn để hoạt động và mở rộng cũng như thay đổi công nghệ sản xuất trong khi khả năng tiếp cận nguồn tín dụng còn hạn chế. Thực tế cũng cho thấy, trình độ công nghệ KTTN còn lạc hậu, khả năng quản trị của chủ doanh nghiệp còn yếu, thiếu chuyên viên kỹ thuật được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Tính không ổn định và hạn hẹp của mặt bằng kinh doanh cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển. Một số doanh nghiệp tư nhân còn chưa hiểu biết một cách đầy đủ về bộ máy tổ chức, cũng như chức năng nhiệm vụ của bộ máy quản lý hành chính, về các chủ trương, chính sách và các biện pháp hỗ trợ của khu vực công cho doanh nghiệp, nên hiệu quả của các chủ trương, chính sách hỗ trợ còn bị han chế.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN vẫn chưa thực sự bình đẳng. Luật pháp và chính sách liên quan tới doanh nghiệp thuộc thành phần KTTN chưa hoàn chỉnh để có thể tạo niềm tin cho doanh nhân yên tâm đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Ngoài ra, sự kết nối giữa các khu vực công và khu vực KTTN chưa thực sự được tạo dựng một cách bền vững và chặt chẽ. Do đó, các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh chậm được phản ánh, hỗ trợ từ khu vực công cộng;

Giải pháp phát huy vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân

Để phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của KTTN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trước hết, tỉnh Bắc Ninh cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển mạnh các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của khu vực KTTN phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất, khuyến khích thúc đẩy KTTN chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế và tăng cường nâng cao chất lượng phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm kê, kiểm soát sản xuất và khâu phân phối sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế tư nhân.

Thứ hai, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh tốt, đảm bảo thể chế kinh tế được thực hiện đúng, đầy đủ; đảm bảo thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng; không tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp. Đây là giải pháp mang tính đột phá cho sự phát triển, phát huy vai trò của kinh tế tư nhân.

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ KTTN phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ doanh nhân vững mạnh. Tỉnh cần tăng cường hỗ trợ kinh tế tư nhân hiện đại hóa công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường khuyến khích nhiều doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến, hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để cải tiến quy trình sản xuất, loại  bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội. Đây là giải pháp quan trọng thể hiện ý chí quyết tâm chính trị cao tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động và có tác dụng cổ vũ, động viên, phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc khai thác mọi nguồn lực trong xã hội hiệu quả và tạo nên sức mạnh to lớn thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, phát huy vai trò động lực quan trọng của KTTN trên địa bàn./.

 
Nguyễn Mạnh Hùng
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh (2019), Niên giám thống kê tỉnh Bắc Ninh 2018, Nxb Thống kê.
  2. Vũ Hùng Cường (chủ biên, 2016), Kinh tế tư nhân - Một động lực cơ bản cho phát triển, Nxb Khoa học xã hội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia.
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top