Ban quản lý các KKT Hải Phòng: Chủ động đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư

18/05/2022 - 08:33 AM

Hai năm vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình thu hút đầu tư của TP Hải Phòng, đặc biệt trong các KCN và KKT đạt nhiều kết quả khả quan. Chỉ tính riêng trong năm 2021, trong các KCN, KKT đã có 29 dự án FDI được cấp mới, 52 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn và 02 lượt góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, tổng số vốn FDI thu hút là 5,149 tỷ USD tăng 3,4 lần so với năm 2020. Bên cạnh sức hút từ những chính sách ưu đãi của KKT theo luật định và kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, các nhà đầu tư rất yên tâm tin tưởng lựa chọn các KCN, KKT tại Hải Phòng là điểm đến vì họ luôn nhận được hỗ trợ một cách chủ động, tận tình, trách nhiệm từ khi nghiên cứu, lập dự án, cấp giấy phép đến xây dựng và vận hành các nhà máy, tổ hợp sản xuất.

Theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2025, trên địa bàn TP Hải Phòng sẽ có thêm 15 KCN mới với diện tích khoảng 6.200 ha dự kiến sẽ thu hút khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư. Hiện nay, đang có 6 KCN đang tập trung triển khai các thủ tục thành lập mới  (tổng diện tích 2.758ha) và 9 dự án đang hoàn thiện các quy trình, thủ tục để triển khai (tổng diện tích 3.466ha). So với giai đoạn trước, trong 30 năm, Hải Phòng mới có 12 KCN đã hoạt động với tổng diện tích chưa đầy 5 nghìn ha thì đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, thể hiện quyết tâm và bước tiến rất lớn của TP Hải Phòng trên chặng đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thông thoáng, minh bạch

Theo ông Bùi Ngọc Hải - Phó Trưởng ban Ban Quản lý KKT Hải Phòng, thời gian qua, hoạt động của các KCN và KKT Đình Vũ Cát Hải được Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố hết sức quan tâm. Trực tiếp các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP thường xuyên làm việc trao đổi với Ban quản lý KKT để nắm bắt khó khăn, chỉ đạo và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, giải quyết đề xuất của họ trong quá trình triển khai đầu tư dự án tại các KCN và trong KKT Đình Vũ Cát Hải.

Hạ tầng cảng biển hiện đại là lợi thế lớn để Hải Phòng thu hút đầu tư vào trong KKT Đình Vũ Cát Hải
 

Không thể phủ nhận Hải Phòng có sức hút rất lớn nhờ vào các cơ chế ưu đãi về thuế quan khi hoạt động ở KKT Đình Vũ Cát Hải và hệ thống cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, hạ tầng giao thông là đầu mối của quốc gia, vùng và ngày càng hoàn thiện, hiện đại, đồng bộ tạo sự kết nối liên hoàn. Hải Phòng có đủ 5 loại hình giao thông vận tải: Đường thuỷ nội bộ, đường biển, đường bộ, đường sắt và hàng không, trong đó hạ tầng cảng biển nước sâu, đường bộ cao tốc và sân bay quốc tế được đầu tư ngày càng hiện đại, trở thành lợi thế vượt trội của TP. Ngoài ra, chất lượng nguồn điện được đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho các nhà máy quy mô lớn hoạt động ổn định và liên tục. Tuy nhiên, khi các yếu tố này ngày càng trở nên “giống nhau” giữa các địa phương, điều tạo ra sự khác biệt chính là sự đồng hành, đồng cảm với các chủ đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương, trong đó, cải cách TTHC được xem là khâu đột phá.
 

Hải Phòng tập trung thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp
đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho chính doanh nghiệp
trong các KCN và KKT Đình Vũ Cát Hải

 

Cụ thể, Ban quản lý KKT Hải Phòng đã chủ động tham mưu để UBND TP giao Ban làm cơ quan một cửa trực tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong các KCN và KKT Đình Vũ Cát Hải. Theo đó, các thủ tục hành chính quan trọng từ cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết (1:500), cấp giấy phép sử dụng lao động, đánh giá tác động môi trường, quyết định giao đất đều được thực hiện tại Ban quản lý KKT Hải Phòng. Ban chủ động rà soát, cải cách quy trình tiếp nhận, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp theo hướng, văn bản giấy tờ nào bắt buộc phải lưu trữ theo quy định mới phải nộp, hạn chế tối đa việc nộp giấy tờ đã nộp ở các lần trước đó. Nhờ vậy, Ban đã rút ngắn 20-30% thời gian giải quyết so với quy định cho mỗi TTHC, có trường hợp thủ tục được cắt giảm 50% thời gian giải quyết so với quy định. 18/26 thủ tục hành chính đạt các mức độ 3 và mức độ 4.

Thiết thực và hiệu quả

Trong hai năm vừa qua, do thực hiện các giải pháp chống dịch, Ban tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu về chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN và KKT Đình Vũ Cát Hải; cập nhật và công khai hóa các thông tin kinh tế xã hội của thành phố, cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp... trên Cổng thông tin điện tử. Ban cũng xây dựng phần mềm quản trị (eHeza) tích hợp các nội dung quản lý điều hành và có tính năng kết nối với tất cả doanh nghiệp trong KCN và KKT Đình Vũ Cát Hải. Mỗi doanh nghiệp được cấp tài khoản để đăng nhập và thực hiện chế độ báo cáo, kết nối trao đổi thông tin với Ban trên nền tảng online.

Dù gặp nhiều thách thức trong những năm qua do dịch Covid - 19 
nhưng hoạt động trong các KCN, KKT ở Hải Phòng vẫn rất sôi động,
đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố

Bên cạnh đó, Ban chuyển sang tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến nhằm trực tiếp lắng nghe các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các dự án lớn được tập trung hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, như trường hợp của Công ty TNHH Việt Nam Pegatron được Ban hỗ trợ xin ý kiến Chính phủ cho phép áp dụng tiêu chuẩn mới về xây dựng và trường hợp Công ty LG Displays được Ban hỗ trợ xin ý kiến của Bộ Quốc phòng chấp thuận chiều cao xây dựng của công trình nhà xưởng cao tầng.

Để nâng cao mức độ cạnh tranh của TP Hải Phòng trong thu hút lao động, Ban đang hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu nhà ở công nhân, đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi cho người lao động. Cụ thể, Ban đã báo cáo UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến về dự án khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, Công ty USI, Công ty Pegatron Hải Phòng tập trung tháo gỡ các khó khăn để thực hiện.

Nhờ vào sự đổi mới tích cực, tình hình đầu tư và hoạt động tại các KCN, KKT của Thành phố có nhiều khởi sắc. Năm 2021, Hải Phòng là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 29 dự án FDI cấp mới, 52 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn, 2 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn thu hút đạt trên 5.149 triệu USD, tăng gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 206% so với kế hoạch. Lũy kế đến ngày 31/12/2021, các KCN và KKT đã thu hút 422 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 21.328,59 triệu USD. Về đầu tư trong nước (DDI), năm 2021, các KCN và KKT thu hút được 20 dự án cấp mới, 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với  tổng vốn thu hút đạt 135.547 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31/12/2021, khu kinh tế, các khu công nghiệp thu hút 186 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 281.327 tỷ đồng.

Điểm đặc biệt, lĩnh vực đầu tư phát triển khu công nghiệp đã đi đúng hướng và có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Cụ thể, đã chuyển mạnh sang các ngành hàng mà Hải Phòng có lợi thế như công nghiệp điện tử máy tính, công nghiệp phụ trợ cho ngành hàng điện tử đang chiếm hơn 53%; lĩnh vực chế tạo ô tô xe máy, cơ khí máy móc thiết bị khoảng 10,8%; logistics và kinh doanh hạ tầng chiếm 9,9%. Như vậy, 3 lĩnh vực trên đã chiếm hơn 70% trong cơ cấu đầu tư vào khu công nghiệp và tỷ lệ này tiếp tục được dịch chuyển theo hướng tích cực hơn. Nhiều tên tuổi lớn đứng đầu trong các lĩnh vực sản xuất/chế tạo của mình như LG Display, LG Electronics, LG Innotek, BrigdeStone, GE, FujiXeror, Pegatron đã và đang tiếp tục đầu tư vào các KCN, KKT Đình Vũ Cát Hải. Các nhà đầu tư chiến lược cũng đến từ nhiều các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Vì vậy, khi kinh tế thế giới gặp nhiều biến động do đứt gãy nguồn cung, thì về tổng thể chung các doanh nghiệp trong KCN và KKT tại Hải Phòng vẫn duy trì và tăng trưởng cao.

Trong năm 2021, giá trị sản xuất các doanh nghiệp trong các KCN và KKT Đình Vũ Cát Hải chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất của TP, kim ngạch xuất khẩu trong KCN, KKT đạt 16,7 tỷ USD bằng 80% kim ngạch xuất khẩu của TP. Tổng số lao động đang làm việc tại khu kinh tế và các khu công nghiệp là 186.495 lao động, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tại khu vực này đạt trung bình 11,5 triệu đồng/người/tháng.

Tạo dư địa phát triển mới

Để duy trì nhịp độ thu hút đầu tư và tạo ra không gian phát triển mới cho các KCN và KKT Đình Vũ Cát Hát, theo lãnh đạo Ban quản lý KKT Hải Phòng, trước mắt, thành phố cần phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các KCN, tập trung cho các KCN Tràng Duệ giai đoạn 3; KCN VSIP; KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nhằm tạo nguồn đất sạch với kết cấu hạ tầng hiện đại. Đây có thể coi là sự chuẩn bị “đi trước một bước” đón đầu các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Ngoài việc "dọn ổ" đón "đại bàng", Hải Phòng tiếp tục có các giải pháp đột phá thu hút, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước. Trong đó, hướng ưu tiên là các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới, có năng lực quản trị hiện đại, sử dụng ít tài nguyên, đứng đầu các chuỗi giá trị về cảng biển logistics, cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, có cam kết chuyển giao công nghệ, hoặc đóng góp lớn cho ngân sách. Các chính sách ưu tiên cùng hàng rào kỹ thuật sẽ được thiết kế nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

KCN Nam Đình Vũ giai đoạn 2 tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Cùng với đó, Ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, tăng cường kết nối doanh nghiệp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trọng điểm. Ban cũng sẽ tham gia triển khai đề án phát triển quan hệ lao động của thành phố để giảm bớt tiềm ẩn trong quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động tập thể.

Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ban cũng xác định cần chủ động nắm bắt để tạo ra không gian phát triển mới cho các KCN, KKT dựa trên nền tảng kinh tế số, xã hội số. Ban sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông tăng cường đầu tư hạ tầng số (truyền dẫn tốc độc cao, mạng di động 4G, 5G) đảm bảo tiêu chuẩn để thu hút các dự án sử dụng công nghệ mới liên quan trí tuệ nhân tạo, robot điều khiển từ xa hoặc mở ra cơ hội triển khai giải pháp quản trị, điều hành thông minh cho các doanh nghiệp. Điều này không chỉ mang lại giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, mở ra cơ hội kinh doanh mới mà còn góp phần “thúc đẩy” xu thế đổi mới sáng tạo cho thành phố Hải Phòng. Ban cũng chủ trì cùng Sở Công Thương và các ngành liên quan tham mưu cho Ban cán sự Đảng UBND TP trình Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 07/04/2022 về nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết sẽ là kim chỉ nam với các chỉ đạo mới cho một giai đoạn phát triển bứt phá của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố./.

Trịnh Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top