Báo cáo hội nhập ASEAN 2019

15/04/2020 - 03:14 PM
Báo cáo hội nhập ASEAN (ASEAN Integration Report) là một trong những ấn phẩm chủ lực của Ban Thư ký ASEAN, được công bố thường niên kể từ năm 2015 đến nay. Báo cáo hội nhập ASEAN 2019 (ASEAN Integration Report 2019 – AIR 2019) được phát hành vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang có những bất ổn, có nhiều mối đe dọa tới triển vọng phát triển kinh tế của khu vực cùng với chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng lan rộng, tạo nên những áp lực ngày càng tăng đối với chủ nghĩa đa phương và nguy cơ suy thoái.
 
Báo cáo hội nhập ASEAN 2019

Báo cáo hội nhập ASEAN 2019 có khoảng trên 200 trang. Phần nội dung chính của báo cáo gồm 5 chương. Ngoài chương giới thiệu và chương kết luận, Báo cáo hội nhập ASEAN 2019 có 3 chương trọng tâm với nhiều bảng, biểu, số liệu, là: Môi trường kinh tế vĩ mô (gồm 10 trang); Cộng đồng kinh tế ASEAN - những tiến bộ và thành tựu (130 trang); Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (11 trang). Sau đây là một số nội dung chính của báo cáo:
 
Chương Môi trường kinh tế vĩ mô, đề cập về bối cảnh kinh tế vĩ mô và những kết quả phát triển nổi bật của ASEAN trong quá trình hội nhập kinh tế. Chương này phân tích các xu hướng kinh tế trong khu vực dựa trên các sự kiện chính và các chính sách được thực hiện trong giai đoạn 2010-2018. Theo đó, tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới có xu hướng chậm lại do sự phát triển kém đi của ngành công nghiệp sản xuất, những bất ổn chính trị và thiên tai; các nền kinh tế mới nổi cũng suy giảm tăng trưởng do việc thắt chặt tài chính và những điều kiện kinh tế không ổn định. Trong khi đó, nền kinh tế ASEAN lại thể hiện vượt trội so với nền kinh tế toàn cầu. Năm 2018, thị phần của ASEAN trong nền kinh tế toàn cầu được mở rộng khi GDP của khu vực chiếm 3,5% GDP toàn cầu và ASEAN đã vươn lên vị trí thứ năm trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, với ước tính GDP danh nghĩa đạt mức 3,0 nghìn tỷ USD.
 
Trong chương Cộng đồng kinh tế ASEAN - những tiến bộ và thành tựu, đề cập đến sự tiến bộ và những thành tựu của các yếu tố khác nhau theo 5 đặc trưng tác động qua lại lẫn nhau của Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến 2025 là: (i) Một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết; (ii) Một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; (iii) Nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; (iv) Một ASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm; (v) Một ASEAN toàn cầu, đóng vai trò tích cực trong các kiến trúc kinh tế khu vực và toàn cầu.
 
Thứ nhất, một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết. ASEAN và các quốc gia thành viên đang ngày càng trở thành những nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong thương mại toàn cầu. Thương mại hàng hóa trong khu vực đã tăng lên đáng kể từ 2 nghìn tỷ USD năm 2010 lên 2,8 nghìn tỷ USD năm 2018, tương đương 7,2% thương mại toàn cầu. Ngoại trừ năm 2015 và 2016, xuất khẩu hàng hóa của khu vực liên tục tăng trong giai đoạn này và đạt trên 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2018. Đồng thời, nhập khẩu hàng hóa cũng có xu hướng tăng và đạt gần 1,4 nghìn tỷ USD năm 2018. Giá trị nhập khẩu luôn thấp hơn giá trị xuất khẩu, cho thấy một cán cân thương mại tích cực của khu vực. Giá trị thương mại hàng hóa nội khối khu vực ASEAN chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng thương mại của khu vực khi chiếm 23,0% năm 2018. Các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu đồng thời là những thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu quan trọng của ASEAN.

 
Hình 1. Thương mại hàng hóa khu vực ASEAN, giai đoạn 2010 - 2018
Báo cáo hội nhập ASEAN 2019
                                                                                                 Nguồn: Ban Thư ký ASEAN

Được coi là động lực mới cho tăng trưởng trong ASEAN, dịch vụ tiếp tục là lĩnh vực kinh tế quan trọng và đang phát triển trong khu vực. Lĩnh vực này đóng góp lớn nhất trong tổng GDP của khu vực năm 2018 với tỷ lệ 50,1%.
 
Thứ hai, một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động. Thực hiện Kế hoạch hành động cạnh tranh ASEAN 2016-2025 (ACAP), 9/10 quốc gia thành viên ASEAN đã ban hành Luật cạnh tranh là Indonesia, Thái Lan (1999); Singapore, Việt Nam (2004); Malaysia (2010); Myanmar, Brunei Darussalam, Philippines và Lào (2015). Campuchia dự kiến sẽ ban hành dự thảo luật cạnh tranh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, lộ trình xây dựng năng lực khu vực ASEAN 2017-2020 được hoàn thành vào năm 2017. Trong năm 2018 đã có 31 hoạt động xây dựng năng lực được thực hiện ở cấp khu vực, tiểu khu vực và quốc gia về các chủ đề khác nhau, đồng thời tiến hành thu thập dữ liệu để đo lường số lượng các sáng kiến cạnh tranh đã hoàn thành.
 
Việc hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng ở ASEAN được thực hiện tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập nền tảng, chia sẻ thông tin, trao đổi và xây dựng năng lực theo Kế hoạch tổng thể AEC 2015, bằng việc tăng cường khung thể chế để thực thi hiệu quả luật bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như tăng cường hợp tác khu vực để giải quyết các vấn đề của người tiêu dùng xuyên biên giới và đưa các điều khoản bảo vệ người tiêu dùng vào các kế hoạch hành động của các cơ quan trong khu vực. Theo đó, 9/10 nước thành viên đã ban hành luật bảo vệ người tiêu dùng, riêng Campuchia sẽ ban hành Luật bảo vệ người tiêu dùng vào đầu năm 2020. Ngoài ra, Bộ công cụ tự đánh giá ASEAN cũng được phát triển để xem xét việc bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia thành viên ASEAN (AMS).
 
Thứ ba, nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành trong các lĩnh vựcVận tải; Công nghệ thông tin truyền thông; Thương mại điện tử; Năng lượng; Lương thực, nông, lâm nghiệp; Du lịch; Khoáng sản; Khoa học và công nghệ.
 
Thứ tư, một ASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm. Để tăng cường vai trò của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, một loạt các biện pháp đã được thực hiện như: Hình thành thị trường ASEAN, trung tâm dịch vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN; xây dựng chương trình giảng dạy chung khu vực ASEAN cho tinh thần doanh nhân; Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực. Ngoài ra, xây dựng Kế hoạch Hành động Chiến lược Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2016-2025, nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2025 tạo ra sự cạnh tranh toàn cầu; tăng cường sức mạnh và đổi mới các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực; kết nối thông suốt với cộng đồng ASEAN và chuỗi giá trị khu vực.
 
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến 2018, đã có tổng cộng 144 cam kết chính thức của ASEAN với khu vực tư nhân trên cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thực hiện để tăng cường vai trò của khu vực tư nhân. Các quốc gia thành viên đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên với Hội đồng đối tác như: Hội đồng doanh nghiệp Canada-ASEAN, Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-ASEAN và Hội đồng kinh doanh Đông Á.
 
Về vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển, số liệu thống kê của khu vực cho thấy, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của ASEAN đạt 5,3% trong giai đoạn 2000-2018, các nền kinh tế nhỏ hơn như CLMV (Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam) có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các nền kinh tế lớn hơn hoặc ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Với nhiều hành động cụ thể được thực hiện, đến nay cả 4 quốc gia CLMV đã vươn lên vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Cùng với đó, các nước CLMV cũng có sự tăng trưởng thương mại và đầu tư mạnh mẽ hơn so với ASEAN-6 trong giai đoạn này.
 
Thứ năm, một ASEAN toàn cầu. ASEAN đã thực hiện các biện pháp để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế tích cực trên toàn cầu. Kể từ khi thành lập AEC vào tháng 12/2015, ASEAN đã có những bước tiến trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã thay thế Mỹ và Nhật Bản để trở thành đối tác thương mại bên ngoài lớn nhất của ASEAN, với thương mại song phương ước đạt 483,1 tỷ USD vào năm 2018. Bên cạnh đó, ASEAN và các nước thành viên đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.
 
Chương Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm 11 trang, phân tích sâu về sự chuẩn bị của ASEAN cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều công việc cụ thể. Theo đó, Ban thư ký ASEAN được giao thực hiện đánh giá mức độ sự sẵn sàng hoặc sẵn sàng của SEAN và các nước thành viên về đổi mới và công nghệ; nguồn lực con người; khung pháp lý; cơ sở hạ tầng và kết nối; tăng trưởng bao trùm và bền vững. Mặt khác, ASEAN đã và đang chuẩn bị cho các cuộc đối thoại và tham vấn trụ cột về CMCN 4.0. Bên cạnh những cơ hội, ASEAN cũng nhìn nhận những rủi ro, thách thức mà CMCN 4.0 đang mang lại cho khu vực và tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận các bước đi tiếp theo của khu vực./.
Bích Ngọc
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top