Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Nam (GRDP) quý I/2025 ước tính tăng 10,54% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I kể từ năm 2021 trở lại đây, trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,42%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 11,98%; khu vực dịch vụ tăng 9,76%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,7%.
Khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp 7,88 điểm % vào mức tăng GRDP quý I, trong đó lĩnh vực công nghiệp đóng vai trò chủ đạo với tốc độ tăng trong quý I là 12,84% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 7,46 điểm % vào mức tăng GRDP quý I. Trong ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính với mức tăng 14,15%, đóng góp 7,73 điểm %, trong đó một số ngành tăng cao, đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của tỉnh như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 26%, đóng góp 2,32 điểm %; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 20,18%, đóng góp 1,59 điểm %; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 38,6%, đóng góp 1,55 điểm %; sản xuất thiết bị điện tăng 20,15%, đóng góp 0,82 điểm %.
Khu vực dịch vụ với nhiều khởi sắc, quý I/2025 tăng 9,76% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,1 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó một số ngành có mức tăng khá như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 7,62%, đóng góp 0,36 điểm %; vận tải kho bãi tăng 12,36%, đóng góp 0,4 điểm %; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 23,03%, đóng góp 0,21 điểm %; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 10,26%, đóng góp 0,24 điểm %; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 17,61%, đóng góp 0,1 điểm %; hoạt động dịch vụ khác tăng 20,44%, đóng góp 0,1 điểm %.
Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quý I ước tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,03 điểm % vào mức tăng GRDP. Trong quý, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đều tương đối ổn định và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính tăng 8,7%, đóng góp 0,54 điểm % vào mức tăng GRDP của tỉnh trong quý I/2025. Trong quý I, các hoạt động sản xuất phát triển tốt, nhu cầu nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao làm tăng nguồn thu thuế nhập khẩu; sự tăng cường chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các hoạt động thu ngân sách được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ.
Cơ cấu GRDP quý I/2025 theo giá hiện hành: Cơ cấu GRDP tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 6,1% trong GRDP (Quý I/2024: 6,4%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 65,6% (Quý I/2024: 65,3%); khu vực dịch vụ chiếm 22,2% (Quý I/2024: 22,1%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,1% (Quý I/2024: 6,2%).
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Trong quý I/2025, hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tập trung cho công tác thu hoạch cây trồng vụ đông, hoàn thành gieo trồng lúa và cây màu vụ xuân đúng lịch thời vụ. Trong quý, dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhìn chung được kiểm soát tốt, đàn giống được duy trì ổn định. Sản xuất lâm nghiệp tập trung thực hiện phong trào Tết trồng cây, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng 1.120.000 cây xanh năm 2025 trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Hoạt động nuôi trồng thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các loại thủy sản nuôi trồng sinh trưởng, phát triển tốt, giá cả thị trường tiêu thụ ổn định, năng suất nuôi trồng ngày một tăng lên.
Nông nghiệp
- Trồng trọt
Tính đến thời điểm 20/3/2025, diện tích gieo cấy lúa đông xuân của toàn tỉnh ước đạt 26.591,5 ha, giảm 4,4% (-1216,1 ha), đạt 101,7% kế hoạch. Diện tích được cấy bằng máy đạt 6.274,6 ha, chiếm 23,6% tổng diện tích lúa gieo trồng; diện tích cấy hiệu ứng hàng biên đạt 964 ha, chiếm 3,62% tổng diện tích lúa gieo trồng. Về cơ cấu giống lúa: lúa lai chiếm 25-27%, lúa hàng hóa chất lượng chiếm trên 50%; còn lại là lúa thuần. Hiện nay, lúa cấy đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ, lúa sạ 4 lá - đẻ nhánh.
Diện tích gieo trồng cây màu vụ đông xuân, tính đến ngày 20/3/2025, toàn tỉnh ước đạt 9.985,7 ha, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích gieo trồng ngô ước đạt 2.819,6 ha, giảm 20,8% (-741,8 ha); khoai lang ước đạt 260,4 ha, giảm 16,9% (-53 ha); đậu tương ước đạt 300,4 ha, giảm 30,3% (-130,5 ha); lạc ước đạt 225,2 ha, giảm 35,2% (-122,2 ha); rau, đậu các loại ước đạt 6.380,1 ha, giảm 5,5% (-369,1 ha).
Tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh quý I/2025 phát triển tốt. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, đồng đất của từng địa phương, kết hợp với việc tăng dần diện tích cây đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao… đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc trồng cây ăn quả và nâng cao kinh tế cho người dân. Đến thời điểm hiện tại, một số loại cây đang ra hoa và hình thành quả non như bưởi, vải, nhãn, xoài… Ước tính sản lượng cho thu hoạch của một số loại cây ăn quả chủ yếu của tỉnh trong quý I/2025 như sau: cam 649 tấn, giảm 0,16%; chuối đạt 6.313 tấn, tăng 3,4%; hồng xiêm 673,2 tấn, giảm 2,6%; bưởi 1.056 tấn, tăng 3,2%... so với cùng kỳ năm trước.
- Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh quý I/2025 nhìn chung ổn định. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, giá cả các sản phẩm thịt hơi có xu hướng tăng cao, tạo tâm lý yên tâm cho người nuôi tái đàn. Quy mô sản xuất của các trang trại và hộ chăn nuôi liên tục được mở rộng. Các mô hình chăn nuôi bền vững, ứng dụng công nghệ cao được nghiên cứu và áp dụng đã mang lại chiều hướng tích cực trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ước tính đến thời điểm 31/3/2025, tổng đàn trâu, bò ước đạt 37.295 con, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: đàn trâu 3.620 con, tăng 0,6%, đàn bò 33.675 con, tăng 0,1%; bò sữa 4.425 nghìn con, giảm 4,8%; đàn lợn 354.170 con, tăng 0,9%; đàn gia cầm 9.107,1 nghìn con, tăng 1,3% (Trong đó: đàn gà đạt gần 6.283,6 nghìn con, tăng 1,6%) so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính quý I năm 2025, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt gần 18.386 tấn, tăng 1,2%; thịt gia cầm hơi ước đạt 6.365 tấn, tăng 1,5%; sản lượng thịt trâu ước đạt 44,8 tấn, tăng 0,4%; sản lượng thịt bò ước đạt 600,6 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm nghiệp
- Trồng cây phân tán
Thực hiện kế hoạch năm 2025, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức phát động chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ, tính đến thời điểm ngày 20/3/2025, toàn tỉnh đã trồng được 577,6 nghìn cây nhân dân, đạt 51,6% kế hoạch.
- Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng
Trong quý, các sở, ngành có liên quan phối hợp với UBND huyện, thị xã chỉ đạo các xã, thị trấn có rừng tập trung chăm sóc khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng; chủ động xây dựng, thực hiện các phương án phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn; công tác quản lý khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản được quản lý chặt chẽ. Diện tích rừng trồng mới tập trung quý I/2025 đạt 8 ha, bằng so với cùng kỳ năm trước.
- Sản lượng khai thác gỗ và lâm sản khác
Sản lượng gỗ khai thác tháng 03/2025 ước đạt 216,8 m3, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, tổng sản lượng gỗ khai thác ước đạt 547,3 m3, giảm 0,5%; sản lượng củi khai thác ước đạt 77,6 Ste, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thủy sản
Hoạt động nuôi trồng thủy sản những tháng đầu năm 2025 đã có được những kết quả tích cực nhờ vào thời tiết tương đối thuận lợi, các loại thủy sản nuôi trồng sinh trưởng, phát triển tốt, giá cả thị trường tiêu thụ ổn định, năng suất nuôi trồng ngày một tăng lên, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, chuyên canh được đẩy mạnh nhất là đối với những mặt hàng thủy sản mang lại lợi ích kinh tế cao như ốc nhồi, tôm càng xanh…
Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 3/2025 ước đạt 2.025,9 tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng cá ước đạt 2.009,8 tấn, tăng 8,8%; tôm ước đạt 6,0 tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác ước đạt 10,1 tấn, tăng 32,9%.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 6.647,5 tấn, tăng 1,2%. Trong đó: Sản lượng cá ước đạt 6.611,8 tấn, tăng 1,1%; tôm ước đạt 11 tấn, bằng 100%; thủy sản khác ước đạt 24,7 tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp
Sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý I/2025 có nhiều khởi sắc, mặc dù bị ảnh hưởng bởi một số ngày nghỉ trong dịp đón Tết dương lịch và Tết Cổ truyền dân tộc, tuy nhiên với số lượng đơn hàng đã được ký kết, các doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay sau các kỳ nghỉ lễ. Do vậy, ngành công nghiệp của tỉnh trong quý I/2025 vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tăng 12,84% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2025 ước tính tăng 12,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,15%, đóng góp 7,73 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,68%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,11%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 13,87%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm.
Tháng 3/2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 14,8%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 25,4%; ngành SX và PP điện tăng 12,0%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý xử lý nước thải, rác thải tăng 10,2%.
Ước tính quý I năm 2025, IIP tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng giảm 18,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,6%. Có 19/26 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành chủ lực có mức tăng cao như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, tăng 29,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 18,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 36,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 19,4%... Có 7/26 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành chủ lực như: Khai khoáng khác giảm 18,6%; sản xuất đồ uống giảm 3,3%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 28,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Dây điện các loại tăng 20,1%; linh kiện, thiết bị điện tử tăng 29,1%; bia các loại tăng 31%; xe gắn máy tăng 16,2%; xi măng và clanke tăng 6,5%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Đá khai thác giảm 18,7%; nước giải khát giảm 10,5%; bình đun nước nóng giảm 22,7%; đồ chơi trẻ em giảm 32,9%...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2025 tăng 8,95% so với tháng trước và tăng 29,22% so với cùng tháng năm trước. Tính chung quý I/2025, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,24% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 26,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, tăng 40,9%; sản xuất kim loại, tăng 226,16%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, tăng 25,63%; sản xuất thiết bị điện, tăng 34,56%; dệt vải, tăng 11,82%; sản xuất xe có động cơ, tăng 16,44%... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ quý I giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống, giảm 2,24%; sản xuất trang phục, giảm 3,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, giảm 6,1%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan, giảm 24,15%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2025 giảm 4,84% so với tháng trước và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước một số ngành có lượng tồn kho tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, tăng 36,48%; sản xuất xe có động cơ, tăng 25,37%; sản xuất phương tiện vận tải khác, tăng 22,26%... Bên cạnh đó những ngành có chỉ số tồn kho giảm như: Chế biến thực phẩm, giảm 6,96%; sản xuất đồ uống, giảm 21,68%; dệt vải, giảm 18,51%; sản xuất trang phục, giảm 13,17%; sản xuất da, giảm 19,79%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, giảm 53,36%...
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm cuối tháng 3/2025 tăng 1,82% so với tháng trước và tăng 0,98% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, so với cùng thời điểm năm trước, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 13,07%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,14%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,45%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,58%.
Hoạt động của doanh nghiệp
Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 21/3/2025, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới năm 2025 của cả tỉnh là 180 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đạt 1.400,8 tỷ đồng, tăng 12% về số doanh nghiệp và tăng 15,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2024; Có 450 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động, tăng 9,5% và 21 doanh nghiệp giải thể, phá sản, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I/2025 cho thấy: Có 25,81% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I tốt hơn so với quý IV năm 2024; 50% doanh nghiệp đánh giá ổn định; và 24,19% đánh giá khó khăn hơn.
Dự báo quý II so với quý I, có 51,61% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên; 37,1% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 11,29% dự báo khó khăn hơn. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu có dự báo xu hướng tốt lên, gồm: Sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện... Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu có xu hướng đi ngang, gồm: Sản xuất xe có động cơ; sản xuất máy móc thiết bị khác; sản xuất da...
Đầu tư, xây dựng
Quý I năm 2025, tỉnh Hà Nam tập trung hoàn thiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng nhiều dự án giao thông lớn liên kết vùng, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các khu nhà ở xã hội, dần hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh quý I năm 2025 ước tính đạt 10.968,7 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước ước đạt 2.143,4 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư và tăng 96,1%; Vốn ngoài Nhà nước ước đạt 5.963,5 tỷ đồng, chiếm 54,4% và tăng 4,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.861,8 tỷ đồng, chiếm 26,1% và tăng 4,8%.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 3 năm 2025 ước đạt 830,8 tỷ đồng, tăng 127,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 419,7 tỷ đồng, tăng 143,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 355,2 tỷ đồng, tăng 116,2%; và vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 55,9 tỷ, tăng 95,8%.
Tính chung quý I/2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện đạt 2.087,2 tỷ đồng, tăng 130,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 12% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện đạt 1.081,2 tỷ đồng, tăng 158,9% và đạt 10,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện đạt 861,2 tỷ đồng, tăng 108,8% và đạt 14,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã thực hiện đạt 144,8 tỷ đồng, tăng 90,1% và đạt 14,8%.
Năm 2025, tỉnh Hà Nam xây dựng kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách do địa phương quản lý ở mức 15.597 tỷ đồng, tăng 92,7% so với kế hoạch vốn năm 2024 và tăng 96,6% so với số thực hiện năm 2024, chiếm khoảng 60% thu ngân sách địa phương, giúp tỉnh trong thời gian tới sẽ có bước phát triển đột phá về hạ tầng, đưa Hà Nam trở thành “nam châm” thu hút các nhà đầu tư. Tiến độ các công trình trọng điểm ước tính đến hết quý I năm 2025 như sau:
- Dự án đầu tư xây dựng Nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp TP Phủ Lý: Khởi công 4/2022 với tổng mức đầu tư 1.398,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2025 được giao là 614,5 tỷ. Tiến độ thực hiện tháng ba ước đạt 46 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 121 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện hết tháng ba ước đạt 898,5 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành QL21, địa phận thị xã Kim Bảng (đoạn từ đường ĐH.05 thị xã Kim Bảng đến nút giao đường T3 với QL21): Khởi công 4/2022 với tổng mức đầu tư 691,4 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2025 được giao là 291,9 tỷ. Tiến độ thực hiện tháng ba ước đạt 26 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 63 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện hết tháng ba ước đạt 343,3 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường vành đai 4, 5 qua QL38 đến đường QL21 thị xã Kim Bảng: Khởi công 10/2022 với tổng mức đầu tư 1.496 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2025 được giao là 500 tỷ. Tiến độ thực hiện tháng ba ước đạt 30 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 71 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện hết tháng ba ước đạt 927,8 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1), đoạn từ nút giao kết nối với Quốc lộ 21B đến nút giao với đường Lê Công Thanh - giai đoạn 3: Khởi công 8/2024 với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2025 được giao là 1.305 tỷ. Tiến độ thực hiện tháng ba ước đạt 10 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 35 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện hết tháng ba ước đạt 74 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL.1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với đường QL.21A, QL.21B: Khởi công 7/2022 với tổng mức đầu tư 4.950 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2025 là 800 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện tháng ba ước đạt 250 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 650 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện hết tháng ba ước đạt 1.818,6 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM đoạn Hà Nam: Khởi công tháng 2/2025 với tổng mức đầu tư 129,5 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện tháng ba ước đạt 10 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 13 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư tuyến đường kết nối vào khu nhà ở xã hội Đại Cương, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam: Khởi công tháng 2/2025 với tổng mức đầu tư 195,9 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tiến độ thực hiện tháng ba ước đạt 1 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ đồng.
- Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước: Dự án xây dựng dây chuyền 5 của Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng Group với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, thực hiện quý I ước đạt 25,7 tỷ đồng, lũy kế đến hết tháng ba ước đạt 3.984,3 tỷ đồng…; Dự án khu đô thị Sun urban city của tập đoàn Sun group khởi công tháng 7/2024 với tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, đến nay đang thi công giai đoạn 1, thực hiện quý I đã ước đạt 1.500 tỷ đồng, lũy kế đến hết tháng ba ước đạt 3.000 tỷ đồng.
- Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH LCFC Việt Nam khởi công từ tháng 6/2024 với số vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng, thực hiện quý I ước đạt 365,2 tỷ đồng, lũy kế đến hết tháng ba ước đạt 1.134,8 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất dây dẫn điện của Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam khởi công từ tháng 01/2022 với số vốn đăng ký 1.200 tỷ đồng, thực hiện quý I ước đạt 161,2 tỷ đồng, lũy kế đến hết tháng ba ước đạt 1.200 tỷ đồng…
*Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: Theo số liệu báo cáo từ Kho bạc Nhà nước Khu vực IV, tính đến hết tháng 02/2025 giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách do địa phương quản lý đạt 279,2 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết). Các đơn vị được giao quản lý các công trình, dự án thường xuyên giám sát chặt chẽ và đôn đốc các nhà thầu đẩy mạnh tiến độ thực hiện các hạng mục của dự án, giám sát tiến độ và chất lượng, chú trọng những công trình, dự án lớn, quan trọng, kịp thời nghiệm thu và thanh toán đảm bảo đúng quy định của Kho bạc Nhà nước.
*Tình hình thu hút đầu tư: Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Hà Nam, từ ngày 01/01/2025 đến 28/02/2025, toàn tỉnh thu hút 18 dự án (tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2024), gồm: 8 dự án FDI (tăng 100%) với số vốn đăng ký 130,7 triệu USD (tăng 577%) và 10 dự án trong nước (tăng 42,9%) với số vốn đăng ký 3.882,7 tỷ đồng (tăng 243%); Thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 3 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký tăng 177,8 triệu USD.
Lũy kế đến nay, Hà Nam có 1.303 dự án còn hiệu lực, trong đó có 422 dự án FDI với số vốn đăng ký 7.039,1 triệu USD và 881 dự án trong nước với vốn đăng ký 189.297,9 tỷ đồng.
Thu, chi ngân sách
Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Hà Nam, thu cân đối ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm 2025 ước tính đạt 5.575 tỷ đồng, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 21,6% dự toán địa phương. Trong đó, thu nội địa đạt 5.175 tỷ đồng, tăng 78,3% và bằng 21,3%; thu hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 23,4% và bằng 25%. Công tác quản lý thu ngân sách được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ và thu kịp thời các khoản phát sinh theo quy định của Pháp luật.
Chi cân đối ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm 2025 ước thực hiện 3.438,6 tỷ đồng, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 13,3% dự toán địa phương. Trong đó, chi thường xuyên ước thực hiện 2.291,7 tỷ đồng, tăng 87,5% và bằng 23,5%; chi đầu tư phát triển ước thực hiện 1.142 tỷ đồng, tăng 84,5% và bằng 7,3%. Các khoản chi ngân sách địa phương đảm bảo cân đối các nhiệm vụ chi theo dự toán, đặc biệt là chi hoạt động của bộ máy nhà nước, chi an sinh xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng địa phương.
Kết quả hoạt động lĩnh vực ngân hàng, tín dụng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 7, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Nam ước thực hiện đến 31/3/2025 đạt 86,58 nghìn tỷ đồng, tăng 6,51% so với thời điểm 31/12/2024; dư nợ tín dụng toàn tỉnh ước đạt 88,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,89% so với thời điểm 31/12/2024; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 8,91%, tăng 1.613,96% so với thời điểm 31/12/2024.
Mặt bằng lãi suất giữa các tổ chức tín dụng khá đồng đều và tuân thủ theo đúng quy định, định hướng điều hành của NHNN Việt Nam.
- Đối với VND: Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4-4,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng từ 5-6%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng từ 6-7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến trong khoảng 7-9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến trong khoảng 8-10%/năm.
- Đối với USD: Lãi suất huy động là 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và cá nhân. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 4-5%/năm đối với ngắn hạn; từ 5-6%/năm đối với trung và dài hạn.
Thương mại, dịch vụ
Hoạt động thương mại, dịch vụ quý I/2025 diễn ra trong không khí đón Tết Cổ truyền dân tộc, nhu cầu mua sắm và tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Nhiều chương trình xúc tiến thương mại và bình ổn giá được tổ chức đã tác động tích cực đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Các loại hình dịch vụ văn hoá, thể thao, vui chơi và giải trí; dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng… diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu thăm quan, du lịch, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân trong những ngày đầu năm. Hoạt động vận tải được tăng cường đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân và lưu chuyển hàng hóa diễn ra thông suốt.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2025 ước đạt 5.277,8 tỷ đồng, tăng 2,76% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.185,9 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 318,9 tỷ đồng, tăng 2,88% và tăng 39,3%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 199,95 tỷ đồng, giảm 2% và tăng 7%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 573 tỷ đồng, tăng 3,97% và tăng 42,6%.
Tính chung quý I năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 15.893,2 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 12.782 tỷ đồng, tăng 20,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 942 tỷ đồng, tăng 27,3%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 484,3 tỷ đồng, tăng 14,2%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.684,9 tỷ đồng, tăng 33,3%.
Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, quý I/2025 có 9/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Lương thực, thực phẩm (+42,1%); hàng may mặc (+8,5%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+72,9%); gỗ và vật liệu xây dựng (+3%); xăng, dầu các loại (+8,9%); nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) (+6,8%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+3,8%); hàng hóa khác (+7,9%); doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+3,2%). Ở chiều ngược lại, có 3/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước: Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (-0,3%); Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) (-10,3%); Phương tiện đi lại (trừ ô tô con kể cả phụ tùng) (-4,9%).
Giá cả
Tháng 3/2025, thị trường giá cả trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sự điều chỉnh giảm giá xăng dầu, đồng thời giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng của người dân sau dịp Tết Nguyên đán có xu hướng giảm là những nguyên nhân chính tác động khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,53% so với tháng trước, tăng 1,59% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước.
Có 05/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước: May mặc, mũ nón và giày dép (+0,03%); nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,35%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,2%); giáo dục (+0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,08%).
Có 04/11 nhóm hàng có chỉ số giảm so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-1,33%); đồ uống và thuốc lá (-0,53%); giao thông (-2,05%); văn hóa, giải trí và du lịch (-0,13%).
Có 02/11 nhóm hàng giữ ở mức ổn định so với tháng trước: Thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông.
Quý I/2025 là thời điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng các loại hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao đã đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng theo[1]. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 28/2024/NQ/HĐND ngày 06/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam đã tác động làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế của quý I/2025 tăng 10,79% so với cùng kỳ năm trước…là những nguyên nhân chính tác động lên CPI quý I/2025.
Bình quân quý I/2025, CPI tăng 3,03% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó có 09/11 nhóm hàng có CPI tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+5,26%); đồ uống và thuốc lá (+0,5%); may mặc, mũ nón và giày dép (+1,95%); nhà ở và vật liệu xây dựng (+1,04%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+3,29%); thuốc và dịch vụ y tế (+10,79%); giáo dục (+1,3%); văn hóa, giải trí và du lịch (+1,43%); hàng hóa và dịch vụ khác (+4,23%). Có 02/11 nhóm hàng có CPI giảm: Giao thông (-4,44%); bưu chính viễn thông (-0,03%).
Chỉ số giá vàng tháng 3 tăng 4,02% so với tháng trước, tăng 10,68% so với tháng 12 năm trước và tăng 39,19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2025, chỉ số giá vàng tăng 38,13% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số Đô la Mỹ tháng 3 tăng 0,71% so với tháng trước, tăng 1,11% so với tháng 12 năm trước và tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2025, chỉ số Đô la Mỹ tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3/2025 ước đạt 709,2 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 39,3 tỷ đồng, tăng 0,8% và tăng 9,3%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 665,1 tỷ đồng, tăng 3,6% và tăng 17,9%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4,8 tỷ đồng, tăng 2% và giảm 6,1%.
Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 3/2025 ước đạt 588,1 nghìn HK, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; hành khách luân chuyển ước đạt 42.802,2 nghìn lượt HK.km, tăng 1% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 3/2025 ước đạt 5.428,1 nghìn tấn, tăng 0,1% so với tháng trước và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa luân chuyển ước đạt 243.424,6 nghìn tấn.km, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Quý I/2025, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.090,7 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 117,2 tỷ đồng, tăng 6,5%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.959,56 tỷ đồng, tăng 17,6%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 13,95 tỷ đồng, giảm 1,9%.
Khối lượng vận chuyển hành khách quý I/2025 ước đạt 1.754,8 nghìn HK, tăng 0,4%; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 128.467,1 nghìn lượt HK.km, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa quý I/2025 ước đạt 16.103,4 nghìn tấn, tăng 1,1%; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 712.644,3 nghìn tấn.km, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một số vấn đề xã hội
Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch
- Hoạt động văn hóa thông tin: Trong quý I/2025, các hoạt động văn hóa thông tin tuyên truyền được diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực, chào mừng các ngày kỷ niệm của địa phương cũng như của đất nước, như: kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930-03/2/2025), Mừng xuân mới Ất Tỵ 2025; kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025); 115 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910-08/3/2025); tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng …
Tổ chức, dàn dựng thành công nhiều các chương trình nghệ thuật, thể dục, thể thao phục vụ nhân dân vui Tết đón xuân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong mọi tầng lớp nhân dân, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt Nam mỗi khi Tết đến Xuân về, như: Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hà Nam - Sắc xuân hội tụ” đêm giao thừa tại Quảng trường trung tâm hành chính mới của tỉnh; Chiếu chèo Xuân Ất Tỵ 2025 tại không gian phố đi bộ thành phố Phủ Lý; các chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ nhân dân và du khách thập phương về dự Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn; Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương - Xuân Ất Tỵ 2025; Lễ khai hội Xuân Chùa Tam Chúc 2025; Chương trình Ngày thơ Việt Nam trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến tại xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Tại Bảo tàng tỉnh tổ chức chuyên đề “95 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử”, tái hiện không gian chợ quê ngày Tết và tổ chức các trò chơi dân gian, dân tộc được diễn ra từ ngày 21/01/2025 - 09/02/2025 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ)…Ngoài ra các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian như: thi đấu các môn thể thao, hoạt động múa hát văn nghệ thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng.
- Thể dục thể thao: Phong trào thể thao quần chúng được đẩy mạnh, trong quý I, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức thành công các giải thi đấu thể thao như: Giải Vật "Mùa Xuân thượng võ" năm 2025; Giải Vật, Jujitsu trong chương trình Đại hội TDTT lần thứ VII tổ chức ngày 07/02/2025 - 09/02/2025; Giải Thể thao chào mừng 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam; Giải Vật Tịch điền Duy Tiên mở rộng năm 2025…
Thể thao thành tích cao: Đội Bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam tham gia thi đấu Giải Bóng đá nữ U19 Quốc gia Cúp Acecook năm 2025, đạt Cúp vô địch và 2 danh hiệu cá nhân (Cầu thủ xuất sắc nhất và Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất). Chuẩn bị các điều kiện đăng cai tổ chức Giải Trilathon Cup thế giới và Giải vô địch Trilathon Quốc gia năm 2025; Phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức Khóa học đào tạo Huấn luyện viên bóng đá chứng chỉ C/AFC/VFF với sự tham dự của 24 học viên.
- Du lịch: Công tác quản lý nhà nước về du lịch được triển khai kịp thời, đảm bảo tốt các hoạt động du lịch phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân năm 2025. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 03/3/2024 tổng số lượt khách du lịch đến Hà Nam ước đạt 2.917.000 lượt, trong đó khách nội địa 2.876.100 lượt, khách quốc tế 40.900 lượt.
Lao động, giải quyết việc làm và đời sống dân cư
- Lao động và giải quyết việc làm: Công tác lao động và giải quyết việc làm luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm. Trong quý I năm 2025, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đạt hiệu quả cao; số lượng doanh nghiệp mới tiếp tục tăng lên; nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh mới, mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng tuyển dụng lao động.
Ước tính lực lượng lao động quý I năm 2025 tỉnh Hà Nam là 477.587 người (chiếm 52,87% tổng dân số), tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2024; ước tính số người đang làm việc trong các ngành kinh tế quý I năm 2025 là 469.010 người (chiếm 51,92% dân số và chiếm 98,2% trong tổng lực lượng lao động), trong đó: số người đang làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 77.995 người, chiếm 16,63%; trong khu vực công nghiệp, xây dựng là 245.856 người, chiếm 52,42%; trong khu vực dịch vụ là 145.159 người, chiếm 30,95%.
Theo báo cáo của phòng Việc làm, Sở Nội Vụ tỉnh Hà Nam, trong quý I/2025 toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 7.325 người, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 29,3% so với kế hoạch năm; XKLĐ là 302 người; giải quyết việc làm thêm cho 6.049 người; tư vấn việc làm, học nghề cho 6.134 lượt người; giới thiệu việc làm cho 3.485 lượt người. Cấp 385 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam (trong đó: cấp mới: 295, cấp lại: 16, gia hạn: 78); xác nhận 10 trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; có 253 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng; tổ chức 04 phiên sàn giao dịch việc làm.
- Công tác đảm bảo an sinh xã hội và đời sống dân cư: Trong quý I/2025, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho các đối tượng là gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng xã hội tại các trung tâm, … đặc biệt trong dịp đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam, kết quả thăm và tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ: Quà tặng cho người có công (66.253 người và 15 tập thể): 31,74 tỷ đồng; quà tặng cho hộ cận nghèo (6.461 hộ với 15.115 nhân khẩu): 5,29 tỷ nghìn đồng và 1,22 tấn gạo; quà tặng cho hộ nghèo (7.687 hộ với 10.481 nhân khẩu): 5,2 tỷ đồng và 19,4 tấn gạo; quà tặng cho đối tượng bảo trợ xã hội (504 người và 8 tập thể): 365,6 triệu đồng; quà tặng cho người cao tuổi (23.613 người): 9,03 tỷ đồng; quà tặng cho trẻ em (1.010 trẻ em): 602,3 triệu đồng; quà tặng cho người lao động (884 người): 744,2 triệu đồng; quà tặng cho đối tượng khác (180.893 người): 3,31 tỷ đồng.
Tổng giá trị quà tặng cho các đối tượng (quy ra bằng tiền): 58,8 tỷ đồng, chia ra: Quà của Chủ tịch nước: 8,1 tỷ đồng; quà từ ngân sách cấp tỉnh: 29,82 tỷ đồng; từ ngân sách cấp huyện: 3,48 tỷ đồng; từ ngân sách cấp xã: 858,3 triệu đồng; quà từ kinh phí xã hội hóa: 8,5 tỷ đồng; Chúc thọ người cao tuổi: 7,59 tỷ đồng; khác: 452,1 triệu đồng.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ và Sở Y tế tỉnh Hà Nam, tính đến thời điểm hiện tại có 557 người hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp theo quyết định là 11,18 tỷ đồng; có 312 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Theo số liệu điều tra Khảo sát mức sống, quý I/2025, ước tính thu nhập bình quân đầu người/tháng chung toàn tỉnh là 6.068,78 nghìn đồng/người/tháng, trong đó: khu vực thành thị là 7.193,83 nghìn đồng/người/tháng; khu vực nông thôn là 5.559,26 nghìn đồng/người/tháng.
Công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện tốt, trong quý I/2025 đã hỗ trợ và cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 12.665 người nghèo và cận nghèo; tiếp tục tạo điều kiện để các hộ nghèo từng bước thoát nghèo.
Y tế
Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được ngành Y tế triển khai một cách chủ động, tích cực và đạt hiệu quả cao, tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, áp dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị; thường trực, cấp cứu, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh; điều trị kịp thời cho bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong quý I/2025, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sai sót về chuyên môn, kỹ thuật trong khám và điều trị bệnh.
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Hà Nam, trong quý I/2025, ngành Y tế đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2025 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm phục vụ các Lễ hội, các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, kết quả kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm: 391/391 mẫu đạt các chỉ tiêu xét nghiệm; 06/06 mẫu thực phẩm đạt chỉ tiêu kiểm nghiệm. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Tình hình bệnh truyền nhiễm : Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống bệnh tật tỉnh Hà Nam, tính từ ngày 15 tháng 02 năm 2025 đến ngày 14 tháng 3 năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 01 ca sốt xuất huyết Dengue; có 36 ca mắc sởi; 04 ca mắc chân tay miệng; có 4.098 ca mắc cúm; không có ca mắc quai bị; có 11 ca mắc thủy đậu và 901 ca mắc tiêu chảy. Tính chung trong quý I năm 2025 (tính từ 15/12/2024 đến 14/3/2025), trên địa bàn tỉnh có 13 ca sốt xuất huyết Dengue; 108 ca mắc sởi; 05 ca mắc chân tay miệng; cúm 5.157 ca; có 01 ca mắc quai bị; 69 ca mắc thủy đậu và 1.328 ca mắc tiêu chảy.
Công tác phòng chống HIV/AIDS: Theo báo cáo Giám sát về HIV-AIDS của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, tính từ ngày 15 tháng 02 năm 2025 đến hết ngày 14 tháng 3 năm 2025 toàn tỉnh có 02 trường hợp bị nhiễm HIV mới, không có người chuyển thành AIDS và có 02 người tử vong do AIDS. Tính chung trong quý I năm 2025 (tính từ 15/12/2024 đến 14/3/2025), số người nhiễm mới HIV phát hiện là 02 người, không có người chuyển thành AIDS, có 02 người tử vong do AIDS.
Công tác phòng chống bệnh dịch: Ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản của Bộ Y tế, của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trước, trong, sau Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội năm 2025, đặc biệt là bệnh cúm, bệnh sởi, và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; tuyên truyền, tư vấn cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện thường trực phòng chống dịch 24/24.
Giáo dục
Trong quý I/2025 Ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Nam đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo với tinh thần chủ động, linh hoạt, các nhiệm vụ được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; tiếp tục tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý năm học 2024 - 2025; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của một số môn học hiện tại để tiến tới mỗi giáo viên có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí theo Chương trình GDPT 2018. Tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm.
- Về quy mô giáo dục tỉnh Hà Nam tính đến tháng 3/2025: Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đạo tạo Hà Nam, toàn tỉnh có 120 trường mầm non, (113 trường mầm non công lập, 07 trường mầm non tư thục) với 2.099 nhóm, lớp và 49.738 trẻ em; cấp tiểu học có 116 trường (115 trường công lập thuộc tỉnh, 01 trường tư thục) với 2.364 lớp và 78.574 học sinh; cấp THCS có 111 trường (trong đó có 04 trường liên cấp tiểu học và THCS) với 1.514 lớp và 61.478 học sinh; cấp THPT có 26 trường (24 trường công lập và 02 trường tư thục) với 597 lớp và 24.408 học sinh. Toàn tỉnh có 01 trung tâm GDTX-HN tỉnh và 05 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện với 162 lớp và 6.653 học viên, học sinh; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần tích cực cho công tác phổ cập, xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
- Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được tăng cường đầu tư xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực phối hợp với các địa phương chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia theo mục tiêu kế hoạch của tỉnh gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 360/361 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt tỷ lệ 99,72%), cụ thể: mầm non 113/113 trường (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có 100 trường đạt chuẩn mức 2; tiểu học có 114/114 trường (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có 92 trường đạt chuẩn mức 2; THCS có 111/111 trường (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có 62 trường đạt chuẩn mức 2; THPT có 22/23 trường (đạt tỷ lệ 95,65%); các đơn vị đều hoàn thành tiêu chí số 05 và tiêu chí số 14 về xây dựng nông thôn mới./.
[1] Giá gạo bình quân Quý I/2025 tăng 4,99%; Giá nước sinh hoạt bình quân tăng 8,94% so với cùng kỳ.
Nguồn: Chi cục Thống kê tỉnh Hà Nam