Lĩnh vực kinh tế
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Tháng 02/2025 sản xuất trồng trọt chủ yếu tập trung gieo trồng và chăm sóc các loại cây vụ Xuân năm 2025 với quyết tâm đạt và vượt diện tích, năng suất, sản lượng đề ra. Hoạt động chăn nuôi hiện nay giá thức ăn chăn nuôi đang có dấu hiệu hạ nhiệt hơn trong khi giá bán vẫn ở mức cao nên khuyến khích người dân tăng đàn, tái đàn nhất là đàn lợn và gia cầm. Hoạt động lâm nghiệp trong tháng khá nhộn nhịp khi trùng dịp Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ, cùng với đó điều kiện thuận lợi nên người dân tranh thủ khai thác rừng trồng đã đến kỳ thu hoạch. Hoạt động thủy sản đang diễn ra khá ổn định và không có nhiều biến động so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Hiện nay tranh thủ thời tiết nắng ráo sau kỳ nghỉ Tết, bà con nông dân đang chạy đua với thời gian, quyết tâm hoàn thành tiến độ sản xuất theo đúng kế hoạch. Đối với cây lúa, đang đẩy nhanh tiến độ dặm tỉa, bón phân nhằm nâng cao sức đề kháng cho lúa Xuân. Cùng với gieo cấy lúa thì trong tháng 02/2025 bà con nông dân cũng đã xuống giống sản xuất các loại cây trồng vụ Xuân. Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên tiến độ gieo trồng lúa và các loại rau màu đều đạt kế hoạch đề ra. Phấn đấu mục tiêu hoàn thành diện tích gieo trồng trong tháng nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng.
Điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên các loại cây trồng vụ Xuân 2025 đang phát triển tốt, tuy nhiên, mưa ẩm, nhiệt độ thấp vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh gây hại. Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, vụ Xuân này ngành chuyên môn khuyến cáo không cơ cấu một giống quá 30% diện tích gieo, cấy. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh là địa phương có điều kiện địa hình, sinh thái đặc thù với nhiều tiểu vùng sinh thái, thổ nhưỡng khác nhau, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, các đối tượng sâu bệnh thường xuyên phát sinh gây hại nặng. Vì vậy, cơ cấu bộ giống được xây dựng đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn.
Tiến độ gieo trồng cây vụ Xuân 2025: Tổng diện tích gieo, cấy lúa toàn tỉnh 59.153 ha/59.123 ha, đạt 100,05% kế hoạch, trong đó: Diện tích gieo thẳng 56.343 ha, diện tích cấy 2.810 ha. Hiện nay các trà lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển tốt. Về các cây trồng cạn tính đến ngày 20/02/2025, diện tích gieo trồng 18.010 ha/21.041 ha, đạt 85,59% kế hoạch, cụ thể: Cây lạc 4.395 ha/6.456 ha đạt 68,1%; ngô lấy hạt 6.666 ha/6.816 ha, đạt 97,80%; cây khoai lang 1.297 ha/1.621 ha, đạt 80,01%; rau các loại: 5.533 ha/5.827 ha, đạt 94,95% so với kế hoạch đặt ra.
Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Trên cây lúa nạn Ốc bươu vàng phát sinh gây hại trên những chân ruộng ngập nước, ruộng không bằng phẳng, mật độ trung bình 3-5 con/m2, cục bộ nơi cao 20 con/m2, diện tích nhiễm 55 ha; Chuột tỷ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 5-7%, cục bộ 20% diện tích nhiễm 65 ha; Bọ trĩ, tuyễn trùng rễ gây hại trên những chân ruộng thiếu và không chủ động nước, tỉ lệ 5-7%, nơi cao 10-15%, diện tích nhiễm 25 ha. Ngoài ra, một số đối tượng như Rệp xanh, rệp đen, khô đầu lá, ngộ độc hữu cơ gây hại rác rác ở một số diện tích ở các địa phương.
Trên các cây trồng khác cũng xuất hiện các dịch bệnh như ở cây ngô Sâu keo mùa thu, sâu cắn lá gây hại trên các trà ngô mật độ 2-4 con/m2, diện tích nhiễm 22 ha; bệnh khô vằn, đốm lá diện tích nhiễm 15 ha. Đối với cây rau thập tự, Sâu xanh bướm trắng gây hại mật độ 2-5 con/m2, nơi cao 7-10con/m2, diện tích nhiễm 28 ha, phân bố rải rác tại một số địa phương trên toàn tỉnh.
Chăn nuôi: Kết quả sản xuất: Đàn trâu hiện có 64.980 con, bằng 97,10%; đàn bò hiện có 160.980 con, bằng 98,11% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm vì chi phí chăn nuôi tăng trong khi giá bán khá thấp cộng với việc thời gian chăm sốc khá lâu, nên người dân chuyển hướng sang chăn nuôi lợn và gia cầm mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn.
Đàn lợn hiện có 390.200 con, bằng 100,44%; đàn gia cầm hiện có 9.580 ngàn con, bằng 103,57%, trong đó đàn gà có 7.860 ngàn con, bằng 104,66% so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn và đàn gia cầm so với tháng trước giảm đi đáng kể do nhu cầu tiêu thụ phục vụ Tết Nguyên đán nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng do sang tháng 02, sau khi tiêu thụ sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán thì người dân tiếp tục tái đàn khi giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt hơn so với cùng kỳ năm trước và giá bán đang ở mức cao.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Với điều kiện thời tiết đang mưa rét kéo dài, độ ẩm không khí cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Để đảm bảo hoạt động chăn nuôi ổn định, ngành chuyên môn đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con tuân thủ các quy trình nuôi an toàn, trước khi tái đàn cần thực hiện các biện pháp khử trùng khu vực nuôi.
Tình hình dịch tả lợn Châu Phi vẫn diến biến khá phức tạp, trong tháng phát sinh và tiêu hủy thêm 379 con tại 13 xã thuộc 04 huyện, thành phố (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, TP Hà Tĩnh) với khối lượng 27.611,6 kg. Tính chung từ đầu năm 2025 đến nay đã xảy ra tại 14 xã thuộc 05 huyện làm 455 con lợn mắc bệnh chết, tiêu hủy với khối lượng 35.713,6 kg. Hiện nay dịch tại 12 xã thuộc 04 huyện, thành phố (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh) chưa qua 21 ngày, nguy cơ bùng phát diện rộng. Ngành chuyên môn, các địa phương đang tập trung vào cuộc, hạn chế dịch lây lan. Về dịch Viêm da nổi cục hiện đã được khống chế, các ổ dịch đã qua 21 ngày, không phát sinh.
Lâm nghiệp
Trong tháng 02 là tháng sau Tết nguyên đán, thực hiện lời kêu gọi "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, các địa phương trong toàn tỉnh đã hưởng ứng phong trào “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” nhằm tăng độ che phủ, làm cho môi trường ngày càng xanh-sạch-đẹp; tạo cảnh quan môi sinh trên địa bàn cũng như góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị văn minh. Cùng với phong trào trồng cây xanh thì hoạt động trồng rừng và khai thác gỗ tiếp tục được thực hiện. Tranh thủ điều kiện thời tiết mát mẻ nên người dân tiến hành khai thác rừng trồng đã đến kỳ thu hoạch và trồng rừng theo kế hoạch. Tuy nhiên do sau Tết người dân vẫn còn nghỉ ngơi, du xuân nên kết quả đạt thấp so với mức bình quân chung các tháng trong năm.
Kết quả sản xuất: Diện tích rừng trồng tháng 02/2025 đạt 349 ha, bằng 101,75%, sản lượng gỗ khai thác đạt 19.515 m3, bằng 104,49%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 644 ngàn cây, bằng 105,06% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, diện tích rừng trồng đạt 833 ha, bằng 102,84%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 41.120 m3, bằng 104,89%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 909 ngàn cây, bằng 104,12% so với cùng kỳ năm trước.
Thiệt hại về rừng: Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Trong tháng 02/2025 đã xảy ra 01 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 0,39 ha. Tính từ đầu năm đến ngày 20/02/2025, trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra cháy rừng nhưng đã xảy ra 02 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 0,69 ha.
Thủy sản
Kết quả sản xuất: Hoạt động thủy sản trong tháng 02 cũng như 2 tháng đầu năm 2025 nhìn chung vẫn ổn định, là tháng sau Tết Nguyên đán nên ngư dân vẫn còn dành thời gian nghỉ ngơi, du xuân, mặt khác nguồn lợi thủy sản các tháng này ít hơn nên sản lượng đạt thấp hơn so với bình quân các tháng trong năm. Tổng sản lượng thuỷ sản trong tháng ước đạt 4.042 tấn, tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 2 tháng đầu năm ước đạt 9.083 tấn, tăng 2,87% so với cùng kỳ.
Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng 02/2025 ước đạt 2.779 tấn, bằng 102,96% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá ước đạt 2.120 tấn, bằng 104,38%, sản lượng tôm ước đạt 41 tấn, bằng 102,5%, sản lượng thủy sản khác ước đạt 618 tấn, bằng 98,41%. Tính chung 2 tháng đầu năm sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 6.516 tấn, bằng 103,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá ước đạt 4.228 tấn, bằng 104,55%, sản lượng tôm ước đạt 230 tấn, bằng 103,14%, sản lượng thủy sản khác ước đạt 2.058 tấn, bằng 102,24%.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 2 năm 2025 ước đạt 1.040 tấn, bằng 100,87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá ước đạt 627 tấn, bằng 99,21%, sản lượng tôm ước đạt 118 tấn, bằng 102,61%, sản lượng thủy sản khác ước đạt 295 tấn, bằng 103,73%. Tính chung 2 tháng đầu năm sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.972 tấn, bằng 101,39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá ước đạt 1.237 tấn, bằng 100,24%, sản lượng tôm ước đạt 234 tấn, bằng 102,63%, sản lượng thủy sản khác ước đạt 501 tấn, bằng 103,73%.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Từ đầu năm đến nay chưa có dịch bệnh xảy ra đối với các sản phẩm thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng hai và 2 tháng đầu năm 2025, ngành công nghiệp tỉnh nhà vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Sản phẩm mới pack pin còn phụ thuộc vào thị trường; nhà máy thép Formosa gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu thép ra thị trường trong và ngoài nước. Sản xuất công nghiệp chưa đạt như kỳ vọng chủ yếu do sản xuất thép sụt giảm so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)
Ước tính tháng 02/2025, chỉ số sản xuất toàn ngành giảm 0,53% so với tháng trước và giảm 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 14,94% so với tháng trước và tăng 132,96% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 0,82% so với tháng trước và giảm 4,85% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện dự tính giảm 6,03% so với tháng trước và tăng 11,73% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xả lý rác thải dự ước tăng 2,8% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 10,67%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giảm 9,0% so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 92,83% đóng góp 0,73 điểm vào mức tăng chung toàn ngành, từ tháng 5/2024 đến nay, các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn Hà Tĩnh tăng mạnh khối lượng sản xuất phục vụ các dự án lớn trên địa bàn như nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Cùng với đó, nhiều mỏ đá được cấp phép cũng như mở rộng khối lượng khai thác cũng là nguyên nhân dẫn đến chỉ số sản xuất ngành này tăng mạnh so với các tháng đầu năm 2024; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,09% làm giảm 9,05 điểm, sản lượng thép giảm mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2025 của ngành này giảm so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,66% làm giảm 0,87 điểm, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 ngừng phát điện bảo dưỡng định kỳ 2 lò máy vào cuối tháng 01 nên sản lượng điện sản xuất giảm so với cùng kỳ năm 2024; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,69% đóng góp 0,19 điểm vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh.
Một số sản phẩm chủ yếu: Trong số 20 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 13 nhóm sản phẩm trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng so cùng kỳ và có 5 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Hiện nay cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi như chính sách giảm thuế, giảm lãi suất cho vay. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp cùng với sự nỗ lực, linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Tình hình sản xuất công nghiệp một số ngành trên địa bàn có mức tăng trưởng khá.
Một số sản phẩm công nghiệp tính đến cuối tháng 2 năm 2025 tăng so với cùng kỳ: Đá xây dựng khác tăng 109,40%; thức ăn cho gia súc tăng 32,08%; bia đóng lon tăng 14,59%; ắc quy bằng ion lithi tăng 633,18%; điện thương phẩm tăng 20,5%;...
Một số sản phẩm công nghiệp 2 tháng đầu năm 2025 giảm so với cùng kỳ: Quặng inmenit và tinh quặng inmenit giảm 4,76%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 13,95%; điện sản xuất giảm 6,82%...
Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp: Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 02/2025 tăng 0,43% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước giảm 0,13%. Tính đến hết tháng 2/2025, chỉ số sử dụng lao động giảm 0,78% so với cùng kỳ năm trước. Khi các dự án, nhà máy mới đi vào hoạt động sản xuất đã góp phần tăng số lượng lao động trên địa bàn so với năm trước. Tuy nhiên, tự động hóa trong một số khâu sản xuất đang dần thay thế sức lao động. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến lao động ngành công nghiệp Hà Tĩnh đang có xu hướng giảm. 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 2,84%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,72%; chỉ số sử dụng lao động ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,77%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư và xây dựng
Kế hoạch vốn đầu tư ngân sách thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2025 là 5.021,84 tỷ đồng, giảm 26,34% so với năm 2024. Trong đó: Vốn ngân sách trung ương là 1.849,51 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương là 3.172,33 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 02/2025 ước đạt 269,02 tỷ đồng, tăng 10,49% so với tháng trước và tăng 44,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 166,98 tỷ đồng, tăng 8,82% so với tháng trước và tăng 27,57% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 82,56 tỷ đồng, tăng 10,76% so với tháng trước và tăng 70,84% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 19,48 tỷ đồng, tăng 25,65% so với tháng trước và tăng 189,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xây dựng trong tháng tập trung thực hiện một số công trình chủ yếu như: Cải tạo, Nâng cấp QL 8C đoạn từ Thiên Cầm - Quốc lộ 1 và đoạn từ QL 8 đến đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 19 tỷ đồng; cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 15,74 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật khu công viên trung tâm thị xã Hồng Lĩnh (giai đoạn 1) ước đạt 12,55 tỷ đồng…
Tính chung hai tháng đầu năm 2025, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 512,50 tỷ đồng, đạt 10,21% kế hoạch vốn (cao hơn mức đạt 9,28% kế hoạch vốn cùng kỳ năm 2024), tăng 23,20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do vốn kế hoạch tỉnh Hà Tĩnh được giao năm 2025 cao hơn so với kế hoạch vốn được giao năm 2024 tại thời điểm tháng 02 (cùng kỳ tháng 02 kế hoạch vốn mới chỉ giao 4.482,66 tỷ đồng (bằng 89,26% so với kế hoạch cùng kỳ năm trước). Mặc dù các nguồn vốn đầu năm còn gặp nhiều khó khăn do quá trình phân bổ vốn, chậm giải phóng mặt bằng nhưng nhìn chung so với mức độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước thì Hà Tĩnh vẫn là một trong các tỉnh có tốc độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung (cả nước giải ngân 2 tháng đầu năm chỉ đạt 7,3% kế hoạch).
4. Thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 02 năm 2025 là tháng trong và sau Tết Nguyên đán, các hoạt động thương mại dịch vụ mặc dù đã trở lại hoạt động bình thường nhưng sức mua và giá cả giảm hơn so với tháng trước. Tuy vậy, nhìn chung thị trường tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ tháng Hai và 2 tháng vẫn tăng khá so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 02/2025 ước đạt 5.908,61 tỷ đồng, giảm 13,73% so với tháng trước và tăng 6,15% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường hàng hóa nhìn chung kém sôi động hơn so với tháng trước do thời điểm sau Tết, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết. Tuy nhiên, các hoạt động phục vụ các lễ hội sau Tết lại khá sôi động.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 12.757,47 tỷ đồng, tăng 9,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong 12 nhóm hàng hóa thì có 9 nhóm hàng tăng trưởng dương (chiếm 86,34% tổng mức) và 3 nhóm hàng tăng trưởng âm. Cụ thể tăng mạnh ở các nhóm hàng lương thực, thực phẩm
(tăng 16,36%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (tăng 13,44%); vật phẩm văn hóa giáo dục (tăng 23,78%); nhiên liệu khác (tăng 24,78%); sửa chữa xe có động cơ (tăng 22,67%). Trong khi các nhóm hàng có sự tăng trưởng đáng kể thì cũng có một số mặt hàng giảm doanh thu khá sâu như gỗ và vật liệu xây dựng (giảm 29,77%); ô tô con (giảm 34,62%). Bởi nhu cầu mua sắm những đồ dùng có giá trị và tận dụng thời gian giảm lệ phí trước bạ từ những tháng cuối năm 2024 nên nhu cầu mua xe đầu năm 2025 giảm mạnh. Bên cạnh đó, là sự tác động từ yếu tố giá cả, trong khi giá các loại hàng hoá đều ở mức cao so với cùng kỳ, thì giá xăng dầu và vật liệu xây dựng đang giảm ở mức khá thấp tác động trực tiếp đến doanh thu các nhóm hàng này trong 2 tháng đầu năm 2025.
Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành doanh thu tháng 02/2025 dự tính đạt 600,91 tỷ đồng, giảm 20,16% so với tháng trước và giảm 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, trong tháng hoạt động lưu trú và du lịch tăng khá do nhu cầu tham quan, du lịch, vãn cảnh đầu xuân năm mới, doanh thu dịch vụ lưu trú dự tính đạt 17,80 tỷ đồng, tăng 3,16% so với tháng trước, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 3,55 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,67% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do việc dịch vụ ăn uống là nhóm doanh thu lớn dự tính đạt 579,57 tỷ đồng và giảm khá sâu so với tháng trước (giảm 20,81%) nên ảnh hưởng đến tổng doanh thu cả nhóm ngành.
Mặc dù tháng Hai các hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành giảm so với tháng trước do yếu tố mùa vụ nhưng so với cùng tháng năm trước mức giảm này không đáng kể. Tính chung 2 tháng đầu năm doanh thu nhóm ngành này ước đạt 1.353,53 tỷ đồng, tăng ở mức khả quan 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Do có sự chỉ đạo, quan tâm kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ; tổ chức các hoạt động, sự kiện đón tiếp và phục vụ khách; đăng ký và bán đúng giá niêm yết; bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra tệ nạn trong cơ sở kinh doanh dịch vụ mà các lễ hội, khu vui chơi được diễn ra vui vẻ, an toàn.
Dịch vụ khác doanh thu tháng 02/2025 ước đạt 370,21 tỷ đồng, giảm 11,33% so với tháng trước và tăng 1,44% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025 dự ước thực hiện đạt 743,05 tỷ đồng, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản tăng 8,36%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 15,43%; giáo dục đào tạo tăng 6,53%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 22,25%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 56,66%; dịch vụ khác giảm 3,56%. Nhìn chung, kết quả hoạt động dịch vụ khác tăng trưởng khá ổn định so với cùng kỳ, dịch vụ hoạt động bất động sản đã có nhiều tín hiệu khởi sắc sau thời gian trầm lắng.
Hoạt động vận tải
Tình hình hoạt động kinh doanh vận tải tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức biến động có sự khác biệt rõ rét giữa các nhóm hoạt động vận tải hành khách với hàng hóa, khi đây là thời gian cao điểm của nhu cầu vận tải hành khách trong năm, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 02/2025 ước đạt 709,4 tỷ đồng, tăng 1,17% so với tháng trước và tăng 19,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 151,63 tỷ đồng, tăng 5,14% so với tháng trước và tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 421,57 tỷ đồng, mặc dù giảm nhẹ 0,6% so với tháng trước nhưng tăng đến 42,71% so với cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 129,99 tỷ đồng, tăng 3,89% so với tháng trước nhưng giảm đến 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu về vận tải hành khách do yếu tố mùa vụ nhu cầu hành khách sử dụng các tuyến vận tải liên tỉnh trong và sau kỳ nghỉ Tết tăng cao đến thời điểm giữa tháng mới có xu hướng ổn định trở lại, giá cước vận chuyển trong giai đoạn này vẫn đang được tăng giá thêm khoảng 50% chiều đi. Trong khi ở vận tải hàng hóa tiếp tục đạt thấp và giảm nhẹ so tháng trước, do kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài đã tác động đến hoạt động vận tải, kho bãi trong tháng, bên cạnh đó các công trình xây dựng giảm mạnh khối lượng thi công trong nửa đầu tháng Hai. Bên cạnh đó, doanh thu kho bãi, hỗ trợ vận tải giảm so với cùng kỳ do giảm lượng hàng hóa thông qua cảng Sơn Dương và Vũng Áng, cũng như các hoạt động hỗ trợ giao hàng trước và sau Tết.
Xuất nhập khẩu hàng hóa
Tình hình xuất khẩu trong tháng có dấu hiệu khởi sắc hơn khi tăng mạnh so với tháng trước, tuy nhiên so với mức cùng kỳ còn giảm khá sâu. Tính chung, tổng trị giá xuất khẩu và nhập khẩu tháng 02/2025 ước đạt 441 triệu USD tăng 15,37% so với tháng trước nhưng giảm đến 30,22% so với cùng kỳ.
Về xuất khẩu: Trị giá xuất khẩu toàn tỉnh tháng 02/2025 ước đạt 160,5 triệu USD, tăng 39,83% so với tháng trước nhưng giảm 34,49% so với cùng cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do mặt hàng thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, chịu sự tác động của chính sách bảo hộ ngành thép của một số nước trên thế giới. Chỉ tính riêng xuất khẩu từ Formosa ước đạt 142,48 triệu USD (chiếm 88,77% trị giá xuất khẩu toàn tỉnh) tăng 46,13% so với tháng trước nhưng giảm 41% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2025 trị giá xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 275,28 triệu USD, giảm 38,94% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn trong mặt hàng thép, nhưng vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực từ các mặt hàng xuất khẩu khác, nhất là sự phục hồi tích cực ở các mặt hàng dăm gỗ, xơ, sợt dệt và may mặc các loại.
Về nhập khẩu: Trị giá nhập khẩu toàn tỉnh trong tháng 02/2025 ước đạt 280,5 triệu USD, tăng 4,87% so với tháng trước nhưng giảm đến 27,52% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do việc hạn chế từ thị trường xuất khẩu nên việc nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất của Formosa cũng tăng tương ứng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025 trị giá nhập khẩu toàn tỉnh ước đạt 547,98 triệu USD, giảm 14,64% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu trong sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi thị trường tiêu thụ thép vẫn còn thiếu ổn định. Do vậy, cần thiết việc khuyến khích, ưu tiên phát triển theo hướng đa dạng hóa các mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ngoài thép trong bối cảnh tình hình thế giới còn khá nhiều biến động.
5. Chỉ số giá tiêu dùng
Thị trường hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ tháng 02 năm 2025 là thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng sau Tết không cao do phần lớn các gia đình đã chuẩn bị đủ, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ vận tải hành khách,…
Tháng 02 năm 2025, chỉ số CPI chung giảm 0,89% so với tháng trước nhưng tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù trong tháng mức giá cả có hạ nhiệt so với tháng trước do yếu tố sau Tết Nguyên đán, nhưng nhìn chung so với cùng kỳ mức giá vẫn đang ở mức tăng khá cao.
Trong 11 nhóm hàng hoá, mặc dù có đến 05 nhóm hàng hóa chỉ số giá giảm so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ vẫn ở mức tăng. Cụ thể: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,63% so với tháng trước, nhưng tăng 3,02% so với cùng kỳ; may mặc, giày dép và mũ nón giảm 0,9% so với tháng trước, nhưng tăng 1,57% so với cùng kỳ; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,12%so với tháng trước, nhưng so cùng kỳ tăng đến 17,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1% so với tháng trước, nhưng tăng 1,54% so cùng kỳ năm trước; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,05% so với tháng trước, so với cùng kỳ tăng 5,52%.
Bên cạnh đó thì cũng có 04 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước là: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,74% so tháng trước và tăng 5,03 so cùng kỳ; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% so tháng trước và tăng 12,47% so cùng kỳ; giao thông tăng 0,58% so tháng trước, tuy nhiên giảm 4,85% so cùng kỳ; van hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02% so tháng trước và tăng 2,73% so cùng kỳ năm trước. Có 2 nhóm hàng ổn định về chỉ số so với tháng trước là bưu chính viễn thông và giáo dục.
Sự biến động giá cả thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 02/2025 chủ yếu do các nguyên nhân chính như: Thứ nhất, do yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 01 năm 2025, nhu cầu tiêu dùng và giá cả đa số các nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng cao, sang tháng 02/2025, giá cả có xu hướng giảm và ổn định trở lại; thứ hai, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về giá nhiên liệu xăng, dầu các loại.
Thị trường giá vàng và ngoại tệ trong tháng bình quân tăng mạnh theo xu hướng của thị trường thế giới. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 8.832 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la Mỹ bình quân 2.687.238 đồng/100 USD.
Bình quân CPI hai tháng đầu năm 2025 tăng 5,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 8,8%, nông thôn tăng 4,56%. Dự kiến CPI tháng 3/2025 có thể tăng nhẹ so với tháng trước, do thời tiết dự kiến ấm hơn, thuận lợi cho hoạt động xây dựng cũng như tăng nhu cầu sử dụng điện và nước sinh hoạt. Nhu cầu cũng như giá các loại lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, dịch vụ vui chơi giải trí, đồ dùng gia đình cũng có sự thay đổi khi thời tiết chuyển mùa.
Các vấn đề xã hội
1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Nhìn chung, tình hình đời sống dân cư trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua vẫn ổn định. Công tác an toàn xã hội luôn được đảm bảo trong và sau Tết, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động sau hơn một tuần nghỉ Tết. Việc sắp xếp đơn vị hành chính và bộ máy chính quyền vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hàng trăm cán bộ, công chức ở các địa phương, sở, ngành trên địa bàn đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, tạo thuận lợi trong sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được quan tâm, thực hiện đầy đủ và triển khai kịp thời. Tính đến 7h00 ngày 01/02/2025, tỉnh Hà Tĩnh đã trao tặng 252.815 suất quà tới người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng BTXH, trẻ em, người lao động, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện Hương Khê đã hỗ trợ 145 triệu đồng mua 8,05 tấn gạo cho các hộ dân tộc Chứt thuộc bản Rào Tre xã Hương Liên và bản Giàng II, xã Hương Vĩnh trong dịp Tết Nguyên Đán và thời gian giáp hạt đầu năm 2025.
2. Hoạt động y tế
Trong tháng 02/2025 mặc dù trùng thời điểm trong và sau Tết nhưng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào (giảm 1 vụ, giảm 4 người bị ngộ độc so với tháng trước), toàn tỉnh chỉ xảy ra 51 ca ngộ độc đơn lẻ (tăng 01 ca so với tháng trước và tăng 6 ca so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra trong tháng trên địa bàn cũng xuất hiện các ca bệnh đơn lẻ như cúm, thuỷ đậu, sốt xuất huyết, viêm gan, tiêu chảy, nhưng tất cả các ca bệnh trên đều không tạo thành dịch và không có người chết do các bệnh trên.
Công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn luôn được các cấp ngành tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, số các ca mắc HIV/AIDS đang giảm thiểu rõ rệt. Mặc dù, trong tháng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phát hiện 2 ca nhiễm mới HIV nhưng không có ca nào chuyển qua AIDS và chết vì AIDS (tăng 2 ca nhiễm mới HIV so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước giảm 3 ca nhiễm mới HIV, giảm 3 ca chuyển qua AIDS và giảm 1 ca chết vì AIDS)
Với thời tiết sau Tết độ ẩm khá cao, mưa rét kéo dài tiềm ẩn các nguy cơ về các bệnh cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu...Ngành y tế đã có các văn bản chỉ đạo về các biện pháp phòng tránh tuyền truyền đến từng người dân, đồng thời công tác tiêm phòng cúm các loại luôn được quan tâm thực hiện đến từng địa phương.
3. Hoạt động văn hoá, thể thao
Ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, hàng nghìn người dân và du khách hướng về các địa điểm tâm linh để du xuân, chiêm bái cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, sức khoẻ, bình an. Với sự chuẩn bị chu đáo của các đơn vị kinh doanh và chính quyền địa phương, lượt khách đến tham quan các danh lam thắng cảnh, điểm du lịch tâm linh, di tích văn hóa lịch sử tăng như: Chùa Hương Tích, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Phổ Độ, Đền ông Hoàng Mười, Đền bà Nguyễn Thị Bích Châu, Khu du lịch Đá bạc Eco…
Trong dịp Tết, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều giải đấu thể thao, các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham dự, tạo nên không khí vui Tết, dón Xuân, vui tươi, đoàn kết trong những ngày đầu năm mới, các hoạt động dân vũ, thể thao chuẩn bị chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 8/3 sắp tới. Ngoài ra trên bịa bàn tỏng tháng đã tổ chức hội thi 5S và các giải bóng chuyền góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi trong mỗi cán bộ, nhân viên ngành Y tế Hà Tĩnh, hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
4. Tình hình an toàn giao thông
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân vui đón Tết và triển khai thực hiện Nghị định 168 của Chính phủ, tại nhiều tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động lắp đặt biển tuyên truyền về mức xử phạt với lỗi vi phạm vượt đèn đỏ và lỗi đi ngược chiều tại các vị trí dễ quán sát để nâng cao ý thức chấp hành cho người dân.
Tính từ ngày 15/01/2025 đến ngày 14/02/2025 trên địa bàn đã xảy ra 25 vụ tai nạn đường bộ, làm 14 người chết, 12 người bị thương (giảm 12 vụ; giảm 13 người chết; giảm 2 người bị thương so với tháng trước, không xảy ra vụ tai nạn đường sắt nào (không thay đổi so với tháng trước), giá trị thiệt hại ước tính khoảng 647 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025 đã xảy ra 62 vụ tại nạn giao thông, làm 41 người chết và 26 người bị thương (giảm 35 vụ tai nạn và giảm 54 người bị thương, số người chết không thay đổi so với cùng kỳ năm trước).
Việc kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền như trực quan tại nhiều tuyến đường trọng điểm cùng với đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền trên không gian mạng qua mô hình “Zalo kết nối bình yên” trực tiếp đánh mạnh vào ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải và người dân, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
5. Bảo vệ môi trường
Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 49 vụ vi phạm môi trường, xử lý 68 vụ với tổng số tiền xử phạt 97,62 triệu đồng; giảm 35 vụ phát hiện (giảm 41,67%), tăng 19 vụ đã xử lý (tăng 38,77%), giảm 163,78 triệu đồng (giảm 62,65%) số tiền xử phạt so với tháng trước; và giảm 29 vụ phát hiện (giảm 37,18%), giảm 33 vụ đã xử lý (giảm 32,67%), giảm 44,54 triệu đồng (giảm 31,33%) số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước; So với cộng dồn cùng kỳ năm trước giảm 9 vụ phát hiện (giảm 6,34%), giảm 5 vụ đã xử lý (giảm 4,1%), tăng 181,26 triệu đồng (tăng 101,97%).
Nguyên nhân do sau thời gian dài nghỉ tết Nguyên đán các cơ sở sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động nhưng chưa thực sự thường xuyên và có hiệu quả do đó các sở, ban, ngành cũng chưa tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các công ty, doanh nghiệp và các cơ sở cá thể hoạt động kinh doanh về công tác đảm bảo các quy định trong lĩnh vực môi trường, các vụ xử lý chủ yếu tập trung vào một số vụ vi phạm tháng trước còn tồn đọng.
6. Tình hình bất thường về thiên tai và hỏa hoạn
Từ ngày 15/01/2025 - 14/02/2025 đã xảy 5 vụ cháy (tăng 2 vụ so với tháng trước), không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 88,55 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025 đã xảy ra 8 vụ cháy, giá trị thiệt hại tài sản ước tính 134 triệu đồng, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm trước. Về tình hình vụ nổ, cả trong năm 2024 cũng như tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2025 đều không xảy ra vụ nổ nào. Trong tháng hai và 2 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn không xảy ra hiện tượng thiên tai.
Nguồn: Chi cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh