Bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản Việt Nam

14/05/2024 - 09:22 PM
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của đất nước không chỉ trong khuôn khổ một ngành kinh tế mà còn là nguồn tài nguyên tiềm lực, động lực phát triển của thương mại và nền kinh tế Việt Nam. Để chống lại sự giảm sút của nguồn lợi thủy sản, duy trì và phát triển sản phẩm từ thủy sản có giá trị kinh tế cao cho các thị trường trong nước và quốc tế, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam ngày càng được Chính phủ quan tâm và dành nhiều chính sách.

Nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Việt Nam có bờ biển dài 3260 km, vùng nội thuỷ và lãnh hải rộng 226 nghìn, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng 1 triệu km2 với hơn 4000 hòn đảo, tạo nên 12 vịnh, đầm phá với tổng diện tích 1.160km2 được che chắn tốt dễ trú đậu tàu thuyền. Trong nội địa, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo nên khoảng 1,7 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản. Nguồn lợi hải sản Việt Nam đa loài; hệ cá biển có khoảng 2100 loài (trong đó hơn 100 loài có giá trị kinh tế); hệ giáp xác biển có 1647 loài san hô (75 loài tôm, 25 loài mực, 7 loài bạch tuộc), có 653 loài rong biển và 298 loài san hô.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác của Việt Nam ước đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm 2022. Cụ thể đạt: 6.612,6 nghìn tấn cá, tăng 1,8%; 1.356,1 nghìn tấn tôm, tăng 5%; 1.343,6 nghìn tấn thủy sản khác, tăng 1,7%. Trong tổng sản lượng thủy sản năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.455,8 nghìn tấn, bao gồm: 3.631,4 nghìn tấn cá, 1.211,6 nghìn tấn tôm và 612,8 nghìn tấn thủy sản khác. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.856,5 nghìn tấn, bao gồm: 2.981,2 nghìn tấn cá, 144,5 nghìn tấn tôm và 730,8 nghìn tấn thủy sản khác. Bốn tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản Việt Nam ước đạt 2.713,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó gồm 1.996,3 nghìn tấn cá; 297,6 nghìn tấn tôm và 420 nghìn tấn thủy sản khác.

 
Bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản Việt Nam
Nguồn lợi thủy sản là động lực tăng trưởng, tạo vị trí vững chắc thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới

Nhờ nguồn lực về sản lượng, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, kim ngạch xuất khẩu thủy sản thường xuyên nằm trong danh sách các mặt hàng có trị giá xuất khẩu tỷ đô, là một trong những động lực tăng trưởng thương mại. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 9 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,67 tỷ USD.

Với nguồn động lực kể trên, tại Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đảng và Nhà nước xác định bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thuỷ sản, kinh tế biển; phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia, không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia và các quy hoạch có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng và an ninh. Bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo tồn đa dạng sinh học, tăng diện tích thủy vực được bảo vệ, bảo tồn tại các vùng biển, vùng nội địa dựa trên tiếp cận thận trọng và tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Gắn với lợi ích, trách nhiệm của cộng đồng và phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng, các ngành kinh tế; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng giới, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, khai thác thủy sản phù hợp với tiềm năng nguồn lợi thủy sản, theo hướng hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức lại sản xuất thủy sản.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vốn có, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, thành lập 27 khu bảo tồn biển, hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển bảo tồn trên 463,58 nghìn ha. Khoanh vùng 149 khu vực ở vùng biển (gồm: 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, 27 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản) và 119 khu vực nội địa (gồm: 66 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 53 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn) được bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Đối với hoạt động khai thác, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có tối đa 83,6 nghìn tàu cá với khoảng 600 nghìn lao động. Nghề khai thác thủy sản được cơ cấu lại, gồm: Nghề lưới kéo chiếm 10,0%; nghề lưới vây chiếm 6,1%; nghề lưới rê chiếm 40,3%; nghề câu chiếm 18,9%; nghề lưới chụp chiếm 3,0%; nghề lồng bẫy chiếm 2,9%; nghề khác chiếm 16,6% và nghề hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản chiếm 2,2% tổng số tàu cá. Đồng thời, hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trong tầm nhìn dài hạn, đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu, trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và các thủy vực nội địa được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

Định hướng phát triển và giải pháp thực hiện

Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam cần có định hướng phát triển từ nguồn tài nguyên sẵn có và quy hoạch hoạt động khai thác một cách bài bản. Theo đó, với tiềm năng sẵn có, cần phục hồi nguồn lợi thủy sản đặc biệt các loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản đặc hữu; tăng cường công tác quản lý, đánh giá, bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực ở vùng nội địa và vùng biển. Tăng quy mô, diện tích các khu vực biển được bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thành lập mới và tổ chức quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển; gắn bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái biển, góp phần bảo vệ, sử dụng bền vững hệ sinh thái biển và các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ không gian di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, phát triển kinh tế du lịch biển.

Bên cạnh đó, cần xác định các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn là khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống; khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh. Hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu trên các vùng biển. Đồng thời, lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen của các loài thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm, loài bản địa, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế. Đa dạng hình thức lưu giữ nguồn gen, lựa chọn đối tượng tiềm năng, đầu tư nghiên cứu sản xuất giống để chủ động trong công tác tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần giám sát, dự báo môi trường sống của các loài thủy sản; kịp thời phát hiện, xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường trên các thủy vực vùng nội địa và vùng biển. Ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài rùa biển, thú biển và giảm thiểu đánh bắt không chủ ý đối với các loài thủy sản.

Hoạt động bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản cần có sự chung tay của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trên cả nước. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn biển cần sớm kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn cao; thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản 2017; bố trí lực lượng kiểm ngư tuần tra, kiểm soát tại các khu bảo tồn biển.

Đối với hoạt động khai thác, giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, điều chỉnh tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; khai thác có chọn lọc các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Điều chỉnh số lượng tàu cá khai thác thủy sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản, đặc biệt giảm tỷ trọng nghề lưới kéo trên biển; gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí. Củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; tổ chức sản xuất thủy sản khai thác theo chuỗi giá trị, chú trọng tăng về giá trị sản xuất. Đến năm 2030, khoảng 80% tàu cá khai thác thủy sản ở vùng lộng và vùng khơi tham gia chuỗi liên kết sản xuất trên biển.

Ứng dụng khoa và học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm khai thác, hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển. Hình thành nguồn nhân lực tham gia khai thác thủy sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghệ và hội nhập quốc tế. Khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng thủy sản tại các hồ tự nhiên, hồ chứa, sông, suối; gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người có thu nhập thấp tại các vùng trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản.

Đối với sử dụng đất, mặt nước đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học khoảng 2,79 triệu ha (tương ứng khoảng 2,79% diện tích vùng biển); tổng diện tích khu vực được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông, hồ chính khoảng 44.570 ha mặt nước. Các cơ sở lưu giữ gen, giống thương phẩm thuộc phạm vi không gian của các khu bảo tồn biển và các viện nghiên cứu. Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước cho phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tối thiểu là 5.504 ha, trong đó nhu cầu sử dụng đất khoảng 630 ha và sử dụng mặt nước khoảng 4.874 ha.


Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất một số nhóm giải pháp thực hiện, trong đó tập trung vào cơ chế chính sách, đầu tư, tài chính; môi trường, khoa học và công nghệ; tuyên truyền; đào tạo và tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế./..
 
Minh Hà

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top