Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đến ngày 30/11/2023 đạt khoảng 62.920 tỷ đồng, thấp so với mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đạt hơn 109.500 tỷ đồng. Trong đó, cho vay 5 chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 34.139 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 2.999 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.679,3 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt khoảng 783 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 60.531 tỷ đồng và hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, tính đến ngày 30/11/2023, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đạt khoảng 62.920 tỷ đồng. Con số này còn thấp so với mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Ảnh minh họa
Thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn 1 tháng, chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách; theo dõi sát sao tình hình thực hiện, rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực trong thời gian còn lại của Chương trình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi cho đến hết thời gian thực hiện Chương trình.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV vừa qua, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư bố trí cho các dự án của Chương trình đến hết ngày 31/12/2024.
Theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thời gian giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình chỉ đến hết ngày 31/12/2023, do vậy, khó có khả năng giải ngân hết số vốn còn lại, đặc biệt đối với các dự án giao thông quan trọng, quy mô lớn, có tính liên vùng có kế hoạch bố trí vốn từ Chương trình lớn. Hiện tại, các dự án này mới được triển khai thi công, do cần có thời gian để hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định, nên kết quả giải ngân còn hạn chế.
Theo Chính phủ, trường hợp không cho phép tiếp tục thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình sau ngày 31/12/2023 có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư dự án.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội đã quyết nghị: Cho phép bổ sung đối tượng và sử dụng số vốn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cho các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện trong năm 2024. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư bố trí cho các dự án của Chương trình đến hết ngày 31/12/2024.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình, điều chuyển giữa kế hoạch vốn của Chương trình và Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 được giao theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15, nhằm giải ngân cao nhất kế hoạch năm 2023.../.
PV