Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn – Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê để hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác thống kê ngành

08/03/2022 - 03:24 PM
Tại Việt Nam, lĩnh vực Nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, do đó các thông tin, số liệu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn là mối quan tâm hàng đầu hàng đầu của Chính phủ. Là Bộ ngành chủ quản của lĩnh vực này, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tập trung củng cố mọi hoạt động liên quan đến công tác thống kê, đặc biệt là công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác thống kê ngành, đảm bảo thông tin thống kê ngày càng đáp ứng kịp thời yêu cầu của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan và mọi đối tượng dùng tin.
 
Công tác đảm bảo thông tin thống kê
 
Thực hiện các quy định của Luật Thống kê, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Vụ Kế hoạch là đơn vị quản lý, Trung tâm Tin học và Thống kê là đơn vị đầu mối về nghiệp vụ thống kê, chịu trách nhiệm tổ chức thu thập, tổng hợp và phổ biến số liệu thống kê ngành Nông nghiệp và PTNT; các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện việc thu thập, tổng hợp báo cáo về các chỉ tiêu thống kê được giao và phổ biến thống tin thống kê về ngành/lĩnh vực, phạm vi được giao quản lý.
 
Hiện tại các sản phẩm thống kê ngành được Trung tâm Tin học và Thống kê thu thập, tổng hợp, phát hành và phổ biến bao gồm: (1) Báo cáo về kết quả thực hiện của ngành Nông nghệp và PTNT hàng tháng, quý, 6 tháng và cả năm; (2) Niên giám thống kê ngành hàng năm; (3) Báo cáo dự báo sản lượng và xuất khẩu một số mặt hàng chính.
 
Báo cáo về kết quả thực hiện của ngành Nông nghệp và PTNT bao gồm đầy đủ các nội dung: Tiến độ, kết quả sản xuất các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, chế biến, xuất nhập khẩu NLTS và thị trường tiêu thụ, đầu tư XDCB. Báo cáo được ban hành vào ngày 25 hàng tháng phổ biến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, được đánh giá khá đầy đủ thông tin, được lãnh đạo Bộ tin dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành.
 
Niên giám thống kê ngành Nông nghiệp và PTNT bao gồm những số liệu thống kê cơ bản liên quan đến ngành nông nghiệp và PTNT được xuất bản vào tháng 9-10 hàng năm. Nội dung cuốn Niên giám Thống kê ngành bao gồm các chỉ tiêu có số liệu thu thập liên tục nhiều năm được trình bày theo chuỗi thời gian, theo địa phương, vùng, miền và cả nước. Các chỉ tiêu được sắp xếp theo 17 nhóm, gồm: Một số chỉ tiêu tổng hợp, Đất nông nghiệp, Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Thú y, Lâm nghiệp, Thủy sản, Diêm nghiệp, Thủy lợi và phòng chống thiên tai, Quản lý và xây dựng công trình, Xuất nhập khẩu, Phát triển nông thôn, Đào tạo, Khuyến nông, Hợp tác quốc tế và Số liệu tham khảo các nước ASEAN. Báo cáo dự báo sản lượng và giá trị xuất khẩu một số mặt hàng NLTS chính được xây dựng hàng quý bao gồm dự báo sản lượng và giá trị XNK của 14 mặt hàng NLTS chính.
 
Để phục vụ tốt công tác thống kê, Bộ đã đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT và chỉ đạo Trung tâm Tin học và Thống kê đẩy mạnh thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thống kê như: nâng cấp Phần mềm báo cáo thống kê trực tuyến (http://thongke.mard.gov.vn), xây dựng và cập nhật các phần mềm CSDL về thị trường, xuất nhập khẩu... ( http://dubao.mard.gov.vn).
 
Tình hình thực hiện các cuộc điều tra cơ bản thường xuyên và điều tra thống kê của Bộ
 
Trong 5 năm qua, Bộ đã triển khai 18 cuộc điều tra nằm trong danh mục chương trình điều tra cơ bản thường xuyên, trong đó có 5 cuộc điều tra nhắc lại lần 2. Các cuộc điều tra này chủ yếu sử dụng phương pháp thu thập số liệu thứ cấp kết hợp với điều tra chọn mẫu. Các chỉ tiêu thống kê được đưa vào điều tra trên chủ yếu là những chỉ tiêu không thu thập được qua báo cáo hành chính.
 
Hầu hết các cuộc điều tra đều đã được giao cho các Tổng cục/Cục quản lý chuyên ngành chủ trì thực hiện; Trung tâm Tin học và Thống kê có nhiệm vụ xây dựng phương án điều tra, thực hiện một số chương trình điều tra thống kê, tổ chức phúc tra và xử lý thông tin đầu ra cho các đơn vị. Phương pháp và dàn mẫu điều tra được thiết kế dựa trên dàn mẫu và phương pháp do Tổng cục Thống kê xây dựng và hướng dẫn. Nhìn chung, các cuộc điều tra đã bám sát yêu cầu và nội dung quy định trong đề cương - dự toán và phương án điều tra được duyệt. Quá trình xây dựng, đều có lồng ghép những chỉ tiêu thống kê mà các đơn vị chưa thu thập được để đưa vào điều tra. Do đó, về cơ bản, các thông tin, số liệu điều tra đều thiết thực, hỗ trợ quá trình chỉ đạo, điều hành của Bộ. Các thông tin này đã bổ sung phần nào cho những thiếu hụt thông tin do các nguồn thông tin, thống kê chính thống không đáp ứng được. Kết quả của nhiều cuộc điều tra đã công bố rộng rãi, như: Điều tra nuôi trồng thủy sản, điều tra lâm nghiệp, điều tra làng nghề, điều tra về năng lực kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm…
 
Phổ biến thông tin thống kê
 
Thực hiện Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg ngày 4/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách phổ biến thông tin thống kê nhà nước, Bộ đã tổ chức triển khai, phổ biến chính sách thông tin thống kê nhà nước tới các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị triển khai phổ biến thông tin thống kê theo chức năng, nhiệm vụ được giao, như: thông tin về các chỉ tiêu thống kê quốc gia, ngành; kết quả các cuộc điều tra cơ bản; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành 5 năm, hàng năm; kết quả thực hiện các chương trình MTQG Bộ được giao chủ trì, quản lý,...   
 
Đầu tư xây dựng “Thư viện điện tử”; đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng các ấn phẩm thống kê do Bộ phát hành; tăng cường cập nhật, phổ biến thống tin thống kê trên các Website và cổng thông tin của Bộ và các đơn vị.
 
Hiện nay, hình thức được sử dụng phổ biến thông tin thống kê nhiều nhất của các đơn vị là thông qua các phần mềm, CSDL và trang web trên nền Internet. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đều có trang web riêng và đã đưa các thông tin về hoạt động của ngành/lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, phụ trách và các số liệu liên quan lên trang web. Trong đó, có nhiều số liệu được cập nhật theo ngày (về Thú y), tuần (về Trồng trọt, Bảo vệ thực vật), tháng (về Kiểm lâm)… tùy theo lĩnh vực.
 
Một số hình thức phổ biến thông tin thống kê khác được các đơn vị áp dụng là qua các ấn phẩm (như bản tin, tạp chí chuyên ngành) và văn bản hành chính. Hiện nay, Tổng cục Thủy sản cũng đã công bố số liệu điều tra về nuôi trồng thủy sản; Tổng cục Lâm nghiệp đã công bố số liệu về hiện trạng rừng; Tổng cục Phòng chống thiên tai đã công bố về thiên tai và thiệt hại do thiên tai gây ra thông qua văn bản hành chính.
 
Ngoài ra, một số đơn vị còn công bố thông tin thông kê thông qua phát hành sách như: Niên giám thống kê ngành của Trung tâm Tin học và Thống kê, cuốn Hiện trạng rừng toàn quốc của Tổng cục Lâm nghiệp…
 
Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê với Tổng cục Thống kê
 
 Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
 
Thời gian qua, Bộ đã tích cực phối hợp với Tổng cục Thống kê góp ý nhiều văn bản quy phạm về công tác thống kê như: Dự thảo dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Thống kê 2015 (đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2021); Dự thảo Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Thống kê Khu vực kinh tế chưa được quan sát, chỉ tiêu thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; các Thông tư quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số, thống kê Logistic, chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và đầu tư,....
 
Chủ động nghiên cứu, xây dựng 01 Đề án, ban hành 06 Thông tư, 01 Quyết định quy định về thống kê ngành, gồm: Đề án Năng cao năng lực công tác thống kê, dự báo ngành nông nghiệp và PTNT; các Thông tư: số 16/2020/TT-BNNPTNT ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê, số 17/2020/TT-BNNPTNT quy định Chế độ báo cáo thống kê ngành Nông nghiệp và PTNT, số 12/2019/TT-BNNPTNT quy định về thống kê ngành lâm nghiệp; số 24/2018/TT-BNNPTNT quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; 18/2019/TT-BNNPTNT quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, số 20/2019/TT-BNNPTNT quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; Quyết định 2732/QĐ-BNN-KH ngày 27/10/2020 quy định về quản lý công điều tra cơ bản ngành Nông nghiệp và PTNT thay thế Quyết định 1350/QĐ-BNN-KH năm 2015...
 
Đến nay, về cơ bản đã hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác thống kê, trong đó có thống kê ngành nông nghiệp và PTNT.
 
Về thực hiện điều tra và tổng điều tra thống kê
 
Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê triển khai thực hiện các cuộc điều tra và tổng điều tra trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được giao thực hiện từ khâu xây dựng phương án điều tra, tổ chức thực hiện, đến kiểm tra giám sát, công bố số liệu, cụ thể:
 
Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê sửa đổi, cải tiến phương án điều tra một số cuộc về nông lâm sản do Tổng cục thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả điều tra, phù hợp với yêu cầu quản lý của Ngành như điều tra lâm nghiệp, chăn nuôi năm.
 
Quá trình triển khai thực hiện các cuộc điều tra và tổng điều tra thống kê đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành từ Trung ương tới địa phương (Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Thống kê) trong hầu hết các công đoạn từ hoạt động thu thập thông tin ở cơ sở, đến giám sát quá trình điều tra; rà soát, đối chiếu kết quả...
 
Kết quả các cuộc Tổng điều tra (kinh tế; nông nghiệp, nông thôn và thủy sản,..) đã có sự tham gia tích cực của Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh/thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ điều tra theo tiến độ; các cuộc điều tra do Bộ thực hiện (điều tra hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc...) đã được Tổng cục thẩm định theo đúng các quy định của Luật Thống kê.
 
 Về thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ
 
Bộ đã tích cực phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện chuẩn hóa quy trình xử lý, tổng hợp báo cáo thống kê của Bộ; định kỳ xây dựng Niên giám thống kê của ngành Nông nghiệp hàng năm.
 
Phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; tổ chức hội thảo, tập huấn các chế độ báo cáo thống kê; tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực thống kê… Bộ đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, hội nghị về công tác thống kê do Tổng cục Thống kê Tổ chức [1]; phối hợp với Tổng cục thống kê xây dựng hướng dẫn, cách tính Bộ chỉ tiêu đánh giá thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và triển khai tới các địa phương trong cả nước; tổ chức Hội nghị giải pháp xây dựng hệ thống thu thập, phân tích số liệu thống kê thủy sản, lâm nghiệp; Hội thảo nghiên cứu, phát triển và ứng dụng chuỗi blockchain trong công tác thống kê ngành chăn nuôi; mời cán bộ Tổng cục tham gia đào tạo về nghiệp vụ thống kê, dự báo cho cán bộ của Bộ [2];…
 
Tiến hành khảo sát tình hình sản xuất ở một số địa phương, trao đổi, thống nhất nhiều nội dung về thống kê tình hình sản xuất phục vụ chỉ đạo điều hành. Bộ đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tiến hành khảo sát tình hình sản xuất tại một số vùng [3] và trao đổi, thống nhất một số nội dung về công tác thống kê nông, lâm nghiệp; chỉ đạo các Sở Nông nghiệp & PTNT, Cục Thống kê các tỉnh ĐBSCL thống nhất mùa vụ đối với cây lúa để phục vụ cho việc đánh giá kết quả sản xuất… Mời đại diện của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê các tỉnh/thành phố tham dự các hội nghị sơ kết, tổng kết sản xuất các vụ, mùa để nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, đảm bảo sự thống nhất về số liệu và nâng cao chất lượng số liệu thống kê phục vụ chỉ đạo sản xuất cũng như đánh giá mùa vụ.
 
Phối hợp cùng Tổng cục Thống kê xây dựng phương án Kịch bản tăng trưởng Ngành hàng năm và thường xuyên theo dõi, định kỳ hàng tháng cập nhật bổ sung kết quả sản xuất, kinh doanh, rà soát phương án tăng trưởng để kịp thời chỉ đạo, điều hành sản xuất nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đề ra.
 
Thống nhất chỉ đạo các đơn vị cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Thống kê) phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chế độ báo cáo của ngành; xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Cục Thống kê tỉnh/thành phố về công tác thống kê. Trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Thống kê, đến nay đã có trên 40 tỉnh/thành phố đã có quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Cục Thống kê tỉnh/thành phố về công tác thống kê, nhiều tỉnh/thành phố mặc dù chưa có quy chế phối hợp nhưng cũng đã có nhiều hình thức phối hợp, trao đổi thống nhất giữa 2 ngành nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh/thành phố và của Ngành.
 
Từ khi có Quy chế phối hợp giữa Bộ và Tổng cục, hoạt động phối hợp về công tác thống kê, đánh giá tình hình sản xuất giữa 2 ngành đã được nâng lên một bước. Thông tin về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự trao đổi, thống nhất giữa ngành Nông nghiệp & PTNT và Thống kê (từ báo cáo nhanh hàng tháng, quý đến các kỳ báo cáo ước tính, sơ bộ năm); nhiều hoạt động phối hợp (như điều tra thống kê, bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn, trao đổi về công tác thống kê..) được tổ chức.
 
Về trao đổi, chia sẻ thông tin thống kê
 
Thực hiện Quy chế phối hợp, Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp với Tổng cục trao đổi, chia sẻ thông tin thống kê, chia sẻ số liệu về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng tháng, quý và sau mỗi vụ sản xuất; trao đổi số liệu phục vụ xây dựng Niên giám thống kê hằng năm của Tổng cục và Niên giám thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; phối hợp tổng hợp, chia sẻ thông tin về tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng... Thường xuyên trao đổi, tiếp nhận các thông tin của Tổng cục Thống kê về số liệu (ước tính, sơ bộ, chính thức) và phân tích tình hình sản xuất nông lâm thủy sản hàng tháng, quý .
 
Về thực hiện Chỉ tiêu thống kê
 
Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành ban hành tại Thông tư số 16/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2020 (thay thế Hệ thống chỉ tiêu ban hành tại Quyết định số 3201/QĐ-BNN-KH ngày 26/11/2010) gồm có 125 chỉ tiêu, phân thành 15 lĩnh vực chính, trong đó có 4 chỉ tiêu[4] thống kê quốc gia giao Bộ chủ trì thực hiện. Các đơn vị trực thuộc Bộ thu thập, báo cáo 109 chỉ tiêu, trong đó có 4 chỉ tiêu thống kê quốc gia; Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo 16 chỉ tiêu. Để thực hiện được việc thu thập các chỉ tiêu thống kê ngành, Bộ cũng đã ban hành 2 Chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Nông nghiệp và PTNT[5].
 
Về thực hiện chỉ tiêu thống kê ngành: Trên cơ các chỉ tiêu được giao và chế độ báo cáo thống kê ngành các đơn vị đã triển khai thu thập, tổng hợp số liệu báo cáo. Trong 186 chỉ tiêu theo hệ thống chi tiêu thống kê cũ (từ năm 2020 trở về trước), thống kê ngành đã và đang thu thập và tổng hợp 143 chỉ tiêu (chiếm 77%); còn 43 chỉ tiêu (23,1%) đã thu thập nhưng chưa đầy đủ hoặc chưa thu thập được. Hiện nay, theo chế độ báo cáo thống kê mới (quy định tại Thông tư 17/2020/TT-BNNPTNT), các cơ quan đơn vị đã cơ bản thu thập và tổng hợp báo cáo đầy đủ các chỉ tiêu thống kê theo kỳ và biểu mẫu quy định.
 
Về thực hiện chỉ tiêu thống kê quốc gia được giao chủ trì thực hiện: Trong số 4 chỉ tiêu thống kê quốc gia được giao chủ trì thực hiện, Bộ giao Tổng cục Lâm nghiệp thu thập, tổng hợp 3 chỉ tiêu (Diện tích rừng hiện có; Diện tích rừng được bảo vệ; Tỷ lệ che phủ rừng), Tổng cục Phòng chống thiên tai thu thập, tổng hợp: 1 chỉ tiêu (Số vụ thiên tai và mức độ thiệt hại). Đến nay cả 4/4 chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được Bộ báo cáo kịp thời đúng thời hạn. Tuy nhiên, còn 01 chỉ tiêu (Diện tích rừng được bảo vệ) chưa báo cáo được đầy đủ các phân tổ do quy đinh pháp luật chuyên ngành đã thay đổi, không có nguồn số liệu để báo cáo (về phân theo loại hình kinh tế); 01 chỉ tiêu (Số vụ thiên tai và mức độ thiệt hại) có khái niệm quy định trong Nghị đinh 97/2016/NĐ-CP chưa thống nhất với quy định của Luật Chuyên ngành. 
 
 Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê
 
Theo Chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho các đơn vị thuộc Bộ, Bộ giao cho các đơn vị thu thập và tổng hợp số liệu về các chỉ tiêu được giao theo các biểu mẫu và tổng hợp báo cáo về Bộ (qua Trung tâm Tin học và Thống kê) theo tần suất và thời gian quy định.
 
Hiện nay, đã có 12/18 đơn vị ban hành biểu được biểu mẫu báo cáo thống kê cho các đơn vị cấp dưới thực hiện. Một số đơn vị duy trì được hệ thống thống kê chuyên ngành nên đã thực hiện chế độ báo cáo thống kê khá tốt (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Cục Kiểm lâm, Thú y, Bảo vệ thực vật). Nhiều đơn vị đã đầu tư trang thiết bị, xây dựng phần mềm báo cáo thống kê trực tuyến[6] nên chất lượng báo cáo đã tốt hơn.
 
Trên cơ sở chế độ báo cáo thống kê ngành, Bộ đã xây dựng phần mềm “Báo cáo thống kê trực tuyến” và tập huấn cho các đơn vị triển khai thực hiện. Đến nay, hầu hết các Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện báo cáo thống kê trực tuyến với Bộ qua phần mềm trên mạng Internet. Trong đó có trên 70% số Sở định kỳ hàng tháng, quý, năm gửi báo cáo đúng kỳ hạn yêu cầu.
 
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang thực hiện Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” mà trọng tâm là chuyển mạnh từ số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; lĩnh vực chế biến (nhất là chế biến tinh, sâu) được ngành quan tâm, đẩy mạnh thực hiện để nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản. Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: định hướng phát triển nông nghiệp theo 03 trụ cột chính là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông nghiệp là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp là động lực; tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng; chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững,… Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định trong thời gian tới cần phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác thống kê ngành nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ và Chính phủ.
 
Những nhiệm vụ quan trọng, cần phải được thực hiện sớm đó là: Phối hợp nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về thống kê, trong đó có thống kê nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung (năm 2021); hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; áp dụng đồng bộ phương pháp thống kê tiên tiến và tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại; hình thành hệ thống thông tin thống kê ngành thống nhất, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thường xuyên số liệu, thông tin với Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành khác để bảo đảm số lượng thông tin ngày càng đầy đủ và chất lượng thông tin ngày càng cao, phục vụ việc hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển ngành nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung. /.
 
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
 

 

[1] Khóa đào tạo trực tuyến về xây dựng "Bảng cân đối lương thực", "Giới thiệu thống kê chính thức"; Hội thảo phổ biến hoạt động của Ủy ban Thống kê ASEAN; phối hợp làm việc với chuyên gia của FAO về công tác thống kê nông nghiệp và rủi ro thiên tai…

[2] Hội nghị về giải pháp xây dựng hệ thống thu thập, phân tích số liệu thống kê thủy sản, lâm nghiệp do Tổng cục Thủy sản tổ chức; Hội thảo nghiên cứu phát triển và ứng dụng blockchain trong công tác thống kê chăn nuôi do Cục Chăn nuôi phối hợp Tổng cục Thống kê tổ chức và 02 lớp tập huấn về nghiệp vụ thống kê, dự báo do Trung tâm Tin học và Thống kê tổ chức.

[3] Vùng ĐBSH, Tây nguyên, Đông Nam bộ, ĐBSCL

[4] Chỉ tiêu: Diện tích rừng hiện có; Diện tích rừng được bảo vệ; Tỷ lẹ che phủ rừng; Số vụ thiên tai và mức độ thiệt hại

[5] Quyết định số 3201/QĐ-BNN-KH ngày 26/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Thông tư 17/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2020 quy định chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và PTNT.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top