Nghị quyết 43 đã tác động tích cực và sâu rộng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch COVID-19. Quốc hội, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, sửa luật để cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, Quốc hội (QH) ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch COVID-19.
Sau hai năm thực hiện, tại kỳ họp thứ bảy, thảo luận về kết quả thực hiện một số nghị quyết quan trọng của QH, rất nhiều đại biểu (ĐB) QH phân tích sâu về Nghị quyết 43. Một nghị quyết được đánh giá là kịp thời, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch COVID-19 nhưng vẫn còn những điều nuối tiếc, cần rút kinh nghiệm.
Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Rất nhiều ý kiến của các ĐBQH rất sâu sắc, rất tâm huyết và rất xác đáng. Các ĐB cho chúng tôi rất nhiều bài học quý để sau này áp dụng trong tiếp thu, xử lý, xây dựng chính sách cũng như thực hiện các chính sách”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Phạm Thắng
Phải rất nỗ lực mới thực hiện được
Phóng viên: Khi giải trình trước QH về thực hiện Nghị quyết 43, ông cũng nói rằng bối cảnh ra đời của nghị quyết rất đặc biệt, chưa có tiền lệ?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phải nói chính xác rằng đó là một bối cảnh đặc biệt khó khăn, cả về đời sống doanh nghiệp và đời sống dân sinh, tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất khiến cho kinh tế nước ta ngày càng khó khăn hơn. Cũng chính vì vậy, những chính sách hỗ trợ cần phải đạt được quy mô đủ lớn để nền kinh tế có thể chống chịu, duy trì và phục hồi dần.
Cũng chính bối cảnh đặc biệt ấy đã đòi hỏi tính cấp bách của chính sách phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng vì chưa có tiền lệ nên những chính sách ấy vẫn tuân theo quán tính là đúng pháp luật, không được để xảy ra trục lợi, thất thoát, lãng phí.
Phóng viên: Như nhiều ý kiến của ĐBQH, dù có quy mô lớn và yêu cầu cấp bách nhưng Nghị quyết 43 vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện do “quán tính chính sách”?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Vấn đề như tôi đã nói, đòi hỏi của chúng ta rất cao. Thời gian xây dựng chính sách và thời gian thực hiện chính sách đều rất ngắn, chỉ có hai năm. Trong khi đó, có những yêu cầu như “vừa không xảy ra lạm phát vừa bảo đảm tăng trưởng”… Phải nói là rất nỗ lực mới thực hiện được.
Các ĐBQH cũng nhìn nhận rằng thủ tục của chúng ta đang còn rất phức tạp và rườm rà, vướng mắc. Cộng thêm kinh nghiệm, năng lực của chúng ta còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan đang còn bất cập và chưa nhuần nhuyễn cũng khiến việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng.
“Nếu chúng ta không cải cách, phân cấp, phân quyền theo đúng nguyên tắc và triệt để thì sẽ còn mất nhiều thời gian không cần thiết. Điều đó sẽ làm mất nhiều cơ hội.”
Phóng viên: Trong phát biểu thảo luận tại tổ, Bộ trưởng có nói rằng tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm cũng là một trong những thách thức, lực cản của chúng ta hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho các kết quả thực hiện một số chính sách còn chậm, một số chính sách chưa hiệu quả, một số chính sách chưa thực hiện được. Điều đó kéo theo hệ quả là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm.
Điều này cũng ảnh hưởng đến quản trị quốc gia - một vấn đề rất quan trọng. Quản trị quốc gia cũng vì thế mà chưa theo kịp xu hướng biến đổi nhanh của thế giới khi không thể một sớm một chiều mà khắc phục được tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.
Phóng viên: Ông đề cập đến nhiều bài học qua quá trình thực hiện Nghị quyết 43. Vậy ông tâm đắc những bài học nào?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tôi cho rằng đó là tư duy, cách tiếp cận chính sách. Cách tiếp cận và xây dựng chính sách của chúng ta phải tốt và hiệu quả, đi vào cuộc sống được, kể cả từ tư duy cho đến tổ chức thực hiện. Các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, dễ thực hiện và giám sát. Đó là các nguyên tắc quan trọng.
Cạnh đó là sự quyết liệt. Chúng ta thấy trong hai năm qua, Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương hết sức cố gắng và nỗ lực. Chính phủ đã ban hành tổng cộng khoảng 20 nghị định, một chỉ thị, bảy công điện, lập năm tổ công tác, 26 đoàn công tác phân công cho tất cả thành viên Chính phủ phải xuống từng địa phương để giải quyết các ách tắc, vướng mắc, khó khăn của từng dự án đầu tư công, của từng dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tôi chưa bao giờ thấy làm quyết liệt như vậy, nhờ đó mới có được kết quả như hôm nay.
Nghiên cứu sửa luật, cải thiện môi trường đầu tư
Phóng viên: Trong dịch COVID-19, có những nước hỗ trợ người dân trực tiếp bằng cách chuyển luôn tới 2.000 USD vào tài khoản của người dân. Thông qua việc này, chúng ta có thể học được điều gì từ cách vận dụng chính sách?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ngay tại thời điểm đó, phương thức hỗ trợ trực tiếp như vậy sẽ kích cầu tiêu dùng và nguồn lực hỗ trợ ấy lại chảy ngay vào nền kinh tế. Điều đó khác biệt với chúng ta, mà như tôi đã nói là tiếp cận, hỗ trợ người dân qua chính sách.
Mà chính sách thì phải có văn bản hướng dẫn rồi lại giám sát, quy trình, lại phải thủ tục thì nó… hết giờ, không còn hiệu quả. Khi chúng ta làm xong thủ tục thì vấn đề có khi không còn thời sự nữa.
Đặc biệt, tôi cho rằng việc đưa các dự án lớn vào chương trình mang tính cấp bách như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng cần xem lại. Bởi một dự án lớn thì không thể hai năm mà hoàn thành được, do thủ tục của chúng ta rất rườm rà... Nó khác với Trung Quốc, có khi một nhà máy 5 tỉ USD, họ chỉ cần 11 tháng từ lúc khởi công cho đến khi đưa vào hoạt động.
Phóng viên: Điều này nhiều ĐBQH, cả ông và Thủ tướng cũng đề cập đến giải pháp hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế liên quan tới đầu tư kinh doanh?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hoàn thiện thể chế thì phải căn cơ, đồng bộ, thống nhất, chứ không phải để một “rừng” vướng mắc như hiện nay. Nhiệm kỳ nào, kỳ họp QH nào, các ĐB cũng nêu vấn đề này và chúng tôi cũng giải trình nhiều lần.
Có một điểm cần lưu ý là nếu tình huống đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt, thủ tục đặc biệt, quy trình đặc biệt. Nhưng như Thủ tướng cũng nói, vừa qua chúng ta chuyển trạng thái nhưng cơ chế lại không chuyển, tức là mọi cái vẫn phải “đúng quy định của pháp luật”, vẫn phải theo cách thức thông thường.
Chúng ta cũng cần có cách tiếp cận mới, tư duy mới từ xây dựng chính sách pháp luật, mà như tôi nói là cần dựa trên niềm tin, niềm tin giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp dưới và cấp trên, giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan chấp hành.
Cùng với đó là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức xây dựng chương trình và thực hiện, phối hợp với nhau. Ngay như Bộ KH&ĐT, hiện chúng tôi vẫn đang lắng nghe, phối hợp, nghiên cứu sửa lại các luật Đầu tư công, Đấu thầu, PPP… để đáp ứng yêu cầu cải cách hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam.
Cần phân cấp, phân quyền triệt để
Phóng viên: Trong phần giải trình trước QH, ông còn đề cập đến cả vấn đề phân cấp, phân quyền giữa QH và Chính phủ. Ông chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quan điểm của tôi cũng rõ ràng rồi. Nếu chúng ta không cải cách, phân cấp, phân quyền theo đúng nguyên tắc và triệt để thì sẽ còn mất nhiều thời gian không cần thiết. Điều đó sẽ làm mất nhiều cơ hội.
Tôi cho rằng theo nguyên tắc hiến định, QH chỉ nên tập trung làm những vấn đề lớn, quyết sách lớn, xây dựng thể chế và thực hiện giám sát. Còn những vấn đề chi tiết trong điều hành nên giao lại cho Chính phủ thì sẽ nhanh mà QH vẫn quản lý được mục tiêu, vẫn giữ được vai trò của mình… Nếu nguyên tắc phân quyền này được thực hiện triệt để, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Hôm giải trình, tôi có đề cập đến ý kiến của các ĐBQH về việc trình danh mục dự án chậm, dẫn đến giải ngân vốn chậm. Vấn đề nằm ở chỗ danh mục mà Chính phủ trình để xin chủ trương của QH là danh mục dự kiến. Khi QH đồng ý chủ trương rồi, Chính phủ mới xây dựng chi tiết. Khi rà soát lại thì có sự thay đổi quy mô các dự án và danh mục lại phải điều chỉnh, lại trình ra QH… Rất mất thời gian.
Trong khi đó, thời gian chuẩn bị ngắn nhưng lại chưa có cơ chế, thủ tục rút gọn. Mà mong muốn của chúng ta là tập trung vào những dự án lớn để có trọng tâm, trọng điểm, tạo lan tỏa rộng, lâu dài. Và vì đó là các dự án lớn nên thời gian chuẩn bị lại phải dài.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông từng nhiều lần nhấn mạnh năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đất nước bước vào giai đoạn nước rút trong Kế hoạch 05 năm 2021-2025, chuẩn bị nền tảng cho giải đoạn 2026-2030. Với các bài học kinh nghiệm từ thực hiện Nghị quyết 43, ông thấy chúng ta cần làm gì để có thể thực hiện được mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ngoài vấn đề hoàn thiện thể chế mà nhiều người đã đề cập, tôi cho rằng tất cả chúng ta phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh, luôn kiên trì, kiên định, đấu tranh vượt qua tư duy bảo thủ, trì trệ, ngại thay đổi; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết trong công tác tham mưu chính sách, triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, cần quán triệt nghiêm, bám sát chủ trương, quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; điều hành của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cuối cùng là bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy trí tuệ tập thể, khát vọng phát triển, quyết tâm cao, nỗ lực lớn đổi mới sáng tạo, đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng vì nhiệm vụ chung; không lồng ghép lợi ích cá nhân, tham nhũng, tiêu cực.
Và điều cuối cùng, để đạt được các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, thì toàn thể hệ thống chính trị cần kiên định phương hướng đổi mới – cải cách mà các Nghị quyết của Đảng đã xác đinh, theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần quán triệt.
Tôi tin tưởng rằng nếu tất cả chúng ta đồng lòng, cùng chung tinh thần như vậy thì không có khó khăn nào chúng ta không thể vượt qua, không có thách thức nào chúng ta không dám đối mặt, và không có vấn đề gì chúng ta không thể giải quyết.
Hạ tầng giao thông là một điểm son
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việc thực hiện Nghị quyết 43 đã đạt được nhiều kết quả, chẳng hạn về hạ tầng, giảm thuế, giãn thuế… cho doanh nghiệp phải không, thưa ông?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các kết quả đó là tất yếu, vì đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với một mục tiêu rất rõ ràng, mang tính cấp bách như tôi nói lúc đầu. Hai năm thực hiện nghị quyết, tuy rằng nguồn lực dành cho chương trình rất lớn, thời gian thực hiện rất ngắn nhưng kết quả cũng rất đáng ghi nhận. Rõ nhất mà chúng ta cần nhìn nhận là kinh tế vĩ mô ổn định, có tăng trưởng, lạm phát vẫn được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn đảm bảo, việc làm, đời sống cho người dân được cải thiện.
Hạ tầng giao thông là một điểm son, mà như Thủ tướng đã phát biểu một cách sinh động là 45 tỉnh trở thành công trường. Một hệ thống hạ tầng giao thông đang được xây dựng ở hiện tại sẽ tạo nền tảng cho tương lai, vì hệ thống ấy sẽ mở rộng không gian phát triển, gia tăng giá trị liên vùng và là huyết mạch, bệ đỡ vững chắc cho kinh tế - xã hội phát triển trong thời gian dài./.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
(Theo Pháp luật TP.HCM)