Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nền kinh tế phải phục hồi, tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp khu vực và thế giới

01/06/2024 - 11:02 PM
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, song nền kinh tế phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực.

Kinh tế 5 tháng tiếp tục đạt kết quả tích cực

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024, diễn ra vào ngày 1/6/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng Năm và 5 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ; Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, hài hòa với điều hành lãi suất.

Thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 5 tháng tăng lần lượt là 16,6%, 15,2% và 18,2% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,01 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Một con số khác được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó là tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó vốn đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%; vốn thực hiện đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8%. Nhiều dự án lớn về sản xuất pin, tế bào quang điện, linh kiện, sản phẩm điện tử… đã đăng ký đầu tư mới và tăng vốn vào Việt Nam.

 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024

Trong tháng Năm và 5 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Năm tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%.

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 tăng 9,5% so với cùng kỳ, tính chung 5 tháng tăng 8,7%; khách quốc tế 5 tháng đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ. 

Tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn. Trong tháng Năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 10,6% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp). Tính chung 5 tháng, có 98.800 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1%, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (97.300 doanh nghiệp)…

Nền kinh tế phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa

Rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng viện dẫn để chứng minh xu hướng tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn cho biết, những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Một trong những tác động được Bộ trưởng nhấn mạnh, đó là nền kinh tế đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Tăng trưởng tiếp tục phục hồi tích cực, nhưng dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số nước triển khai các gói kích thích kinh tế mới, làm tăng thêm sức ép cạnh tranh, yêu cầu nền kinh tế phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đề cập đến việc áp lực lạm phát gia tăng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, CPI tháng Năm đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân 5 tháng tăng 4,03%, cao hơn cận dưới mục tiêu cả năm là 4-4,5% và có xu hướng tăng qua từng tháng. Theo Bộ trưởng, lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè, đồng thời do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…

Phân tích sâu hơn về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập về những dự báo rằng, tỷ giá tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài. Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ… Do đó, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cho rằng, cần thực hiện truyền thông một cách thống nhất, hiệu quả, khẳng định quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ở góc độ khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập việc sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; một số địa phương trọng điểm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ; sức mua trong nước 5 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019; áp lực cạnh tranh tăng ở cả thị trường xuất khẩu và trong nước… Trong bối cảnh như vậy, tín dụng tính đến ngày 20/5 chỉ tăng 2,41%, tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn; tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý; tiến độ triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, cần có giải pháp thúc đẩy nhanh hơn. Ngoài ra, quản lý thị trường vàng, bất động sản, giá vé máy bay… còn có những bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm triệt để, còn rườm rà, ách tắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…

Bộ trưởng cũng cho biết, công tác phối hợp và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa thực sự kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Chính sách tài khóa chủ yếu tập trung vào miễn, giảm thuế, phí và đẩy mạnh đầu tư công; chính sách tiền tệ chủ yếu sử dụng nguồn lực của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế. Các chính sách kết hợp nguồn lực triển khai còn có khó khăn, vướng mắc đối với cả cơ quan quản lý, đơn vị triển khai và đối tượng thụ hưởng, nên hiệu quả chưa cao.

Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề cần được tổng kết, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có chính sách mới, quy mô đủ lớn hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn... trong bối cảnh các chính sách tài khóa đã cơ bản được xây dựng và triển khai, chính sách tiền tệ phải tập trung nhiều nguồn lực hơn để ổn định tỷ giá, xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém…/.

 
PV
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top