Phóng viên: Thưa ông, trong các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở thì số liệu về nhà ở có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Ngày 30/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 2127/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm, chiến lược hành động, mục tiêu và giải pháp cụ thể để quản lý, phát triển nhà ở; nâng cao chất lượng và giải quyết nhu cầu về chỗ ở của mọi tầng lớp nhân dân.
Pháp luật về nhà ở hiện hành quy định các chỉ tiêu cơ bản về nhà ở (diện tích nhà ở bình quân đầu người; số lượng nhà ở; diện tích sàn nhà ởxây dựng mới; chất lượng nhà ở tại đô thị, nông thôn và toàn quốc...) phải được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn cùng thời gian tổ chức điều tra, thống kê nhà ở (10 năm và 5 năm) gắn với các cuộc điều tra về dân số.
Phát triển nhà ở luôn chiếm vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Hầu hết các nước đang phát triển đều ghi nhận sự đóng góp của lĩnh vực nhà ở cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, xây dựng xã hội thịnh vượng và là công cụ hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô. Theo thống kê tại các nước phát triển và đang phát triển, lĩnh vực nhà ở đóng góp từ 3 - 10% GDP. Lĩnh vực nhà ở cũng chiếm từ 10 đến 30 % tổng đầu tư xã hội hàng năm và chiếm khoảng 20-50% tổng tài sản tái tạo của phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Với tầm quan trọng của phát triển nhà ở đối với nền kinh tế quốc gia như nêu trên thì việc có được các số liệu về nhà ở thông qua cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở (10 năm/lần), Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ được đánh giá là hết sức cần thiết. Các số liệu về nhà ở được thu thập, tính toán thông qua kết quả điều tra là cơ sở cho việc đánh giá chất lượng điều kiện sống của người dân và tình hình phát triển kinh tế xã hội chung qua từng thời kỳ (5 năm/10 năm) của từng địa phương, vùng miền và cả nước, đồng thời là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu phát triển nhà đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
Ông Nguyễn Trọng Ninh
Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng
Phóng viên: Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản là đơn vị được Bộ Xây dựng giao trực tiếp tham gia, phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ông có thể cho biết công tác phối hợp của Bộ Xây dựng và Tổng cục Thống kê được thực hiện ra sao?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Công tác phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Tổng cục Thống kê đã được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả và có hệ thống qua các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở các năm 1999, 2009, điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 và cuộc Tổng điều tra lần này.
Để chuẩn bị thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TĐT 2019), Bộ Xây dựng đã cử 01 Lãnh đạo Bộ tham gia Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương trong vai trò ủy viên; 02 cán bộ là lãnh đạo cấp Cục và cấp Phòng tham gia Văn phòng Ban chỉ đạo. Ngoài ra, các chuyên viên của Bộ Xây dựng cũng đã tham gia thường xuyên, liên tục trong quá trình xây dựng phiếu điều tra, sổ tay hướng dẫn và thực hiện vai trò giám sát viên Trung ương Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Trong cuộc họp ngày 19/11/2018 của Ban chỉ đạo Trung ương (BCĐTW) về triển khai thực hiện TĐT 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đánh giá cao sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, địa phương với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) về công tác chuẩn bị cho TĐT 2019. Có thể khẳng định, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay từ đầu để triển khai tất cả các bước nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra thông qua công tác: Xây dựng mẫu phiếu, bảng hỏi, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn hướng dẫn điều tra viên các cấp và thực hiện điều tra tổng duyệt theo sự phân công của BCĐTW.
Nội dung các câu hỏi thu thập thông tin về nhà ở của hộ gia đình trên cả nước được nghiên cứu, biên tập theo hướng đơn giản, khoa học, phù hợp khi áp dụng phương thức điều tra mới (sử dụng phiếu điều tra điện tử trên các thiết bị di động), đáp ứng đầy đủ yêu cầu thu thập các chỉ tiêu về nhà ở của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và đảm bảo tính logic, hệ thống, có tính so sánh... với cơ sở dữ liệu về nhà ở đã được thu thập trong các cuộc điều tra trước đây. Trên cơ sở đó, thông tin về nhà ở sẽ được thu thập bao gồm diện tích nhà ở bình quân/đầu người; số hộ chia theo tình trạng có nhà ở (số hộ có/không có nhà ở); số lượng và diện tích nhà ở chia theo chất lượng nhà ở (kiên cố, bán kiên cố, thiếu kiến cố, đơn sơ)... Ngoài ra, TĐT 2019 còn bổ sung thu thập, đánh giá về nhu cầu, kế hoạch (mua, thuê) nhà của các hộ gia đình, làm cơ sở dự báo, tính toán nguồn cung nhà ở trong giai đoạn tới.
Phóng viên: Thưa Ông, Bộ Xây dựng kỳ vọng những gì ở kết quả Tổng điều tra lần này?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Như đã đề cập ở trên, TĐT 2019 sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến nhà ở của hộ gia đình: (1) Tình trạng sở hữu nhà ở; (2) Tình trạng nhà ở hiện tại; (3) Quy mô diện tích nhà ở; (4) Kết cấu nhà và loại vật liệu xây dựng chính; (5) Năm đưa vào sử dụng;(6) Nhu cầu, kế hoạch (mua, thuê) nhà của các hộ gia đình. Những thông tin trên là cơ sở quan trọng để Bộ Xây dựng đánh giá kết quả của việc thực thi các chính sách, pháp luật về nhà ở trong thời gian qua.
Với các số liệu cụ thể về diện tích nhà ở bình quân trên đầu người, số lượng, chất lượng nhà ở của các hộ gia đình trên cả nước chia theo khu vực thành thị, nông thôn; vùng, miền; địa phương thu thập được thông qua cuộc điều tra này, Bộ Xây dựng sẽ có cơ sở để phân tích được thực trạng nhà ở và tốc độ phát triển nhà ở của nước ta hàng năm, 5 năm và trong 10 năm giai đoạn từ 2009 đến 2019, đồng thời thấy rõ được những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng có đánh giá về kết quả triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và các cơ chế chính sách phát triển nhà ở thời gian qua, là tiền đề cho việc rà soát, điều chỉnh Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cho phù hợp theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như sửa đổi bổ sung các chính sách về nhà ở cho nhóm đối tượng xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Cụ thể: (1) Nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức theo Nghị quyết TW7 khóa XII và nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ giao; (2) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng nghèo ở khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt; (3) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp... (theo quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015).
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!