"Bóng ma" lạm phát bao phủ toàn cầu năm 2021 và những nỗi lo năm 2022

29/03/2022 - 11:49 AM
Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều nước phải giãn cách xã hội khiến mọi hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào. Điều này cùng với việc giá năng lượng tăng cao đã đẩy lạm phát ở nhiều quốc gia lên mức cao nhất trong nhiều năm.
 
Mỹ - tốc độ lạm phát nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ
 
Năm vừa qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ phải chịu áp lực lớn từ cơn bão lạm phát diễn ra liên tục trong nhiều tháng. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, kể từ tháng 4/2021, mức lạm phát nước này đã là 4,2% (là mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 2008). Các tháng tiếp theo, đà lạm phát ở quốc gia này vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt khi có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát tiếp tục tăng và phá vỡ những kỷ lục mới. CPI của nền kinh tế Mỹ tháng 11/2021 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tháng 12/2021 là 7%. Đây là tốc độ tăng theo năm nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ qua, kể từ tháng 6/1982. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ còn cho thấy, thước đo lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) cũng tăng 5,5% trong tháng 12/2021, đánh dấu mức kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ.
 
Mức lạm phát đã phản ánh qua việc giá cả một loạt mặt hàng từ ôtô, nhà cửa, xăng, thực phẩm và quần áo cho đến chi phí giao hàng tăng mạnh khi kinh tế Mỹ dần phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, giá nhà và xe (xe hơi và xe tải) là những yếu tố đóng góp lớn nhất vào tỉ lệ lạm phát nước này. Một năm qua, giá thịt xông khói tại Mỹ đã tăng gần 19%, giá quần áo nam tăng gần 11%, giá đồ nội thất phòng khách và phòng ăn tăng hơn 17%, giá xe tăng hơn 37%. Điều này đã gây áp lực tài chính lên các hộ gia đình Mỹ, khiến họ phải cân đo đong đếm khi mua sắm, đồng thời đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân của đà tăng lạm phát tại Mỹ là do sự mất cân bằng cung 
- cầu (thiếu nguồn cung và nhu cầu tăng vọt) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, trong khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thiếu hụt lao động và giá nguyên liệu thế giới tăng. Trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm, nhiều nhà bán lẻ, nhà cung cấp và các công ty vận chuyển chạy đua tăng giá sản phẩm, dịch vụ. Còn trong lĩnh vực nhà hàng, chi phí lao động cao hơn cũng làm tăng giá hóa đơn của thực khách.
 
 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Lạm phát thực tế ở Mỹ trong năm vừa qua đã khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dường như phải đưa ra quyết định thay đổi định hướng chính sách tiền tệ của mình. FED đã và đang thu hẹp dần Chương trình nới lỏng định lượng (QE), dự kiến sẽ chấm dứt chương trình này vào tháng 3/2022 và có thể nâng lãi suất khoảng 3 lần trong năm nay để kiềm chế lạm phát. Các nhà kinh tế nhận định, động thái này của FED sẽ có tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Bởi vì điều đó sẽ đẩy đồng USD tăng, khiến các đồng tiền khác bị giảm, gây ra áp lực lạm phát ở nhiều nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, bởi khi đó ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi sẽ phải điều chỉnh nâng lãi suất để giữ cân bằng, mất dư địa để kích thích nền kinh tế.
 
Lạm phát cao kỷ lục khu vực đồng tiền chung châu Âu
 
Theo số liệu cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu sơ bộ ngày 7/1 mới đây cho thấy, tỉ lệ lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021, so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức lạm phát cao nhất trong lịch sử Eurozone kể từ khi cơ quan chức năng bắt đầu thu thập dữ liệu năm 1997 và vượt mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 2%. Trước đó, kỷ lục về lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu là 4,9% được ghi nhận vào tháng 11/2021.

Theo phân tích, mức tăng lạm phát ở khu vực này chủ yếu do giá năng lượng tăng mạnh và nguồn cung cho hoạt động sản xuất bị thiếu hụt đáng kể. Trong tháng 12 năm vừa qua, mức tăng giá năng lượng hằng năm đã lên tới 26%, vượt xa các mặt hàng khác trong giỏ hàng hóa được khảo sát. Giá các mặt hàng khác có mức tăng nhẹ hơn là thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 3,2%, hàng công nghiệp tăng 2,9%, dịch vụ tăng 2,4%.

Cũng theo thống kê của Eurostat, trong các nước thành viên eurozone, lạm phát đặc biệt cao ở các quốc gia Baltic. Theo đó, Estonia cao nhất với 12%, tiếp đến là Lithuania với 10,7%, Latvia 7,7%. Dù các nước lớn có mức lạm phát thấp hơn như Tây Ban Nha 6,7%, Bỉ 6,5%, Hà Lan 6,4%, Đức 5,7% nhưng các con số này vẫn là điều đáng lo ngại.

 
Việc tỷ lệ lạm phát tăng cao kéo theo sự leo thang về giá cả hàng hóa trên diện rộng đã và đang bào mòn sức mua của đồng Euro, khiến người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng các khoản chi tiêu, còn các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, phải đối mặt với tình trạng tồi tệ như hủy đơn đặt hàng hay buộc phải tạm dừng đầu tư. Hiện chỉ số niềm tin tiêu dùng và chỉ số lòng tin về kinh tế của khu vực châu Âu đã sụt giảm mạnh trong năm vừa qua.
 
Trước tình trạng trên, một số quốc gia ở khu vực này đã có những giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng. Đơn cử như ở Pháp, do giá nhiên liệu tăng cao, vào tháng 10/2021, Chính phủ đã công bố "trợ cấp lạm phát" 100 Euro cho các hộ gia đình có sử dụng ô tô có thu nhập dưới 2.000 Euro (khoảng 52 triệu đồng) mỗi tháng. Theo thống kê, có tổng cộng 38 triệu người Pháp sẽ được hưởng lợi từ khoản trợ cấp lạm phát này. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này còn hỗ trợ cho người lao động khu vực tư nhân, công chức, người về hưu, người thất nghiệp, người lao động tự do trong bối cảnh giá hàng hóa nói chung không ngừng leo thang.
 

Nhiều nền kinh tế khác cùng cảnh ngộ

Không chỉ tại Mỹ hay khu vực Eurozone, lạm phát đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
 
Trong năm 2021, như hầu hết các nước, Anh cũng không thoát khỏi“bóng ma” lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quốc gia này tăng 5,4% trong tháng 12/2021, mức cao nhất trong gần 3 thập kỷ (số liệu công bố của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 19/1 mới đây). Yếu tố gây ra tình trạng lạm phát do sự tăng giá mạnh của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, mà tác động lớn nhất đến từ giá năng lượng, thực phẩm, đồ gia dụng, nội thất, ô tô đã qua sử dụng, quần áo, dịch vụ… Một yếu tố khác góp phần khiến lạm phát nước này gia tăng là tình trạng gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu và chi phí nguyên liệu tăng cao.
 
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo số liệu chính thức công bố, lạm phát cũng liên tục phá các kỷ lục và đạt mức cao nhất trong 19 năm qua là 36,08% vào tháng 12/2021 sau khi ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất, gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ khiến đồng nội tệ lira mất 44% giá trị vào năm 2021. Trước việc hàng triệu người dân lâm vào cảnh khó khăn, không thể mua lương thực, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã phải thiết lập khoảng 1.000 siêu thị mới trên cả nước để cung cấp hàng tiêu dùng với mức giá phù hợp.

Tại khu vực châu Á, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng đã chứng kiến giá cả tăng mạnh do chi phí năng lượng tăng. Ngày 9/12 năm ngoái, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, biến động mạnh từ giá dầu và ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước tăng mạnh, gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân, nhất là tại các thành phố lớn. Thước đo chính của lạm phát tiêu dùng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020, mức cao nhất kể  từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, nhờ việc Chính phủ quốc gia láng giềng thực hiện hàng loạt các giải pháp, CPI tháng 12 đã giảm xuống ở mức 1,5%, cho phép các nhà hoạch định chính sách thực hiện các biện pháp khởi động nền kinh tế, trong đó có việc hạ lãi suất. Ở các nền kinh tế giàu có khác như Singapore và Hong Kong cũng xảy ra tình trạng người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng" đối với thực phẩm, lao đao lo cho từng bữa cơm gia đình. Tình trạng lạm phát đang khiến nhiều quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát tăng phi mã, trong khi một số quốc gia lại ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn, khi lựa chọn tiếp tục duy trì chính sách nới tiền tệ nới lỏng.

Những nỗi lo cho năm 2022

Năm 2022, thế giới bắt đầu một năm với các nền kinh tế bị kìm hãm bởi cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron và đứng trước áp lực hạ nhiệt lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tỏ ra lo ngại lạm phát có thể vượt 6% trong nửa đầu năm 2022, gấp 3 lần mức mục tiêu đề ra của cơ quan này. Điều này khiến BoE sẽ đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất, một bước đi "cần thiết" để đưa lạm phát của Anh trở lại mức mục tiêu 2%. Còn các nhà kinh tế Mỹ nhận định, lạm phát sẽ tiếp tục tăng nóng và kéo dài trong quý đầu tiên của năm nay.
 
Ngược lại, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tin tưởng lạm phát chỉ mang tính tạm thời và sẽ giảm trong năm nay. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc cũng dự báo, năm 2022, lạm phát nước này vẫn ở mức khiêm tốn, 0,9%, nếu việc thay đổi chính sách tiền tệ ở nước khác làm suy yếu đà tăng giá của hàng hóa toàn cầu và do tác động của Covid-19, tình trạng thiếu hụt nguồn cung thế giới ngày càng bớt nghiêm trọng. NDRC còn đánh giá, chỉ số giá sản xuất có khả năng hạ nhiệt do nguồn cung các sản phẩm công nghiệp và năng lượng trong nước dồi dào, có thể chống lại "sự biến động giá bất thường".
 
Các nhà kinh tế học tại đơn vị nghiên cứu của Ngân hàng Morgan Stanley tại Mỹ đưa ra cái nhìn lạc quan cho rằng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường, dự báo lạm phát ở các thị trường lớn sẽ "đạt đỉnh rồi thoái trào" hơn 2 điểm phần trăm cho năm nay.
 
Dù có những nhận định khác nhau cho năm 2022, song hầu hết giới quan sát cho rằng lạm phát khó có thể trở lại mức trước đại dịch./.
 
TS. Nguyễn Thị Phương Thảo
Học viện Ngân hàng

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top