Bức tranh kinh tế - xã hội Quảng Nam giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển

23/06/2021 - 10:21 AM
Nhờ triển khai thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Quảng Nam đã đạt được những kết quả quan trọng và cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đó nổi bật là việc phát triển kinh tế nhanh đã tạo động lực thúc đẩy cải thiện các vấn đề xã hội, môi trường ngày càng bền vững. Việc thực hiện các nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến tích cực. Quảng Nam cũng là một trong số ít tỉnh, thành của khu vực cân đối được ngân sách và điều tiết về Trung ương.

Kinh tế tăng trưởng, văn hóa - xã hội có nhiều đổi mới, tiến bộ

Giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng kinh tế của Tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, từ một tỉnh có quy mô kinh tế trung bình (năm 2015) đến nay đã vươn lên tốp đầu khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 9,53%/năm, xấp xỉ đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước.

Năm 2020 quy mô nền kinh tế Quảng Nam đạt trên 94 nghìn tỷ đồng (đứng thứ 2 trong Vùng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP chiếm 31,51%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 72,4 triệu đồng (gấp 1,7 lần so với năm 2015); thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng; năng suất lao động xã hội năm 2020 đạt 124 triệu đồng/lao động.

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 4,4%/năm; từ năm 2017 đã tự chủ ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch dần sang khu vực dịch vụ, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP giảm từ 14,7% (năm 2015) còn 11% (năm 2020), các ngành phi nông nghiệp tăng từ 85,3% (năm 2015) lên 89% (năm 2020). Cơ cấu lao động chuyển dịch khá tích cực; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 62%. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên. Tính đến cuối năm 2020 đã có 116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 58%; 15 xã được công nhận đạt chuẩn “NTM nâng cao”, 3 xã được công nhận đạt chuẩn “NTM kiểu mẫu”; 5/18 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM.

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả; qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,9% (năm 2015) xuống còn 5,37% (vào cuối năm 2020) và hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,58%. Mạng lưới đô thị tiếp tục phát triển, bảo đảm liên kết giữa đô thị và nông thôn. Hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 21 đô thị, hầu hết được đầu tư khá đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

 
Bức tranh kinh tế - xã hội Quảng Nam giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển

Ảnh minh họa

 
Thời gian qua, Quảng Nam luôn quan tâm đầu tư phát triển vùng động lực đồng bằng, ven biển, vùng trung du, miền núi nhằm phát triển đồng bộ và bền vững giữa các địa phương trong toàn tỉnh. Nhiều công trình giao thông quan trọng như: Đường nối từ Cửa Đại đến sân bay Chu Lai, Tam Thanh đi Trà My, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Trường Sơn Đông; cầu Cẩm Kim, cầu Bình Đào… được đầu tư xây dựng, kết nối thông suốt, tạo động lực, điểm nhấn trong phát triển kinh tế-xã hội. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục được quan tâm đầu tư.

Đến nay, đã có 5/7 nhóm dự án ở vùng Đông đang triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện, Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục được tập trung đầu tư hạ tầng và thu hút nhiều dự án, đóng góp bình quân 65% tổng thu ngân sách tỉnh.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm thường xuyên. Nhiều cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề và người lao động đi làm việc ở nước ngoài được ban hành. Môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2016 đến nay, Quảng Nam nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất cả nước. Kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của tỉnh tăng cao, trong năm năm qua, toàn tỉnh có 6.700 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 7.770; trong đó, có 195 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD.

Song song với phát triển kinh tế, Quảng Nam luôn quan tâm đổi mới giáo dục - đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ, chú trọng lĩnh vực y tế và chính sách đối với người có công. Trong đó, giáo dục - đào tạo từng bước được đổi mới căn bản, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; chất lượng có chuyển biến tích cực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 533 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 66,37%). Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy học.

Mạng lưới y tế toàn tỉnh ngày càng được củng cố, kiện toàn và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2020, có 9 bác sĩ/một vạn dân và 41,5 giường bệnh/một vạn dân. Y tế dự phòng được quan tâm, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện; đặc biệt, đã phòng, chống có hiệu quả đại dịch Covid-19. Công tác bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 93%.

Hệ thống chính quyền các cấp của Quảng Nam được tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Tỉnh đã triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đưa vào vận hành Hệ thống thông tin điện tử một cửa, kết nối liên thông tới cả ba cấp chính quyền. Các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin được cải thiện.

Đặc biệt, những năm gần đây, việc đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị được chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đúng lộ trình gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế. Các khâu của công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ, có nhiều đổi mới… Hiện đã giảm 22 đầu mối cấp phòng các cơ quan tham mưu, giúp việc; giảm 55 cán bộ lãnh đạo cấp phòng các cơ quan hành chính cấp tỉnh và tinh giản hơn 400 biên chế công chức. Đồng thời đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn, còn 241 đơn vị cấp xã (giảm 3 đơn vị); 1.240 đơn vị cấp thôn (giảm 479 đơn vị); giảm 776 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và 3.797 người hoạt động không chuyên trách cấp thôn. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, nâng cao trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị và đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân.

Quảng Nam - Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Có thể thấy bức tranh kinh tế - xã hội với nhiều gam màu sáng của Quảng Nam đã góp phần nâng cao vị thế của Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh, thành trong cả nước.

Giai đoạn tới, với quyết tâm xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, giai đoạn 2020 - 2025 Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm từ 7,5 đến 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 từ 110 đến 113 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 9%. Tỷ trọng các ngành trong GRDP đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng từ 35,8 đến 36%; dịch vụ từ 37,2 đến 37,3%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 37%.

Lĩnh vực xã hội, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,87%; có 160 xã (chiếm 80% số xã) đạt chuẩn NTM (trong đó, 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); phấn đấu trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2035. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70 đến 75%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%...

Để đạt được những mục tiêu trên, Quảng Nam xác định cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Cải thiện môi trường đầu tư gắn với bảo vệ môi trường và khởi nghiệp sáng tạo.

Theo đó, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nhằm xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước theo hướng nhanh, bền vững:

Cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư những dự án lớn đối với những lĩnh vực được ưu tiên như: Công nghiệp chế biến chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn, lợi thế về xuất khẩu (cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, hóa dầu, sản xuất đồ uống, may mặc, giày da); dịch vụ du lịch, logistic (cảng hàng không, cảng biển)...

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Tái cơ cấu thị trường, xây dựng chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường nhất định.

Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có cơ chế khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ tăng chế biến sâu.

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu, gắn sản xuất, tiêu thụ với đầu tư chế biến, xuất khẩu; ưu tiên phát triển sản xuất quy mô lớn…

Mặt khác, Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển của tỉnh; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi. Khai thác tiềm năng, lợi thế liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Kết nối với các tỉnh trong phát triển du lịch, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Tích cực tham gia liên kết với các địa phương trong Vùng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ. Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy cơ chế mở làm đột phá xuyên suốt, phấn đấu trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Song song với phát triển kinh tế, Quảng Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác y tế; chú trọng y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Bảo đảm cung cấp tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu và các thiết chế văn hóa cơ bản. Quan tâm đầu tư các công trình văn hóa, phục vụ dân sinh. Gắn kết chặt chẽ trong thực hiện các chính sách kinh tế với các chính sách xã hội, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân. Chú trọng thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình khá trở lên…/.

Trần Thị Thu Trang
Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê - TCTK
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top