Bức tranh đa màu của starup Việt trong bối cảnh Covid-19

11/10/2021 - 04:29 PM
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã trở thành“phép thử” cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Trong bối cảnh đó, đã có nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, ngừng trệ sản xuất hoặc phá sản, song một số mô hình kinh doanh công nghệ của startup Việt lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc… Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thời gian qua.

Từ những gam màu trầm…

Tại Việt Nam, năm 2019 được biết đến là năm tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ với các thương vụ đầu tư lớn, tổng giá trị đạt hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm do Ventures đồng phát hành công bố 31/5/2021 cho biết, trong năm 2020, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019. Trong số các lĩnh vực thu hút đầu tư, thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế internet. Vốn đầu tư trong lĩnh vực thanh toán đạt 101 triệu USD và bán lẻ là 83 triệu USD. Một số ngành như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư. Các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế) và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) đang có sự tăng dần nhờ sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau Covid-19.

Có thể thấy, bên cạnh những tác động từ thị trường, sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng cùng với bất trắc khó lường của đại dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng khởi nghiệp càng gặp  khó  hơn. Đại  dịch  đã  làm  bộc  lộ  hạn  chế  của  nhiều  doanh  nghiệp  khởi  nghiệp,  kể  cả  những  doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thế giới.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) từ ý kiến của hơn 250 startup thực hiện cuối tháng 4/2020 cho thấy, có tới 50% startup xác nhận lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể. Trong khi đó, 23% startup cho rằng đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường; 20% startup chọn đóng băng các hoạt động, nghĩa là dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; 4% startup phải dừng mọi hoạt động quảng cáo trên tất cả các nền tảng, kể cả online và offline, nhằm tiết kiệm chi phí và chỉ 3% bị ảnh hưởng một cách hạn chế, không đáng kể.

 
Bức tranh đa màu của starup Việt trong bối cảnh Covid-19

Ảnh minh họa

 
Thực tế cho thấy, năm 2020, nhiều startup lớn cũng đã rơi vào tình trạng phá sản, trong đó đáng chú ý là Leflair và WeFit - 2 công ty khởi nghiệp từng được đánh giá cao và gọi vốn thành công số tiền triệu USD. (Wefit được thành lập vào tháng 9/2016, với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness Việt Nam). Trong giới startup Việt Nam, ứng dụng WeFit được xem như tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thể hình. Trước đó, startup này từng được quỹ đầu tư ESP Capital đầu tư 155.000 USD vào năm 2017. Năm 2019, Công ty công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư lớn khác. Tuy nhiên, đến ngày 11/5/2020, Công ty thông báo buộc phải dừng hoạt động do vốn hoạt động đã cạn kiệt hoàn toàn.

Bên cạnh đó, một số startup Việt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ gặp phải nhiều khó khăn, bị đình trệ trong quá trình hợp tác với các đối tác trước những quy định về cách ly xã hội, các chuyến bay thương mại tạm thời đóng cửa; không ít startup trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị thông minh không có đầu ra cho sản phẩm…

Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cũng cho rằng, do khó khăn chung nên tại Việt Nam các dự án khởi nghiệp giảm và số dự án kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm cũng sụt giảm theo. Ngoài ra, các startup Việt còn gặp thêm những khó khăn, thử thách vốn có như: Thiếu nguồn vốn, thiếu nguồn nhận lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong khi đó việc đào tạo còn chưa sát thực tế yêu cầu. Hơn nữa, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn nhiều mới mẻ, chưa phù hợp thực tế và xu hướng phát triển hội nhập.

…đến những điểm sáng ấn tượng

Mặc dù bức tranh về startup Việt thời gian qua đã cho thấy sự ngưng trệ, khó khăn, gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí cả phá sản… song bên cạnh đó, hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn có những điểm sáng ấn tượng.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 nhận định, startup Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi. Trong đó, điểm nổi bật của Báo cáo đã ghi nhận những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam nhằm kiến tạo một môi trường thuận lợi nhất, giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và nhà đầu tư hợp lực tạo nên những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Hành lang pháp lý đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là Đề án 844 tạo lập môi trường thuận lợi cho cộng đồng Startup.

Với những nỗ lực đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới (theo đánh giá của Start-up Blink năm 2020). Tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong Top 20-25 hệ sinh thái hàng đầu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021.

Cùng với đó, tháng 11/2020, Báo cáo Kinh tế số thường niên E-Conomy SEA 2020, được thực hiện bởi Google và Temasek (Singapore), đã công nhận Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) chính thức trở thành “kỳ lân” công nghệ thứ 2 tại Việt Nam, sau Tập đoàn VNG. (Kỳ lân - startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên).

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam có khoảng 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Quỹ nội và quỹ ngoại đang có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các startup thu hút nguồn vốn đầu tư.

Tại sự kiện ngày hội Khởi nghiệp quốc gia (Techfest 2020) diễn ra vào tháng 10/2020 đã thu hút sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với mức đầu tư đạt hơn 14 triệu USD, chưa kể đến kết quả của các hoạt động kết nối đầu tư riêng tại các vườn ươm của khu vực tư nhân, các làng công nghệ trong khuôn khổ Techfest.

Kết quả tổng kết sơ bộ tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2020) diễn ra ngày 25/11/2020, đã có 33 quỹ đầu tư cam kết đầu tư 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Có thể thấy, dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song đã có nhiều dự án khởi nghiệp thành công, hợp xu thế, thể hiện sự sáng tạo của startup Việt, góp phần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Một số startup y tế tiềm năng như: MedProve Inc là nhà cung cấp giải pháp Quản lý Dữ liệu Lâm sàng, ViCare - Nền tảng tra cứu thông tin y tế, kết nối người dùng với các dịch vụ y tế, MediThank - Ứng dụng lưu trữ dữ liệu y khoa, tối ưu hóa công nghệ chăm sóc sức khỏe...  Các dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường như công cụ dạy học/ phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến…

Đặc biệt, đầu năm 2021, liên tiếp nhiều startup Việt công bố được rót vốn hàng trăm triệu USD trong bối cảnh toàn cầu đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, ngay cả những ngành gặp bất lợi vì các quy định giãn cách như du lịch, thanh toán, mua sắm... cụ thể như: Ngày 26/1/2021, nền tảng đặt hoạt động du lịch và giải trí Klook công bố hoàn thành vòng gọi vốn mới với tổng mức đầu tư lên đến 200 triệu USD ở vòng series E. Trước đó, Grab Financial Group cho biết đã gọi vốn thành công hơn 300 triệu USD vòng series A, do Hanwha Asset Management, một công ty quản lý Hàn Quốc dẫn vốn.

Báo cáo của Quỹ đầu tư Nextrans công bố vào cuối tháng 4/2021 cho thấy, mặc dù số lượng các thương vụ đầu tư vào startup Việt trong quý I/2021 giảm, song số tiền các nhà đầu tư rót vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam lại tăng. Theo đó, trong quý I năm 2021, có tổng cộng 16 thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam. Kết quả này ít hơn so với con số 20 thương vụ của cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng một nửa so với con số 30 thương vụ của cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, số tiền mà các nhà đầu tư rót vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam lại tăng. Cụ thể, tổng giá trị nhận đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2021 của startup Việt đã tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, đạt khoảng 150 triệu USD, tăng 50% so với mức 100 triệu USD trong quý I/2020.

Theo Nextrans Vietnam, hầu hết các thương vụ gọi vốn vẫn thuộc vòng hạt giống và series A chiếm 69% trong tổng số thương vụ đầu tư. Mảng công nghệ tài chính được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất, chiếm tới 4 thương vụ. Các mảng có sức hút tiếp theo là giáo dục, logistics, chăm sóc sức khỏe, bất động sản.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư Việt cũng đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp. Cụ thể: Tập đoàn VNG đã đầu tư 6 triệu USD vào Got It ngày 15/1/2021. Cũng trong tháng 1/2021, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) thông qua việc góp vốn vào Công ty cổ phần Người Bạn Vàng khoảng 130 nghìn USD…
Mặc dù kết quả huy động vốn của các startup Việt còn khiêm tốn, song đây vẫn là những tín hiệu tích cực không thể bỏ qua, cho thấy khả năng trụ vững, thích ứng, chuyển đổi linh hoạt, với sự bứt phá của các startup Việt thời gian qua.

Các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 vẫn là “phép thử” lớn đối với các doanh nghiệp, không chỉ riêng các start up, song trong một thế giới mở, liên kết đa chiều và phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia cần sự kết nối với khu vực và toàn cầu. Để hình thành một lực lượng startup thực sự mạnh, đủ năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt với chất lượng cao, mang lại hiệu quả thiết thực, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thậm chí toàn cầu, chính sách cho khởi nghiệp cần có lộ trình chiến lược kết hợp các giải pháp chính sách ngắn hạn và dài hạn, tập trung cho các startup có tiềm năng tăng trưởng ở một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng có của vùng, miền, quốc gia.

Ngoài ra, bên cạnh việc đảm bảo các nguồn lực tài chính, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần được hỗ trợ bởi hạ tầng kỹ thuật cứng và mềm thuận lợi. Các startup cần nuôi dưỡng văn hóa dám đương đầu với rủi ro, thách thức và coi sự thất bại như một bước đệm tất yếu dẫn tới thành công.

Với những gì mà startup Việt đã thể hiện và đạt được thời gian qua, các nhà đầu tư đang có nhiều kỳ vọng và tin tưởng vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Chính vì vậy, nếu biết nắm bắt tốt cơ hội các startup Việt hoàn toàn có thể vươn lên trở thành “kỳ lân” trong tương lai và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là thị trường đầu tư lớn trong khu vực, trên thế giới./.


ThS. Trần Thị Lý
Đại học Nông, lâm Bắc Giang


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top