Night time economy - Kinh tế ban đêm là cụm từ bắt đầu thu hút sự quan tâm và được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Nhiều nước trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển hình thức kinh tế này. Đặc biệt với những quốc gia có thế mạnh về du lịch cũng chủ động mở cửa ngành dịch vụ về đêm để tối đa hóa nguồn thu.
Trong những năm qua, giá trị của nền kinh tế dưới ánh đèn điện đã không ngừng tăng trưởng. Cụ thể, kinh tế ban đêm mang lại 102 tỷ USD cho Australia mỗi năm, tương tự, loại hình kinh tế này đóng góp tới 6% GDP cho Vương quốc Anh và ước tính đạt quy mô 400 tỷ Yên tại Nhật Bản vào năm 2020… Và tại Việt Nam, mới đây đã có chủ trương nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế ban đêm của Trung Quốc (một nước vừa ban hành các chính sách nhằm phát triển kinh tế ban đêm) để qua đó có thể xem xét và học tập những điểm tích cực từ việc phát triển kinh tế ban đêm đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Có nhiều cách hiểu khác nhau trên thế giới về “Kinh tế ban đêm”, tuy nhiên về cơ bản đều thống nhất ở quan điểm“Kinh tế ban đêm” là các hoạt động kinh tế diễn ra trong khoảng thời gian từ 17h đến 6h sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch mở cửa vào ban đêm. Với những lợi ích mang lại từ kinh tế ban đêm, các nhà nghiên cứu cho rằng, kinh tế ban đêm vừa là động lực kinh tế vừa là động lực văn hóa tại các thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trên thế giới, khi nhắc đến sự phát triển của kinh tế ban đêm không thể không nhắc đến nỗ lực của những thành phố tại châu Âu. Theo đó, tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền kinh tế ban đêm phát triển, đặc biệt là những thành phố được du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Lyon, London, Manchester, Belfort, Amsterdam, Berlin, Madrid, Barcelona, Roma, Vénice, Geneva hay Zurich.
Thực tế cho thấy, tại các nước EU không có chính sách chung về phát triển kinh tế ban đêm. Chính phủ các nước thành viên thường phân quyền lĩnh vực này cho chính quyền các thành phố. Tùy theo tiềm năng và chiến lược phát triển, mỗi thành phố đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm khuyến khích kinh tế ban đêm gắn với đặc trưng và thế mạnh về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực...
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Đi đầu trong phát triển kinh tế ban đêm phải kể đến nước Anh, quốc gia này có riêng một tổ chức theo dõi về ngành công nghiệp ban đêm với tên gọi NTIA - Night Time Industrie Association. Theo ghi nhận của NTIA, kinh tế ban đêm đã đóng góp khoảng 6% GDP nước Anh, tương đương 66 tỷ Bảng Anh/năm và tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm cho người lao động. Trong đó, thủ đô London được xem là điểm đến hàng đầu thế giới về cuộc sống ban đêm, chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723 nghìn lao động.
Để “khuấy động” khu vực kinh tế ban đêm, từ năm 2016, thành phố này đã đề ra hàng loạt chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, từ cuối năm 2016, thị trưởng của thành phố London đã bổ nhiệm các chức vụ “Night Czar” (Nữ hoàng về đêm) nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm, hướng tới mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24h hàng đầu thế giới.
Báo cáo gần đây của London First và E&Y đã đưa ra ước tính, khu vực kinh tế ban đêm của London có thể đóng góp gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu năm 2030, cao hơn 15% so với hiện nay. Thành phố Manchester thuộc Anh cũng ghi nhận đã đón khoảng 150 nghìn lượt khách đến thăm thành phố này vào mỗi cuối tuần để tham gia các hoạt động về đêm.
Bên cạnh các nước châu Âu, Mỹ cũng là một trong những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế về đêm. Theo đó, thủ đô New York (Mỹ) được mệnh danh là “Thành phố không bao giờ ngủ”. Các nghiên cứu thống kê cho thấy, trong nền kinh tế ban đêm của New York, chuỗi các nhà hàng đóng vai trò quan trọng nhất khi mang về 12 tỷ USD và tạo ra trên 140 nghìn việc làm mỗi năm (chỉ tính ban đêm). Tuy nhiên, điều đặc biệt tạo nên danh hiệu “Thành phố không bao giờ ngủ” của New York lại là việc thành phố này đã có được một nguồn thu lớn từ nghệ thuật. Thống kê cho thấy, trong năm 2018 các quán bar tại New York thu về 2 tỷ USD khi mặt trời lặn, nhưng các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18 nghìn việc làm và thu về 3,1 tỷ USD. Tức là mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Các chuyên gia cho rằng nếu các quán bar và nhà hàng đứng đầu cơ cấu của kinh tế ban đêm, thì đó là chuyện thường tình của mọi nền kinh tế, nhưng khi nghệ thuật trong đêm thu về hơn 3 tỷ USD, thì đó là một đẳng cấp.
Thực tế, kinh tế ban đêm tại New York mang đến cho thành phố này nhiều hơn thế. Ngoài ngành kinh doanh nghệ thuật, ngành cho thuê sân khấu ban đêm cũng mang về cho họ 1,2 tỷ USD/năm. Tức là, chỉ khai thác khía cạnh tinh thần, New York đã có 4,3 tỷ USD/năm. Tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu về khoảng 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống.
Một thủ phủ khác của kinh tế đêm là thành phố Sydney của Australia. Tại thành phố này, các chính sách phát triển nền kinh tế ban đêm nhằm mục đích tạo ra mối liên kết trong cộng đồng. Hoạt động mua sắm, giải trí về đêm đã đem lại doanh thu 3,6 tỷ USD mỗi năm cho Sydney, với gần 5.000 doanh nghiệp tham gia.
Các nghiên cứu cho thấy, quy mô nền kinh tế ban đêm Sydney hiện ước đạt 27,2 tỷ USD mỗi năm, tạo ra 234 nghìn việc làm. Mặc dù, kinh tế ban đêm ở Sydney được xem là yếu tố kinh tế có giá trị nhất tại Australia, song theo đánh giá ước tính giá trị nền kinh tế ban đêm ở Sydney có thể đạt 43 tỷ USD mỗi năm khi chi tiêu gia tăng, tình trạng việc làm và du lịch được cải thiện.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệp về đêm tại các quốc gia châu Âu, tại châu Á, Nhật Bản cũng đã cho thấy sự quyết tâm phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế. Từ cuối năm 2017, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ban đêm với các giải pháp chủ yếu hướng tới giải quyết cơ sở hạ tầng giao thông và các quy định liên quan đến địa điểm và điều kiện làm việc. Nhờ đó, những doanh nghiệp lớn trong ngành giải trí và khách sạn Nhật Bản đã phát triển thị trường ngách nhắm tới các sự kiện giải trí từ khoảng 20h đến 3h sáng hôm sau. Hiện tại, các nhà hàng, club, karaoke, quán bar trên toàn quốc đều mở cửa vào buổi tối. Mặc dù khách du lịch nước ngoài chưa dành nhiều thời gian và tiền bạc tại các địa điểm này của Nhật, song theo tính toán của các chuyên gia, ước tính quy mô thị trường có thể lên đến 400 tỷ Yên (khoảng 3,7 tỷ USD) vào năm 2020, nếu mỗi du khách đến Nhật Bản có thể chi tiêu thêm 10.000 yên (khoảng 92 USD) mỗi đêm. Kinh tế ban đêm hiện đang nổi lên như yếu tố quan trọng thứ 4 trong chương trình nghị sự của Chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy du lịch, xếp sau tự nhiên, thực phẩm và lịch sử.
Cùng với Nhật Bản, Trung Quốc được xem là quốc gia mới nhất của châu Á hiện đang lên kế hoạch để “thắp sáng” kinh tế ban đêm. Đầu năm 2019, “kinh tế ban đêm” đã trở thành một chủ đề nóng tại phiên họp của các cơ quan lập pháp và tư vấn chính trị của quốc gia này. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm nhằm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, kinh doanh diễn ra vào ban đêm. Cụ thể như các chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện… Theo đó, 10 con phố bán hàng ăn đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi 24/7 tại Bắc Kinh sẽ là những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp thúc đẩy kinh doanh ban đêm. Những con phố hoạt động 12 tiếng về đêm sẽ nhận được trợ cấp hơn 700 nghìn USD dành cho việc phát triển kinh doanh, các hộ kinh doanh cá thể có thể nhận được hơn 70 nghìn USD. Động thái này góp phần giảm gánh nặng chi phí cho các đơn vị kinh doanh hoạt động về đêm.
Song song với đó, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện ngầm cũng được điều chỉnh tăng tuyến, kéo dài thời gian phục vụ để đáp ứng nhu cầu đi lại của các hành khách tới các khu phố đêm. Cụ thể, từ 19/7/2019, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian chạy hai tuyến tàu điện ngầm số 1, 2 vào thứ 6 và thứ 7, trong đó chuyến cuối cùng khởi hành sau 12 giờ đêm.
Bên cạnh Bắc Kinh, các thành phố khác của Trung Quốc như: Thượng Hải, Thiên Tân và Nam Kinh cũng đang triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy nền kinh tế ban đêm thông qua các biện pháp trợ cấp tiền mặt cũng như thúc đẩy giao thông công cộng ban đêm. Tháng 5/2019, Thượng Hải đã ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy kinh tế ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19h đến 6h; Thiên Tân lên kế hoạch xây dựng 6 khu thương mại đêm, gồm đường phố kiểu Italy, phố ẩm thực, quảng trường, công viên
cho các hoạt động giải trí; Thạch Gia Trang - thủ phủ của tỉnh Hà Bắc đã giảm giá điện khoảng 0,2 NDT mỗi kWh cho các cửa hàng hoạt động muộn hơn.
Đặc biệt, để hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm, bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh đêm, giới chức các tỉnh thành thuộc Trung Quốc cũng đã chú trọng tăng cường các biện pháp an ninh công cộng. Camera, bảo vệ được tăng cường tại nhiều trung tâm thương mại. Các hãng gọi xe cung cấp đường dây nóng để các khách hàng có thể thông báo ngay khi có trường hợp khẩn cấp.
Các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn của Trung Quốc cũng duy trì chế độ làm việc ban đêm tại các trung tâm giao dịch tài chính, logistics, xuất nhập khẩu, giao nhận vận tải để phục vụ các tàu hàng container xuất khẩu từ quốc gia này. Các chuyên gia cho rằng, chính sách phát triển kinh tế ban đêm được xem là biện pháp kích thích kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế thứ 2 thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ…
Đó là bức tranh phát triển kinh tế ban đêm của các quốc gia trên thế giới, còn tại Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã hình thành một số hoạt động kinh tế ban đêm với nhiều hoạt động như phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm... và mới nhất là sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi. Với trên 2.300 cửa hàng tiện lợi trên cả nước, trong đó khoảng 1.000 cửa hàng hoạt động 24/24 giờ, tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia những hoạt động phát sinh lợi nhuận về đêm tại Việt Nam hiện nay thực chất mới chỉ là sự nối dài của hoạt động kinh tế ban ngày. Hiện nước ta chưa có chính sách phát triển “kinh tế ban đêm” mà chỉ là việc xây dựng các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm. Chính vì vậy, với những kinh nghiệm thành công trong phát triển kinh tế ban đêm của các nước trên thế giới, Việt Nam có thể tham khảo, học tập để vận dụng vào thực tế. Tuy nhiên, với nhiều điểm khác biệt trong trình độ và lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, Việt Nam cần có những đánh giá thận trọng về thực trạng, thuận lợi và khó khăn để có thể phát triển kinh tế ban đêm một cách hiệu quả.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Theo đó, khi đánh giá về những thuận lợi và khó khăn trong phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam, các chuyên gia cho biết, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm nhờ vào các yếu tố tự nhiên như: Có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của các du khách quốc tế…; cùng những yếu tố như văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc, có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu… và một lượng lớn dân số trẻ thích sinh sống tập trung tại các thành phố… sẽ tạo nên nhiều tiềm năng để nước ta có thể phát triển kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều thách thức khi phát triển kinh tế ban đêm, bởi: Cơ sở hạ tầng còn thiếu, các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh đô thị có nơi còn chưa đạt chuẩn, hệ thống dịch vụ nhìn chung chưa chuyên nghiệp…
Ngoài ra, mặc dù theo dự báo những tác động của phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam sẽ giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải… song cũng có cả những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế đất nước. Cụ thể như: Hoạt động kinh tế ban đêm sẽ làm tăng nhanh tốc độ xuống cấp của hạ tầng; làm tăng nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu và lượng tiêu thụ bia rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá… được dự báo cũng sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó là yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực, quản lý thị trường chống hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế cũng như đảm bảo an ninh, an toàn đô thị... Do đó, bài toán nghiên cứu phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam sẽ cần một kế hoạch tổng thể, đảm bảo tính khả thi, mang lại hiệu quả tích cực và hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực khi mở rộng các hoạt động kinh doanh về đêm tại nước ta./.
Thu Hòa