Cả nước chung tay vì người nghèo

12/02/2020 - 03:56 PM

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong những năm qua, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội đã được triển khai mạnh mẽ trên khắp cả nước, qua đó góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đến nay, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều hộ nghèo nhận hỗ trợ đã thoát nghèo và tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

        Chung tay giúp đỡ người nghèo

Xóa đói giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được người dân ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ. Theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 Phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% đến 1,5%/ năm; các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% đến 4%/năm. Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 20% đến 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
 

Cả nước chung tay vì người nghèo
                                                                                       Ảnh minh họa

Để thực hiện các mục tiêu của Quyết định này, Quốc hội đã phê duyệt đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí hơn 48 nghìn tỷ đồng, nguồn lực được tập trung đầu tư chủ yếu cho các địa bàn nghèo thông qua 5 dự án là: Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án truyền thông, thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá nhằm giảm bớt khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền. Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách giảm nghèo thường xuyên như: Hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh, thông tin, hỗ trợ tín dụng, pháp lý… cũng được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hoàn thiện. Các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất cũng đã được ban hành.

Điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo phải kể đến chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo thông qua Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Trong hơn 15 năm qua, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu là: Chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm, đến nay, NHCSXH đã có hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiến trình phát triển của họ, theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân, giúp người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững.

Hiện, vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho hộ nghèo đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tính từ năm 2016 đến tháng 8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt gần 221,7 tỷ đồng; Thông qua nguồn vốn vay từ NHCSXH đã giúp trên 1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động (trong đó có trên 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108 nghìn căn nhà cho hộ nghèo. Từ kết quả đạt được, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo của NHCSXH đã trở thành chính sách “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo của Việt Nam.

Với mong muốn dành những điều kiện tốt nhất giúp người nghèo vươn lên, những năm qua, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cùng MTTQ các cấp đã mở ra nhiều hướng khác nhau nhằm tìm kiếm, phát huy sự hỗ trợ từ cộng đồng, qua đó từng bước xây dựng nguồn lực đồng hành với người nghèo, giúp người nghèo vượt qua khó khăn. Một trong những hoạt động trọng tâm đồng hành, giúp đỡ hiệu quả người nghèo của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam là phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và cao điểm là Chương trình “Ngày vì người nghèo” được tổ chức hàng năm đã khơi dậy, lan toả tinh thần tương thân, tương ái, đạo nghĩa của dân tộc “Lá lành đùm lá rách” trong nhân dân với điểm nhấn là chương trình nhắn tin ủng hộ Quỹ Vì người nghèo qua Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400.

Kết quả sau 3 năm (2017-2019), số tiền ủng hộ người nghèo qua Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội có tổng số tiền là 9.656 tỷ đồng. Trong đó, ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương gần 92 tỷ đồng (bao gồm cả ủng hộ người nghèo bằng nhắn tin qua cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 trên 14 tỷ đồng). Trong đó, từ năm 2017 đến hết tháng 8/2019, Ngành ngân hàng đã hỗ trợ hơn 3.900 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ tập trung vào 3 lĩnh vực chính, gồm: Giáo dục; hỗ trợ hộ nghèo và y tế. Trong đó đã xây dựng gần 6.000 ngôi nhà cho người nghèo, tập trung vào các địa phương còn gặp nhiều khó khăn thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, với nhiều huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Chung tay với Đảng, Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo, thông qua sự vận động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhiều chương trình trợ giúp từ các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã âm thầm hỗ trợ cho người nghèo, giúp người nghèo từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng, công tác xóa đói, giảm nghèo cả nước đã đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo mà Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,55% (bình quân giảm 300 ngàn hộ/năm), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 5,5%/năm; Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều giảm còn dưới 4% (năm 2018 là 5,35%). Trong 3 năm trở lại đây, đã có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 200 xã thoát khỏi khó khăn, nhiều xã trở thành xã nông thôn mới hay thôn, bản nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo được cải thiện rõ rệt, đời sống người nghèo được cải thiện, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên. Nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình vươn lên thoát nghèo trở thành điểm sáng trong cả nước. Đặc biệt, việc tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Ba Chẽ, Bình Liêu (Quảng Ninh), Con Cuông, Tân Kỳ (Nghệ An) thời gian qua đã tạo thành phong trào, lan tỏa rộng khắp cả nước. Nhiều chương trình giảm nghèo hướng đến việc hỗ trợ “cần câu thay vì con cá” đã được thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực trong xóa đói giảm nghèo bền vững.

Mặc dù công tác giảm nghèo đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ như: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; số hộ nghèo cũ giảm nhưng lại phát sinh hộ nghèo mới do thiên tai, tai nạn; số hộ cận nghèo có xu hướng tăng và còn tình trạng tái nghèo. Chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Công tác giảm nghèo càng về giai đoạn cuối “lõi nghèo” càng tập trung vào vùng dân tộc thiểu số, vào các đối tượng khó có khả năng thoát nghèo. Một bộ phận người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, nguồn lực cho các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều. Đối tượng thụ hưởng tại một số chương trình tín dụng mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận.

Giải pháp giảm nghèo bền vững thời gian tới

Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, năm 2020 - năm cuối thực hiện Chương trình và là tiền đề để xây dựng chương trình hoạt động trong giai đoạn tiếp theo, công tác giảm nghèo cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo.

Hai là, Chính phủ, các địa phương tiếp tục ban hành và thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo căn cơ hơn nữa và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội.

Ba là, tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Bốn là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng và sự nỗ lực vươn lên của chính các hộ nghèo để thoát nghèo.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện công tác giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo.

Sáu là, thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết giữa hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo làm việc trong các doanh nghiệp./.

 

 

Bình Phước với mô hình “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”

      Những năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh Bình Phước đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế bằng nhiều mô hình hiệu quả. Trong đó, mô hình “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” đã và đang được các cơ sở hội triển khai dưới nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ, từng địa bàn, đơn vị như “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, tiết kiệm 5.000 đồng vì phụ nữ nghèo, tiết kiệm 1 ngày lương, tổ tín dụng tiết kiệm, tổ xoay vòng vốn, tổ tương trợ vốn, hỗ trợ bằng hiện vật, tiết kiệm qua các nguồn vốn vay. Từ nguồn vốn tín dụng tiết kiệm, Hội phát và cho vay trên 418 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các nguồn vốn do Hội quản lý trên 862 tỷ đồng, giúp gần 50 ngàn lượt hộ vay và có 7.669/9.481 hộ hội viên, phụ nữ nghèo được Hội giúp đỡ, trong đó 3.734 hộ phụ nữ làm chủ hộ.

      Tính chung gần 5 năm qua, hội viên phụ nữ toàn tỉnh đã góp gần 147 tỷ đồng; hơn 100 ngàn lượt phụ nữ tham gia giúp hơn 20 ngàn lượt chị em nghèo. Ngoài ra, hằng năm các cấp hội còn phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhất là các mô hình tạo việc làm phù hợp tại địa phương cho phụ nữ, ưu tiên những đối tượng vay vốn từ các nguồn do Hội quản lý, phụ nữ khu vực chuyển đổi đất nông nghiệp, bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phụ nữ có nguy cơ mất việc làm ở khu công nghiệp.../.



Lan tỏa phong trào
người dân tự nguyên viết đơnxin ra khỏi diện hộ nghèo     

     Những năm qua, các chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó là sự giúp sức của cộng đồng, giúp “cần câu” của các hội, đoàn thể đã tạo nên làn gió mới làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của người dân ở các vùng khó khăn. Việc tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo cho thấy người dân với lòng tự trọng của mình, họ không còn cam chịu đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ dân đã có ý thức vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình bằng việc trăn trở nuôi con gì, trồng cây gì... Việc viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo còn cho thấy, không chỉ người có điều kiện chia sẻ với người nghèo, mà người nghèo cũng có ý thức chia sẻ với nhau, để dành nguồn lực cho người khác khó khăn hơn. Với tinh thần tương thân, tương ái, phong trào người dân tự nguyên viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo đang ngày càng lan tỏa rộng khắp cả nước và trở thành một điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua./.

TS. Đặng Quang Trung

Đại học Lao động và Xã hội


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top