Ca Trù - Loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam

24/05/2019 - 03:28 PM
Độc đáo của Ca Trù  chính là sự phối hợp đa dạng, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, đôi khi có cả múa. Hát Ca Trù gồm có Hát Cửa đình, Hát Nhà trò (hát ở đình, đền, miếu); Hát Cửa quyền (trong cung phủ); Hát Nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý); Hát Ả đào, Hát Cô đầu (hát ở các ca quán)… Tùy vào mỗi không gian diễn xướng, nghệ thuật Ca Trù sẽ có lối hát và cách thức trình diễn riêng.
 
Ca Trù - Loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam 1

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 

Tham gia biểu diễn Ca Trù có ít nhất 3 người gồm: Một nữ nhân gọi là “Đào nương” hay “Ca nương” hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp; một nam nhạc công gọi là “kép” chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát và người gõ trống (quan viên) là người sành về Ca Trù và am hiểu âm luật Ca Trù. Người đánh trống chầu Ca Trù là để “bình phẩm” cả tiếng phách, tiếng hát, tiếng đàn và hơn hết là lời thơ.

Không gian trình diễn Ca Trù có phạm vi tương đối nhỏ: Đào nương ngồi trên chiếu ở giữa, Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Đào nương Ca Trù ngồi cùng một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe bằng giọng hát và tiếng phách của mình. Lời Ca Trù mang tính uyên bác, ít lời mà nhiều nghĩa, giàu chất thơ, giàu cảm xúc, trầm ngâm mà sâu lắng. Ca Trù có đủ các thể loại, từ trữ tình lãng mạn đến sử thi anh hùng, triết lý giáo huấn… Từ Ca Trù, thể thơ Hát nói độc đáo ra đời và có vị trí trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc. Đến nay, hàng nghìn bài thơ chữ Nôm vẫn được lưu giữ, chứa đựng rất nhiều tâm trạng, rất nhiều biến thái tinh tế của tâm hồn Việt Nam qua nhiều thế kỷ.

Trong hát Ca Trù, người hát, người đàn, người thưởng thức đều tham gia cuộc hát. Những khách nghe (quan viên) đều bình đẳng trước văn chương và âm nhạc. Mọi người thay nhau cầm chầu. Ai có bài thơ mới làm thì đưa cho Ca nương hát. Người hát, người đàn, người nghe cùng góp cho cuộc thưởng thức nhạc - thơ thêm hoàn hảo. Đó là một lối chơi tao nhã của cha ông ta suốt nhiều thế kỷ qua.

Với việc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, Ca Trù đã khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Những năm trở lại đây, Ca Trù đang tìm lại chỗ đứng trong đời sống văn hóa, nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm, giáo phường Ca Trù đã ra đời; cùng với đó là công tác đào tạo Đào nương cũng được chú trọng, góp phần nuôi dưỡng và gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc sắc này./.

 
Nhàn Thư

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top