Các địa phương cùng doanh nghiệp nỗ lực nối lại chuỗi lao động đứt gãy

09/02/2022 - 09:10 AM
Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp, nhà máy đối mặt với tình trạng thiếu hụt công nhân lao động. Để đảm bảo khôi phục hoạt động sản xuất cho những tháng cuối năm các địa phương đã chung tay cùng các doanh nghiệp nối lại chuỗi lao động đứt gãy.
 
Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ tư diễn biến phức tạp, kéo dài trong nhiều tháng cùng với việc thực hiện các Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương trong cả nước, doanh nghiệp tại Việt Nam đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Một số doanh nghiệp đã phải hoạt động cầm chừng chỉ với 30-50% số lao động do phải đảm bảo yêu cầu giãn cách, thậm chí nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, thể hiện qua sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký trong quý III/2021, kéo theo sự sụt giảm trong cả 9 tháng đầu năm. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm nay, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng, giảm 15% về số doanh nghiệp và giảm 22,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 11 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; 39,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 14,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,7%. Bình quân một tháng, cả nước có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
 
Sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp suy yếu đã tác động lớn đến thị trường lao động nước ta. Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, quý III/2021 của Tổng cục Thống kê cho biết, tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động chịu ảnh hưởng. Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7%. Theo đó, số lao động bị giảm thu nhập là 18,9 triệu, chiếm 67,2%.
 
Các địa phương cùng doanh nghiệp nỗ lực nối lại chuỗi lao động đứt gãy
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, lao động có việc làm trong quý III/2021 tiếp tục giảm sâu, 47,2 triệu người (mức thấp nhất trong nhiều năm qua), giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Quý III/2021 có số lao động trong độ tuổi1 thiếu việc làm là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III/2021 là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
Diễn biến bất thường của đại dịch Covid-19 cũng đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp nước ta tăng đột biến. Trong quý III/2021, cả nước có số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
 
Trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ lao động lao động chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch lần lượt là 59,1% và 44,7%. Con số này ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thấp hơn nhiều, lần lượt là 17,4% và 19,7%. Trong đại dịch, Đông Nam Bộ là vùng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động với 62,8% (giảm 7,9 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước), tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long với 65,4% (giảm lần lượt so với quý trước và cùng kỳ năm trước là 3,3 điểm phần trăm và 5,4 điểm phần trăm) và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 66,8% (lần lượt giảm 2,2 điểm phần trăm so với quý trước và 4,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long cũng là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong quý III/2021, cao hơn rất nhiều so với mức chung của cả nước. Có đến hơn 6% người lao động trong độ tuổi ở 2 vùng này đang tích cực tìm kiếm việc làm nhưng vẫn không tìm được việc, trong khi tỷ lệ này trước khi dịch Covid-19 bùng phát (quý III năm 2019) ở vùng Đông Nam Bộ chỉ là 2,33%, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 2,28%. Trong quý III năm 2021, tỷ lệ này đặc biệt cao ở Thành phố Hồ Chí Minh với 9,93%, cao gấp 4 lần so với thành phố Hà Nội (2,49%).
 
Mất việc làm cùng tâm lý lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly, hàng trăm nghìn lao động đã rời các tỉnh, thành phố nơi tập trung các khu công nghiệp lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… trở về địa phương. Tại Bình Dương, do phải hứng chịu sức tấn công mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19, chỉ trong 10 ngày đầu tiên ngay sau khi trở về trạng thái bình thường mới và nới lỏng giãn cách (bắt đầu từ 01/10), tỉnh đã giải quyết cho gần 90.500 trường hợp người dân cư trú trên địa bàn tỉnh về quê. Tương tự, đầu tháng 10 vừa qua, Tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước đưa khoảng 14.000 người dân, công nhân lao động đang sinh sống, làm việc tại Đồng Nai về quê.
 
“Những dòng người hồi hương” sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất do sự thiếu hụt cục bộ về lao động. Theo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc của Tổng cục Thống kê, trong số 22.764 doanh nghiệp thì có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%. Trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và Thành phố Hồ Chí Minh là 31,8%. Các ngành thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%).
 
Thiếu hụt lao động sẽ cản trở các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, cũng như cản trở sự phục hồi của nền kinh tế cả nước. Do đó, kết nối thị trường lao động không còn là vấn đề riêng của mỗi doanh nghiệp mà cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng.
 
Các địa phương cùng doanh nghiệp nỗ lực nối lại chuỗi lao động đứt gãy 1
Ảnh minh họa

Tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập, ổn định cuộc sống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, Thủ tướng đã nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích tinh thần và vật chất chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định… Thủ tướng đồng thời giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cơ quan khác triển khai cụ thể các nhiệm vụ này.
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, người lao động và đề xuất giải pháp thu thập thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; lãnh đạo các sở lao động - thương binh và xã hội trên toàn quốc trực tiếp chỉ đạo các phòng liên quan đến lao động - việc làm phối hợp chặt chẽ giữa với các trung tâm dịch vụ việc làm để thu thập thông tin thị trường lao động. Qua đó, hướng tới xây dựng mỗi trung tâm dịch vụ việc làm địa phương trở thành trạm quan trắc thông tin thị trường, bám sát doanh nghiệp, thị trường.
 
Cùng với đó, nhiều địa phương đã chủ động chia sẻ cùng doanh nghiệp, nỗ lực nối lại chuỗi lao động vừa bị đứt gãy. Tại Bình Dương, để giải quyết bài toán về thiếu hụt lao động, Tỉnh đã và đang có nhiều chính sách, giải pháp phục hồi thị trường lao động, cụ thể như thực hiện kế hoạch phối hợp thu hút, đưa đón người lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở lại Bình Dương làm việc. Tỉnh quy định rõ, tính đến hết ngày 20/11, người lao động ngoại tỉnh dù đã tiêm hay chưa tiêm vắc-xin, nếu có nhu cầu trở lại Bình Dương làm việc đều được đưa đón tận nơi, theo danh sách mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương. Người lao động về tỉnh Bình Dương làm việc sẽ được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người chưa tiêm mũi 1, cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 để đảm bảo đủ điều kiện khi trở lại các doanh nghiệp làm việc. Tỉnh cũng kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nhà ở,… cho người lao động khi trở lại Bình Dương làm việc. Thêm vào đó, Lãnh đạo tỉnh Bình Dương còn tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề thiếu hụt lao động. Thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục khảo sát, thu thập thông tin chính xác nhu cầu nguồn lao động, trình độ lao động… của doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất và tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động về thuê nhà trọ, sinh hoạt, đi lại…
 
Về phía các doanh nghiệp, để tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp đón lao động trở lại làm việc như tổ chức xe đưa đón hoặc sắp xếp chỗ ở cho công nhân; thưởng tiền động viên tinh thần, nâng cao chế độ phúc lợi.
 
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, để nối lại chuỗi lao động đứt gãy phục vụ cầu sản xuất cuối năm, bên cạnh việc đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất, hạn chế phụ thuộc vào nguồn lao động, một lượng lớn doanh nghiệp đang tích cực kêu gọi, bố trí phương tiện đưa đón công nhân trở lại, đồng thời triển khai hỗ trợ túi an sinh, chi phí thuê nhà, thuê khách sạn… để người lao động an tâm làm việc. Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, TP.Hồ Chí Minh có 127 cơ quan giới thiệu việc làm thực hiện kết nối lực lượng lao động có nhu cầu tìm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, các trường cao đẳng, trung cấp sẽ giới thiệu học sinh, sinh viên sắp ra trường cho doanh nghiệp có nhu cầu nguồn lao động. Nhờ đó, sau khi Thành phố mở cửa, đã có khoảng 150.000 lao động quay lại làm việc, nâng tổng số công nhân đang làm việc khoảng 230.000 người, tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
 
Bên cạnh những giải pháp thu hút người lao động trở lại của các tỉnh, thành phía Nam thì một số địa phương cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ việc làm và vốn vay cho những người gặp khó khăn khi hồi hương tránh dịch Covid-19. Điển hình là tại tỉnh Thanh Hóa, theo số liệu từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội địa phương này, từ ngày 27/4/2021 đến nay, số công nhân, lao động trở về từ các vùng dịch ở các tỉnh, thành trong cả nước là hơn 166.300 người. Để hỗ trợ nhóm đối tượng này tìm kiếm việc làm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa hồi hương từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Theo đó, người lao động trở về từ vùng dịch sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.  Bên cạnh đó, các Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã và đang tư vấn, hỗ trợ cho người lao động tìm kiếm việc làm mới qua nhiều hình thức để kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên cơ sở việc làm, phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và nguyện vọng của người lao động.
 
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Thanh Hóa cũng hỗ trợ người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch được vay vốn để giải quyết việc làm với mức 100 triệu đồng/người và không phải thế chấp tài sản, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Đối với người lao động thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay từ 100 triệu đồng trở lên, phải có phương án kinh doanh khả thi, có tài sản bảo đảm tiền vay. Theo thông tin của Ngân hàng, tính đến cuối tháng 9/2021, có khoảng 70 lao động trở về từ vùng dịch đăng ký vay vốn giải quyết việc làm với số tiền trên 5 tỷ đồng. Những giải pháp thiết thực, cách làm linh hoạt của tỉnh Thanh Hóa trong việc hỗ trợ công dân hồi hương có việc làm, ổn định cuộc sống tại quê nhà đã góp phần chia sẻ khó khăn cho những địa phương vùng tâm dịch, đồng thời thể hiện trách nhiệm với công dân là người địa phương, trách nhiệm ổn định xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch./.

ThS. Nguyễn Phương Tú
Đại học Công nghiệp Hà Nội

 
Trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến 55 tuổi 4 tháng (năm 2021 - theo Bộ luật Lao động 2019).

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top