Trong suốt quá trình phát triển của Thống kê Việt Nam, vấn đề điều phối hoạt động thống kê nhà nước luôn được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Đặt biệt sau khi Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho hoạt động thống kê nhà nước, trong đó có những quy định về điều phối hoạt động thống kê nhà nước.
Các quy định về điều phối hoạt động thống kê nhà nước đã làm rõ một số nội dung:
Một là, khẳng định Cơ quan thống kê trung ương là thực hiện chức năng điều phối hoạt động thống kê. Tại khoản 3, Điều 62 Luật Thống kê quy định: “Cơ quan thống kê trung ương là cơ quan thống kê quốc gia, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các tổ chức, cá nhân”.
Hai là, phân định nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn về thống kê của các cơ quan trong hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, trong đó vai trò điều phối chung về hoạt động thống kê được giao cho cơ quan thống kê trung ương.
Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước bao gồm: Hệ thống tổ chức thống kê tập trung và tổ chức thống kê bộ, ngành. Hệ thống thống kê tập trung được tổ chức theo ngành dọc, bao gồm: Cơ quan thống kê trung ương và các cơ quan thống kê địa phương chịu trách nhiệm thống kê về toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội; Tổ chức thống kê bộ, ngành chịu trách nhiệm thống kê các thông tin phục vụ quản lý điều hành của bộ, ngành. Cách thức tổ chức này đã hỗ trợ cho việc quản lý thống nhất công tác thống kê từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, còn hỗ trợ yêu cầu thông tin của các cấp quản lý hành chính khác nhau trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tạo điều kiện để Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành thường xuyên trao đổi với nhau về việc thực hiện các hoạt động thống kê. Trong quá trình này, Tổng cục Thống kê có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê đối với các bộ, ngành và địa phương trong công tác thống kê.
Ba là, công tác điều phối trong hoạt động thống kê nhà nước đã được thể hiện thông qua các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê, cụ thể:
- Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thống kê: Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giúp Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thống kê và các văn bản khác liên quan về thống kê thuộc lĩnh vực được giao.
- Về xây dựng các hệ thống chỉ tiêu thống kê: Tổng cục Thống kê căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung Danh mục và nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương. Thủ trưởng bộ, ngành căn cứ vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công và yêu cầu quản lý, sử dụng của mình để ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Về xây dựng các bảng phân loại thống kê: Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảng phân loại thống kê quốc gia. Thủ trưởng bộ, ngành ban hành bảng phân loại thống kê chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách thống nhất với phân loại thống kê quốc gia tương ứng. Các bảng phân loại thống kê do bộ, ngành ban hành đều phải đáp ứng các yêu cầu của việc xây dựng, ban hành bảng phân loại thống kê và không được trùng lặp hoặc chồng chéo với các bảng phân loại thống kê do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Về xây dựng và thực hiện điều tra thống kê: Tổng cục Thống kê chủ trì, tổng hợp nhu cầu về các cuộc điều tra thống kê của các bộ, ngành và các cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê trực tiếp thực hiện theo quy định của Luật Thống kê để làm cơ sở xây dựng Chương trình điều tra thống kê quốc gia bảo đảm các cuộc điều tra phù hợp với yêu cầu thu thập thông tin của Nhà nước. Đồng thời, Tổng cục Thống kê chịu trách nhiện theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình điều tra thống kê quốc gia và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
Ảnh minh họa
Thủ trưởng bộ, ngành quyết định các cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về các chỉ tiêu thống kê phục vụ yêu cầu quản lý của bộ, ngành nhưng không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thực hiện điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin có tính chất đặc thù phục vụ yêu cầu quản lý của các cấp lãnh đạo địa phương.
- Về công tác thẩm định: Tổng cục Thống kê là cơ quan thống kê trung ương, có vai trò chủ trì, điều phối công tác thống kê trên cả nước; đồng thời là cơ quan chuyên ngành về thống kê, quản lý và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê. Vì vậy, các hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành; phương án điều tra thống kê của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; Số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải có sự thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục Thống kê để bảo đảm thống nhất về nội dung, phương pháp tính và tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thống kê. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Tổng cục Thống kê, bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình bằng văn bản.
- Về sử dụng dữ liệu hành chính: Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp, thống nhất với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp cung cấp, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước theo quy định của pháp luật. Theo đó, tổ chức thống kê tập trung (bao gồm Tổng cục Thống kê và các cơ quan thống kê địa phương) có quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu của cơ quan thực hiện chế độ báo cáo thống kê. Cơ quan thực hiện chế độ báo cáo thống kê có trách nhiệm cung cấp thông tin thuộc cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu do mình quản lý theo yêu cầu của tổ chức thống kê tập trung. Cơ quan thực hiện chế độ báo cáo thống kê được tổ chức thống kê tập trung cung cấp trở lại thông tin thống kê tổng hợp và được quyền khai thác cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp có liên quan của tổ chức thống kê tập trung.
- Về hoạt động quản lý chất lượng thống kê: Tổng cục Thống kê xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tổ chức, điều phối thực hiện tiêu chuẩn quản lý và đánh giá chất lượng thông tin thống kê.
(Nguồn: Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê)