Cách GenZ “nêm gia vị” cho cuộc sống hiện đại

01/02/2025 - 07:20 PM

Nhịp sống số đang thay đổi cách sống của chúng ta. Trong một xã hội hiện đại bùng nổ công nghệ số, những tưởng các bạn trẻ ngày nay bị “chìm đắm” trong xu hướng hội nhập, pha trộn và giao thoa văn hóa đa quốc gia mà thờ ơ với các giá trị nghệ thuật truyền thống. Nhưng trái ngược với điều đó, giới trẻ Việt Nam đang định hình lại cách họ tìm hiểu, giữ gìn, phát huy và thưởng thức những giá trị văn hóa truyền thống, vốn là hồn cốt của quốc gia. Giữa các dòng văn hóa ngoại lai du nhập mạnh mẽ, các bạn trẻ GenZ - thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ số, toàn cầu hóa đã biết cách “nêm gia vị” cho cuộc sống của mình thêm thú vị hơn bằng sự sáng tạo, kết hợp giữa công nghệ, nghệ thuật và giao lưu quốc tế để khám phá và lan tỏa giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống đa lĩnh vực, từ hội họa, kiến trúc, trang phục, văn học cho tới âm nhạc, kịch nghệ...

Trong lĩnh vực âm nhạc, các nghệ sĩ trẻ đã khéo léo “kết duyên” giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, đưa những bài vè, đồng dao... vào trong lời hát, hay đưa các nhạc cụ truyền thống như tiếng khèn, đàn nguyệt... trở thành một phần trong bản phối, tạo nên một sản phẩm âm nhạc khác lạ, vừa mang nét độc đáo, duyên dáng của văn hóa dân gian, vừa có sự tươi mới thời thượng của nghệ thuật hiện đại.

Chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” được nhắc đến như một cầu nối đưa các bạn trẻ trở lại với văn hóa dân gian và những ca khúc “đi cùng năm tháng”. Những bản cover (làm lại từ bản gốc) đầy sáng tạo, dàn dựng bối cảnh và tạo hình đậm chất hoài cổ đã biến tấu chất liệu dân gian như chèo cổ, cải lương, múa chén... hòa cùng phong cách rap và hơi hướng R&B mang màu sắc đương đại, mới mẻ đã làm sống lại những giai điệu quen thuộc như “Trống cơm”, “Áo mùa đông - Trở về”, “Mẹ yêu con”, “Mưa trên phố Huế” hay những bản kinh điển “Dạ cổ hoài lang”, “Đào liễu”... Ngọn lửa đam mê với văn hóa dân tộc của những người làm nên “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã vẽ nên một bức tranh văn hóa Việt Nam đa sắc màu, sống động, mang vẻ đẹp của dòng chảy âm nhạc qua từng thời kỳ. Chương trình đã tạo được tiếng vang, mang sức lan tỏa lớn, làm mới và nâng cao giá trị của kho tàng văn hóa Việt Nam và được thế hệ GenZ đón nhận nồng nhiệt.

Cách GenZ “nêm gia vị” cho cuộc sống hiện đại

Tiết mục Trống cơm đầy thú vị ở công diễn 1 Anh trai vượt ngàn chông gai được thế hệ GenZ đón nhận nồng nhiệt

Dù trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, song vẫn có những bạn trẻ âm thầm thắp lên ngọn lửa tình yêu với di sản văn hóa cha ông. Minh chứng là nghệ thuật “Xẩm” đang được hồi sinh trước dòng chảy mạnh mẽ của nghệ thuật giải trí hiện đại, với sự du nhập của nhiều loại hình mới qua những lớp học của các bạn trẻ có niềm đam mê gìn giữ nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đến với chương trình “Xẩm trong phố” nằm trong chuỗi dự án “Di sản trong lòng phố” thuộc Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH), không ít các bạn trẻ thế hệ GenZ chìm đắm trong không gian hoài niệm của căn nhà cổ Hà Nội, lắng nghe tiếng “xẩm đàn - xẩm kể - xẩm ca” và được “gieo” tình yêu xẩm bởi những người bạn cùng trang lứa của nhóm Xẩm 48h. Cũng ở không gian đó, nhiều làn điệu cách tân dựa trên chính các giai điệu xẩm cổ của cha ông đã được các bạn trẻ nhóm Xẩm 48h sáng tạo, lồng ghép, thổi vào xẩm hơi thở thời đại gần gũi, dễ tiếp thu hơn, giúp công chúng dễ dàng “chạm” vào nghệ thuật truyền thống.

Hay đến với nhóm Xẩm Hà thành, thế hệ GenZ sẽ được tìm hiểu những câu chuyện“Xẩm từ đâu tới?”, “Xẩm đến Hà Nội thế nào?”, “Xẩm thăng hoa ra sao những năm đầu thế kỷ XX?” và bị “hớp hồn” bởi những bài xẩm thời hiện đại như: Tiêu diệt Corona, Chồng say…. Đưa hát xẩm hòa nhịp với hơi thở cuộc sống đương đại, nhóm Xẩm Hà thành còn đưa hát xẩm lên nền tảng số qua các kênh âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam, thậm chí là các kênh quốc tế như: Spotify, Apple Music… và đưa Xẩm trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa.
 
Cách GenZ “nêm gia vị” cho cuộc sống hiện đại 1

Không chỉ đưa hát xẩm hòa nhịp với hơi thở cuộc sống đương đại, nhóm Xẩm Hà thành còn đưa hát xẩm lên nền tảng số qua các kênh âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam, thậm chí là các kênh quốc tế

Ở lĩnh vực hội họa, hình ảnh của những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách hội họa truyền thống cũng ngày một xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng trẻ. Thông qua các thiết bị di động như smartphone, tablet... nhiều họa sĩ trẻ đã sử dụng nhiều hình ảnh chủ đạo quen thuộc với người Việt Nam như áo tứ thân, nón lá, nghệ thuật tuồng... cùng nét vẽ hoạt họa tạo ấn tượng để thổi hồn dân tộc vào trong các tác phẩm của mình.

Số hóa di sản đang là xu hướng để giới trẻ lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc. Mang tinh thần trẻ trung, sáng tạo, những bạn trẻ đam mê tìm hiểu văn hóa và nghệ thuật dân tộc ở thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ, đồ họa kỹ thuật số để số hóa các hoa văn Zèng của thổ cẩm dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) trên nền phong cách bitmap và pixel, vừa lan tỏa nét đẹp truyền thống, vừa góp phần bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống thổ cẩm Zèng bằng các phương tiện hiện đại; giúp những giá trị tốt đẹp của nghề dệt Zèng xuất hiện nhiều hơn trong thời đại số. Chuỗi câu chuyện “Hồi xưa” và “GenZ tả ZènG, từ A đến Z” của các bạn trẻ đã mang đến cho cộng đồng những trải nghiệm của các chuyến đi thực tế về huyện A Lưới, những câu chuyện về con người và vùng đất, tín ngưỡng, tập quán… qua lăng kính công nghệ số, để mọi người có thể khám phá nghề dệt qua nền tảng số và lan tỏa nét đẹp truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Bên cạnh thay đổi “khẩu vị” thưởng thức các loại hình nghệ thuật, thay vì chọn những điểm đến xa hoa, giới trẻ ngày nay ưu tiên khám phá các làng nghề truyền thống, các khu chợ cổ và tham gia các lớp học trải nghiệm như làm gốm ở Bát Tràng, nấu ăn truyền thống ở Hội An, hay vẽ tranh Đông Hồ. Giới trẻ còn hào hứng tới “check in” và tìm hiểu lịch sử tại những di tích lịch sử, văn hóa như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quảng trường Ba Đình, căn nhà nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập...

Bào tàng lịch sử dường như bị ngủ quên cũng được các bạn trẻ đánh thức sau một giấc ngủ dài. Đặc biệt gần đây, sự xuất hiện của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tạo ra một “cơn sốt”, thu hút sự chú ý của thế hệ GenZ. Các bạn trẻ hào hứng đến tham quan để tận mắt chứng kiến những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, hiểu hơn những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc; thấm thía hơn về những công lao và sự hy sinh to lớn của cha ông ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Cách GenZ “nêm gia vị” cho cuộc sống hiện đại 2

Giữa dòng chảy hội nhập của cuộc sống hiện đại cùng sự hỗn tạp văn hóa ngoại lai du nhập, thế hệ trẻ GenZ vẫn biết cách chọn lọc và kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống để bắt nhịp với bước đi của thời đại

Rõ ràng, giữa dòng chảy hội nhập của cuộc sống hiện đại cùng sự hỗn tạp văn hóa ngoại lai du nhập, thế hệ trẻ GenZ vẫn biết cách chọn lọc và kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống để bắt nhịp với bước đi của thời đại, hướng tới xây dựng một diện mạo nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt, song mới mẻ và ấn tượng hơn.

Với sự sáng tạo và tinh thần cởi mở, nhiệt huyết, thế hệ GenZ đang góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc. Họ không chỉ là những người thừa hưởng trải nghiệm mà còn là những người "định hình" lại giá trị văn hóa theo cách riêng, đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thế hệ mới và bạn bè quốc tế./.

Ngọc Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top