Cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Sức “nóng” từ Nghị quyết 02/2020

25/03/2020 - 04:04 PM
Những nỗ lực không mệt mỏi
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua. Năm 2014 lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2014 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kể từ đây, vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu.
 
Cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Sức “nóng” từ Nghị quyết 02/2020

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo đó, trong 6 năm liên tiếp từ năm 2014 đến 2019, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả thực hiện các Nghị quyết này đã giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện tới 30 bậc trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh (Doing Business), từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018. Năm 2019, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện điểm số và thứ hạng: Năng lực cạnh tranh quốc gia (GCI) tăng 3,5 điểm và 10 bậc; Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm; Năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cải thiện thêm 4 bậc; Môi trường kinh doanh tăng 1,2 điểm.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020, Việt Nam xếp thứ 70/190 nền kinh tế trên toàn thế giới. Trong 10 chỉ số được đánh giá, Việt Nam có 5 chỉ số nâng hạng gồm: Khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng và nộp thuế; 4 chỉ số giữ nguyên hạng gồm: Giao dịch thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, giải quyết tranh chấp hợp đồng và đăng ký sở hữu tài sản. Đặc biệt, chỉ số nộp thuế có điểm tăng mạnh từ 62,9 lên 69 điểm nhờ việc nâng cấp hạ tầng thông tin của Tổng cục Thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng hơn. Chỉ số tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm nhờ cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tín dụng bằng cách phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ…

 
Thực tế cho thấy, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như trách nhiệm của mình, nhiều cơ quan đã chủ động và tích cực hơn trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ được giao nhằm nâng điểm số và thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị. Trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 02 cho thấy, về cắt giảm điều kiện kinh doanh, năm 2018 là năm trọng điểm về cắt giảm điều kiện kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hầu hết các Bộ, ngành đều đã ban hành được Nghị quyết về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý. Các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa của nhiều Bộ vượt mức 50%. Sau hơn 3 năm kể từ năm 2016, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang tiếp tục được tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung với tinh thần vừa thúc đẩy cải cách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước. Các danh mục đã được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng bãi bỏ 12 ngành nghề và sửa đổi 19 ngành nghề. Bên cạnh đó, tại các văn bản xây dựng pháp lý khác thì quá trình xây dựng, thẩm định cũng được chú trọng hơn về các yếu tố ban hành mới các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh.
 
Việc sửa đổi, bổ sung các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã thể hiện được nỗ lực của tinh thần cải cách cũng như những cố gắng bền bỉ của cả hệ thống chính trị. Trước hết, đó là những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy các cải cách thể chế mạnh mẽ như: Mở cửa thị trường; ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục mở rộng không gian thị trường; cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thực hiện chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Trong năm 2019, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đã nỗ lực để khai trương đưa vào vận hành 3 hệ thống: Trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống văn bản họp và xử lý công việc của Chính phủ; cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là những sản phẩm thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Chính phủ với các Bộ, ngành địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Những nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã mang lại hiệu quả khá tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao: Nếu như năm 2017, có hơn 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện thì năm 2018 đã giảm xuống còn 48%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm từ 42% xuống còn 34%.

Đánh giá về thủ tục hành chính trên cổng một cửa quốc gia về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, tỷ lệ các doanh nghiệp nhận định những thuận lợi khi thực hiện qua cơ chế này khá cao. Về giảm thời gian tiếp nhận xử lý 61% doanh nghiệp lựa chọn; thủ tục nhanh gọn, đơn giản 61%; thời gian chuẩn bị hồ sơ doanh nghiệp 51%; giao diện thân thiện, dễ hiểu 50%; minh bạch trong thủ tục 42%. Các doanh nghiệp cũng cho biết, thực hiện thủ tục hành chính trên cổng một cửa quốc gia đã giúp họ giảm chi phí chuẩn bị hồ sơ 40%; giảm nhân lực khi thực hiện 35%; tăng hiệu quả quản lý 32%.
Về dịch vụ công trực tuyến trong đánh giá thực hiện Nghị quyết 02 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) khi so sánh tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá có cải thiện trong giai đoạn 2017-2019 cho kết quả năm 2019 cao hơn rõ rệt. Tất cả 11 lĩnh vực của Nghị quyết 19 đều có sự cải thiện với điểm trung bình tăng từ 51,7% năm 2017, lên mức 57,5% của năm 2019.
 
Nghị quyết 02/2020: Thêm sức nóng cải thiện môi trường kinh doanh
Ngày 01/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Theo đó, năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB)) tăng 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lên 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO) lên 3-4 bậc; chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) lên 10-15 bậc. Căn cứ vào mục tiêu này, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành để cắt giảm điều kiện kinh doanh, cũng như nâng cao chỉ số mà các Bộ, ngành đó quản lý.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 02/2020

  • Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập;
  • Giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động;
  • Giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân;
  • Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội;
  • Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.

Một trong những giải pháp đáng chú ý được Chính phủ nêu ra tại Nghị quyết 02 là sẽ rút ngắn thời gian giải quyết TTHC ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mang tính “nhạy cảm” như thuế, xây dựng, điều kiện kinh doanh... Chẳng hạn về kinh doanh, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp; giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/tự in hóa đơn và thông báo phát hành đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày.
 
Về thời gian cấp phép, thanh tra, kiểm tra xây dựng, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát lại quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày; nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm giảm số lượng các cuộc kiểm tra, số lần phê duyệt.

Về cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, phải cập nhật và công bố công khai các TTHC liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đđiều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi để tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh...

Một điểm nhấn đáng chú ý khác của Nghị quyết 02/NQ-CP là Chính phủ quyết tâm cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Theo đó, phần việc mà các Bộ, ngành phải thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết 02/NQ-CP không dừng lại ở việc rà soát, xây dựng phương án cắt giảm ĐKKD, thủ tục hành chính… như những năm trước. Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đĐKKD đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các ĐKKD trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá và phải thực hiện ngay trong quý I/2020. Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt…

Như vậy, với yêu cầu này thì trong quý I/2020, việc cập nhật và công bố các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đđiều kiện kinh doanh; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá phải hoàn tất. Để làm được việc này, các bộ, ngành sẽ phải rà soát và gọi tên từng điều kiện kinh doanh, từng thủ tục hành chính đã thay đổi và công khai trên cổng thông tin của mình.

Theo các chuyên gia kinh tế, trên thực tế, việc cắt giảm ĐKKD thời gian qua mới dừng ở cấp nghị định, nhiều ĐKKD quy định trong các luật đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện có khoảng 38 luật có quy định về ĐKKD đang là rào cản đối với doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, VCCI chỉ ra, các ĐKKD trong luật thường rất chung chung, đến khi xây dựng nghị định, các phương án cụ thể hóa rất khác nhau. Cách làm này rất bất cập vì cơ quan nhà nước liệt kê từng trang thiết bị thì có thể dẫn tới vừa thừa, vừa thiếu. Nếu cơ quan nhà nước không áp dụng biện pháp liệt kê mà lại quy định định tính thì có nguy cơ không đáp ứng yêu cầu về minh bạch của quy định, nhưng do các điều kiện này đã có trong luật nên cấp nghị định không thể bãi bỏ được. Chính vì vậy, yêu cầu cải cách thực chất các ĐKKD được đưa ra nhằm đảm bảo rằng các cải cách đã được thực hiện phải được thực thi đầy đủ, để tất cả cộng đồng doanh nghiệp có liên quan được hưởng lợi và hưởng lợi đầy đủ.

Song song với yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định ban hành ĐKKD trong các dự thảo luật, nghị định, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực thi đúng, đầy đủ những quy định ĐKKD đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm ĐKKD dưới mọi hình thức…

Hy vọng rằng, việc thực hiện Nghị quyết 02 với những chỉ tiêu cao, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đặt ra, cùng với sự thực hiện nghiêm túc của các bộ, ngành và địa phương thì năm 2020 môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ có những bước tiến mạnh mẽ./.

Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 02/2020

  • Tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh;
  • Cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh;
  • Tiếp tục cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN;
  • Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4;
  • Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

 
ThS. Nguyễn Thị Diệu Hiền
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top