Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào cuối năm 2023 của Samdech Thipadei Thủ tướng Hun Manet, nguyên thủ 2 nước Việt Nam - Campuchia đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong quan hệ 2 nước, trong đó nhấn mạnh phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD. Vấn đề này một lần nữa được Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol đưa ra trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái tại Diễn đàn Nikkei Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản trong tháng Năm vừa qua.
Cụ thể, hai bên bày tỏ hài lòng về mối quan hệ hợp tác song phương chặt chẽ và hiệu quả hiện nay giữa Campuchia và Việt Nam, đồng thời khẳng định cam kết tăng cường hợp tác sâu sắc hơn vì lợi ích chung của cả hai nước. Thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia đã có bước tiến lớn, tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2015-2022 và vượt 10 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam tiếp tục đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia với 205 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,95 tỷ USD.
Campuchia nhấn mạnh mong muốn nâng kim ngạch thương mại với Việt Nam lên 20 tỷ USD
Với đà tăng trưởng quy mô thương mại khả quan trong những tháng đầu năm 2024, Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN mà còn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong quý I năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới khi tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2,32 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Campuchia sau Mỹ, với kim ngạch 1,39 tỷ USD trong quý I/2024, tăng ấn tượng 53% so với cùng kỳ năm trước. Campuchia chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, sắn, dừa và cao su sang Việt Nam và nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm xăng dầu tinh chế và sắt thép.
Theo cơ cấu thị phần, Mỹ chiếm 31,7% thị phần xuất khẩu của Campuchia với 2,04 tỷ USD trong quý I/2024, Việt Nam chiếm 22,2% thị phần. Trung Quốc ở vị trí thứ ba với kim ngạch xuất khẩu từ Campuchia đạt 366 triệu USD, tăng 11,4%, nhưng chỉ chiếm 5,8% thị trường.
Campuchia cũng nhập khẩu lượng lớn từ Việt Nam, với 934 triệu USD hàng hóa nhập khẩu trong quý I/2024. Nhập khẩu của Campuchia từ Trung Quốc chiếm phần lớn nhất, đạt 2,84 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh quan hệ song phương, trong quan hệ thương mại đa phương, thương mại của Campuchia với các nước thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong đó có Việt Nam đã tăng 13,98% lên 11,19 tỷ USD. Theo Báo cáo của Bộ thương mại Campuchia, từ tháng Một đến tháng Tư năm 2024, Campuchia đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 3,36 tỷ USD sang RCEP, tăng 16,2% so với 2,89 tỷ USD cùng kỳ năm 2023 trong khi nhập khẩu tăng 13% lên 7,83 tỷ USD. Thương mại với các nước RCEP chiếm 66,2% trong tổng thương mại quốc tế trị giá 16,91 tỷ USD của cả nước.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của đất nước này với kim ngạch thương mại song phương đạt 4,48 tỷ USD, tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan với kim ngạch thương mại lần lượt là 3,01 tỷ USD và 1,40 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hội đồng Phát triển Campuchia đã phê duyệt 128 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, tăng lần lượt 97% và 327%. Các nguồn vốn đầu tư chính được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư trong nước, tiếp theo là các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm đa số và phần còn lại đến từ Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc và Malaysia.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Campuchia. Trong đó có hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, vốn là những lĩnh vực trọng tâm được lãnh đạo hai nước hết sức quan tâm. Đồng thời, Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các hiệp định, biên bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết như: Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước, thỏa thuận Thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2023 - 2024, Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giai đoạn 2023 - 2028. Bên cạnh đó, giới đầu tư và kinh doanh của hai nước sẽ xúc tiến tìm kiếm những cơ hội tốt để đầu tư, trao đổi thương mại trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đây chính là những tiền đề cơ bản để Việt Nam và Campuchia có thể nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 20 tỷ USD như kỳ vọng./.
P.V