Tóm tắt: Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Điều này cùng sự phát triển của xã hội hiện đại đã kéo theo nhu cầu về những không gian sống, tĩnh dưỡng lý tưởng dành cho người già với mô hình viện dưỡng lão. Bắt nhịp xu hướng đó, các “ông lớn” đã nhanh chóng tham gia vào phát triển loại hình bất động sản dưỡng lão, song vẫn cần có thêm những chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ Chính phủ.
Từ khóa: Bất động sản dưỡng lão, người cao tuổi, già hóa, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, đầu tư.
Abstract: Vietnam is one of the countries with the fastest population aging rate in the world. This problem and the development of modern society have led to the demand for ideal living and retreat spaces for the elderly with the model of nursing homes. Catching up with that trend, the “big guys” have quickly participated in the development of elderly care real estate, but still need incentive and support policies from the Government.
Bước chuyển lớn từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, năm 2019, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) là 11,41 triệu người, chiếm 11,86% tổng dân số cả nước. Giai đoạn 2009 – 2019, số lượng NCT và tỷ lệ dân số cao tuổi trong tổng dân số đều tăng lên rõ rệt. Tính trung bình trong giai đoạn 2009-2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm. Mức sinh có xu hướng giảm trong những năm gần đây đã và đang tác động đến cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ sinh toàn quốc năm 2023 là khoảng 1,9 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,6 con/phụ nữ vào năm 1989 và là mức thấp nhất từ trước đến nay.
Với đà giảm của mức sinh hiện nay, Tổng cục Thống kê dự báo, số lượng người cao tuổi sẽ đạt 17,28 triệu người (chiếm 16,5% tổng dân số cả nước) vào năm 2029; 22,29 triệu người (chiếm 20,21% tổng dân số) vào năm 2038; 28,61 triệu người (chiếm 24,88% tổng dân số) vào năm 2049 và 31,69 triệu người (chiếm 27,11% tổng dân số) vào năm 2069. Dự báo dân số theo giả định mức sinh trung bình cho thấy, tỷ lệ người 65 tuổi trở lên sẽ đạt 14,17% tổng dân số vào năm 2036. Khi đó Việt Nam sẽ có bước chuyển lớn, bước vào thời kỳ dân số già, từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới
Bất động sản dưỡng lão thu hút nhà đầu tư
Tốc độ già hóa dân số nhanh và số lượng người cao tuổi ngày càng nhiều cùng sự phát triển của xã hội hiện đại, lực lượng lao động trẻ có xu hướng làm ăn xa, không có thời gian để chăm sóc người thân đã kéo theo nhu cầu về những không gian sống, tĩnh dưỡng lý tưởng dành cho người già với mô hình viện dưỡng lão, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Dù mô hình dưỡng lão không còn quá xa lạ đối với người Việt Nam, song số lượng viện dưỡng lão ở nước ta chưa nhiều. Hầu hết các cơ sở hoạt động với hai mô hình chủ yếu là viện dưỡng lão nhà nước và viện dưỡng lão tư nhân. Nhiều cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu nghiêm khắc về cơ sở vật chất và chất lượng chăm sóc người cao tuổi.
Theo khảo sát và của Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), hiện cả nước chỉ có 32/63 tỉnh, thành phố có viện dưỡng lão với trên 400 cơ sở, khoảng 50% trong số đó là các trung tâm từ thiện hoặc trung tâm do nhà nước đầu tư.
Tại thành phố lớn Hồ Chí Minh cũng chỉ có 20 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người cao tuổi (trong đó 7 cơ sở công lập, 13 cơ sở ngoài công lập). Các viện dưỡng lão công lập chưa đáp ứng hết nhu cầu của người cao tuổi, chưa phủ hết 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức và cũng chưa có viện dưỡng lão chất lượng cao.
Trong xu hướng già hóa dân số, nguồn cung viện dưỡng lão thiếu hụt là dư địa lớn để phát triển ngành viện dưỡng lão ở nước ta. Đây không chỉ là “mảnh đất màu mỡ” cho giới kinh doanh mà còn có ý nghĩa nhân văn góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Có cầu ắt có cung, thị trường bất động sản dưỡng lão đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư. Một số “ông lớn” như Vingroup, Sungroup… đã nhanh chóng bắt nhịp xu hướng, đón đầu cơ hội, tham gia vào phát triển loại hình bất động sản này.
Trong năm 2024, thị trường bất động sản dưỡng lão khởi động bằng cái “bắt tay” giữa tập đoàn Vingroup và tập đoàn y tế Well Group (Nhật Bản) vào tháng Ba để phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cao cấp tại Việt Nam theo hai hình thức: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong ngày và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn (nhà dưỡng lão). Trong đó, có mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cao cấp tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 (Ocean City, Hà Nội).
Cùng với việc nghiên cứu triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn, Vingroup cũng đang lên kế hoạch mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình trên toàn chuỗi nhằm bổ sung viện dưỡng lão cao cấp vào danh sách “những đặc quyền đẳng cấp chỉ có ở Vinhomes”.
Tháng Tám vừa qua, tập đoàn Sun Group cũng chính thức triển khai dự án đại đô thị Sun Urban City tại Hà Nam, theo mô hình đô thị nghỉ dưỡng ngoại ô với quy mô lên đến 420 ha, tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng, cung cấp khoảng 1.000 tiện ích, chăm sóc sức khỏe toàn diện người cao tuổi tại khu dưỡng lão, bệnh viện chuyên biệt.
Thị trường bất động sản dưỡng lão đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư
Khởi công từ tháng 7/2022, sắp tới đây viện dưỡng lão Phương Đông Asahi của Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông tại Hà Nội đi vào hoạt động như thêm một “cú hích” trong lĩnh vực nghỉ dưỡng - dưỡng lão vốn đang khan hiếm, khi sở hữu hệ thống cơ sở vật chất 5 sao, dịch vụ chuyên nghiệp cùng những tiện ích hàng đầu, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng, nâng tầm trải nghiệm dưỡng lão cao cấp tại Việt Nam, mang đến môi trường chăm sóc sức khỏe toàn diện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người cao tuổi theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Savills Việt Nam (công ty 100% vốn nước ngoài, có gần 30 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện trong lĩnh vực bất động sản nước ta) cho biết, trong tương lai gần, bất động sản dưỡng lão Việt Nam sẽ phát triển ở những khu vực ngoại thành, vùng ven các đô thị lớn, để người già không phải ở quá xa người thân và vẫn muốn có một đời sống thoải mái, tĩnh dưỡng tuổi già.
Phát triển chưa xứng tiềm năng
Bất động sản dưỡng lão là phân khúc tiềm năng, cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, do nhu cầu thực tại Việt Nam khá lớn và đây là thị trường “ngách” có mức độ cạnh tranh thấp. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản dưỡng lão nước ta khó phát triển bởi gặp không ít rào cản, một trong số đó là tư duy, định kiến của người Việt. Với quan niệm “nhỏ cậy cha, già cậy con” đã ăn sâu vào nếp nghĩ, phần lớn người Việt khá “e ngại” khi đưa bố mẹ, ông bà mình vào những nơi có dịch vụ dưỡng lão, bởi quan điểm cho rằng trung tâm, viện dưỡng lão chỉ dành cho những người cao tuổi không có người thân và nơi đây giống như bệnh viện, chỉ để chăm sóc những người già có sức khoẻ yếu. Như vậy, ngay từ đầu, sự xuất hiện của phân khúc này dường như đã bị “hiểu sai, hiểu thiếu” về mặt nhận diện. Điều này vô hình chung khiến bất động sản dưỡng lão tuy không mới nhưng mãi vẫn “chưa thể quen” và các nhà đầu tư còn cân nhắc, đặt lên bàn cân giữa chi phí đầu tư và lợi nhuận thu về vì sợ lâm vào cảnh “bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ”.
Từ góc nhìn đầu tư, các nhà kinh doanh vẫn chưa thực sự sẵn sàng rót tiền vào phân khúc này do Việt Nam chưa có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, xây dựng, vận hành các bất động sản dưỡng lão, trong khi chi phí đầu tư, xây dựng các cơ sở này không nhỏ, vì ngoài các đặc tính của một dự án bất động sản thông thường, phân khúc bất động sản này còn cần thêm các yếu tố liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe, có tính đặc thù và chuyên sâu hơn.
Thêm vào đó, đối tượng khách hàng là người cao tuổi, nên rủi ro về sức khoẻ rất cao. Vấn đề này liên quan đến quy định phạm vi trách nhiệm và hiện nay cũng chưa có hành lang pháp luật cụ thể. Đây cũng là một vấn đề “nhạy cảm” khiến các nhà đầu tư còn dè dặt khi rót tiền vào phân khúc bất động sản dưỡng lão.
Cần có những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước
Đầu tư, phát triển bất động sản dưỡng lão là xu hướng và cũng là nhu cầu xã hội cần thiết của nền kinh tế trong bối cảnh công nghiệp hóa ngày càng mạnh mẽ và tốc độ già hóa ngày một nhanh. Để bất động sản dưỡng lão phát triển, khai thác tốt tiềm năng và cũng nhằm đảm bảo đủ số lượng cơ sở và chất lượng chăm sóc cho người cao tuổi cho một xã hội già trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý, có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các loại hình chăm sóc người cao tuổi thông qua các chính sách về đất đai, nguồn vốn, thuế, phí, lãi suất, cải cách thủ tục hành chính…
Đồng thời, Chính phủ cũng cần có những quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể, minh bạch về tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động, cơ chế vận hành viện dưỡng lão để có những điều kiện chăm sóc người cao tuổi tốt nhất cũng như tránh rủi ro cho các nhà đầu tư.
Hiện, các cơ sở dưỡng lão tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một bộ phận người cao tuổi rất nhỏ ở khu vực đô thị do số lượng có hạn và chi phí cung cấp dịch vụ tại các cơ sở tư nhân còn cao so với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam nói chung và mức thu nhập của người cao tuổi nói riêng.
Do đó, để thị trường bất động sản dưỡng lão phát triển, Việt Nam cũng cần có các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện để khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ.
Những giải pháp trên sẽ là chất xúc tác, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản dưỡng lão nước ta phát triển, khai thác tốt tiềm năng, đồng thời đảm bảo cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội cho một xã hội già hóa đang đến gần./.
Quang Vinh
Tài liệu tham khảo:
1. Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, Tổng cục Thống kê (2021).
2. Tình hình dân số và lao động việc làm quý IV và năm 2023, Tổng cục Thống kê.