Chăm sóc người cao tuổi - giải pháp ứng phó với xã hội già hóa ở Việt Nam

01/10/2024 - 09:45 AM
Già hóa dân số là một trong những xu hướng và đặc điểm quan trọng nhất của thế kỷ 21. Giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2009-2019, dân số cao tuổi tăng từ 7,45 triệu lên 11,41 triệu, tương ứng với tăng từ 8,68% lên 11,86% tổng dân số. Dân số cao tuổi tăng thêm chiếm gần 40% tổng dân số tăng thêm. Cũng trong giai đoạn này, dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm, cao hơn tốc độ tăng trung bình 1,14%/năm của. Trong số người cao tuổi (NCT) tăng thêm, nhóm NCT sơ lão (từ 60-69 tuổi) có tốc độ tăng cao nhất, tiếp đó là nhóm NCT đại lão (từ 80 tuổi trở lên).
 
Già hóa dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Song với tuổi thọ tăng và mức sinh thấp, Việt Nam được dự báo là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038.
 
Như vậy, Việt Nam chỉ còn 14 năm để bước vào giai đoạn dân số già. Bước nhảy vọt của tiến trình già hóa dân số sang dân số già ở Việt Nam đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi cho NCT ở nước ta và tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 
 
Với độ tuổi ngày càng tăng, NCT đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn của khi thực hiện các chức năng cơ bản như đi bộ, trí nhớ, sự tập trung và khả năng tự chăm sóc. Người càng cao tuổi, tỷ lệ gặp khó khăn càng cao. Đặc biệt, với nhóm NCT đại lão, tình trạng “khó khăn” và “không thể thực hiện” lớn hơn rất nhiều so với hai nhóm NCT còn lại. Không chỉ vậy, trên thực tế, một bộ phận NCT còn đang đứng trước những tác động rủi ro của tuổi già không có tích lũy, không nơi nương tựa, không bảo hiểm y tế, thậm chí bị bạo hành, ngược đãi. Đời sống của một bộ phận NCT vẫn còn khó khăn, nhất là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa.
 
Mỗi khó khăn mà NCT đang và sẽ phải đối mặt là một gợi mở để các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các chính sách phù hợp. Để thích ứng với tốc độ già hóa dân số, phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng đặc biệt cho công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe và phát huy vai trò của NCT, trong đó đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án chăm sóc sức khỏe NCT.
 
Cần có hành động cụ thể chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho người cao tuổi
Người cao tuổi là tài sản quý báu và là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống
và nguồn tri thức vô tận có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ về sau

Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành đồng thời 2 Nghị quyết là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó công tác NCT là một trong những nội dung trọng tâm.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều Chương trình, Đề án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, điển hình là Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. 
 
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 7618/QĐ-BYT; chỉ đạo tổ chức thực hiện, phát triển chuyên ngành Lão khoa; đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; tạo điều kiện cho người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ với chất lượng tốt; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người cao tuổi.
 
Gần đây nhất, ngày 24/11/2023, BCH TƯ Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trong đó công tác NCT được xác định là một trong các chủ trương, định hướng lớn.
 
Nghị quyết 42 đặt mục tiêu đến năm 2030, 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; 100% hộ gia đình NCT thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định.
 
Hàng loạt giải pháp để chăm lo NCT được Nghị quyết 42 đưa ra là: Sớm hoàn thiện khung chính sách quốc gia thích ứng với quá trình già hoá dân số; Tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trong và sau độ tuổi lao động để thích ứng với tốc độ già hóa dân số; Nhà nước ưu tiên hỗ trợ cho NCT; Phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội tại cộng đồng, mô hình chăm sóc và trợ giúp xã hội ngoài công lập; phát huy vai trò của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ NCT. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý các bệnh mạn tính đối với NCT; Nâng cao chất lượng các dịch vụ việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội và hệ thống cơ sở dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng NCT.
 
Ngày 26/9 mới đây, Bộ Y tế và Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam đã Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028, nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chăm sóc và nâng cao sức khỏe NCT, thích ứng với già hóa dân số nhanh ở nước ta. Đảm bảo NCT được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; phát huy vai trò, chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
 
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp cùng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong thời gian sớm nhất.
 
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang rấp rút hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trình Chính phủ trong quý IV/2024.
 
Thời gian để Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già đang đến gần. NCT là "nguồn lực" quý của xã hội, để chăm sóc và phát huy tốt hơn nữa vai trò của NCT, tại buổi Lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các cấp, các ngành chung tay, tích cực, có nhiều hành động cụ thể, thiết thực. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách, chế độ, pháp luật về NCT.
 
Phó Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tạo mọi điều kiện thuận lợi để NCT được bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò, kinh nghiệm, tham gia tích cực vào hoạt động chính trị - xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Hy vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng hàng loạt các chính sách trên, công tác chăm sóc sức khỏe và đời sống NCT sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt NCT có hoàn cảnh khó khăn nhận được quan tâm hỗ trợ thiết thực hơn nữa của toàn xã hội, bảo đảm không một ai bị bỏ lại phía sau./.

Sáng 28/9 đã diễn ra Lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024 do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức. Chủ đề của Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024 là "Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi". Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 năm nay của Liên Hợp Quốc có chủ đề "Già hóa cùng phẩm giá: Tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi trên toàn thế giới". Đây là các chủ đề có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, người cao tuổi ngày càng đông và là lực lượng quan trọng cần được tích cực phát huy.
 
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số, tiếp nối những giá trị cao đẹp của Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam kêu gọi NCT cả nước tiếp tục phát huy vai trò "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo.
Quang Vinh
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top