Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, Tổng thống Trump đã nhiều lần đưa ra cảnh báo sẽ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đối tác.
Không chỉ còn là lời đe dọa, ngày 01/02/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh hành pháp áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 4/2 để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia về fentanyl (một loại thuốc giảm đau gây nghiện) và dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Đây là ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với trị giá trao đổi hàng hoá mỗi năm là khoảng 1.600 tỷ USD. Mexico và Canada là nhà cung cấp nông sản lớn nhất cho Mỹ. Một nửa lượng rau xanh, 2/3 lượng củ và một nửa lượng hạt, trái cây bán tại Mỹ được nhập từ hai nước láng giềng này. Riêng Mexico cung cấp 90% bơ, 35% nước cam và 20% dâu tây cho Mỹ.
Sau tuyên bố này, đồng peso của Mexico và đồng CAD của Canada đều giảm giá. Giá cổ phiếu của Mỹ cũng giảm và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng. Trong khi đó, mô hình đánh giá tác động kinh tế của Chuyên gia Kinh tế trưởng của EY Greg Daco về kế hoạch thuế quan của ông Trump cho thấy việc áp thuế sẽ làm giảm tăng trưởng của Mỹ 1,5 điểm phần trăm trong năm nay, và sẽ đẩy Canada và Mexico vào suy thoái, dẫn đến "lạm phát đình trệ" trong nước.
Các biện pháp thuế quan mới của chính quyền Mỹ đã mở màn cho một đợt căng thẳng thương mại mới, gây ra hàng loạt phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia có liên quan.
Ngay sau tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng, lãnh đạo các nước Mexico, Canada cũng đã có các biện pháp đáp trả. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố, Canada sẽ áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa của Mỹ, có giá trị lên tới 155 tỷ đô la Canada (tức là 106,5 tỷ USD). Mức thuế này sẽ áp thuế ngay lập tức đối với hàng hóa trị giá 30 tỷ CAD vào ngày 4/2 vừa qua. Gói tiếp theo là đối với lượng hàng hóa trị giá 125 tỷ CAD sẽ được triển khai trong 21 ngày kể từ khi chính quyền nước này ra tuyên bố trên.
Bên cạnh các biện pháp thuế quan, Thủ tướng Trudeau cho hay, Canada đang xem xét áp dụng "các biện pháp phi thuế quan" đối với hàng xuất khẩu, bao gồm khoáng sản quan trọng, năng lượng và hoạt động mua sắm của Chính phủ.
Chính phủ Canada cũng đang cân nhắc thêm một số biện pháp đáp trả phi thuế quan, bao gồm một số hành động liên quan đến khoáng sản quan trọng, các hợp đồng mua bán năng lượng và các hoạt động đối tác khác giữa hai nước.
Trong khi đó, Mexico tuyên bố sẽ đáp trả bằng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích của Mexico. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã ra lệnh cho Bộ trưởng Kinh tế của mình thực hiện các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích của đất nước mình.
Tuy nhiên, tình hình có vẻ như dịu đi khi ngày 3/2, Tổng thống Trump thông báo hoãn áp thuế nhập khẩu với Mexico và Canada, sau khi đạt thỏa thuận siết hoạt động buôn lậu và nhập cư với hai nước này. Song thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc vẫn có hiệu lực từ ngày 4/2. Bởi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc rất lớn, khiến Washington không hài lòng nhiều năm qua. Theo số liệu Hải quan Trung Quốc công bố tháng trước, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đạt 4.898 tỷ nhân dân tệ (668 tỷ USD) năm 2024. Mức thâm hụt của Mỹ lên tới 361 tỷ USD.
Trước tuyên bố của Nhà Trắng, ngay lập tức, Trung Quốc áp thuế “trả đũa” với mức 10-15% với hàng hóa Mỹ từ ngày 10/2. Khác với cách tiếp cận toàn diện của Mỹ, Trung Quốc chọn chiến lược nhắm vào những ngành xuất khẩu trọng yếu của Mỹ nhằm gây áp lực trong các cuộc đàm phán sắp tới. Theo đó, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ bị áp thuế 15%. Dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ôtô bị chịu mức 10%. Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc cũng cho biết sẽ siết xuất khẩu hàng loạt nguyên tố quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum "để bảo vệ an ninh quốc gia".
Ngoài thuế quan, Bắc Kinh cũng công bố cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Mỹ vi phạm luật cạnh tranh của Trung Quốc. Động thái này được giới quan sát nhận định là một phần trong chiến lược đáp trả cứng rắn của Bắc Kinh.

Căng thẳng thương mại sau lệnh lệnh áp thuế của Mỹ khó có thể lắng dịu
Đến ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục ký sắc lệnh áp thuế với toàn bộ nhôm, thép vào Mỹ sẽ là 25% từ ngày 4/3 tới đây. Như vậy, thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% áp dụng từ năm 2018 lên 25%. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng bổ sung quy định mới, yêu cầu thép nhập khẩu phải được "nung chảy và đúc" tại Bắc Mỹ để hạn chế thép từ Trung Quốc vào Mỹ. Đối với sản phâm nhôm cũng tương tự. Nỗ lực này sẽ đảm bảo Mỹ không còn phải dựa vào các nước khác trong các ngành quan trọng như nhôm và thép", chấm dứt việc nước ngoài xả hàng giá rẻ vào Mỹ, thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ các ngành công nghiệp trụ cột với an ninh quốc gia.
Theo Hiệp hội Sắt Thép Mỹ, nước này nhập khẩu thép nhiều nhất từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam. Với nhôm, Canada đóng góp tới 79% nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm ngoái. Mexico cũng là nước cung cấp nhôm lớn cho Mỹ. Kế hoạch áp thuế 25% đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu của Mỹ như “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến căng thẳng giữa các nước ngày càng gia tăng. Nhiều chuyên gia trên thị trường cảnh báo việc áp thuế cao hơn sẽ không có lợi cho tất cả các bên.
Brazil là một trong những nhà cung cấp thép chính cho Mỹ. Năm 2023, Mỹ chiếm 55% tổng lượng thép xuất khẩu của Brazil. Ngày 13/2, Tổng thống Brazil Lula da Silva cảnh báo nước này sẽ áp thuế "có đi có lại" với Mỹ nhằm đáp trả các biện pháp thuế mới của Washington vào nhôm thép nhập khẩu. Theo đó, nếu Mỹ đánh thuế thép với Brazil, nước này sẽ phản ứng lại bằng hành động thương mại, hoặc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới, hoặc đánh thuế vào những sản phẩm nhập khẩu từ họ.
Cuộc chiến dường như mở rộng hơn khi cùng ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký biên bản ghi nhớ áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariff) với các quốc gia khác. "Chúng tôi muốn một sân chơi sòng phẳng. Hệ thống thuế nhập khẩu đối ứng sẽ mang lại sự công bằng", ông Trump cho biết trong cuộc họp báo trước thềm cuộc họp với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi vừa qua. Thực tế, Tổng thống Mỹ từ lâu đã phàn nàn về việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế 10% với xe hơi nhập khẩu. Trong khi đó, mức này ở Mỹ chỉ là 2,5%. Ông thường xuyên chỉ trích châu Âu "không mua xe Mỹ" nhưng xuất khẩu hàng triệu chiếc vào Mỹ mỗi năm.
Theo đó biên bản ghi nhớ áp thuế nhập khẩu đối ứng, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước tương đương mức họ hiện áp với hàng hóa Mỹ. Quan chức Nhà Trắng cho biết thuế nhập khẩu đối ứng nhằm giải quyết cả các rào cản phi thuế quan, như VAT, trợ cấp của chính phủ và các chính sách về tỷ giá cản trở dòng chảy của hàng hóa Mỹ ra nước ngoài. Thuế nhập khẩu đối ứng sẽ không có hiệu lực ngay. Có thể phải vài tuần hoặc vài tháng sau mới được áp dụng. Động thái này nhằm cho phép các quốc gia có thời gian đàm phán các điều khoản thương mại mới với Mỹ.
Chỉ vài ngày sau khi ông Trump ra lệnh điều tra các chính sách thuế và thuế quan của các quốc gia khác, mở đường cho việc áp các mức thuế đối ứng, ngày 18/2, Nhà lãnh đạo nước Mỹ cho biết thuế quan 25% đối với ô tô nhập khẩu vào nước này sẽ có hiệu lực sớm nhất là vào ngày 2/4. Các mặt hàng quan trọng như chất bán dẫn, dược phẩm cũng sẽ chịu mức thuế tương tự. Thuế nhập khẩu ô tô 25% sẽ là bước ngoặt lớn đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu vốn đang chao đảo vì sự bất ổn do các đòn thuế quan của Mỹ.
Mới đây nhất, ngày 20/2, Tổng thống Mỹ cảnh báo mạnh mẽ về việc sẽ áp mức thuế lên tới 150% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước BRICS, nếu nhóm này có bất kỳ động thái nào nhằm tạo ra một loại tiền tệ thay thế đồng USD. Phát biểu tại Hiệp hội Thống đốc đảng Cộng hòa ở thủ đô Washington, Tổng thống Trump chỉ trích gay gắt ý định của các nước BRICS muốn thiết lập đồng tiền riêng để "hủy hoại đồng USD." Nhà lãnh đạo Mỹ cũng lưu ý đến khả năng BRICS có thể chuyển sang sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Hiện các nước BRICS chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào sau phát ngôn mới nhất của Tổng thống Trump. Tuy nhiên chắc chắn rằng, tuyên bố của Tổng thống Trump sẽ khiến các nước nhóm BRICS phải ngồi lại với nhau để tìm thế cân bằng với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cũng trong ngày 20/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Khôn, cảnh báo chiến tranh thương mại và thuế quan chỉ gây tổn hại đến lợi ích của người dân trên toàn thế giới, trong khi không đem lại thắng lợi cho bất cứ bên nào. Ông nhấn mạnh thương mại quốc tế dựa trên lợi thế so sánh của từng quốc gia, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nâng cao phúc lợi cho người dân. Do đó, ông nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington nên giải quyết các mối quan ngại thông qua đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Ông đồng thời cho rằng Mỹ cần hợp tác với các nước khác để tìm ra giải pháp thông qua tham vấn bình đẳng để giải quyết vấn đề, thay vì áp đặt các biện pháp thuế như hiện nay.
Có thể nói, chỉ một tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã đưa ra nhiều quyết định áp thuế rộng rãi đối với cả đồng minh và đối thủ, sử dụng thuế quan như công cụ chính để giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Việc tăng thuế của Mỹ gần như chắc chắn sẽ tạo ra tác động tức thời, có thể dẫn tới kích hoạt các biện pháp trả đũa "ăn miếng trả miếng" và có nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước liên quan, thậm chí là cả nền kinh tế Mỹ và rộng hơn là kinh tế toàn cầu. Nếu không có một lối thoát hợp lý, điều này sẽ khiến kinh tế thế giới trở nên bất định hơn, có thể kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu trong dài hạn, làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, một điều rõ ràng là các nhà lãnh đạo chính trị cần hành động thông qua đối thoại và hợp tác để tránh những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế thế giới./.
N.L