Cạnh tranh trên thị trường ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống

20/08/2021 - 09:46 AM

Ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) là ngành có tính cạnh tranh cao, tốc độ đào thải nhanh, danh tiếng của doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của khách hàng. Để tồn tại và trụ vững, các doanh nghiệp ngành này phải không ngừng thay đổi để thích ứng cũng như nhạy bén nắm bắt cơ hội từ xu hướng tiêu dùng mới.

Cạnh tranh trên thị trường ngành F&B

Trong nhiều năm qua, ngành F&B luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển. Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2023, doanh thu của ngành F&B có thể đạt 408 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng hơn nữa khi tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam ngày càng tăng.

 Cạnh tranh trên thị trường ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống

Ảnh minh họa 

Được đánh giá có tiềm năng lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, thị trường ngành F&B đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu. Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp ngành F&B không ngại rót tiền đầu tư cho thương hiệu, sản phẩm, chất lượng phục vụ… và đặc biệt là mặt bằng đẹp. Trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngành F&B trong cùng phân khúc luôn có sự “bám đuổi” nhau rất sát trong cuộc chạy đua tăng độ phủ. Điều này được thể hiện rõ trên thị trường với hai thương hiệu lớn là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) và Công ty Cổ phần CP Đầu tư thương mại quản trị Mặt trời đỏ (Redsun). Tại các trung tâm thương mại hay trên các mặt phố lớn, hễ thấy thương hiệu của Golden Gate, là sẽ có các nhà hàng của Redsun nằm cách đó không xa.

Ra mắt vào tháng 8/2020, Nova F&B của Tập đoàn Novaland chuyên quản lý và vận hành các thương hiệu đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực F&B, thuộc hệ sinh thái NovaTourism. Nova F&B đặt mục tiêu phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm với hệ thống trăm chuỗi nhà hàng, cà phê, bar, club... Để hoàn thành mục tiêu, Nova F&B đang rất khẩn trương mua nhượng quyền nhiều thương hiệu và hứa hẹn trở thành một trong những công ty F&B lớn tại Việt Nam.

Năm 2020 cũng cho thấy sự lấn sân đầu tư sang mảng F&B của Tập đoàn bán lẻ Central Group. Ngoài phát triển chuỗi cửa hàng Café Amazon tại các tụ điểm sầm uất ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận, Central Group còn mở thêm các thương hiệu như: Hôm Kitchen, Hôm Dimsum.

Lợi thế về kênh phân phối và có thương hiệu lớn luôn giúp các doanh nghiệp ngoại chiếm thế thượng phong trong việc quảng bá và thâu tóm thị phần ngành hàng F&B tại Việt Nam. Riêng với mảng đồ uống, khoảng một nửa thị phần đang rơi vào khối ngoại do thế mạnh về kênh phân phối. Do vậy, những năm qua, trước làn sóng gia nhập thị trường của doanh nghiệp ngoại vào ngành F&B đã làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên các doanh nghiệp nội trong cuộc chiến giành thị phần trên “sân nhà”. Để thắng thế trong cuộc cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp trong nước đã lựa chọn sự khác biệt, thị trường ngách để phát triển. Bên cạnh đó, chiến dịch quảng bá, tiếp thị cũng được các doanh nghiệp triển khai, qua đó đã giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước quảng bá thương hiệu và củng cố vị trí vững chắc hơn tại “sân nhà”.

Hiện trong phân khúc đồ ăn nhanh nhờ sự học hỏi từ các đối thủ để chuẩn hóa mô hình kinh doanh cùng với sự thấu hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người bản địa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đồ ăn nhanh Việt Nam đang chiếm lĩnh được lợi thế và ngày càng mở rộng thị phần, gia tăng các chuỗi cửa hàng, trong khi nhu cầu về đồ ăn nhanh phương Tây lại đang có sự sụt giảm. Công ty cổ phần Tân Việt Sin foods là một điển hình cho sự thành công của doanh nghiệp Việt trên thị trường ngành F&B. Trước các thương hiệu nước ngoài rất mạnh về mọi mặt có cùng phân khúc trên thị trường đồ ăn nhanh, Tân Việt Sin foods cho thấy những lợi thế riêng của mình. Ngoài việc hiểu được khách hàng thích gì trong chiến lược kinh doanh, Tân Việt Sin foods tránh việc đối đầu với “người khổng lồ” khi McDonald’s và KFC chọn phân khúc tầm trung đến cao cấp thì Tân Việt Sin foods chọn phân khúc thị trường với mức giá phải chăng hơn.

Thị trường ngành F&B hấp dẫn và đầy tiềm năng nhưng là ngành có tính cạnh tranh cao, tốc độ đào thải nhanh. Không phải cứ thương hiệu F&B có tiếng trên thế giới là có thể cạnh tranh và phát triển được tại Việt Nam. Trên thực tế, không ít chuỗi nội lẫn ngoại phải tháo chạy, hoặc thu hẹp quy mô, hoặc phải bán lại cho doanh nghiệp khác. Điển hình như: The Coffee Bean & Tea Leaf vốn có nhiều kinh nghiệm tại nước ngoài nhưng đã phải bán lại cho Jollibee. The Coffee House đang là một mô hình rất tốt về kinh doanh cà phê nhưng cũng thất bại với chuỗi trà sữa Ten Ren, còn Gloria Jean’s Coffees (Úc) phải “chia tay” thị trường Việt Nam… Đối với những thương hiệu đình đám trong nước như: Phở 24, Món Huế dù được đánh giá rất cao cũng phải "bán mình" trước sự ngỡ ngàng của thị trường.

Người đến, kẻ đi nhưng thị trường ngành F&B Việt Nam chưa bao giờ hết hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Cuộc chiến giành thị phần trong ngành F&B chưa bao giờ hạ nhiệt kể cả khi dịch Covid -19 xảy ra các doanh nghiệp ngành F&B cũng tìm thấy được cơ hội để mở rộng thị phần gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

 Cạnh tranh trên thị trường ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống 1

Ảnh minh họa 

Từ cuối tháng 1/2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành F&B đã chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu lớn và chuyển sang phương án "phòng ngự, co cụm" trong trạng thái "bình thường mới". Song với những thương hiệu có tiềm lực mạnh như: Nova F&B, Central Group, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTTOR), đây lại là cơ hội khi họ tìm thấy có nhiều mặt bằng trống, giá thuê giảm, các đối thủ đóng cửa hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh. Không bỏ qua cơ hội, các thương hiệu tiếp tục rót tiền đầu tư để mở hàng trăm chuỗi nhà hàng, cà phê. Đợi khi dịch Covid-19 qua đi, thương hiệu của Nova F&B và Central Group đều đã được phủ sóng khắp cả nước.

Mặt khác, tác động của dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng và định hình lại ngành F&B. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành F&B phải thay đổi chiến lược kinh doanh để cạnh tranh và thích ứng với tình hình mới. Nếu trước đây đa phần các nhà hàng, quán cafe đi theo hướng đẩy mạnh phát triển offline, mở rộng quy mô với nhiều cơ sở, đồng thời chưa chú trọng nhiều đến các nền tảng bán hàng online thì khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp ngành F&B đã thay đổi chiến lược kinh doanh với việc tối ưu kênh trực tuyến, tạo ra chất xúc tác thúc đẩy cuộc đua bán hàng online trên thị trường ngành F&B nở rộ, đem lại doanh thu cho doanh nghiệp và đáp ứng xu hướng thay đổi của người tiêu dùng trong thời gian thực hiện việc giãn cách phòng chống dịch Covid-19. Đơn cử như hệ thống Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate), với 15 năm kinh doanh vốn “nói không với các dịch vụ đặt hàng online” cho chuỗi cao cấp như: GoGi, Hutong, Manwah đã buộc phải thay đổi chiến lược. Để tồn tại, họ đã phá lệ mở website bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và thậm chí còn cho mượn vỉ nướng, bếp chuyên dụng để khách hàng tự nấu lẩu, nướng tại nhà và chỉ sau 2 tuần triển khai mô hình mới đã đem về cho Golden Gate mức tăng trưởng đạt tới 200%; Starbucks Việt Nam cũng nhờ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến doanh thu từ mảng giao hàng đã tăng 50% so với mức doanh thu bình quân hàng tháng; chuỗi Pizza Home cũng thành công bằng việc đáp ứng nhu cầu ăn uống tại nhà với 2 nhóm“có thể ăn ngay” và“có thể nấu ngay”, cung cấp nguyên liệu cho khách hàng tự chế biến với nhiều sự lựa chọn mới, kết hợp với việc giải cứu nông sản khi cho ra các sản phẩm bánh pizza thanh long, dưa hấu. Cùng trong thời điểm này, The Coffee House - một trong những chuỗi cà phê lớn nhất tại Việt Nam nhờ nền tảng ứng dụng có sẵn doanh thu từ mảng giao hàng The Coffee House đã tăng 30%. Ngoài tìm kiếm mặt bằng để sẵn sàng“tăng tốc”, The Coffee House cũng đã tung ra bộ sản phẩm trà cam, cam tươi 100% đáp ứng đúng nhu cầu tăng kháng thể của khách hàng trong mùa dịch… Ngoài ra, nhiều chuỗi cửa hàng cung đã sử dụng hệ thống gọi món tự động bằng Tabletop, tương tác trực tiếp với khách hàng bằng Chatbot, hệ thống đặt bàn tự động tại Google Booking, Opentable,… Các nhà hàng, quán café với việc thực hiện tối ưu hóa chi phí mặt bằng, chi phí nhân sự, đồng thời nâng cao hiệu quả vận hành và kết hợp với các nền tảng số để tăng cường doanh thu.

Trong cuộc chiến cạnh tranh giành thị phần trên thị trường ngành F&B những năm gần đây cũng cho thấy làn sóng mua bán sáp nhập và thôn tính các doanh nghiệp nội của khối ngoại như: Tập đoàn CJ Chelijedang (Hàn Quốc) đã mua lại cổ phần của Công ty Cầu Tre với tỷ lệ sở hữu lên tới 71,6%; các doanh nghiệp của Thái Lan hợp tác chiến lược cùng Masan, đầu tư cổ phiếu Vinamilk; Daesang Corp (Hàn Quốc) đầu tư 100% cổ phần vào Công ty Cổ phần thực phẩm Đức Việt; Earth Chemical (Nhật Bản) mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Á Mỹ Gia… Việc đẩy mạnh các hoạt động rót vốn đầu tư, mua bán và sáp nhập của khối ngoại đang làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên khối nội trong cuộc chiến giành thị phần trên “sân nhà”.

Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội ngành F&B

Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành F&B Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP, cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng cho mặt hàng này chiếm khoảng 35%. Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ngành F&B phát triển trong thời gian tới. Nắm bắt cơ hội, nhiều doanh nghiệp ngành F&B cũng đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới bằng cách đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm để chinh phục thị trường khu vực và thế giới.

Cạnh tranh trên thị trường ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống 2 

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh và giữ vững vị thế của doanh nghiệp ngành F&B trên “sân nhà” trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần hợp tác liên kết mạnh hơn nữa, kể cả trong hoạt động mua bán và sáp nhập từ sản xuất cho đến phân phối. Cụ thể, các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, có tư duy và chiến lược mới, trong đó, cần tiếp tục chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu, điều chỉnh các dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn, sáng tạo ra sản phẩm mới sử dụng những nguyên liệu vốn là thế mạnh trong nước, đồng thời chú trọng vào cải tiến mẫu mã bao bì đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng; đẩy mạnh đa dạng hóa, hiện đại hóa các kênh phân phối, mỗi nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm cần xác định kênh phân phối phù hợp nhất cho mình; các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân-doanh nghiệp sản xuất-nhà quản lý để tạo ra vùng nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho các doanh nghiệp ngành F&B trong sản xuất và xuất khẩu.

Ngoài ra, để tạo dựng được uy tín và chinh phục các thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp ngành F&B cũng cần nắm bắt tốt sự chuyển động nhu cầu của thị trường và các xu hướng lớn trong ngành để từ đó doanh nghiệp có được sự chuẩn bị tốt nhất cho sản phẩm cũng như cách tiếp cận thị trường phù hợp. Đồng thời, tăng cường đầu tư hơn nữa trong việc quảng bá và phát triển thương hiệu./.

ThS. Trần Quang Việt
Đại học Công nghiệp Hà Nội


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top