Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh Cao Bằng quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Học viên tham gia thực hành nghề nông nghiệp
Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, hằng năm, các Trung tâm GDNN - GDTX tuyến huyện được giao chủ động xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại các xã, thị trấn trên địa bàn; phối hợp với các tổ chức: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn các đoàn viên, hội viên nắm được nội dung trong công tác đào tạo nghề và tổ chức thực hiện. Duy trì và phát triển việc dạy nghề cho lao động nông thôn. Tùy theo đề xuất, nhu cầu của người học, các hình thức dạy nghề cũng được đa dạng, đổi mới. Ngoài các nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, một số nghề phi nông nghiệp cũng thu hút lao động nông thôn tham gia học như: Sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa và lắp ráp linh kiện điện tử, xây dựng dân dụng, vận hành máy thi công nền, hàn, may công nghiệp...
Lớp tập huấn tiêm phòng cho vật nuôi tại xã Đa Thông, huyện Hà Quảng
Thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025”, năm 2023, Tỉnh triển khai nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa ngành nghề cho gần 5.000 lao động nông thôn. Cụ thể, bằng nguồn kinh phí 11 tỷ đồng thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia, trong năm, Tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức 119 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 3.519 lao động nông thôn, vượt 55% kế hoạch. Các nghề đào tạo chủ yếu như: Sửa chữa máy nông nghiệp, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, gà, trồng rau an toàn, chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm; nhân giống cây ăn quả, trồng chè, trồng và nhân giống nấm...
Bằng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, huyện Nguyên Bình ban hành Kế hoạch tổ chức 30 lớp dạy nghề sơ cấp, trung cấp, đào tạo thường xuyên cho hơn 1.400 lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, NLĐ có thu nhập thấp. Các ngành nghề đào tạo chính, gồm: Chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trâu bò; chuyển giao kỹ thuật trồng cây lê, đào, mận, chè, cây dong riềng; dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa điện dân dụng, công nghệ thông tin, kỹ thuật hàn công nghệ cao…
Các học viên Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hạ Lang tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông cụ
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nguyên Bình cho biết: Trong quá trình triển khai, Trung tâm phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho người lao động. Tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất các mô hình đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chú trọng làm tốt công tác kết nối, giới thiệu việc làm cho học viên sau đào tạo. Đồng thời, theo dõi đánh giá hiệu quả giải quyết việc làm đối với lao động sau học nghề. Đến nay, Trung tâm tổ chức 13 lớp dạy nghề sơ cấp cho hơn 500 học viên là lao động nông thôn. Qua đó, giúp người học tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Lớp thực hành nghề may công nghiệp
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao năng lực cho lao động nông thôn, các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh Cao Bằng cần chủ động phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp nghề, Trung tâm GDNN - GDTX các huyện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn phù hợp với thực tế. Đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức và kỹ năng nhất là đối với các đối tượng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đa dạng hóa các ngành nghề, tư vấn chuyển đổi ngành nghề phù hợp xu thế thị trường. Cập nhật, bổ sung các ngành nghề mới, hướng dẫn tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất...
Đặc biệt, duy trì đào tạo nguồn nhân lực gắn với các ngành nghề truyền thống như: Nghề rèn, dệt thổ cẩm, làm hương, giấy bản, đường phên, miến dong, ngói máng, làm nón lá, trồng dâu nuôi tằm, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, trồng nấm, bún khô, chạm khắc bạc, trồng rừng và cây dược liệu. Năm 2024, toàn tỉnh Cao Bằng phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề cho 6.000 người, trong đó, trình độ trung cấp 500 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 5.500 người. Phấn đấu hết năm 2024 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn Tỉnh đạt 50,9%, trong đó, đào tạo nghề đạt 38,8%, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,3%.
Ngày hội việc làm: Tư vấn – Định hướng nghề nghiệp cho người lao động tỉnh Cao Bằng năm 2024
Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Cao Bằng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng. Qua đó, người lao động được lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình, phát huy được những kiến thức, kỹ năng đã học để áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm hiệu quả, tạo được việc làm và tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội địa phương./.
Minh Hà