Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

01/11/2024 - 02:19 PM

Những năm qua, để thực hiện tốt Đề án phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cao Bằng đã bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; phân bổ và sử dụng hợp lý nguồn ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên các công trình giao thông có tính kết nối cao, đầu mối giao thông giữa các khu vực phát triển kinh tế, điểm du lịch trọng điểm. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, quy hoạch hệ thống giao thông, tập trung phát triển giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại, tiện ích, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi lễ khởi công cao tốc
Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, hạn chế

Theo Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn Tỉnh có khoảng hơn 6.000 km đường bộ; Trong đó, có 714 km đường quốc lộ, hơn 1.000 km đường tỉnh, gần 1.500 km đường huyện và hơn 3.500 km đường xã. Tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường quốc lộ, tỉnh lộ là 100%, đường huyện là 76%, đường xã, thôn xóm là 74%, đường trục chính nội đồng là 55%.

Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng khá lớn, tuy nhiên hầu hết các tuyến đường được đầu tư đã lâu, một số tiêu chuẩn kỹ thuật không còn đáp ứng được sự an toàn khi tham gia giao thông của các phương tiện có kích thước và tải trọng lớn. Hệ thống quốc lộ phần lớn được thiết kế với tải trọng và lưu lượng xe hạn chế, vẫn còn gần 50% tổng chiều dài là đường cấp V. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, hệ thống đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Cao Bằng không được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Nhiều tuyến đường tỉnh được đầu tư đã lâu, quy mô kỹ thuật thấp, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân. Hầu hết các tuyến đường huyện thiết kế với quy mô kỹ thuật thấp, kết cấu mặt đường mỏng, hệ thống thoát nước còn thiếu nhiều dẫn tới nền mặt đường bị xói lở trong mùa mưa.


Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối

Tỉnh Cao Bằng tích cực triển khai thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Tỉnh đã hoàn thiện các thủ tục và triển khai thi công hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến thành phố Cao Bằng và triển khai các thủ tục đầu tư giai đoạn 2 đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng); Thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo sửa chữa các tuyến đường theo phương án kết nối giao thông tới các cửa khẩu, khu, điểm du lịch trên địa bàn Tỉnh và kết nối giữa một số huyện của tỉnh Cao Bằng với huyện giáp ranh của các tỉnh lân cận (Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang) phù hợp với nguồn lực của Tỉnh trong giai đoạn 2021-2025; Đẩy mạnh phát triển GTTN trên địa bàn Tỉnh, phấn đấu 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường, 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã triển khai 20 dự án hạ tầng giao thông quan trọng với tổng kế hoạch vốn đã giao 4.653,5 tỷ đồng, bằng 24,63% tổng mức đầu tư (trong đó, 100% là vốn ngân sách Nhà nước). Lũy kế giải ngân đến 30/6/2024 là 1.384 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân trên kế hoạch vốn được giao đạt 29,74%.


Nhiều tuyến đường thôn, xóm, nội đồng tại các địa phương tỉnh Cao Bằng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu
đi lại và sản xuất của Nhân dân

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố Cao Bằng tích cực triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo kế hoạch, đã xây dựng mở mới, cải tạo, nâng cấp được nhiều tuyến đường GTNT, đặc biệt là đường thôn, xóm, nội đồng. Đường huyện đã đầu tư xây dựng bao gồm cả xây dựng mới, cải tạo nâng cấp được 480,57 km/561,3 km, đạt 85,62% kế hoạch; Đường xã đầu tư xây dựng được trên 1.000 km/606,6 km, đạt 166,76% kế hoạch; Đường thôn, xóm, nội đồng được 467,71 km/1.003 km, đạt 46,64% kế hoạch; Cầu dân sinh đã đầu tư xây dựng (xây dựng mới, cải tạo nâng cấp) được 55/50 cầu, đạt 154,61% kế hoạch; Tỷ lệ chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường đạt 82,5%; Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa: 159/161 xã, đạt 98,8%.


Tuyến đường phía Nam, Khu đô thị mới thành phố Cao Bằng là trục đường quan trọng kết nối 3 trung tâm
đô thị lớn của Thành phố

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án giao thông trọng điểm. Tiếp tục đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho tỉnh Cao Bằng để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 và dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, có tính chất lan tỏa nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển./.

Lê Văn Định
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cao Bằng

 
 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top