Cao Bằng: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp

27/08/2024 - 09:21 AM

Xác định Khoa học và công nghệ (KH&CN) có tác động rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Những năm gần đây, Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng luôn nỗ lực đổi mới, ứng dụng KH&CN vào các lĩnh vực như: Nông - lâm nghiệp, Y - dược, Khoa học kỹ thuật, Công nghệ, Khoa học xã hội và nhân văn... và đã phát huy hiệu quả tích cực.
 

Trong giai đoạn 2021-2023, Sở KH&CN Cao Bằng đã triển khai thực hiện 33 nhiệm vụ cấp tỉnh, trong đó gồm 15 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 8 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và 10 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Để tận dụng tối đa ưu thế của địa phương, Sở đã thúc đẩy hoạt động Khoa học công nghệ & Đổi mới sáng tạo theo hướng chú trọng đối với nhóm lĩnh vực trọng tâm là: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch bền vững theo nội dung đột phá của tỉnh Cao Bằng đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2020-2025. Nhờ đó, nhiều sáng kiến, giải pháp công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong các lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân.  


Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng kiểm tra mô hình trồng cây mác ca tại xã Đại Sơn,
huyện
Quảng Hòa

Một số nhiệm vụ đang triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả đó là: Dự án "Xây dựng mô hình thâm canh cải tạo vùng chè Đoỏng Pán gắn với chế biến một số sản phẩm chè xanh chất lượng cao tạo ra sản phẩm OCOP tại xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng" đã tuyển chọn được 150 cây chè ưu tú để khai thác hom giống phục vụ nhân giống; xây dựng mô hình vườn ươm nhân giống chè quy mô 100.000 bầu chè được nhân giống từ nguồn hom của cây chè ưu tú được tuyển chọn tại xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa, cây giống đủ tiêu chuẩn xuất đạt tỷ lệ gần 90%. Đã thâm canh cải tạo thành công 10 ha chè theo hướng hữu cơ; đặc biệt, đã xây dựng được mô hình chế biến một số sản phẩm chè chất lượng cao, bước đầu đã tiếp cận thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.

Đề tài "Nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ cây Hồi tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng" đã xây dựng được mô hình chế biến các sản phẩm từ cây hồi của huyện Thạch An, gồm: Tinh dầu hồi, túi hoa quả hồi sấy khô, bột gia vị thịt nướng, xà phòng làm từ hoa hồi... các sản phẩm đã được kiểm nghiệm chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở. Dự án "Cải tạo và phát triển đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng" đã đưa một số giải pháp công nghệ vào mô hình chăn nuôi bò thịt, như: Mô hình chăn nuôi áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng công nghệ chủ động gây động dục, chế biến thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp... kết quả đã có 71 bê con được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bê con là kết quả lai tạo giữa bò cái địa phương với 02 giống bò đực Brahman và Senepol, về thể trạng bê con vượt trội so với bò địa phương, qua đó khẳng định sự thành công bước đầu của dự án.


Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng do đồng chí Bế Đăng Khoa, Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn kiểm tra thực tế ở vườn ươm của Viện Ứng dụng công nghệ tại tỉnh Hưng Yên

Trong giai đoạn 2021-2023, một số nhiệm vụ của Sở thực hiện cũng đã được nghiệm thu và chuyển giao áp dụng vào thực tiễn. Điển hình như Đề tài "Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển sản xuất cây Tam thất tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng" đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chuyển giao cho người dân. Thực t mô hình trồng cây tam thất tại xã Thanh Long, huyện Hà Quảng cây phát triển tốt phù hợp với điều kiện địa phương. Hiện nay, mô hình này đã được nhân rộng tại 3 xã của huyện Hà Quảng. Dự án “Ứng dụng Khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo Nếp hương tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” đã xây dựng mô hình sản xuất giống lúa xác nhận và mô hình sản xuất lúa Nếp Hương thương phẩm, làm chủ kỹ thuật và có thể tự chủ động sản xuất giống để phục vụ sản xuất; Xây dựng thành công mô hình bảo quản chế biến gạo Nếp hương và xây dựng thương hiệu, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo đặc sản Nếp hương ở trong và ngoài tỉnh, triển khai mô hình chế biến gạo Nếp hương đặc sản. Sau khi hoàn thiện hệ thống chế biến gạo đã tiến hành thu mua lúa Nếp hương tại vùng triển khai dự án với tổng sản lượng gần 80 tấn thóc khô/năm để chế biến, đóng gói cung cấp sản phẩm ra thị trường, sản phẩm gạo Nếp Hương Bảo Lạc đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao cấp tỉnh.


Hội nghị triển khai nhiệm vụ KH&CN và các nội dung liên quan đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Phúc Sen” cho các sản phẩm của làng rèn xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa

Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc”, từ việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học đã xây dựng mô hình vườn ươm cây giống với số lượng cây giống xuất vườn 540.000 cây/năm, góp phần chủ động về nguồn giống tại địa phương, triển khai mô hình trồng cây hà thủ ô theo hướng GACP-WHO. Xây dựng khu nhà sơ chế, xưởng sản xuất và đóng gói sản phẩm trên diện tích 200 m2, với hệ thống dây chuyền sản xuất cao hà thủ ô đạt công suất 100 kg cao/mẻ, sản phẩm cao hà thủ ô đỏ Bảo Lạc đã được công bố tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký mã số, mã vạch, thiết kế nhãn mác, bao bì và cung cấp sản phẩm ra thị trường.


Ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng với Cục Phát triển thị trường
và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ

Bên cạnh đó, Sở cũng rất chú trọng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh. Đến nay, Tỉnh có 02 văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (sản phẩm: Hạt Dẻ Trùng Khánh và Trúc sào, chiếu trúc sào Cao Bằng); 02 nhãn hiệu chứng nhận, 14 nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, còn có 115 đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới dạng nhãn hiệu thông thường được bảo hộ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn Tỉnh. Mức độ nhận thức và quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trong Tỉnh đối với hoạt động sở hữu trí tuệ cũng được cải thiện rõ rệt. Đơn đăng ký bảo hộ, cũng như văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ được cấp trong các năm 2021-2023 đã tăng gấp trên 3 lần so với các năm trong giai đoạn trước (Trung bình trên 40 đơn/năm so với giai đoạn 2010-2020, chỉ có khoảng 12 đơn/năm). Để tăng cường thúc đẩy hoạt động tạo ra sản phẩm tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản chủ lực, sản phẩm OCOP, Sở đã triển khai Đề án “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Cao Bằng đến năm 2030”. Theo đó, đã triển khai đặt hàng đối với 05 dự án thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ với tổng kinh phí trên 3.407 triệu đồng.


Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng

 

Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh hợp tác về KH&CN trong và ngoài nước nhằm thu hút đầu tư, mở rộng liên kết vùng, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước đưa khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

                                  Bế Đăng Khoa
                                Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng

 



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top