Huyện Cao Lộc ( tỉnh Lạng Sơn): Khởi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ

04/10/2024 - 10:35 AM

 Bằng những quyết sách có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là dồn lực vào phát triển kết cấu hạ tầng, gia tăng kết nối thông qua việc hoàn thiện mạng lưới giao thông, huyện Cao Lộc đã phát huy những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên mậu và  dịch vụ logistics. Nhờ vậy, Cao Lộc đang chuyển mình mạnh mẽ và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội - cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Lạng Sơn.

Tập trung phát triển hạ tầng giao thông, tăng tốc các công trình trọng điểm

Với 2 cửa khẩu quốc tế, Cao Lộc có lợi thế cho phát triển ngành dịch vụ logistics.
Trong ảnh: Khu vực bến đỗ xe container phục vụ xuất nhập khẩu của Công ty Xuân Cương

 

Xác định kết cấu hạ tầng là tiền đề cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Cao Lộc đã tập trung tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, các nguồn vốn của các chương trình Mục tiêu quốc gia, cùng sự đóng góp của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp trên địa bàn... để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.  Huyện cũng đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn. Trong đó phải kế đến các dự án như: Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Cửa khẩu Hữu Nghị (đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị); Khu trung chuyển hàng hoá tại xã Phú Xá và xã Thụy Hùng; Khu chế xuất 1; Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2 và khu tái định cư Hợp Thành…. Với vai trò và ý nghĩa quan trọng của các dự án này, lãnh đạo huyện Cao Lộc kỳ vọng khi các dự án hoàn thành, được đưa vào khai thác sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Huyện nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Riêng đối với các dự án thuộc vốn đầu tư công của Huyện, ngay khi có các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch vốn của UBND tỉnh, UBND Huyện đã ban hành các quyết định phân bổ các nguồn vốn đảm bảo về quy trình, thời gian kịp thời để các đơn vị được giao làm chủ đầu tư sớm tổ chức triển khai thực hiện, giao các phòng, ban chuyên môn thường xuyên cập nhật báo cáo tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án, đôn đốc thường xuyên tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn.

Quốc lộ 4B đoạn từ Km3+700 đến Km18 kết nối TP. Lạng Sơn với
Khu du lịch Mẫu Sơn đã hoàn thành công tác GPMB để cải tạo, nâng cấp mở rộng,
hứa hẹn tạo động lực cho phát triển du lịch huyện Cao Lộc. Ảnh: Tô Công

 

Bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả, công tác giải ngân vốn đầu tư công của huyện Cao Lộc trong năm 2023 đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Nhờ vậy, hệ thống giao thông được phát triển đồng bộ có tính kết nối cao với các trục đường quốc lộ 1A, 1B và đường sắt Ga quốc tế Đồng Đăng - Hà Nội kết nối với Thủ đô Hà Nội; các tuyến quốc lộ 4A, 4B chạy qua giúp thuận tiện giao thương với các huyện trong tỉnh và địa phương khác trong vùng... Song song với các dự án xây dựng công trình trọng điểm, thiết yếu tạo động lực cho phát triển cũng như phục vụ dân sinh, công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường được quan tâm và huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện, khắc phục tình trạng hư hỏng xuống cấp, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao năng lực lưu thông phương tiện, hàng hóa, hành khách.

Ưu tiên phát triển kinh tế biên mậu, dịch vụ và du lịch

Trên cơ sở kết cấu hạ tầng ngày một đồng bộ, huyện Cao Lộc đã tâp trung triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh là thương mại, dịch vụ và du lịch. Cao Lộc có lợi thế nằm ở vị trí cửa ngõ và gần như “bao trọn” thành phố Lạng Sơn, ngoài ra còn có hơn 74 km đường biên với 02 cửa khẩu quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển giao lưu kinh tế giữa Lạng Sơn, Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và với ASEAN nói chung.

Xe chở hàng hóa thông quan tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: VGP

Trong giai đoạn hiện nay, Huyện chú trọng ưu tiên tận dụng các nguồn lực, phát huy các lợi thế của địa phương để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, Cao Lộc đã từng bước khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, phát triển đa dạng, dựa trên các lĩnh vực thế mạnh. Đặc biệt, Huyện tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, vùng thương mại, dịch vụ Đồng Đăng và vùng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp dọc quốc lộ 1A, 1B; xuất nhập khẩu hàng hóa, kho bãi, vận tải,...

Năm 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Huyện vẫn hoàn thành đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu đề ra. Lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt trên 1.500 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ; thành lập mới 95 doanh nghiệp, tăng 14,4% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 538 tỷ đồng, tăng 52,08% so với cùng kỳ năm 2022.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là cửa khẩu có số lượng phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu
thông quan lớn nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đây là địa điểm thu hút khách tới tham quan, du lịch

 

Thời gian tới, Huyện sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu và nâng cao chất lượng hoạt động các ngành dịch vụ thế mạnh. Hiện tỉnh Lạng Sơn đang triển khai dự án cao tốc Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và các dự án cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu trung chuyển,… Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Huyện mà còn tạo thế và lực cho địa phương trên chặng đường phát triển mới.
Để tiếp tục duy trì và tăng tốc thúc đẩy các lĩnh vực du lịch, huyện Cao Lộc sẽ tập trung triển khai Đề án phố đi bộ thị trấn Đồng Đăng; giới thiệu kết nối 7 tour, tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch, di tích lịch sử, di tích văn hoá và các danh lam thắng cảnh trong và ngoài địa bàn huyện. UBND huyện Cao Lộc cũng đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Cao Lộc giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045. Hiện nay, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án được phê duyệt, phát triển dài hạn, ngắn hạn và khai thác tiềm năng về du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện ổn định và bền vững, phù hợp với xu thế hội nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Bằng sự chủ động, linh hoạt và không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, cùng với sự đồng thuận của Nhân dân, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, huyện Cao Lộc đang ngày một đổi thay tích cực. Đó là những nền tảng vững chắc để Huyện tiếp tục khơi thông các nguồn lực, dồn sức để tạo dựng vị thế mới dựa trên lợi thế sẵn có và phát triển bắt kịp tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

Hiệu quả từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Trong giai đoạn từ 2021 – 2023, huyện Cao Lộc có tổng nguồn vốn được phân bổ trên 145 tỷ đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Tính đến hết ngày 31/01/2023, Huyện đã giải ngân được 97,7/145 tỷ đồng đạt 66,2% kế hoạch vốn giao, trong đó vốn sự nghiệp đạt 40,3%; vốn đầu tư đạt 89,6% kế hoạch vốn giao. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình nhiều hộ dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ xây nhà ở mới, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ chuyển đổi nghề, được học và đào tạo nghề, được tham gia các Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng, đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng,...

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt trên 62,5%; 100% xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, đạt chuẩn về y tế; có 22/22 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia y tế xã, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ khám chữa bệnh đạt 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đều qua các năm, đến nay là 97,5%; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Số hộ nghèo còn 1.082 hộ nghèo (chiếm 5,27%), không có hộ nghèo là đối tượng có công.

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top