Với 49 quốc gia, trên 4.640 triệu dân, châu Á hiện là khu vực có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai trên thế giới. Tính đến ngày 28/8/2020 theo thống kê của trang https://www.worldometers.info châu Á có 6.682.219 ca (chỉ sau Bắc Mỹ với 7.156.387 ca nhiễm) và đang có xu hướng tiếp tục tăng.
Tại Trung Quốc, quốc gia đầu tiên đối mặt với tình trạng lây nhiễm virut SARS-CoV-2 bắt đầu từ cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, với nhiều nỗ lực, đã đạt được những tín hiệu tích cực trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, chỉ ngay khi từng bước mở cửa lại nền kinh tế, những ngày cuối tháng 6/2020, một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở thủ đô Bắc Kinh đã khởi đầu cho làn lây nhiễm lần thứ hai ở quốc gia này.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai của Trung Quốc chủ yếu tập trung tại thủ đô Bắc Kinh với ít nhất 184 ca nhiễm kể từ khi những trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 12/6. Với những diễn biến phức tạp, để ngăn chặn dịch bệnh, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phải hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay nội địa, cấm người dân đi du lịch và áp dụng phong tỏa một phần thành phố.
Ngày 27/7, Trung Quốc ghi nhận thêm 68 ca mắc Covid-19, trong đó có 57 ca ở khu tự trị Tân Cương và 2 ca ở Bắc Kinh. Tiếp theo đó, giới chức y tế Trung Quốc cho biết, ngày 28/7 một ổ dịch mới ở Thành phố Đại Liên đã lây lan sang 5 tỉnh khác, trong đó có Phúc Kiến, buộc giới chức ban bố các biện pháp phong tỏa mới. Chính quyền Phúc Kiến tuyên bố thủ phủ Phúc Châu sẽ bước vào “trạng thái thời chiến”sau khi phát hiện một bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng không biểu hiện triệu chứng trở về từ Đại Liên.
Có thể thấy, Trung Quốc phải trải qua những đợt bùng phát dịch lần thứ hai ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn ra ở đợt đầu tiên khi bùng phát ở Vũ Hán và Hồ Bắc, Trung Quốc đã có những tính hiệu tích cực khi đối mặt với sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19. Tính đến ngày 28/8, Trung Quốc có 85.013 ca nhiễm. Theo đánh giá, chính quyền Trung Quốc đã tiếp tục có những ứng phó kịp thời nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và kiểm soát tốt dịch bệnh ở làn sóng lây nhiễm mới này.
Tại đặc khu hành chính Hong Kong, từng được coi là một hình mẫu cho việc khống chế virus Sars Cov-2. Theo phân tích, Hong Kong đã đạt đỉnh dịch vào ngày 9/4/2020, với 936 người nhiễm và 696 người đang điều trị ở các bệnh viện. Ngày 10/5/2020, số người đang điều trị chỉ còn 74 người, dưới ngưỡng an toàn dịch là 75 người (ngày 21/5/2020 còn 26 người đang điều trị), Hong Kong đã đạt ngưỡng an toàn dịch sau 109 ngày. Tuy nhiên, do nới lỏng kiểm soát và các hoạt động tụ tập đông người tiếp diễn, cho nên sau 44 ngày, số người đang điều trị lại tăng vượt ngưỡng an toàn dịch, Hong Kong bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2.
Các chuyên gia cho biết, sự gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19 những ngày đầu tháng 7 ở Hong Kong đã tạo nên một làn sóng lây nhiễm mới, khiến hệ thống y tế Hong Kong quá tải. Các bệnh viện chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày nhiều hơn so với lần bùng phát dịch đầu tiên. Các nhà chức trách Hong Kong nhận định làn sóng dịch mới đã “vượt khỏi tầm kiểm soát” của chính quyền, buộc phải nâng mức cảnh báo để người dân không bị chủ quan, lơ là.
Ngày 28/7 số ca mắc Covid-19 tại Hong Kong đã tăng thêm 106 ca, trong đó có 98 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp vùng lãnh thổ này ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới sau 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.778 ca, trong đó có 22 ca tử vong. Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn đã được áp dụng nhằm làm chậm sự lây lan của virus, bao gồm giới hạn số người được phép tụ tập nơi công cộng từ 4 xuống còn 2 người, cùng lệnh cấm các dịch vụ ăn tối tại nhà hàng vào ban ngày, chính thức có hiệu lực vào ngày 29/7/2020 tại Hong Kong.
Tiếp theo đó, theo thống kê ngày 02/8/2020, Hong Kong có 1.519 người đang điều trị, gấp 2,2 lần số người điều trị khi đạt đỉnh dịch lần thứ nhất. Đến ngày 7/8/2020, đã có 3.939 người nhiễm, số người đang điều trị giảm còn 1.273 người. Các chuyên gia cho rằng Hong Kong đã qua đỉnh dịch lần thứ 2, tuy nhiên dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp đòi hỏi các cấp chính quyền cần đề cao cảnh giác và sẵn sàng có những phương án để ứng phó khi số ca lây nhiễm gia tăng tăng trở lại.
Tại Nhật Bản, theo thống kê, làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần đầu đã đạt đỉnh vào ngày 29/4/2020 với 11.443 người đang điều trị ở các bệnh viện. Đến ngày 5/6/2020, số người đang điều trị còn 1.248 người, đạt ngưỡng an toàn dịch của Nhật là 1.264 người (ngày 21/6/2020 chỉ còn 770 người đang điều trị). Tức là sau 143 ngày, Nhật đã khống chế dịch thành công. Tuy nhiên, do mở cửa trở lại các hoạt động thương mại, sau đó 1 tháng, ngày 5/7/2020, Nhật Bản ghi nhận những ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đến ngày 9/7 Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 224 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thành phố này. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở Tokyo kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Nhật Bản. Và Nhật được xác định đã bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Theo số liệu thống kê riêng của báo Asahi (Nhật Bản), trong giai đoạn được gọi là làn sóng lây nhiễm thứ nhất kéo dài 2 tháng bắt đầu từ cuối tháng 3/2020, số người mắc Covid-19 tại nước này vào khoảng 15.000 người, trong khi đó số người mắc mới trong làn sóng lây nhiễm thứ 2 theo cách gọi của các chuyên gia, tính từ cuối tháng 6/2020 tới cuối ngày 19/8, tổng số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản là 58.848 người (không tính 712 ca nhiễm trên du thuyền Diamond Princes), trong đó 1.262 ca tử vong.
Theo tính toán, các chuyên gia cảnh báo, mặc dù Nhật Bản đã qua đỉnh dịch lần 2, song khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3 hoặc thứ 4 rất có thể xảy ra nếu người dân không tuân thủ các yêu cầu trong công tác phòng chống, dịch một cách nghiêm túc và triệt để.
Tại Hàn Quốc, được đánh giá là quốc gia có nhiều thành công trong việc khống chế làn sóng lây nhiễm virus Corona đầu tiên, khi chỉ mất 2 tuần để làm việc này. Theo đó, trong đợt bùng phát đầu tiên, mặc dù ở gần Trung Quốc, nơi được coi là tâm dịch, song Hàn Quốc đã duy trì được tỷ lệ lây nhiễm cũng như tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều so với Mỹ hay các nước châu Âu khi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Số người thiệt mạng do Covid-19 của Hàn Quốc tính đến ngày 24/5 là 267 người, tức là 5 người chết trên 1 triệu dân. Đây là con số khá thấp nếu so với tỷ lệ 300 người chết trên 1 triệu dân ở Mỹ, 544 người ở Italy, 555 người ở Anh, hay 600 người ở Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, cũng chỉ mới mở cửa trở lại một thời gian ngắn, số ca nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc có dấu hiệu tăng trở lại. Báo cáo cập nhật sáng 22/6 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, Hàn Quốc đã ghi nhận 17 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 12.438 ca.
Theo đánh giá, làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần thứ 2 diễn ra tại Hàn Quốc có nhiều phức tạp, theo đó, ngày 24/8, KCDC thông báo có thêm 280 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 toàn quốc lên 17.945 ca với 310 người chết. Và đây đã là ngày thứ 12 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 3 con số. Điều đáng lo ngại là lần này, số ca nhiễm mới tập trung ở Seoul và các địa phương lân cận thủ đô, nơi có dân cư đông, mật độ dân số cao. Các cơ quan phòng dịch cho biết tốc độ lây lan lần này còn nhanh hơn làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất tại thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang. Các quan chức y tế Hàn Quốc cho biết nước này đang trên bờ vực bùng phát toàn quốc, kêu gọi mọi người ở nhà, hạn chế đi lại.
Chính quyền Seoul ngày 24/8 lần đầu tiên ra lệnh đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng trong nhà và ở ngoài trời, đóng cửa tất cả địa điểm như nhà thờ, hộp đêm, quán bar, quán karaoke và những nơi có rủi ro lây nhiễm cao khác. Để đối phó với tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, ngày 25/8, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã thông báo tất cả học sinh tại Seoul và khu vực lân cận sẽ chuyển sang học trực tuyến, nhằm ngăn sự gia tăng các ca nhiễm virus corona.
Theo nhận định, làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại Hàn Quốc hiện vẫn đang có những diễn biến khá phức tạp. Do đó, chính phủ Hàn Quốc cần có những ứng phó kịp thời nhằm đối phó với làn sóng dịch đang bùng phát hiện nay.
Tại Việt Nam, với dân số 96,5 triệu người, ngưỡng an toàn dịch được tính toán là 970 người đang điều trị. Tuy nhiên, theo thống kê, thời điểm cao nhất Việt Nam có làn sóng lây nhiễm thứ nhất, chỉ có 178 người nhiễm đang được điều trị, sau đó giảm dần. Ngày 18/6/2020, cả nước chỉ còn 10 người nhiễm đang được điều trị tại các bệnh viện.
Ngày 22/7/2020, sau khi trải qua gần 100 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt ca lây nhiễm tại Đà Nẵng (do tình hình nhập cảnh trái phép) và từ đó lan sang các địa phương khác, Việt Nam được xác định đã bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2. Với những diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tăng mạnh, chỉ sau 2 tuần bùng phát làn sóng lây nhiễm mới, ngày 7/8/2020 có 384 người đang được điều trị, gấp 2,16 lần đỉnh lây nhiễm của làn sóng thứ nhất.
Để ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới, toàn bộ hệ thống chính trị và người dân cả nước một lần nữa tập trung khoanh vùng, dập dịch, cách ly các đối tượng F1, F2… Do đã làm tốt công tác chống dịch, Việt Nam thu được những kết quả tích cực. Đến ngày 31/8/2020, Việt Nam có 1040 ca nhiễm, trong đó đã có 695 người đã được chữa khỏi, hiện còn 311 người đang điều trị.
Mặc dù, làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam nghiêm trọng hơn so với lần thứ nhất, song Việt Nam đã kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng rất tốt với các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội vùng có dịch, sát khuẩn và giữ cho số người bị lây nhiễm thấp. Tính đến sáng ngày 31/8/2020, Việt Nam đã qua 36 giờ không có ca nhiễm mới và có thể nói làn sóng Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam đã được kiểm soát.
Trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến mới, phức tạp. Đặc biệt, một số nước ở châu Á như Indonesia, Ấn Độ... vẫn chưa vượt qua làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần thứ nhất, với nhiều diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới tăng mạnh mỗi ngày. Trong đó, theo báo Times của Ấn Độ, trong ngày 30/8, Ấn Độ có 80.092 ca nhiễm mới trong một ngày, đạt mức cao kỷ lục thế giới và quốc gia này đang trở thành tâm dịch mới của thế giới. Đáng lo ngại hơn là tỉ lệ lây nhiễm mới ở Ấn Độ hiện vẫn ở mức cao. Theo đó, ở tuần thứ 3 của tháng 8 tỷ lệ này là 13,1%, gấp gần 3 lần so với tỷ lệ 4,7% của tuần trước đó. Trong 4 ngày liên tiếp 27-30/8, ngày nào Ấn Độ cũng có hơn 1.000 người tử vong do Covid-19. Tính đến ngày 31/8/2020, tổng cộng Ấn Độ có hơn 3,6 triệu ca nhiễm và khoảng 64.617 trường hợp tử vong do Covid-19.
Còn tại Indonesia, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp khi hơn 5 tháng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở quốc gia này, đến nay số ca nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu giảm và số người tử vong vẫn tăng mạnh. Trong tháng 8, Indonesia liên tục chứng kiến các ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục. Trong khi năng lực xét nghiệm của Indonesia vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đồng đều. Báo cáo ngày 20/8 cho thấy, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các nước ASEAN khác cộng lại.
Bên cạnh đó, trước những nghiên cứu và thống kê, giới khoa học nhận định làn sóng Covid-19 thứ hai, thậm chí thứ ba đang tấn công nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, đưa khu vực này vào giai đoạn chống dịch mới được dự báo sẽ khó khăn bởi sự biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 với khả năng lây lan mạnh hơn, cùng sự quá tải của hệ thống y tế ở một số quốc gia khi dịch bệnh liên tục có sự bùng phát mạnh mẽ và phức tạp hơn đợt 1. Tuy nhiên, nhận định về triển vọng đối phó với làn sóng Covid-19 thứ 2, các chuyên gia y tế cho rằng, các chính phủ đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với dịch bệnh sau những kinh nghiệm thực tế thu thập được từ quá trình phòng chống dịch ban đầu. Đặc biệt là sự ứng phó kịp thời của Chính phủ mỗi quốc gia với sự đồng lòng phối hợp trong thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh của cộng đồng người dân. Đó có thể coi là chìa khóa để châu Á vượt qua những thách thức trong giai đoạn chống dịch mới. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo công tác phòng chống dịch tại châu Á cũng như tại mỗi quốc gia vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, cần nâng cao cảnh giác và đảm bảo các ổ dịch nhỏ nhanh chóng được phát hiện và khoanh vùng để không lan rộng thành các ổ dịch lớn và khó kiểm soát./.
Gia Linh